Mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số

Trên cơ sở khảo sát 48 doanh nghiệp, bài viết đánh giá mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam. Từ đó, tác giả đưa ra khuyến nghị nhằm tăng mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy thành công công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Từ khóa: mức độ sẵn sàng, khả năng thích ứng, chuyển đổi số

Summary

Based on a survey of 48 businesses, the article evaluates the readiness and adaptability of businesses and employees in the context of national digital transformation in Vietnam. On that basis, the author proposes recommendations to increase the readiness and adaptability of businesses and workers in the landscape of digital transformation, contributing to successfully promoting national digital transformation.

Keywords: readiness level, adaptability, digital transformation

GIỚI THIỆU

Chuyển đổi số giúp Việt Nam huy động và phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực, tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực lao động việc làm, chuyển đổi số đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho người lao động. Tuy nhiên, dưới tác động của chuyển đổi số, người lao động đang phải đối mặt với các thách thức lớn về đảm bảo việc làm và thu nhập. Nhà nước và các bên đã có những chính sách hỗ trợ việc làm, cũng như các giải pháp làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp từ cấp Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, một số chính sách chưa tác động lớn đến doanh nghiệp và người lao động.

Để giúp doanh nghiệp và người lao động tận dụng được cơ hội, cũng như nâng cao năng lực thích ứng với thách thức đối để đảm bảo việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số, bài viết tập trung đánh giá mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các đề tài, báo cáo tại các hội thảo, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, số liệu tại các ngành, các doanh nghiệp; thông tin từ các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp về mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng với chuyển đổi số của doanh nghiệp và người lao động. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát lao động tại 48 doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, với số phiếu thu về và hợp lệ là 465 phiếu. Thời gian khảo sát từ tháng 4/2023 đến tháng 5/2023.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đánh giá mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp với chuyển đổi số

Nghiên cứu của World Bank (2021) cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã nhận thức được vai trò của công nghệ số ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ nhận thức và ứng dụng còn nhiều khác biệt giữa các doanh nghiệp, giữa các lĩnh vực ngành nghề và cả giữa các vùng miền.

Báo cáo “Đánh giá sẵn sàng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Công Thương cho biết: trong số 17 ngành công nghiệp khảo sát, chỉ có ngành khai thác dầu khí là đang ở mức bắt đầu tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 với mức sẵn sàng là 1,16 điểm. Như vậy, trừ khai thác dầu khí (thuộc nhóm khai khoáng), điểm số thấp phản ánh bức tranh chung của các ngành sản xuất.

Để có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp, kết quả khảo sát của tác giả cho thấy, các doanh nghiệp chủ yếu đang trong tiến trình chuyển đổi số. Đa số doanh nghiệp mới dừng lại ở việc số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, chưa chuyển đổi số toàn bộ (Hình 1).

Hình 1: Tình hình ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp

Đơn vị: Doanh nghiệp

Mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Theo Hình 1, ngành tài chính ngân hàng đang có mức độ ứng dụng công nghệ số cao nhất với 5/8 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã thực hiện chuyển đổi số (chiếm 62,5%); tiếp theo là dịch vụ ăn uống, lưu trú với 4/8 doanh nghiệp (chiếm 50%); ngành chăn nuôi có 2/8 doanh nghiệp đã thực hiện (chiếm 25%). Các ngành còn lại mới chỉ khoảng 12,5% doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tỷ lệ doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng công nghệ vào số hóa dữ liệu khá cao. Trong đó, cao nhất là lĩnh vực chế biến gỗ với 6/8 doanh nghiệp (chiếm 75%); tiếp đến là trồng trọt và sản xuất kim loại (50%), chăn nuôi (37,5%), dịch vụ ăn uống, lưu trú (chiếm 25%) và cuối cùng là tài chính ngân hàng (12,5%).

Như vậy, ngoại trừ ngành tài chính ngân hàng, mức độ ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp hiện còn thấp và có sự khác nhau giữa các lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi số. Kết quả khảo sát 48 doanh nghiệp điển hình ở 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp cũng phản ánh tình hình trên. Cụ thể, theo Bảng 1, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số ở mức cơ bản trở lên là cao hơn. Chỉ có 11/48 doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số (chiếm 22,9%); có 29/48 doanh nghiệp về cơ bản sẵn sàng chuyển đổi số, nghĩa là độ sẵn sàng ở mức bình thường (chiếm 60,42%). Vẫn có 8/48 doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển đổi số (16,66%).

