Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Summary
Supporting industries are important for economic restructuring towards industrialization and modernization, helping to improve labor productivity and competitiveness, creating value added, contributing to increasing the proportion of the manufacturing industry in the economic structure. The article reviews some policies to promote the development of the supporting industry, summarizes the current state of supporting industry development, thereby proposing some solutions to elevate this industry in our country in the near future.
Keywords: supporting industry, manufacturing industry, industrialization, modernization
GIỚI THIỆU
CNHT có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển CNHT giúp giảm kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa. CNHT còn có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp, đồng thời kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ngành CNHT ở Việt Nam những năm gần đây có bước chuyển mình tích cực, ngày càng gia tăng số doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù đạt được những kết quả tích cực, song ngành CNHT Việt Nam còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành... Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, khả thi để thúc đẩy CNHT ở Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY NGÀNH CNHT PHÁT TRIỂN
Ngày 31/7/2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Đây được cho là văn bản đầu tiên về định hướng phát triển trong CNHT ở Việt Nam. Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển ngành CNHT trong nước, điển hình như: Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư; trong đó sản xuất sản phẩm CNHT được đưa vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (năm 2014, đã bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Tiếp đó là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT; trong đó, quy định 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi bao gồm: dệt - may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao.
Riêng trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản về CNHT, đó là: Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg, ngày 03/4/2017 ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã dành riêng Điều 19 về hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị với nhiều nội dung hỗ trợ cụ thể, xác lập khung khổ pháp lý cao nhất mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện trong hỗ trợ DNNVV sản xuất sản phẩm CNHT.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN
Kết quả đạt được
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) hiện nay đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng Kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhờ những chính sách và các hoạt động hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, CNHT đã có những kết quả tích cực trong thời gian qua. Theo số liệu của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT. Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45%-50%; cơ khí chế tạo đạt 15%-20%; sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5%-20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này cao hơn (Vũ Dung, 2023).
Đối với lĩnh vực cung ứng linh kiện ô tô, đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016 (Nhật Thy, 2023). Ngành CNHT ở Việt Nam những năm gần đây có bước chuyển mình tích cực, ngày càng gia tăng số doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh chứng cho bước tiến của CNHT Việt Nam chính là nhìn từ trường hợp Tập đoàn Samsung. Năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm điện thoại Galaxy S4 và Tab (máy tính bảng). Nhưng Samsung đã không thể tìm được nhà cung ứng nào, dù chỉ để sản xuất linh kiện đơn giản nhất. Nhưng chỉ một năm sau, đã có 4 doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, và từ đó đến nay, danh sách này tăng dần. Tới nay, có khoảng 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung (Nguyễn Quỳnh, 2023). Không chỉ vậy, việc Samsung đầu tư và đưa vào sử dụng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển có quy mô lớn tại Việt Nam vào năm 2022 một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành "cứ điểm" sản xuất toàn cầu của Tập đoàn này.
Ngoài Samsung, cuối năm 2022, Tập đoàn BMW (Đức) đã tiến hành hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) trong việc sản xuất và lắp ráp một số dòng xe của hãng này tại Việt Nam. Theo đó, THACO sẽ sản xuất và lắp ráp 4 dòng sản phẩm chính gồm BMW X3, X5, 3-Series và 5-Series. Thỏa thuận hợp tác này cho thấy, lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất và lắp ráp được những dòng xe cao cấp của một hãng uy tín trên thế giới ngay tại Việt Nam.
Có thể thấy, doanh nghiệp CNHT trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Thành Công, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Một số hạn chế, bất cập
Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp CNHT chưa nhiều, các doanh nghiệp CNHT trong nước phần lớn là những DNNVV, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần được hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng... Ngành CNHT vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, các sản phẩm CNHT tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực, như: dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí, còn những sản phẩm CNHT mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp vẫn do các doanh nghiệp FDI nắm giữ. Cùng với đó, phần nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp CNHT đã được quan tâm đến, nhưng chưa thực sự đúng mức.
Trong khi đó, hiện nay, nguồn nhân lực của ngành CNHT còn nhiều bất cập. Cụ thể, số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng hiện nay rất hạn chế so với nhu cầu của ngành, do sự gia tăng từ nhu cầu trong ngành; sự phát triển về khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.
Về chất lượng, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong các ngành này tại Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển khác. Trong đào tạo ngành kỹ sư chế tạo ở các trường đại học, cao đẳng cũng thường ít hơn các ngành khác. Nhiều doanh nghiệp trong nước chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng, nên có sự thiếu hụt về nhân lực có tay nghề cao, không chủ động nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hiện có do thiếu kinh nghiệm và chưa sáng tạo trong công việc, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ mới. Một khó khăn nữa là các chương trình đào tạo nhìn chung hiện nay vẫn đang có một khoảng “vênh” giữa xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới và tốc độ cải tiến chương trình đào tạo tại nhà trường. Trong nhà trường, đối với cả các chương trình đào tạo kỹ sư, thì cũng đang đào tạo thiên về lý thuyết và rất thiếu thời lượng chương trình thực hành tại nhà trường cũng như tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng, nên doanh nghiệp chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. So với các nước lân cận, chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.
