Summary
The digital content industry, including online education, entertainment, and e-commerce, has attracted numerous participants and achieved enormous revenues, especially through social platforms. However, tax management for this industry still faces many difficulties, including the phenomenon of "tax on tax" when creators have to pay taxes in both Vietnam and abroad, lack of transparency in tax declaration, and difficulties in collecting accurate data on the business activities of individual content creators. The study analyzes the current situation and proposes recommendations related to tax management for digital content creation activities in Vietnam.
Keywords: tax management, digital content creation activities
GIỚI THIỆU
Nội dung số là bất kỳ nội dung nào tồn tại dưới dạng dữ liệu số, bao gồm không chỉ các tài liệu, âm thanh, video được chuyển đổi từ dạng vật lý sang tệp số, mà còn cả những nội dung hoàn toàn mới với tính tương tác cao, mang đến trải nghiệm độc đáo cho người dùng (Phạm, 2022).
Ngành công nghiệp nội dung số xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1990 nhưng chỉ mới phát triển vào những năm gần đây với các loại hình dịch vụ giáo dục trực tuyến hay trò chơi tương tác (Bùi, 2020). Đến nay, ngành này đã mở rộng và tập trung vào các nội dung: Phát triển nội dung số cho internet; Phát triển nội dung số cho mạng điện thoại di động; Giáo dục điện tử trực tuyến elearning; Cơ sở dữ liệu và những nội dung số phục vụ giải trí (Bùi, 2020).
Quản lý thuế cho nội dung số là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, nhằm đảm bảo công bằng và hiệu quả tài chính (Kowol và Picard, 2014). Trong đó, việc áp dụng các biện pháp thuế hoặc phí nội dung không chỉ nhằm tạo ra nguồn thu bổ sung, mà còn đảm bảo rằng các nhà sáng tạo nội dung được đền bù công bằng, giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo, khuyến khích sáng tạo và nội dung có giá trị xã hội.
Quản lý thuế đối với nội dung số tại Việt Nam định hướng tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm hiện đại hóa và cải cách hệ thống quản lý thuế (Phạm, 2023). Ngành Thuế cũng tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật như điện toán đám mây, Internet vạn vật, và trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng thời kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và nâng cao an ninh thông tin, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ chuyển đổi số (Phạm, 2023).
Tuy nhiên, quản lý thuế đối với hoạt động sáng tạo nội dung số tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều hạn chế, nổi bật là tình trạng "thuế chồng thuế" do Hiệp định tránh đánh thuế hai lần chưa có hiệu lực ở nhiều nước (Tạ, 2023). Bên cạnh đó, mức thuế suất cố định của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thiếu tính lũy tiến, gây bất công cho người có doanh thu thấp và hành lang pháp lý chưa đồng bộ khiến việc kê khai và hưởng ưu đãi thuế gặp khó khăn.
Qua đó, nghiên cứu thực trạng và các vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động sáng tạo nội dung số tại Việt Nam là cần thiết để hoàn thiện hệ thống thuế, đảm bảo công bằng cho các nhà sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế số. Sự điều chỉnh này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn thu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành nội dung số.
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO NỘI DUNG SỐ TẠI VIỆT NAM
Thực trạng chính sách thuế đối với hoạt động sáng tạo nội dung số tại Việt Nam
Đối với các doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung số tại Việt Nam
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam áp dụng mức thuế TNDN thông thường là 20%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này nếu đạt các điều kiện đặc thù có thể được hưởng ưu đãi thuế, chẳng hạn như: miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao hoặc phần mềm. Đây là chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp nội dung số tương tự như ngành phần mềm (Tạ, 2023).
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC, ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thì thuế GTGT đối với doanh nghiệp sáng tạo nội dung số được áp dụng khác nhau tùy theo nguồn thu nhập. Cụ thể, thu nhập từ thị trường nước ngoài hưởng mức thuế ưu đãi 0%, nhằm khuyến khích mở rộng ra quốc tế, trong khi thu nhập từ thị trường Việt Nam chịu mức thuế 10%, phù hợp với quy định chung về thuế suất trong nước. Chính sách này đảm bảo sự minh bạch và thúc đẩy phát triển ngành (Trịnh, 2023).