Bảng 1: Đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Đơn vị: doanh nghiệp

Mức độ

sẵn sàng

Tổng số

Nông nghiệp

Công nghiệp

Dịch vụ

Trồng trọt

Chăn nuôi

Chế biến gỗ

Sản xuất kim loại

Tài chính ngân hàng

Dịch vụ lưu trú, ăn uống

Sẵn sàng

11

2

2

1

2

2

2

Cơ bản sẵn sàng

29

4

5

5

4

6

5

Chưa sẵn sàng

8

2

1

2

2

0

1

Tổng số

48

8

8

8

8

8

8

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Trong 3 ngành khảo sát, thì ngành dịch vụ có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất với 15/16 ý kiến (chiếm 93,75%). Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng là 8/8 doanh nghiệp (chiếm 100%) và ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống là 7/8 doanh nghiệp (chiểm 87,5%). Mức độ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đang tăng và đứng thứ 2 trong 3 ngành với 13/16 doanh nghiệp nông nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số (chiếm 81,25%). Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi là 6/8 doanh nghiệp (chiếm 75%) và lĩnh vực trồng trọt là 7/8 doanh nghiệp (chiếm 87,5%). Ngành công nghiệp có mức độ chuyển đổi số thấp nhất, với 75% doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số, trong đó lĩnh vực chế biến gỗ là 6/8 doanh nghiệp (chiếm 75%) và lĩnh vực sản xuất kim loại cũng là 6/8 doanh nghiệp (chiếm 75%).

Khảo sát của tác giả ở Bảng 2 cũng cho thấy, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khu vực chính thức cao hơn khu vực phi chính thức. Đối với khu vực chính thức, có 22/26 doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi số (chiếm 84,62%) và 4/26 doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển đổi số (chiếm 15,38%). Đối với khu vực phi chính thức, có 16/22 doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi số (chiếm 72,73%) và 6/22 doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển đổi số (chiếm 27,27%).

Bảng 2: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số phân theo khu vực kinh tế

Đơn vị: doanh nghiệp

STT

Mức độ sẵn sàng

Tổng số

Khu vực chính thức

Khu vực

phi chính thức

1

Sẵn sàng

11

8

3

2

Cơ bản sẵn sàng

29

14

15

3

Chưa sẵn sàng

8

4

4

Tổng số

48

26

22

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Như vậy, có sự chênh lệch khá lớn về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số giữa khu vực chính thức và khu vực không chính thức. Một số nguyên nhân có thể do nhiều chủ doanh nghiệp ở khu vực phi chính thức chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, tâm lý ngại thay đổi, ngại đối mặt với những rủi ro. Đồng thời, khả năng tài chính cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khu vực phi chính thức thấp hơn.

Mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của người lao động

Khảo sát của PwC Việt Nam (2021) về công nghệ, việc làm và kỹ năng số cho biết: 89% người Việt Nam được hỏi cho rằng, họ có cảm nhận tích cực về vai trò của công nghệ đối với công việc của họ, cao hơn mức trung bình của toàn cầu (61%). Bên cạnh đó, 90% người được hỏi cũng đồng thuận là sự phát triển công nghệ sẽ cải thiện triển vọng việc làm của họ trong tương lai. Mức độ lạc quan này cao hơn mức toàn cầu (60%).

Kết quả khảo sát của tác giả cũng khẳng định thêm về cảm nhận của người lao động đối với chuyển đổi số. Bảng 3 cho thấy, người lao động có mức độ lạc quan, tích cực lớn về sự tác động của chuyển đổi số tới công việc và sự thay đổi công việc, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, 75% lao động cho rằng, chuyển đổi số làm cải thiện đáng kể đến công việc; 18,75% cho rằng chỉ cải thiện một phần và 6,25% cho rằng không ảnh hưởng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, 88% người cho rằng chuyển đổi số cải thiện đáng kể đến công việc, 12% cho rằng cải thiện một phần. Đối với lĩnh vực chế biến gỗ, 82,9% đánh giá, chuyển đổi số cải thiện đáng kể đến công việc; 15,8% cho rằng cải thiện một phần. Đối với lĩnh vực sản xuất kim loại, 85,9% người khẳng định chuyển đổi số cải thiện đáng kể đến công việc, 79% cho rằng cải thiện một phần và 5,1% cho rằng không ảnh hưởng. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, có tới 96,3% khẳng định chuyển đổi số cải thiện đáng kể đến công việc và chỉ 3,7% cho rằng cải thiện một phần. Đối với lĩnh vực dịch vụ ăn uống lưu trú, chuyển đổi số cải thiện đáng kể đến công việc với 85,5% ý kiến đồng ý; trong khi 9,2% người cho rằng cải thiện một phần và chỉ 5,3% cho là không ảnh hưởng. Kết quả khảo sát này một lần nữa khẳng định người lao động lạc quan về ảnh hưởng của chuyển đổi số với công việc. Tuy vẫn còn một số người lao động chưa tin tưởng vào mức độ tác động tích cực của chuyển đổi số tới việc làm, nhưng tỷ lệ này không nhiều. Đây là một trong những điểm thuận lợi để doanh nghiệp triển khai thành công chuyển đổi số.

