Chiến dịch tuyệt mật: Đặc nhiệm Israel đột kích phá hầm tên lửa của Iran

() - Đặc nhiệm không quân Israel đã mở một chiến dịch đột kích táo bạo nhằm phá hủy cơ sở chế tạo tên lửa ngầm của Iran nằm sâu dưới lòng đất ở Syria.

Chiến dịch tuyệt mật: Đặc nhiệm Israel đột kích phá hầm tên lửa của Iran - 1

Các đặc nhiệm Shaldag của không quân Israel chuẩn bị thực hiện cuộc đột kích vào nhà máy tên lửa Iran ở Syria, ngày 8/9/2024 (Ảnh: IDF).

Không quân Israel (IAF) ngày 2/1 đã tiết lộ thông tin chi tiết về một trong những chiến dịch biệt kích táo bạo và phức tạp nhất từ trước đến nay của lực lượng này.

Theo đó, 120 thành viên thuộc các đơn vị đặc nhiệm Israel đã đột kích và phá hủy một nhà máy sản xuất tên lửa ngầm của Iran nằm sâu trong lãnh thổ Syria vào tháng 9/2024.

Khi đó, chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad vẫn đang nắm quyền ở Syria và quân đội Israel chưa phát động chiến dịch chống lại Hezbollah ở Li Băng.

Cuộc đột kích, được lực lượng phòng vệ Israel (IDF) gọi là "Chiến dịch đa cách thức", nhằm mục đích phá hủy một cơ sở ngầm mà Iran sử dụng để sản xuất tên lửa tấn công chính xác cho cả Hezbollah và chính quyền của cựu Tổng thống Assad.

Căn cứ bị đột kích được quân đội Israel đặt mật danh là "Deep Layer" nằm sâu trong một ngọn núi tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học (CERS) ở khu vực Masyaf của Syria, phía tây Hama. Địa điểm này nằm cách biên giới Israel hơn 200km về phía bắc và cách bờ biển phía tây của Syria khoảng 45km.

Theo IDF, đây chính là dự án chủ chốt của Iran trong nỗ lực trang bị vũ khí cho Hezbollah.

Cuộc đột kích do đơn vị tinh nhuệ Shaldag của IAF phối hợp cùng với đơn vị tìm kiếm và cứu nạn 669 thực hiện. Không có binh lính Israel nào bị thương trong toàn bộ chiến dịch.

Cơ sở chế tạo tên lửa ngầm của Iran

Iran bắt đầu lên kế hoạch cho "Deep Layer" từ năm 2017 sau khi bị Israel không kích ở CERS phá hủy một địa điểm sản xuất động cơ tên lửa bố trí trên mặt đất.

Vì vậy, căn cứ mới mà Iran xây dựng nằm sâu từ 70-130m dưới lòng đất và do đó hầu như không thể bị phá hủy từ trên không.

Iran bắt đầu đào sâu vào ngọn núi tại trung tâm nghiên cứu kể trên từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, IDF cho biết họ đã có thông tin tình báo về cơ sở này ngay từ khi bắt đầu xây dựng.

Đến năm 2021, Iran hoàn tất công tác đào khoét và xây lắp, sau đó bắt đầu đưa thiết bị vào sản xuất hàng loạt tên lửa. Những năm tiếp theo, nhiều thiết bị tiếp tục được vận chuyển tới đây và các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trên dây chuyền sản xuất.

Cơ sở này được xây dựng theo hình móng ngựa, có một lối vào ở sườn núi để lấy nguyên liệu thô và một lối ra gần đó để lấy tên lửa đã hoàn thiện. Một lối vào thứ ba liền kề với hai lối vào kia được sử dụng cho mục đích tiếp vận hậu cần cũng như để đến các văn phòng bên trong căn cứ. Khu vực văn phòng cũng được kết nối với nhà xưởng sản xuất bên trong.

Dọc theo cấu trúc hình móng ngựa có ít nhất 16 phòng chứa dây chuyền sản xuất tên lửa.

Cơ sở này vẫn chưa hoạt động đầy đủ khi Israel tiến hành chiến dịch đột kích nhưng đã đi đến những giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Ít nhất 2 tên lửa đã được sản xuất thành công sau quá trình thử nghiệm và động cơ tên lửa đã được sản xuất hàng loạt.

Lực lượng phòng vệ Israel đánh giá cơ sở sẽ được Iran sử dụng để sản xuất từ 100-300 tên lửa mỗi năm, gồm cả tên lửa tầm xa có tầm bắn lên tới 300km, tên lửa dẫn đường chính xác có tầm bắn 130km và tên lửa tầm ngắn có tầm bắn từ 40-70km.

Theo IDF, cơ sở này tương đối gần biên giới với Li Băng, được cho là sẽ thay thế phương pháp Iran vận chuyển tên lửa hay các bộ phận khác từ lãnh thổ của mình đến Li Băng qua Syria. Những đoàn xe như vậy đã bị IAF tấn công nhiều lần trong nhiều năm. 