Đối với các cá nhân, hộ kinh doanh tham gia sáng tạo nội dung số tại Việt Nam
- Về TNCN. Đối với những cá nhân hoạt động trên nền tảng mạng xã hội, có phát sinh thu nhập, thì căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP (ngày 16/3/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh), có thể được coi là cá nhân kinh doanh. Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế TNCN (Nguyễn và Dương, 2024). Ngoài ra, Theo Thông tư số 40, thuế TNCN đối với các cá nhân sáng tạo nội dung số tại Việt Nam áp dụng mức thuế suất 1% đối với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam khi tổng doanh thu từ hoạt động sáng tạo nội dung của cá nhân trong năm vượt 100 triệu đồng/năm (Trịnh, 2023).
- Về thuế GTGT. Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định hộ kinh doanh, cá nhân sáng tạo nội dung số có tổng doanh thu từ hoạt động sáng tạo nội dung trong năm dương lịch không vượt quá 100 triệu đồng thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT theo quy định pháp luật về thuế GTGT (Dương, 2024). Cũng theo Thông tư này, đối với cá nhân sáng tạo nội dung số tại Việt Nam, nếu doanh thu vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm, thì thuế GTGT được áp dụng như sau: đối với thu nhập từ thị trường trong nước (lượt xem trong nước), cá nhân sẽ chịu mức thuế VAT 2%. Còn đối với thu nhập từ thị trường nước ngoài (lượt xem từ nước ngoài), cá nhân sẽ chịu mức thuế VAT 0%. Chính sách này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân khi khai thác thị trường quốc tế và giảm bớt gánh nặng thuế trong nước (Trịnh, 2023).
Vấn đề thuế chồng thuế quốc tế
Các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế, như YouTube hoặc Facebook, thường đối mặt với hiện tượng "thuế chồng thuế". Ví dụ, doanh thu từ các lượt xem tại Mỹ có thể bị khấu trừ 30% thuế bởi cơ quan thuế Mỹ trước khi về Việt Nam, và tại Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế TNCN). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (bao gồm 10% GTGT và 20% thuế TNDN). Đây là một thách thức lớn, nhất là khi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ chưa có hiệu lực (Trịnh, 2023).
Thuế nhà thầu nước ngoài
Nhà sáng tạo nội dung số nước ngoài, bao gồm các cá nhân và tổ chức như: streamer, YouTuber, TikToker hay freelancer, khi hợp tác kinh doanh tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định thuế theo Thông tư 103/2014/TT-BTC. Đối với tổ chức, nghĩa vụ thuế bao gồm thuế GTGT với mức từ 2%-5% và thuế TNDN dao động từ 0,1%-10%, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh (Bùi, 2023). Trong trường hợp là cá nhân, các khoản thuế phải nộp bao gồm GTGT và TNCN. Cụ thể, cá nhân không cư trú tại Việt Nam (không có mặt từ 183 ngày trở lên trong năm hoặc không có nơi ở thường xuyên) chịu mức thuế TNCN cố định là 20%, không áp dụng giảm trừ gia cảnh. Ngược lại, cá nhân cư trú sẽ áp dụng biểu thuế lũy tiến theo quy định pháp luật hiện hành trú (Nguyễn, 2022).
Thực trạng công tác quản lý thuế đối với hoạt động sáng tạo nội dung số tại Việt Nam
Đối tượng nộp thuế
Đối tượng sáng tạo nội dung rất đa dạng và trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, đối tượng này trở thành những người nộp thuế quan trọng tại thị trường Việt Nam. Nhà sáng tạo nội dung có thể là các YouTuber, TikToker, blogger, streamer hoặc những người làm nội dung cho các trang mạng xã hội khác (Phạm, 2022). Họ tạo ra các sản phẩm, như: video, bài viết, hình ảnh và livestream, để thu hút người xem. Nguồn thu nhập của những người sáng tạo nội dung cũng vô cùng đa dạng từ quảng cáo, hợp tác với các thương hiệu, tự bán sản phẩm mang nhãn hiệu của mình và gây quỹ cộng đồng.
