Tôi là Lola Trần, một người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Paris. Sau khi hoàn thành chương trình học, tôi quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, đến nay đã được 2 năm.
Tại TP.HCM, tôi dễ dàng tìm thấy rất nhiều món ngon đặc sắc đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, món ăn Việt vẫn luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt, thôi thúc tôi khám phá những nét văn hóa ẩm thực đã nuôi dưỡng một nửa con người mình.
Trong số những món đã thưởng thức, tôi quen thuộc và yêu thích cơm tấm. Món cơm bình dị với thịt cốt lết heo nướng ăn kèm trứng ốp la, chả và đồ chua vốn chẳng còn xa lạ gì với đường phố Sài thành.
Thế nhưng gần đây, bạn tôi giới thiệu một nơi bán cơm tấm với giá 100 USD/phần (gần 2,5 triệu đồng). Tôi tự hỏi liệu có gì ở phần cơm đắt đỏ gấp cả chục lần thông thường?
Phiên bản cơm tấm này được phục vụ tại một địa chỉ khá quen thuộc với tín đồ ẩm thực TP.HCM: Anan Saigon - nhà hàng hai năm liên tiếp nhận một sao Michelin. Nằm trong ngôi chợ cũ Tôn Thất Đạm ở trung tâm quận 1, nhà hàng có mặt tiền khiêm tốn, nếu ai vội lướt qua sẽ dễ dàng bỏ lỡ.
Trong gian bếp nhỏ, ông Peter Cường Franklin, bếp trưởng kiêm người sáng lập nhà hàng, trực tiếp chuẩn bị món cơm tấm đặc biệt. Khác với phiên bản thông thường, phần cơm này không có cốt lết heo mà được thay thế bằng sườn bò Angus từ Australia.
Trò chuyện với tôi, bếp trưởng Peter nói phần thịt sườn phải được chế biến bằng phương pháp nấu chậm (sous vide) trong khoảng 12 tiếng. Đó chính là lý do tôi phải đặt món từ ngày hôm trước để đầu bếp chuẩn bị. Thịt sau khi nấu chậm sẽ được ướp với các loại gia vị như nước mắm, bơ, tỏi... rồi nướng sơ trên lửa lớn cho đến khi cháy cạnh và nướng thêm trong lò để đạt độ chín vừa như món bít tết.
Trước khi bày lên dĩa, cơm được nén một lực vừa phải để giữ được khuôn hình nhưng vẫn đạt độ tơi khi ăn. Sau đó, bếp trưởng cho thêm chút mỡ hành và nước mắm, đặt trứng ốp la lên trên, tiếp đến là những miếng sườn thái miếng, chả trứng hấp và salad. Tôi còn được "nhúng" tay trang trí cho đĩa cơm tấm phiên bản đắt nhất Việt Nam của chính mình.
Tôi đánh giá phần thịt sườn với lớp mỡ được phân bố đều, vị ngọt đặc trưng, hòa cùng nước sốt dịu nhẹ, thêm chút nước mắm Việt Nam được chế biến tinh tế, không làm lấn át hương vị thịt. Khi ăn, tôi có thể cảm nhận được mùi khói của thịt nướng quyện với hương thơm của sả và rau mùi.
Phần trứng ốp la được chiên với lòng đỏ béo ngậy, mịn mượt, quyện trong cơm tấm mềm, dẻo, phần chả trứng được nêm nếm vừa vặn.
Thành phần khiến tôi chú ý nhất chính là cơm. “Loại gạo này do nhà hàng tự làm vỡ hạt gạo thủ công, tương tự quá trình xay xát để tạo ra gạo tấm”, vị bếp trưởng trả lời khi tôi thắc mắc về món gạo đặc biệt.
Ngoài ra, bếp trưởng không dùng cà rốt và củ cải ngâm chua như những đĩa cơm tấm thông thường, mà sử dụng rau muống ngâm chua, ăn cùng xà lách xoong loại nhỏ khá thú vị.
Tôi cũng rất thích phần súp nóng hổi được nấu từ nước hầm xương cùng rau củ và thịt bò wagyu thái vuông áp chảo, một điểm khác biệt so với canh chua hoặc canh khổ qua ăn kèm cơm tấm thường thấy.
Trong khi tôi thưởng thức cơm tấm, một cốc trà đá được mang lên, khi uống thử tôi nhận ra đây không phải là trà đá thông thường. Ông Peter cho biết đây là cocktail "trà đá" - một phiên bản phá cách từ thức uống quen thuộc của người thành phố khi thưởng thức cơm tấm.
Ly cocktail có vị như một ly trà chanh quen thuộc với vị trà, chanh, đường và mật ong, hòa cùng rượu gin. Tuy nhiên, đây có thể không phải lựa chọn phù hợp cho những ai yêu thích vị trà truyền thống.
Tôi không dám chắc có thể gọi đây là món cơm tấm, hay là món bít tết ăn kèm cơm. Từng nhiều lần thưởng thức món bò bít tết nổi tiếng, đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp trải nghiệm bít tết phiên bản Việt ăn cùng cơm, nước mắm…
Món cơm tấm "đồ sộ" này phù hợp cho 2-3 người ăn, hoặc bạn có thể trải nghiệm món cơm tấm một triệu đồng tại nhà hàng này.
Chia sẻ với tôi, bếp trưởng Peter cho biết món cơm tấm phiên bản nhà hàng là cách ông ca ngợi cơm tấm Sài Gòn và thể hiện tình yêu của ông dành cho món ăn này, cho người dân và thành phố mà ông gọi là "nhà".
Để tạo ra món ăn này, vị bếp trưởng đã ấp ủ và suy nghĩ về nó trong 7 năm. Sau đó, ông cùng đồng đội đã mất khoảng 3 tháng để lựa chọn nguyên liệu, tinh chỉnh các kỹ thuật nấu sao cho phù hợp với từng thành phần của món ăn, từ gạo tấm đến xương sườn, sốt ướp, nước mắm đường, chả trứng và salad làm từ rau muống muối chua đậm chất Việt Nam.
Dù ấn tượng bởi sự tỉ mỉ và câu chuyện đằng sau món ăn, tôi không thể không đặt câu hỏi: Liệu mức giá 100 USD có thực sự hợp lý? Món cơm tấm này có thể là một trải nghiệm ẩm thực độc đáo, nhưng không phải ai cũng cảm thấy xứng đáng để chi trả.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/khach-phap-lan-dau-an-com-tam-25-trieu-dong-o-tphcm-a308291.html