Thế cờ của các bên sau khi chính phủ Syria sụp đổ

() - Thất bại chóng vánh của lực lượng chính phủ Syria đã khiến cục diện chính trị tại quốc gia này nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung thay đổi hoàn toàn.

Thế cờ của các bên sau khi chính phủ Syria sụp đổ - 1

Các thành viên thuộc phe đối lập tại thủ đô Damascus, Syria, ngày 9/12 (Nguồn: Reuters).

Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, bàn cờ chính trị Syria - vốn đã rơi vào thế bế tắc trong nhiều năm - bỗng đảo chiều. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nhanh chóng sụp đổ trước sức tấn công của lực lượng đối lập. Giờ đây, người dân Syria đang đứng trước giai đoạn bất định mới.

Những diễn biến này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hài lòng. Tuy nhiên, với Nga, Iran và một số nhóm dân tộc - tôn giáo tại Syria, đây chắc chắn không phải tin vui.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và ông Assad từng là bạn bè. Tuy nhiên quan hệ giữa hai người sụp đổ khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ lực lượng đối lập tại Syria đầu thập niên trước - nguyên nhân chính khi đó là Iran, đối thủ địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ Syria, theo Politico.

Thổ Nhĩ Kỳ là nhà bảo trợ chính của các nhóm vũ trang theo chủ nghĩa Hồi giáo tại Syria. Khi cuộc chiến kéo dài và các nhóm đối lập thế tục bị lép vé, Ankara ngày càng can dự mạnh mẽ.

Giờ đây, khi chính quyền Tổng thống Assad đã sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội đẩy mạnh các mục tiêu chiến lược của mình, nhất là kiềm chế lực lượng người Kurd. Các dự án tái thiết Syria sau chiến tranh cũng có thể đem lại những món hời béo bở cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

"Đây là thắng lợi lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ và là bước đi thiên tài của ông Erdoğan", nhà bình luận chính trị Timothy Ash viết trên mạng xã hội X.

Israel

Sự ra đi của ông Assad chắc chắn là tin vui với Israel. Sự kiện này khiến liên minh do Iran thiết lập tại Trung Đông - còn được biết với tên gọi "Trục kháng chiến" - càng thêm suy yếu. Giờ đây, Iran không còn có thể cung ứng cho Hezbollah qua các tuyến đường trên bộ, khiến tổ chức này mất đi tuyến tiếp tế quan trọng.

Trong những ngày đầu của cuộc tấn công, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố đây là âm mưu của Israel nhằm gây bất ổn khu vực. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Israel can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.

Dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn "nhận công" khi tuyên bố sự sụp đổ của chính phủ Syria là hệ quả trực tiếp của từ hành động của Israel nhằm vào Hezbollah và Iran.

Theo ông Netanyahu, dù đây là "ngày lịch sử" và mang lại cơ hội lớn, Israel vẫn phải đối mặt với những mối nguy đáng kể. Ông chỉ thị binh lính Israel chiếm giữ một số cứ điểm vốn do quân đội Syria kiểm soát gần cao nguyên Golan, nơi từng là vùng đệm giữa hai nước trong nhiều năm qua.

Người Kurd tại Syria

Chính quyền Tổng thống Assad đã cho phép người Kurd thiết lập chính quyền bán tự trị tại Đông Bắc Syria. Giờ đây, khi Damascus có chính quyền mới, khả năng này sẽ bị đặt dấu hỏi - nhất là khi lực lượng đối lập Syria mang nợ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cáo buộc lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria là khủng bố.

Thế cờ của các bên sau khi chính phủ Syria sụp đổ - 2

Các binh sĩ lực lượng đối lập bên một chiếc xe tăng tại thủ đô Damascus, Syria, ngày 9/12 (Ảnh: Reuters).

Trong đợt tấn công của phe đối lập vừa qua, người Kurd cũng đã mất một số vùng lãnh thổ ở phía Đông Aleppo vào tay lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ. Dù được coi là đồng minh của Mỹ, dường như người Kurd cũng khó có thể dựa vào Washington, nhất là khi Tổng thống đắc cử Donald Trump mới tuyên bố Syria "không phải cuộc chiến của Mỹ" và Mỹ "không nên tham gia".