Ứng dụng phần mềm trong quản lý thuế
Năm 2023, Tổng cục Thuế đã mở rộng triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử đối với cá nhân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc quyết toán thuế. Tổng cục Thuế đã cho ra mắt những phần mềm hay ứng dụng, như: ứng dụng Hỗ trợ khai thuế (HTKK) nhằm giúp cho cá nhân kê khai thuế TNCN và kết xuất tờ khai để nộp bằng phương thức điện tử; ứng dụng Etax Mobile trên thiết bị di động thông minh giúp cá nhân có thể tra cứu rất nhiều thông tin liên quan đến thuế (Nguyễn, 2023). Tất cả các ứng dụng trên đều được cung cấp miễn phí cho người nộp thuế.
Kê khai, nộp thuế
Tại Việt Nam, chưa có quy định cụ thể về việc các nhà sáng tạo nội dung cần phải kê khai và nộp thuế, chủ yếu họ dựa vào hiểu biết cá nhân hoặc thuê một bên chuyên về thuế và pháp lý để hỗ trợ nộp thuế. Nhiều nhà sáng tạo nội dung không công khai thông tin về doanh thu của họ, dẫn đến việc cơ quan thuế khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ thuế. Sự thiếu minh bạch này có thể xuất phát từ việc họ không nhận thức được trách nhiệm kê khai hoặc do sự e ngại về quyền riêng tư. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế thường thiếu dữ liệu đầy đủ về hoạt động kinh doanh của nhà sáng tạo nội dung, vì họ có nguồn thu vô cùng đa dạng và khó truy xuất.
Mặc dù hiện nay ngành thuế đã triển khai giải pháp cho người nộp thuế theo hình thức giao dịch điện tử thông qua 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (Nguyễn, 2023), tuy nhiên các biện pháp này mới chỉ hỗ trợ giải quyết được một phần nhỏ các thủ tục của người nộp thuế đặc biệt là với các nhà sáng tạo nội dung. Những hình thức hỗ trợ này chưa được nhiều nhà sáng tạo nội dung biết đến và sử dụng vì tính phổ biến chưa cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Nhà sáng tạo nội dung hoạt động trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau và mỗi nền tảng có cách thức hoạt động cũng như quy định riêng (Phạm, 2022). Những nền tảng nơi nội dung số đang rất phát triển chủ yếu đến từ nước ngoài, mà hành lang pháp lý đối với quản lý hoạt động xuyên biên giới của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam chưa hoàn thiện, vì thế dẫn đến việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn. Việc thanh tra và kiểm tra thuế đối với nhà sáng tạo nội dung đòi hỏi kỹ năng phân tích cao để đánh giá tính hợp lý của các nguồn thu nhập và chi phí. Tuy nhiên, nhiều cán bộ thuế chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, công nghệ và các nền tảng trực tuyến liên tục thay đổi, điều này khiến cho quy định pháp lý cũng cần phải cập nhật thường xuyên để theo kịp với thực tế. Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách có thể dẫn đến những lỗ hổng trong quản lý thuế.
Vấn đề phối hợp giữa cơ quan thuế, các nền tảng số và nhà sáng tạo nội dung
Vấn đề phối hợp giữa cơ quan thuế, các nền tảng số và nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thuế. Thách thức lớn nhất là sự thiếu thông tin từ các nền tảng khi không được cung cấp đầy đủ dữ liệu về doanh thu của nhà sáng tạo nội dung cho cơ quan thuế. Điều này làm cho việc xác định nghĩa vụ thuế trở nên khó khăn, vì cơ quan thuế không có đủ dữ liệu để thực hiện thanh tra hoặc kiểm tra cần thiết. Hơn nữa, việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và các nền tảng số còn hạn chế do các quy định hiện hành chưa thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu.