Chiến dịch tuyệt mật: Đặc nhiệm Israel đột kích phá hầm tên lửa của Iran - 2

Hình ảnh đồ họa do quân đội Israel công bố ngày 2/1 cho thấy vị trí một nhà máy tên lửa ngầm của Iran được xây dựng gần khu vực Masyaf, Syria (Ảnh: IDF).

Chuẩn bị đột kích

Ý tưởng chung về chiến dịch đột kích và phá hủy cơ sở đã bắt đầu hình thành từ nhiều năm trước, nhưng chỉ khi Israel phát động cuộc chiến tranh đa mặt trận như hiện nay thì các quan chức cấp cao nước này mới bắt đầu xem xét nó như một khả năng nghiêm túc.

Đơn vị đặc nhiệm Shaldag trực thuộc không quân Israel đã được "chọn mặt gửi vàng" để thực hiện nhiệm vụ dựa trên khả năng và quá trình đào tạo của họ. Ngoài ra, IAF cũng nghĩ rằng sẽ hiệu quả hơn nếu thực hiện cuộc đột kích bằng lực lượng đặc biệt riêng thay vì một đơn vị biệt kích từ lục quân hoặc hải quân.

Hai tháng trước khi diễn ra cuộc đột kích, Shaldag và các thành viên của đơn vị 669 đã thục luyện nhuần nhuyễn cho chiến dịch bằng cách tập luyện nhiều mô hình và kịch bản khác nhau, để đảm bảo rằng không có bất cứ điều gì diễn ra ngoài kế hoạch và sẽ luôn có một lực lượng dự phòng.

Các hoạt động thu thập thông tin tình báo cũng đã được tăng cường trước khi tiến hành chiến dịch đột kích như lên kế hoạch cho địa điểm đổ bộ, cách thức xâm nhập và phá hủy cơ sở, bố cục địa hình trông như thế nào và họ có thể phải đối mặt với những mối đe dọa nào, kể cả hệ thống phòng không và lực lượng mặt đất của Syria.

Cuối cùng, Israel cần xác định thời điểm cho chiến dịch. Ngày 8/9/2024 được lựa chọn vì nhiều lý do, trong đó có điều kiện thời tiết quang đãng để trực thăng IAF  vận chuyển binh lính.

Chiến dịch tuyệt mật: Đặc nhiệm Israel đột kích phá hầm tên lửa của Iran - 3

Đặc nhiệm Shaldag thuộc không quân Israel đột kích vào cơ sở chế tạo tên lửa của Iran gần Masyaf, Syria, ngày 8/9/2024 (Ảnh: IDF).

Cuộc tấn công táo bạo

Tối 8/9/2024, 100 biệt kích của Shaldag cùng 20 thành viên khác thuộc đơn vị 669 di chuyển lên 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 Yasur và khởi hành từ một căn cứ không quân ở Israel đến Syria.

Cùng tham gia với họ là 2 trực thăng tấn công khác để hỗ trợ trên không, 21 máy bay chiến đấu, 5 máy bay không người lái và 14 máy bay do thám cùng một số máy bay khác. Ngoài ra, Israel cũng bố trí 30 máy bay nữa chờ sẵn trong trường hợp xảy ra điều gì đó không đúng kế hoạch.

Sáu chiếc trực thăng đã bay qua biển Địa Trung Hải, ở vị trí cách xa bờ biển Li Băng, trước khi bay vào Syria phía trên đường bờ biển của nước này. Các trực thăng được lệnh bay thấp để tránh radar và hệ thống phòng không của Syria.

Vào thời điểm đó, khu vực Masyaf có mật độ phòng không cao thứ hai ở Syria, chỉ sau Damascus, với hàng chục radar và hệ thống phòng thủ có thể phát hiện và tấn công máy bay Israel. 

Tuy nhiên, các trực thăng Israel chỉ mất 18 phút để bay từ bờ biển đến mục tiêu và không bị phát hiện. Theo kế hoạch định sẵn, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của IAF cùng với tàu tên lửa hải quân đồng loạt tiến hành một đợt tập kích quy mô lớn nhằm vào cả cơ sở ở CERS và một số địa điểm khác ở Syria.

Các cuộc tấn công này nhằm mục đích đánh lạc hướng, che giấu quá trình tiếp cận của số trực thăng trên và đánh lừa quân đội Syria để họ tin rằng đây là một cuộc tấn công thông thường của Israel vì Tel Aviv vẫn thực hiện hàng trăm cuộc tấn công như vậy nhiều năm nay, kể cả tại Masyaf. 

