Chuyện gì xảy ra nếu Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội?

() - Nhiều câu hỏi đang xoay quanh tương lai chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khi các nghị sĩ đối lập cảnh báo sẽ bắt đầu các thủ tục luận tội nếu ông không từ chức ngay lập tức.

Chuyện gì xảy ra nếu Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội? - 1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Thủ tướng Han Duck-soo (Ảnh: Yonhap).

Theo hiến pháp Hàn Quốc, quốc hội có thể thông qua việc luận tội tổng thống nếu tổng thống "vi phạm hiến pháp hoặc các đạo luật khác trong khi thực hiện nhiệm vụ chính thức".

Việc luận tội sẽ cần được đa số quốc hội đề xuất và được 2/3 trong tổng số nghị sĩ chấp thuận.

Sau đó, đề xuất sẽ được chuyển đến Tòa án Hiến pháp, một trong những tòa án cao nhất của Hàn Quốc, cùng với Tòa án Tối cao. Ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán phải đồng ý tiến hành luận tội.

Theo hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống sẽ bị đình chỉ thực hiện quyền lực trong suốt quá trình xét xử.

Phe đối lập của Hàn Quốc, kiểm soát quốc hội, đe dọa sẽ luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol nếu ông không từ chức sau quyết định áp đặt thiết quân luật bất thành.

Tổng thống Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật khi cáo buộc đảng đối lập có động thái có thể có lợi cho Triều Tiên và có các hoạt động chống lại nhà nước. Đây là diễn biến chưa từng xảy ra ở Hàn Quốc hơn 40 năm qua.

Mặc dù lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ sau 6 tiếng đồng hồ khi quốc hội bỏ phiếu ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, song làn sóng chỉ trích nhằm vào ông Yoon vẫn tăng cao và tổng thống đối mặt với lời kêu gọi từ chức.

Nếu ông Yoon từ chức hoặc bị phế truất, theo hiến pháp, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ của tổng thống. Ông Han sẽ giữ chức tổng thống cho đến khi thủ tục luận tội kết thúc.

Ông Yoon, một chính trị gia bảo thủ, đã nhậm chức sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 với tỷ lệ sít sao và bổ nhiệm ông Han làm thủ tướng vào năm đó.

Đây là lần thứ hai ông Han đảm nhiệm chức vụ này. Trước đó, ông từng là thủ tướng Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, một người theo chủ nghĩa tự do, từ tháng 4/2007 đến tháng 2/2008.

Ông Han bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một công chức vào đầu những năm 1970, làm việc về chính sách thương mại và công nghiệp trong nhiều thập niên. Ông đã nhận bằng tiến sĩ kinh tế Harvard vào năm 1984. Từ năm 2009 đến năm 2012, ông Han là đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ.

Theo hiến pháp, nếu quá trình luận tội hoàn tất và tổng thống bị phế truất, chính phủ phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày.

Thủ tướng Han Duck-soo hôm nay 4/12 cam kết sẽ phụng sự người dân "cho đến phút cuối cùng", sau hàng loạt đơn từ chức và những lời kêu gọi ngày càng tăng đòi tổng thống đương nhiệm từ chức.

"Là Thủ tướng giám sát nội các, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi sự kiện dẫn đến thời điểm này", ông Han cho biết trong một tuyên bố có tiêu đề "Thông điệp gửi đến người dân".

"Tôi sẽ làm việc với các thành viên nội các cho đến phút cuối cùng để phụng sự người dân. Từ thời điểm này trở đi, nội các phải hoàn thành nhiệm vụ của mình để đảm bảo sự ổn định của quốc gia và cuộc sống hàng ngày của người dân không bị ảnh hưởng", thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, các trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon Suk-yeol gồm Chánh Văn phòng Chung Jin-suk, Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won-sik, Chánh Văn phòng phụ trách Chính sách Sung Tae-yoon cũng như 7 trợ lý cấp cao khác đã đồng loạt đệ đơn từ chức.

Một số nhà lập pháp đề nghị ông Yoon giải trình cụ thể về quyết định ban bố thiết quân luật mà họ cho là "vi hiến", đồng thời yêu cầu ông từ chức.

Sáng nay, đám đông người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở quốc hội Hàn Quốc ở Seoul cũng đề nghị luận tội ông, kêu gọi ông từ chức ngay lập tức. Liên đoàn công đoàn lớn nhất Hàn Quốc cho biết họ sẽ đình công cho đến khi Tổng thống Yoon từ chức.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chuyen-gi-xay-ra-neu-tong-thong-han-quoc-bi-luan-toi-a307522.html