Đánh giá thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động sáng tạo nội dung số tại Việt Nam
Kết quả đạt được
Chính sách thuế đối với cá nhân và tổ chức sáng tạo nội dung số tại Việt Nam đã đạt kết quả đáng chú ý. Tổng thu thuế nhà thầu từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, Microsoft đã đạt 5.458 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân 130% mỗi năm. Các cá nhân sáng tạo nội dung cũng đóng góp vào khoản thu này. Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, triển khai từ tháng 3/2022, giúp việc kê khai thuế trở nên thuận tiện hơn, với khoảng 2,4 triệu USD thuế được nộp chỉ trong ba tháng. Các cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải chịu thuế GTGT và thuế TNCN, trong khi doanh thu từ thị trường trong nước phải chịu thuế GTGT 2% và thuế TNCN 1%. Chính sách này giúp minh bạch thuế và khuyến khích phát triển nội dung số (Đặng, 2022).
Trong công tác quản lý thuế đối với nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và áp dụng các ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế. Ngành thuế đã thực hiện thanh tra và kiểm tra nhiều doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số nhằm nâng cao hiểu biết và kịp thời kiểm tra nguồn thu và đóng thuế. Đồng thời, việc triển khai nhiều ứng dụng điện tử hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung đăng ký và kê khai thuế thuận lợi, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế. Những kết quả này không chỉ tăng cường nguồn thu ngân sách mà còn tạo điều kiện pháp lý rõ ràng hơn cho nhà sáng tạo nội dung hoạt động.
Hạn chế và nguyên nhân
Về mặt chính sách, hệ thống pháp luật và nguyên tắc thu thuế hiện nay chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh của kinh tế số và dịch vụ xuyên biên giới. Nguyên nhân chính là tốc độ thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh mới, sự phức tạp trong việc xác định địa điểm giao dịch, và thiếu sự phối hợp quốc tế trong xây dựng khung pháp lý chung (Nguyễn, 2022). Một số doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo nội dung số trong nước còn gặp khó khăn trong việc kê khai, hạch toán chi phí, dẫn đến không được hưởng những ưu đãi về thuế do chưa có chưa có hệ thống quy định rõ ràng và đồng bộ về việc thu thuế đối với thu nhập từ các nền tảng trực tuyến (Lê, 2023). Việc áp dụng mức thuế suất thuế TNCN 1% đối với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam khi tổng doanh thu từ hoạt động sáng tạo nội dung của cá nhân trong năm vượt 100 triệu đồng/ năm, dù thu nhập rất cao hay chỉ vừa bằng 100 triệu, chưa phản ánh đúng tính chất lũy tiến trong chính sách thuế TNCN hiện nay. Điều này không công bằng với những người sáng tạo nội dung có doanh thu thấp hơn.
Về công tác quản lý, hoạt động sáng tạo nội dung tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng gặp nhiều thách thức về thuế do tính đa dạng của nguồn thu nhập và các quy định khác nhau. Người sáng tạo nội dung thường tự kê khai và nộp thuế cho các khoản thu từ quảng cáo, hợp tác thương hiệu và bán sản phẩm kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và dữ liệu từ các nền tảng số khiến cơ quan thuế khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ thuế. Hơn nữa, quy định hiện hành không thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và các nền tảng số, làm giảm hiệu quả quản lý thuế. Để cải thiện tình hình, cần thiết phải xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ và tăng cường trao đổi thông tin giữa các bên liên quan.
MỘT SÓ KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở thực trạng nêu trên, để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động sáng tạo nội dung số ở Việt Nam, nhóm tác giả có một số kiến nghị sau.