Chiếc trực thăng CH-53 Yasur đầu tiên hạ cánh gần lối vào, thả một số lính biệt kích Shaldag xuống mục tiêu, trong khi đó hai trực thăng khác đồng thời hạ cánh tại một vị trí khác nhưng có hướng nhìn ra trung tâm khoa học. Chiếc trực thăng thứ tư tiếp cận sau đó vài phút rồi hạ cánh tại nơi chiếc đầu tiên đáp xuống để thả thêm quân.

Xong xuôi, cả 4 chiếc trực thăng bay đến các vị trí khác trong khu vực, hạ cánh và chờ hơn 2 tiếng để 100 lính biệt kích thực hiện nhiệm vụ của mình.

20 thành viên của đơn vị 669 vẫn ở trên trực thăng nhưng sẽ lao vào hành động nếu có bất kỳ lính biệt kích nào bị thương và không rời đi cho đến khi kết thúc nhiệm vụ. Đơn vị 669 đã mang theo thiết bị y tế để hoạt động như một bệnh viện dã chiến trong trường hợp có người bị thương.

Tại cơ sở mục tiêu, đội biệt kích đầu tiên bắt đầu bảo vệ khu vực, trong khi đội thứ hai tiến về phía lối vào, hạ sát 2 lính canh. Một đội khác triển khai trên một ngọn đồi gần đó để điều khiển máy bay không người lái quan sát cuộc đột kích, đồng thời sẽ hạ bất kỳ ai tiếp cận cơ sở.

Vào ban đêm, binh lính Syria sẽ khóa 3 lối vào cơ sở sản xuất tên lửa và bảo vệ vòng ngoài. IDF cho biết, tại địa điểm này có khá ít lính canh mà đáng ra phải được bố phòng nhiều hơn và không có ai ở bên trong khi tiến hành cuộc đột kích.

Một trong những thách thức lớn nhất của chiến dịch là phải vượt qua những cánh cửa chịu lực rất nặng ở lối vào địa điểm ngầm. Theo các sĩ quan Israel tham gia lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ, đây không hề là nhiệm vụ dễ dàng.

Vào phút thứ 50 của cuộc đột kích, nhóm đặc nhiệm đầu tiên đã phá được một trong những lối vào sử dụng cho mục đích hậu cần và để đến các văn phòng. 

Sau đó, lính Israel đã đến được hai lối vào ở nơi sản xuất, mở chúng bằng xe nâng có sẵn bên trong cơ sở. IDF đã biết trước rằng ở đây sẽ có những thiết bị như vậy và đã cử một số đặc nhiệm tham gia cuộc đột kích đi học chứng chỉ vận hành xe nâng từ trước.

Cùng lúc đó, một nhóm biệt kích khác mang theo thuốc nổ tiếp cận các lối vào. Họ đã mang theo một chiếc xe 4 bánh bằng trực thăng nhằm nhanh chóng di chuyển tại cơ sở mục tiêu để đặt thuốc nổ.

Máy bay chiến đấu tiếp tục ném bom khu vực xung quanh để ngăn chặn hàng chục lính Syria tiếp cận. Tổng cộng, máy bay IAF đã sử dụng 49 quả đạn trong cuộc đột kích.

Sau khi lính biệt kích đã cài tất cả số thuốc nổ, khoảng 300kg, vào một kíp nổ từ xa được đặt ở lối vào địa điểm, tất cả 100 người được sơ tán đến địa điểm hạ cánh ban đầu. Các máy bay trực thăng bay vào từ vị trí chờ của chúng, đón những người lính sau 2 tiếng rưỡi trên mặt đất.

Khi họ đã lên máy bay, chuyên gia về thuốc nổ của Shaldag đã kích nổ số bom, gây ra vụ nổ ước tính tương đương với một tấn thuốc nổ.

Những người lính tham gia chiến dịch cho biết vụ nổ ngầm không những có thể nhìn thấy mà còn cảm nhận được, vì nó giống như "một trận động đất nhỏ".

Sau đó, trực thăng bay khỏi cơ sở trở ra biển, rồi về Israel. Một số thiết bị của họ, bao gồm cả xe bốn bánh, đã bị bỏ lại.

Theo quân đội Israel, hàng trăm binh lính Syria đã đến CERS khoảng một giờ sau khi lực lượng của họ rời đi. Điều đó cho thấy chiến dịch đã diễn ra trong thời gian gấp gáp như thế nào.

IDF đã hạ khoảng 30 lính canh và binh sĩ Syria trong toàn bộ chiến dịch. Truyền thông Syria khi đó đưa tin có 14 người chết và 43 người bị thương.

Lính biệt kích Israel cũng thu thập được một số tài liệu tình báo tại cơ sở chứng minh được đánh giá của họ rằng địa điểm này sắp đi vào hoạt động.

Hiện tại, IDF cho biết cơ sở ngầm này không còn được sử dụng và Iran đã rút khỏi Syria sau khi chế độ của ông Assad sụp đổ.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chien-dich-tuyet-mat-dac-nhiem-israel-dot-kich-pha-ham-ten-lua-cua-iran-a311086.html