Thiên kiến tự tin thái quá trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin

Bằng cách áp dụng lý thuyết mindsponge, ta có thể thấy rằng tâm lý tự tin thái quá xuất phát từ cách nhà đầu tư tiếp nhận và xử lý thông tin, ảnh hưởng từ niềm tin cá nhân, và môi trường xã hội.

Thiên kiến tự tin thái quá (overconfidence bias)

Thiên kiến tự tin thái quá là một trong những loại thiên kiến nhận thức phổ biến trong tâm lý học và tài chính, xảy ra khi một người đánh giá quá cao khả năng, kiến thức, hoặc độ chính xác của thông tin mà họ có. Hiện tượng này thường dẫn đến những quyết định không chính xác hoặc rủi ro cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, quản lý và ra quyết định kinh doanh.

Thiên kiến tự tin thái quá trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư thường quá tự tin vào khả năng đầu tư của mình. Cụ thể, các khoảng tin cậy mà nhà đầu tư đặt ra cho dự đoán của họ thường quá hẹp. Loại tự tin thái quá này được gọi là sự tự tin trong dự đoán. Ví dụ, khi ước tính giá trị tương lai của một cổ phiếu, các nhà đầu tư tự tin thái quá sẽ đưa ra một phạm vi dự đoán quá hạn chế, chẳng hạn như dự đoán mức tăng hoặc giảm trong khoảng 10%, trong khi lịch sử cho thấy các biến động tiêu chuẩn thường lớn hơn rất nhiều. Hệ quả của hành vi này là các nhà đầu tư có thể đánh giá thấp rủi ro giảm giá của danh mục đầu tư của họ.[1]

“Từ hôm ấy, ngài cứ bị ám ảnh vì những sự ma quái diễn ra không thể lý giải. Ngài mất tự tin vào sự từng trải của bản thân.”

Trích “Bí mật kinh hoàng”; Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024)

Các nhà đầu tư cũng thường quá chắc chắn về các phán đoán của mình. Loại tự tin thái quá này được gọi là sự tự tin trong sự chắc chắn. Ví dụ, sau khi quyết định rằng một công ty là khoản đầu tư tốt, mọi người thường trở nên "mù quáng" trước khả năng thua lỗ và sau đó cảm thấy ngạc nhiên hoặc thất vọng nếu khoản đầu tư đó hoạt động kém. Hành vi này dẫn đến xu hướng các nhà đầu tư dễ bị cuốn vào một cuộc tìm kiếm sai lầm để xác định “cổ phiếu nóng tiếp theo.” Do đó, những người dễ bị ảnh hưởng bởi sự tự tin trong sự chắc chắn thường giao dịch quá nhiều trong tài khoản của họ và có thể giữ các danh mục đầu tư không đủ đa dạng.[1] Theo nghiên cứu của Vuong và Phuc [2], số nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có thiên kiến tự tin thái quá chiếm 42.6% trong mẫu khảo sát.

Góc nhìn xử lý thông tin về thiên kiến tự tin thái quá

Lý thuyết mindsponge giúp giải thích cách con người thu nhận, xử lý, và thay đổi niềm tin, giá trị, và quan điểm của mình dựa trên việc lọc và hấp thụ thông tin từ môi trường [3-5]. Lý thuyết này có thể được sử dụng để giải thích thiên kiến tự tin thái quá trong đầu tư chứng khoán và cung cấp các cách khắc phục hiện tượng này.

Tâm lý tự tin thái quá có thể xuất phát từ các yếu tố sau, khi nhìn qua lăng kính mindsponge:

Lọc thông tin lệch lạc

Tiếp nhận thông tin phù hợp với niềm tin cốt lõi trong tâm trí (mindset): Nhà đầu tư có xu hướng chọn lọc thông tin phù hợp với các niềm tin hiện tại, chẳng hạn như niềm tin rằng họ hiểu biết hơn người khác hoặc rằng một cổ phiếu cụ thể sẽ sinh lời cao.

Bỏ qua thông tin trái chiều: Những cảnh báo hoặc dữ liệu không phù hợp thường bị loại bỏ hoặc xem nhẹ, dẫn đến việc đánh giá không đầy đủ rủi ro.

Sự ưu tiên quá mức cho kinh nghiệm cá nhân

Hiệu ứng xác nhận (Confirmation bias) [6]: Nhà đầu tư tự tin thái quá thường dựa vào một vài thành công trong quá khứ mà họ cho rằng do năng lực cá nhân, thay vì nhận ra vai trò của may mắn hoặc thị trường.

Sự thành công ban đầu: Nếu một nhà đầu tư mới tham gia thị trường và đạt được lợi nhuận, họ dễ dàng củng cố niềm tin rằng mình có năng lực vượt trội.

Áp lực từ môi trường xã hội

Tác động của môi trường xã hội: Môi trường đầu tư, đặc biệt là các cộng đồng trực tuyến, có thể thúc đẩy tâm lý “rủi ro cao, phần thưởng lớn” (“high risk, high return”) khiến nhà đầu tư tự đánh giá cao khả năng của mình để theo kịp xu hướng.