Về mặt chính sách, Việt Nam nên xem xét tạo điều kiện để các cá nhân và doanh nghiệp sáng tạo nội dung, khi đã chịu thuế tại các quốc gia có quy định đánh thuế hai lần, như Mỹ, được khấu trừ một phần thuế đã nộp ở nước ngoài khi tính thuế tại Việt Nam. Nếu thỏa thuận chống đánh thuế hai lần chưa thể thực hiện ngay, cần xem xét giảm thuế GTGT hoặc thuế TNCN cho thu nhập từ các nền tảng quốc tế như YouTube. Để hỗ trợ cạnh tranh quốc tế, chính phủ cũng nên triển khai các gói ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, như giảm thuế TNDN hoặc TNCN. Việt Nam có thể hợp tác với các nền tảng quốc tế như YouTube, TikTok nhằm thống nhất cách thức thu thuế minh bạch, công bằng, bao gồm chia sẻ thông tin doanh thu với cơ quan thuế. Đồng thời, cần cung cấp tài liệu, video hướng dẫn, công cụ trực tuyến, và tổ chức hội thảo hỗ trợ kê khai thuế, đảm bảo người sáng tạo dễ dàng tiếp cận ưu đãi thuế. Ngoài ra, cần điều chỉnh mức thuế cố định thành thuế lũy tiến, phân loại cá nhân và doanh nghiệp lớn, giúp phản ánh tính công bằng, khuyến khích sự phát triển của ngành sáng tạo nội dung số.
Về công tác quản lý, Việt Nam cần xem xét triển khai một số giải pháp quan trọng. Đầu tiên, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cần được phát triển cụ thể hơn về dữ liệu về người nộp thuế, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và theo dõi nghĩa vụ thuế. Tiếp theo, cần cải cách quy trình thanh tra, kiểm tra bằng cách áp dụng các phương pháp thanh tra mới nhằm nâng cao tính khách quan và hiệu quả trong việc phát hiện vi phạm. Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo cán bộ thuế để cải thiện năng lực chuyên môn và kỹ thuật, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý trong bối cảnh kinh tế số. Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác liên ngành, cải thiện sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các bộ ngành khác và các nền tảng số để tạo ra một môi trường quản lý thuế đồng bộ và hiệu quả hơn./.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi, D. (2020). Phân tích những tác động của công nghiệp nội dung số ở Việt Nam tới hoạt động thông tin - thư viện. truy cập từ https://dulieu.itrithuc.vn/media/dataset/2020_08/ky-yeu-hoi-thao-cdsp-hue-3_6_1600002.pdf.
2. Diệu, T. (2023), Phát triển công nghiệp nội dung số: Giải “bài toán” bảo vệ bản quyền số, truy cập từ https://vneconomy.vn/phat-trien-cong-nghiep-noi-dung-so-giai-bai-toan-bao-ve-ban-quyen-so.htm.
3. Kowol, K., Picard, R. (2014), Content Taxes in the Digital Age, Issues in Supporting Content Production with Levies on ISPs, Telecoms, Search and Aggregator Firms, and Digitalproducts, 42(2).
4. Lê, A.V. (2023), Ngành sáng tạo nội dung số trong nước đang chịu cảnh ‘thuế chồng thuế’?, truy cập từ https://vov.vn/xa-hoi/nganh-sang-tao-noi-dung-so-trong-nuoc-dang-chiu-canh-thue-chong-thue-post1010949.vov.
5. Nguyễn, H. (2023), Về quản lý thuế thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 7/2023.
6. Nguyễn, N. (2023), Lần đầu có giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số ở Việt Nam, truy cập từ https://dantri.com.vn/suc-manh-so/lan-dau-co-giai-thuong-trong-linh-vuc-sang-tao-noi-dung-so-o-viet-nam-20230912141508367.htm.
7. Nguyễn, T.Q. (2022), quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM236174.
8. OECD (2019), The changing tax compliance environment and the role of audit, https://doi.org/10.1787/9789264282186-en.
9. Phạm, T. (2023), Định hướng quản lý thuế trên nền tảng số, truy cập tư fhttps://tapchitaichinh.vn/dinh-huong-quan-ly-thue-tren-nen-tang-so.html.
10. Trịnh, N.Q. (2023), Giảm bớt gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số, truy cập từ https://congthuong.vn/giam-bot-ganh-nang-ve-thue-len-vai-nhung-nha-sang-tao-noi-dung-so-viet-nam-248484.html.
Nguyễn Thị Lâm Anh - Học viện Ngân hàng,
Lê Hà Thùy An - Học viện Ngân hàng,
Nguyễn Hiền Trang - Học viện Ngân hàng,
Lê Cẩm Vân - Học viện Ngân hàng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01, tháng 01/2025)