Tiểu thương lo ế khách sau Black Friday

Theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023.

Để vực dậy hiệu quả kinh doanh, tiểu thương cần phải thay đổi nhiều, như: phục vụ khách hàng tận tâm hơn, tăng cường khuyến mãi giảm giá, giữ cho không gian buôn bán luôn sạch sẽ...

Thị trường mua sắm vừa trải qua một mùa Black Friday kém vui. Các trung tâm thương mại lớn ở TP HCM như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10), Giga Mall (TP Thủ Đức)... chỉ đông đúc được một lúc vào chiều tối 29-11, trong khi phần lớn thời gian khác đều vắng khách như ngày thường.

Nhìn xe qua lại...

Các cửa hàng bán lẻ bên ngoài - đặc biệt là các chợ truyền thống như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6)… - còn ảm đạm hơn nhiều, dù khắp nơi đều treo bảng ưu đãi, giảm giá "khủng".

Chị Thu Minh, quản lý sạp thời trang khá lớn tại chợ Thủ Đức, cho hay tình trạng ế ẩm đã kéo dài từ cuối năm trước đến nay. Khách đi chợ để mua sắm quần áo, giày dép hay ví, túi xách ngày càng ít.

"Bây giờ thử đi một vòng chợ là có thể ước chừng được lượng khách, tiểu thương mua bán như thế nào. Sạp tôi ngay khu trung tâm mà chỉ biết nhìn xe qua lại, còn khách không thấy đâu. Bình thường giờ này 2-3 năm trước là bắt đầu lên đơn và trữ hàng bán Tết rồi, còn nay chỉ biết ngồi bấm điện thoại chơi cả ngày. Không biết sắp tới Tết sẽ ra sao" - chị Minh than thở.

Cách đó không xa, chị Thu Vân, tiểu thương kinh doanh đồ gia dụng, cho biết khách đến chợ chủ yếu mua thực phẩm, rau củ để nấu ăn. Với những mặt hàng không thật sự cần thiết thì họ rất ít mua và so giá rất kỹ.

Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa lo ngại sức mua cuối năm, đặc biệt là cận Tết, có thể bị ảnh hưởng do nhiều người đã mua hết trong các đợt giảm giá Black Friday và 11-11 của các sàn thương mại điện tử.

Theo anh Nguyễn Phong, chủ một cửa hàng tạp hóa tại TP Thủ Đức, các sản phẩm như nước giặt, nước ngọt, dầu gội và sữa trên các sàn thương mại điện tử đang được bán rất rẻ, lại còn được miễn phí vận chuyển và chính sách đổi trả hàng nên nhiều người mua sẵn cho dịp Tết.

Tiểu thương cần thay đổi

Theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online - cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị.

Mặc dù xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, các chuyên gia bán lẻ nhận định những đợt "siêu sale" như Black Friday sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong dịp Tết. Chuyên gia bán lẻ Nguyễn Quang Thái cho rằng vào dịp Tết, người dân vẫn thích đi mua sắm trực tiếp để hòa mình vào không khí lễ hội. Đây là một thói quen trong văn hóa tiêu dùng cuối năm.

Tiểu thương lo sức mua những tháng cận Tết sẽ giảm sau đợt “siêu sale”. Ảnh: LÊ TỈNH

Tiểu thương lo sức mua những tháng cận Tết sẽ giảm sau đợt “siêu sale”. Ảnh: LÊ TỈNH

Theo ông Thái, các cửa hàng tạp hóa và tiểu thương kinh doanh thực phẩm không cần quá lo lắng về việc thiếu khách. Thay vào đó, họ nên chú trọng cân đối nguồn hàng, nhất là các mặt hàng phục vụ mùa Tết như gia vị, nước ngọt, đồ ăn liền và thực phẩm đóng hộp.

Đối với tiểu thương tại chợ truyền thống, tình trạng ế ẩm đã diễn ra trong vài năm gần đây, chủ yếu do thói quen tiêu dùng thay đổi, giá cả ở chợ kém cạnh tranh và chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện. Để hỗ trợ tiểu thương tăng doanh thu, nhất là với những ngành hàng đang có tiềm năng tăng trưởng, ông Thái cho rằng ban quản lý chợ cần cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng, bao gồm việc giữ cho chợ luôn sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi khó chịu; tổ chức các gian hàng một cách hợp lý, dễ tìm kiếm, giúp người dân mua sắm thuận tiện hơn.

Ngoài ra, các chợ nên chủ động triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng như giảm giá 5%-10%, giới thiệu sản phẩm mới độc đáo hoặc tổ chức phiên chợ đêm để thu hút sự quan tâm. Đồng thời, cần phối hợp với các đơn vị liên quan để quảng bá chợ trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút không chỉ cư dân địa phương mà còn cả những người mua sắm từ các khu vực khác, không chỉ vào dịp Tết mà còn vào ngày thường.