Bên cạnh đó, năng lực đáp ứng và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam hiện nay phần lớn chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng là những tập đoàn quy mô toàn cầu, nhiều doanh nghiệp CNHT có đơn hàng, nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu, nên dẫn đến mất đơn hàng về các đối thủ khác, đó là các doanh nghiệp FDI, thậm chí một số đơn hàng đáng lẽ là của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vì không đáp ứng được nên phải chuyển sang các nước khác xung quanh chúng ta, như: Trung Quốc, Thái Lan… đây là điều vô cùng đáng tiếc cho doanh nghiệp CNHT của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm CNHT trong nước vẫn còn thấp. Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương của Chính phủ cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Điển hình như đối với ngành dệt may: Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40%-45%. Tương tự với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68%-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40%-45%. Thậm chí, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều, cụ thể lần lượt là 15% và 5% (Thu Hòa, 2021).
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Để đạt được mục tiêu nói trên, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển CNHT. Theo đó, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn, như: cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển CNHT theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước. Phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia. Ngoài ra, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT trong nước; phát triển công nghiệp hạ nguồn…
Thứ hai, bên cạnh các giải pháp chính sách, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nhiệp FDI, như: Samsung, Toyota… để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp CNHT trong nước, trong đó chú trọng xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành; tăng cường nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu; hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Thứ ba, cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa. Đầu tiên, làm thế nào để doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí sản xuất. Muốn cắt giảm chi phí sản xuất, đầu tiên phải bù lãi suất vay ngân hàng, có như vậy doanh nghiệp mới xoay xở được vốn cho đầu tư máy móc thiết bị, vật tư, hệ thống quản trị hay tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp CNHT cần nâng cao tính hiệu quả và cần được đánh giá hàng năm để thay đổi phù hợp. Ngoài ra, cần có những chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường miễn phí cho doanh nghiệp tham gia và hạn chế thủ tục hành chính.
Thứ tư, để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực CNHT, cần có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội. Cần xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển giao công nghiệp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Theo đó cần: (i) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI công nghệ cao vào Việt Nam; từ đó, nâng cao chất lượng các dự án FDI, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước và đầu tư vào khoa học - công nghệ; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cải tiến kỹ thuật trong quá trình sử dụng công nghệ và đẩy mạnh hoạt động R&D tại các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các trung tâm kỹ thuật công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, có đội ngũ chuyên gia có nghiệp vụ công nghệ, đặc biệt là hệ thống máy móc sử dụng chung; (iii) Xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường bảo đảm đủ năng lực tiếp nhận và hấp thụ hiệu quả công nghệ chuyển giao từ các đối tác nước ngoài./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 08/6/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.
2. Nhật Thy (2023), Tỉ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô ngày càng cao, truy cập từ https://baochinhphu.vn/ti-le-noi-dia-hoa-cua-nganh-cong-nghiep-o-to-ngay-cang-cao-102230628152722079.htm.
3. Nguyễn Quỳnh (2023), CNHT đang bứt phá để có bước chuyển mình tích cực, truy cập từ https://vov.vn/kinh-te/cong-nghiep-ho-tro-dang-but-pha-de-co-buoc-chuyen-minh-tich-cuc-post1055179.vov.
4. Phạm Văn Minh (2023), Phát triển ngành CNHT trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 7, tháng 3/2023.
5. PV (2022), Phát triển CNHT: Trong-ngoài kết hợp, truy cập từ https://baochinhphu.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-trong-ngoai-ket-hop-102221226081915874.htm.
6. Tạp chí Công Thương (2023), Tài liệu Toạ đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ”, tổ chức ngày 12/10/2023.
7. Thu Hòa (2021), CNHT Việt Nam trong bối cảnh mới: Thành tựu và thách thức, truy cập từ https://consosukien.vn/cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-trong-boi-canh-moi-tha-nh-tu-u-va-tha-ch-thu-c.htm.
8. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025.
9. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg, ngày 03/4/2017 ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT
10. Vũ Dung (2023), Tăng lực cho CNHT, truy cập từ https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-luc-cho-cong-nghiep-ho-tro-748011.
Lê Văn Thơi, Lê Thúy Hà - Trường Đại học Thủy lợi
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-o-viet-nam-hien-nay-mot-so-van-de-dat-ra-va-de-xuat-giai-phap-a310400.html