Một phi công có 7 năm kinh nghiệm tại sân bay quốc tế Muan cho biết, ông chưa từng được thông báo về sự tồn tại của một cấu trúc bê tông chứa thiết bị định vị trên đường băng của sân bay.
Phi công cũng thừa nhận ông không thể phân biệt được cấu trúc bê tông này với gò đất.
"Tôi đã nhìn thấy cấu trúc này từ trên không trong vô số lần cất cánh và hạ cánh máy bay. Tôi vẫn nghĩ rằng đó chỉ là một gò đất. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó được làm bằng bê tông", phi công cho biết.
"Không có bất kỳ dấu hiệu nào trên bản đồ sân bay hoặc trong các tài liệu hướng dẫn chỉ ra rằng gò đất này thực chất là một cấu trúc bê tông cao 2m, dày 4m. Các phi công khác cũng không biết về kết cấu thực sự của nó", phi công nói thêm.
Phi công cũng đề cập đến vấn đề máy bay va chạm với chim, được cho là nguyên nhân có thể gây ra vụ tai nạn tại sân bay Muan.
Ông cho biết các phi công thường xuyên theo dõi hoạt động của chim thông qua Dịch vụ Thông tin Nhà ga Sân bay.
"Theo kinh nghiệm của tôi, chim va vào máy bay xảy ra khoảng một lần mỗi năm, thường chỉ ảnh hưởng đến cánh máy bay. Chúng tôi luôn kiểm tra điều kiện thời tiết thông qua tần số và sân bay Muan gần đây đã phát cảnh báo hàng ngày về hoạt động của chim. Các kiểm soát viên không lưu cũng thông báo cho chúng tôi nếu chim xuất hiện trên đường băng", ông cho biết.
Sáng 29/12, một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air, chở tổng cộng 181 người từ Bangkok (Thái Lan), gặp sự cố với càng đáp khi tìm cách hạ cánh xuống sân bay quốc tế Muan, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 288km.
Vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng, chỉ có 2 tiếp viên may mắn sống sót.
Vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã đặt ra nhiều nghi vấn về các lỗi thiết kế cũng như thiếu sót trong quá trình vận hành sân bay.
Các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố được cho là góp phần dẫn đến thảm kịch hàng không này, bao gồm đường băng ngắn, thiếu biện pháp giảm thiểu rủi ro va chạm với chim và kinh nghiệm hạn chế khi vận hành sân bay.
Ngoài ra, các chuyên gia hàng không cho biết, giới chức trách sân bay ở Hàn Quốc cần phải giải trình về bức tường bê tông mà máy bay Jeju Air đã đâm vào khiến 179 người thiệt mạng.
Chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu David Learmount nói với hãng tin Sky News rằng, việc máy bay va chạm với bức tường bê tông, vốn được sử dụng để hỗ trợ hệ thống dẫn đường ở cuối đường băng, chính là "yếu tố mang tính quyết định" gây ra thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Theo ông Learmount, hành khách trên máy bay vẫn có cơ hội sống sót cao sau khi phi công đưa máy bay đáp xuống đất, mặc dù đang trượt về phía trước với tốc độ cao. Tuy nhiên, khi máy bay đến cuối sân bay và đâm vào bức tường bê tông hỗ trợ dẫn đường, máy bay gần như bị phá hủy ngay lập tức.
Bản đồ vệ tinh cho thấy bức tường bê tông này đã được xây dựng nhiều năm trước. Nó có hệ thống hỗ trợ hạ cánh, giúp phi công đáp máy bay vào ban đêm hoặc khi tầm nhìn kém. Tại hầu hết sân bay, hệ thống này được đặt trên các bức tường có thể thu gọn hoặc tháo lắp.
Ông Learmount nói: "Xây dựng một vật cứng cách khoảng 200m hoặc ngắn hơn ở gần đầu mút đường băng là điều tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ đâu trước đây".
Nếu máy bay không đâm vào bức tường này, ông cho rằng nó sẽ đâm xuyên qua hàng rào, trượt qua đường và có thể dừng lại ở cánh đồng bên cạnh. Chuyên gia khẳng định, có đủ không gian để máy bay giảm tốc độ và dừng hẳn, và hành khách sẽ sống sót.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/phi-cong-he-lo-them-ve-vat-the-bat-thuong-trong-tham-kich-may-bay-han-quoc-a311097.html