"Tiểu thương cần phục vụ khách hàng tận tâm để chợ trở thành sự lựa chọn ưu tiên của họ, tạo mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, vừa tăng doanh thu cho tiểu thương vừa mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người mua" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Phép thử cho người kinh doanh

Với nhiều nhà kinh doanh, Black Friday vừa qua là phép thử đo lường sức mua của thị trường, nhóm hàng được ưa chuộng lẫn giá trị giỏ hàng để kịp thời điều chỉnh cơ cấu hàng hóa ưu tiên, các chương trình khuyến mãi dịp Tết.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một số trung tâm thương mại, siêu thị, nhãn hàng từ chối tiết lộ kết quả kinh doanh đợt "siêu khuyến mãi" Black Friday. Song, họ cho biết sau sự kiện mở màn này, các chương trình kích cầu cuối năm sẽ được triển khai dày hơn, chủng loại hàng hóa lẫn hình thức khuyến mãi sẽ đa dạng hơn nhằm thuyết phục người dân mạnh dạn chi tiêu hơn.

Ông Regis Delesque, Giám đốc vận hành MM Mega Market Việt Nam, nhận định giá cả đang là mối quan tâm hàng đầu của đa số người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, việc bình ổn giá là điều quan trọng, tác động đến quyết định mua hàng với cả khách hàng cá nhân lẫn khối doanh nghiệp (DN).

"Chúng tôi đã đẩy mạnh chiến lược mua càng nhiều, giá càng rẻ thông qua Ngày hội Khách hàng 2024. Đây là sự kiện để nhóm khách hàng nhà hàng, khách sạn, DN... có thể đến gặp đội bán hàng thảo luận một mức ưu đãi tốt nhất cho các đơn đặt trước. Điều này cũng giúp nhà bán lẻ dự đoán và chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa tối ưu" - ông Regis Delesque nhìn nhận.

Cũng nhằm mang đến hàng hóa giá ổn định, khuyến mãi hấp dẫn cho người tiêu dùng trong các tháng cuối năm, từ giữa năm 2024, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã triển khai dự trữ hàng Tết. Ngoài chương trình bình ổn giá, Co.opmart, Co.opXtra… còn thực hiện khuyến mãi Tết liên tục trong 59 ngày đêm, với 3.500 mặt hàng giảm giá mạnh, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu khi đón xuân mới.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thông tin: "Saigon Co.op dự kiến doanh số Tết Ất Tỵ 2025 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với 800 điểm bán hiện hữu trên toàn quốc và đang tiếp tục mở rộng, Saigon Co.op có thêm nền tảng để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các HTX, trang trại, nhà vườn…, từ đó bảo đảm giữ giá hàng Tết ổn định với tất cả ngành hàng".

Ở góc độ quản lý, Sở Công Thương TP HCM đã đề nghị các DN bình ổn thị trường chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống... Sở Công Thương đề nghị các DN bình ổn thị trường phối hợp với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng… tăng cường khuyến mãi, giảm giá trước, trong và sau Tết, nhất những ngày cận Tết, để người dân có điều kiện vui xuân, mua sắm; ưu tiên tập trung khuyến mãi các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành công thương TP HCM cũng đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo, theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn; báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa. 

Thay đổi cách thức bán hàng truyền thống

Theo ông Lê Hồng Đức, người sáng lập Công ty OneAds Digital, tiểu thương chợ truyền thống cần phải thay đổi cách thức bán hàng.

Thay vì chỉ ngồi đợi khách đến, tiểu thương nên tạo thêm cách tiếp cận mới thông qua các kênh online; kết hợp một số DN, nhãn hàng để hỗ trợ bán hàng, kích thích doanh số của mình. Tiểu thương nên lựa chọn thêm những sản phẩm mới có mức chiết khấu cao để biên lợi nhuận cao hơn và ưu đãi tốt cho khách hàng, như mua 2 chai tương ớt tặng 1 cái tô, mua hàng trúng thưởng, khuyến mãi quần áo 5%-10%... để người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu. Khi đó, dù sức mua giảm nhưng nhờ phần lợi nhuận cao bù đắp, tiểu thương vẫn duy trì được hoạt động lâu dài, trong lúc chờ lượng khách tăng dần trở lại.

"Trong số những khách hàng thường mua online, phần lớn vẫn muốn đến trực tiếp cửa hàng, chợ mua sắm để được trả giá, tương tác với người bán. Thế nên, tiểu thương cũng cần đẩy mạnh cách phục vụ tại chỗ thật tốt, giá cả phải chăng để giữ chân khách hàng và tăng doanh số của mình" - ông Đức khuyến cáo.


Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/tieu-thuong-lo-e-khach-sau-black-friday-a308533.html