So sánh xã hội: Việc thấy người khác khoe thành tích đầu tư có thể khiến nhà đầu tư tự tin rằng họ cũng sẽ đạt được kết quả tương tự.

Kiến thức và thông tin hạn chế

Nhận thức sai về năng lực: Nhiều nhà đầu tư không nhận thức đầy đủ về mức độ phức tạp của thị trường tài chính, nhưng vẫn tin rằng họ có thể dự đoán chính xác biến động thị trường.

Thông tin không đầy đủ: Nhà đầu tư có thể dựa vào các tin đồn hoặc thông tin không chính xác, nhưng lại cho rằng đó là “lợi thế thông tin”.

Giải pháp từ lý thuyết mindsponge

Lý thuyết mindsponge cũng cung cấp một số hướng dẫn giúp nhà đầu tư khắc phục thiên kiến tự tin thái quá như sau:

Mở rộng "vùng chấp nhận thông tin"

Khuyến khích sự phản biện: Nhà đầu tư nên tìm kiếm và xem xét thông tin trái chiều thay vì chỉ chú ý đến những gì củng cố niềm tin ban đầu.

Học hỏi liên tục: Cập nhật các kiến thức về tài chính và đầu tư để hiểu rõ hơn về các rủi ro và yếu tố phức tạp của thị trường. Ngoài ra, việc trau dồi các kiến thức liên quan đến khả năng vận hành hiệu quả trong lĩnh vực của công ty được đầu tư cũng giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn về thực tế.

Xây dựng hệ thống niềm tin cốt lõi dựa trên thực tế

Đánh giá lại niềm tin cá nhân: Nhà đầu tư cần nhận thức rằng không ai có thể dự đoán thị trường một cách chính xác liên tục và mọi quyết định đều chứa đựng rủi ro vì thị trường luôn biến động do tác động của nhiều yếu tố, như các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.

Chấp nhận sự không chắc chắn: Học cách quản lý rủi ro thay vì cố gắng loại bỏ nó, ví dụ như phân bổ tài sản hợp lý và đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Giảm ảnh hưởng từ môi trường xã hội

Kiểm soát tác động của nhóm lên suy nghĩ, phân tích, và đánh giá khách quan: Tránh bị cuốn theo tâm lý đám đông hoặc những lời khuyên không có căn cứ từ cộng đồng đầu tư. Theo nghiên cứu của Tri và cộng sự [7], những nhà đầu tư cá nhân đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên khả năng tự phân tích hoặc theo tư vấn của các chuyên gia thì kết quả đầu tư cũng tốt hơn so với nhóm đầu tư dựa trên trực giác hoặc đầu tư theo bạn bè, người thân.

Giữ bình tĩnh trước thành công của người khác: Tập trung vào mục tiêu tài chính cá nhân thay vì so sánh với người khác.

Ứng dụng công cụ và phương pháp khoa học

Sử dụng dữ liệu và mô hình: Dựa vào các mô hình định lượng và dữ liệu khách quan để đưa ra quyết định thay vì trực giác hoặc cảm xúc.

Theo dõi và phân tích hành vi cá nhân: Ghi chép và đánh giá lại các quyết định đầu tư trong quá khứ để nhận diện xu hướng tự tin thái quá.

Bằng cách áp dụng lý thuyết mindsponge, ta có thể thấy rằng tâm lý tự tin thái quá xuất phát từ cách nhà đầu tư tiếp nhận và xử lý thông tin, ảnh hưởng từ niềm tin cá nhân, và môi trường xã hội. Để khắc phục, cần thay đổi cách lọc và đánh giá thông tin, điều chỉnh niềm tin cốt lõi, và áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro khoa học. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư giảm thiểu sai lầm, mà còn tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.

Nguyễn Phương Tri, Nguyễn Minh Hoàng

* Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge.

Tài liệu tham khảo

[1] Pompiam MM. (2006). Behavioral finance and wealth management. Wiley, 585–603.

[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675

[3] Vuong QH. (2023). Mindsponge theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3

[4] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better economics for the Earth: A lesson from quantum and information theories. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44

[5] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461

[6] Tri NP, Hoang NM. (2024). Hiệu ứng thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin. https://kinhtevadubao.vn/hieu-ung-thien-lech-xac-nhan-trong-dau-tu-chung-khoan-qua-goc-nhin-xu-ly-thong-tin-30065.html

[7] Tri NP và cộng sự (2024). Tác động của yếu tố xã hội đến phản ứng của nhà đấu tư chứng khoán cá nhân trong khủng hoảng: bằng chứng từ Trung Quốc và Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 01-2024. https://kinhtevadubao.vn/tac-dong-cua-yeu-to-xa-hoi-den-phan-ung-cua-nha-dau-tu-chung-khoan-ca-nhan-trong-khung-hoang-bang-chung-tu-trung-quoc-va-viet-nam-28212.html

[8] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/thien-kien-tu-tin-thai-qua-trong-dau-tu-chung-khoan-qua-goc-nhin-xu-ly-thong-tin-a310180.html