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng mong muốn rút toàn bộ binh sĩ đặc nhiệm Mỹ khỏi Syria, nơi họ chiến đấu chống lực lượng thánh chiến Hồi giáo bên cạnh người Kurd, Khi đó, Lầu Năm Góc đã thuyết phục ông Trump giữ lại khoảng 900 quân. Tuy nhiên, ông Robert F. Kennedy, đồng minh của ông Trump, mới đây tiết lộ chính trị gia Cộng hòa muốn rút hết binh sĩ Mỹ do lo ngại họ sẽ trở thành bia đỡ đạn trong cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Người Alawi tại Syria

Người Alawi, nhóm dân tộc - tôn giáo của ông Assad - chiếm khoảng 12% dân số Syria. Họ là một nhánh của Hồi giáo Shia và giữ vai trò quan trọng trong chính quyền Syria - bao gồm nắm giữ các vị trí hàng đầu tại chính phủ, quân đội và lực lượng tình báo trong nhiều năm qua.

Ông Abu Mohammed al-Jolani, thủ lĩnh lực lượng đối lập, đã cam kết tôn trọng quyền lợi của mọi nhóm dân tộc và tôn giáo tại Syria, Tính đến lúc này, người Alawi vẫn tương đối an toàn. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng một vài cá nhân hay nhóm vũ trang mong muốn trả thù.

Nga, Iran và Hezbollah

Thất bại của ông Assad khiến vị thế của Nga và Iran tại Trung Đông suy yếu nghiêm trọng. Hồi năm 2015, Nga và Iran đã hợp lực cứu chính quyền Syria khỏi bờ vực sụp đổ và đưa cuộc chiến vào thế giằng co trong nhiều năm. Giờ đây, khi mỗi nước đều có mục tiêu riêng, Damascus không thể kỳ vọng vào mức độ ủng hộ như xưa.

"Hezbollah đã bị tiêu hao nặng nề do cuộc chiến với Israel. Hệ quả là Iran cũng yếu đi nhiều. Trong khi đó, Nga phải rút nhiều quân tới Ukraine. Tất cả các đồng minh (của ông Assad) có thể hỗ trợ ông Assad ở mức như trong quá khứ, khiến lực lượng của ông ấy suy yếu", chuyên gia Christopher Phillips tại Viện Chatham (Anh) nhận xét.

Tương lai bất định: Đất nước Syria

Giờ đây, người dân Syria đứng trước cơ hội kết thúc cuộc nội chiến đã kéo dài gần 14 năm. Cuộc chiến này đã khiến khoảng 470.000 đến 600.000 người thiệt mạng, biến đây thành cuộc xung đột đẫm máu thứ hai trong thế kỷ 21 - chỉ sau chiến tranh Congo lần thứ hai. Hơn 13 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó khoảng 6,2 triệu người phải di cư ra nước ngoài.

Tương lai của người dân Syria sẽ phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo trong cuộc đối đầu giữa các phe phái - cả trên bàn đàm phán lẫn trên chiến trường. Nhiều người lo ngại việc ông Assad ra đi sẽ để lại khoảng trống chính trị tại Syria, thứ sẽ bị các lực lượng đối lập tranh giành.

Nhiều người cũng lo ngại về Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang chính quyết định kết quả của cuộc tấn công vừa qua. Dù đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Quaeda kể từ năm 2016, HTS vẫn nằm trong danh sách tổ chức khủng bố của Mỹ và Liên hợp quốc.

Trong thời gian qua, HTS đã bày tỏ nhiều dấu hiệu thay đổi, Ở các khu vực do nhóm này kiểm soát tại Tây Bắc Syria, các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo chưa bị đe dọa. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng HTS và ông al-Jolani đã thực sự thay đổi.

"Người dân Syria cảm giác rằng không có khả năng nào là đảm bảo và mọi điều có thể xảy ra", bà Arwa Damon, chuyên gia chương trình Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận xét.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/the-co-cua-cac-ben-sau-khi-chinh-phu-syria-sup-do-a308400.html