Bảng 3: Cảm nhận của người lao động về chuyển đổi số

Đơn vị: %

Trồng trọt

Chăn nuôi

Chế biến gỗ

Sản xuất kim loại

Tài chính ngân hàng

Dịch vụ ăn uống, lưu trú

Cải thiện đáng kế

75

88

82,90

85,90

96,30

85,50

Cải thiện một phần

18,75

12

15,80

9

3,70

9,20

Không ảnh hưởng

6,25

0

1,30

5,10

0

5,30

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Tuy người lao động có thái độ tích cực về chuyển đổi số, nhưng mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của người lao động lại là vấn đề cần quan tâm. Trong số người lao động được khảo sát, chỉ 31,6% người sẵn sàng sử dụng công nghệ số, 40% cơ bản sẵn sàng và 28,4% chưa thực sự sẵn sàng sử dụng công nghệ số để làm việc (Hình 2).

Hình 2: Mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của người lao động

Mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số còn khá thấp và có sự khác nhau giữa các khu vực kinh tế. Mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của người lao động trong khu vực phi chính thức cũng thấp hơn khu vực kinh tế chính thức (Bảng 4).

Bảng 4: Mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của người lao động phân theo khu vực kinh tế

STT

Mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số

Tổng số

Khu vực chính thức

Khu vực phi chính thức

1

Sẵn sàng

147

89

58

2

Cơ bản sẵn sàng

186

133

53

3

Chưa sẵn sàng

132

33

99

Tổng số

465

255

210

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Theo kết quả khảo sát, số người sẵn sàng sử dụng công nghệ số ở khu vực chính thức cao hơn khu vực phi chính thức. Một trong những lý do chính là tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo lớn, khả năng hiểu biết và sử dụng công nghệ số còn hạn chế, tạo nên tâm lý chưa sẵn sàng và thiếu tự tin để vận dụng công nghệ vào quá trình làm việc.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã vào cuộc chuyển đổi số (đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng). Về phía người lao động, có một bộ phận người lao động chủ động thay đổi kỹ năng, tự học tập để nâng cao năng lực. Tận dụng tốt hơn các cơ hội đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, cũng như ứng phó với các thách thức về việc làm trong bối cảnh doanh nghiệp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, có một bộ phận người lao động linh hoạt, nhạy bén đã tận dụng được nhiều cơ hội việc làm trên nền tảng số, từ đó cải thiện thu nhập.

Tuy vậy, nhận thức về chuyển đổi số của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế, chưa thấy được những cơ hội và thách thức, cũng như tác động của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp và người lao động. Tâm lý ngại thay đổi của các cấp lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để thích ứng với chuyển đổi số còn phổ biến.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng và thích ứng của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số:

Đối với Nhà nước

- Xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu và đảm bảo việc làm cho người lao động, trực tiếp tham gia đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng, kỹ năng số. Tạo môi trường để doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực số cho chính các doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế, nâng cao quản trị nhà nước đối với khu vực phi chính thức. Thúc đẩy chuyển dịch, chính thức hóa khu vực phi chính thức...

- Hỗ trợ phát triển, nâng cao khả năng ứng dụng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất khu vực phi chính thức về xu hướng và cách thức ứng dụng công nghệ số vào doanh nghiệp thông qua tạo điều kiện (như chính sách hỗ trợ cho vay vốn) và tổ chức các chuỗi hội thảo, giao lưu theo từng lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại...

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động để tự mỗi người lao động thấy được ý nghĩa, lợi ích, vai trò của học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số, cũng như để họ thấy được những cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với đảm bảo việc làm. Thay đổi nhận thức, tư duy để mỗi một người lao động là một "chiến sĩ" trên mặt trận chuyển đổi số, là một đại sứ để lan tỏa tinh thần, sự nhiệt huyết về chuyển đổi số trong toàn thể người lao động.

Đối với các doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần chủ động, tăng cường kết hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực để cập nhật kiến thức, kỹ năng thực tiễn, kỹ năng số mà doanh nghiệp cần, cũng như đóng góp trách nhiệm của doanh nghiệp cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Có cơ chế cho phép giáo viên và học sinh, sinh viên, người học ở các cơ sở giáo dục đào tạo tiếp cận một phần các tài liệu kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về phát triển nguồn nhân lực. Có các biện pháp, giải pháp chủ động nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi số. Chú trọng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng, kỹ năng số, chuyên gia.

Đối với người lao động

Người lao động trong các doanh nghiệp ngoài việc tích cực tham gia các khóa đào tạo do doanh nghiệp tổ chức, cần chủ động tự đào tạo kỹ năng và kỹ năng số để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại thông qua các hình thức khác nhau như: hội thảo, tham gia các khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn trên thị trường, các lớp đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin ở các trung tâm, các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như tự học, tự đào tạo thông qua internet...

Chủ động tiếp cận với các gói hỗ trợ, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự hỗ trợ các bên liên quan trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng, đảm bảo các quyền lợi về việc làm, tạo việc làm, chuyển đổi việc làm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (2021), Đánh giá sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp Việt Nam.

2. PwC Việt Nam (2021), Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số của Việt Nam.

3. World Bank (2021), Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai.

Đoàn Thị Yến - Trường Đại học Lao động – Xã hội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/muc-do-san-sang-va-kha-nang-thich-ung-cua-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-a307330.html