Dự báo 7 kế hoạch lớn trong chính sách nhập cư của chính quyền Trump 2.0

() - Quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư đã giúp xác định sự nghiệp chính trị của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngay từ khi ông phát động chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên vào năm 2015.

Dự báo 7 kế hoạch lớn trong chính sách nhập cư của chính quyền Trump 2.0 - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông Trump và đội ngũ của mình đã đẩy vấn đề nhập cư trở thành yếu tố trọng tâm, nhưng có sự chuyển hướng từ chủ yếu tập trung vào việc xây dựng bức tường biên giới sang thực thi pháp luật trong nước và trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ đang sinh sống ở Mỹ.

Các tuyên bố, phát ngôn trong chiến dịch tranh cử và sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua cũng như việc ông Trump đề cử một loạt các quan chức hàng đầu có chung quan điểm trong các vấn đề liên quan nhập cư, như bổ nhiệm ông Stephen Miller làm Phó Chánh văn phòng phụ trách Chính sách, ông Thomas Homan làm "ông trùm biên giới" và bà Kristi Noem làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, đã báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách nhập cư của Mỹ trong tương lai, nhắm vào hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ và xác định lại cách tiếp cận của quốc gia đối với những người mới đến nước Mỹ.

Kế hoạch của chính quyền Trump 2.0 về vấn đề nhập cư?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ cải tổ sâu rộng chính sách nhập cư của Mỹ, vốn đã được ông triển khai khá cứng rắn trong nhiệm kỳ đầu của mình. Theo một số nguồn tin, kế hoạch sắp tới của chính quyền Trump sẽ bao gồm:

Một là, trục xuất các cá nhân không có giấy tờ: Trọng tâm trong chính sách nhập cư của chính quyền Trump sắp tới là trục xuất những cá nhân không có giấy tờ. Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là một "chiến dịch trục xuất nội địa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ", đồng nghĩa với việc sẽ kéo dài trong một thời gian, thậm chí là nhiều năm nhằm trục xuất khoảng 11 triệu người "nhập cư trái phép" đang ở nước Mỹ. Nhiều khả năng, ông Trump và đội ngũ của ông sẽ thúc đẩy các quy trình trục xuất nhanh chóng mà không cần các phiên điều trần pháp lý thông thường với lập luận rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ.

Ông Trump đã từng phát biểu khi tranh cử rằng: "Vào Ngày đầu tiên, tôi sẽ triển khai chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ". Các quan chức vừa được bổ nhiệm có cùng quan điểm với ông Trump như Thomas Homan đã tuyên bố hồi đầu năm 2024 rằng: "Tôi sẽ điều hành lực lượng trục xuất lớn nhất mà đất nước này từng chứng kiến". Stephen Miller cũng phát biểu: "Nước Mỹ dành cho người Mỹ và chỉ dành cho người Mỹ."

Ngày 18/11, ông Trump xác nhận trên mạng xã hội Truth Social rằng, ông dự định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về an ninh biên giới và sử dụng quân đội để tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp.

Hai là, sử dụng quân đội để thực thi luật nhập cư: Bằng cách viện dẫn Đạo luật về kẻ thù ngoài hành tinh năm 1798 và Đạo luật nổi dậy, ông Trump có kế hoạch triển khai quân đội liên bang để hỗ trợ bắt giữ những người di cư ở biên giới phía nam. Việc quân sự hóa chính sách nhập cư phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của ông Trump trong việc coi nhập cư là một mối đe dọa an ninh.

Mục đích của kế hoạch này là tạo dựng sự hiện diện chưa từng có ở biên giới với sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát địa phương từ các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Bên cạnh đó, ông Trump cũng muốn xây dựng các trại giam mới để giam giữ những người nhập cư không có giấy tờ chờ trục xuất, trong đó có thể bao gồm cả quân đội.

Ba là, đột kích nơi làm việc: Chính quyền Trump sắp tới có kế hoạch mở rộng việc đột kích nơi làm việc nhằm xác định và bắt giữ những người nhập cư không có giấy tờ, nhất là trong các lĩnh vực thường xuyên tuyển dụng lao động không có phép như nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xây dựng... Ông Trump lập luận, việc này sẽ không chỉ ngăn chặn việc làm trái phép mà còn tạo ra các thay đổi đáng kể trên thị trường lao động, mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, việc này sẽ có tác động sâu rộng, làm gián đoạn nền kinh tế địa phương và làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương trong cộng đồng người nhập cư.

Bên cạnh đó, khả năng chính quyền ông Trump sẽ thúc đẩy chính sách "Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ" (BAHA), trong đó ưu tiên việc làm cho người lao động Mỹ hơn là lao động nước ngoài, từ đó tạo ra yêu cầu khắt khe hơn với những nhà tuyển dụng muốn thuê người lao động nước ngoài.

Bốn là, mở rộng Bức tường biên giới: Bức tường biên giới đã tạo được tiếng vang sâu sắc với những người ủng hộ ông Trump. Biên giới Mỹ - Mexico dài gần 3.200km và trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Tổng thống Trump đã xây dựng khoảng 800km. Tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7, ông Trump đã hứa sẽ "hoàn thành bức tường biên giới" với kế hoạch chuyển hướng từ tài trợ quân sự sang xây dựng các phần mới của bức tường này.

Những người ủng hộ cho rằng đây là hành động cần thiết đảm bảo an ninh quốc gia và kiểm soát nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng bức tường đại diện cho sự phân bổ nguồn lực sai lầm và triển vọng mở rộng Bức tường biên giới làm dấy lên những lo ngại về môi trường và hậu cần, đặc biệt là ở những khu vực mà cảnh quan thiên nhiên có thể bị phá vỡ. Hơn nữa, một cách tiếp cận toàn diện giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nhập cư sẽ hiệu quả hơn về lâu dài.

Năm là, tái kích hoạt chính sách "Ở lại Mexico": Ông Trump đã hứa khởi động lại chính sách này hay còn gọi là Quy tắc Bảo vệ Nhập cư, trong đó yêu cầu người nhập cư không được phép vào  nước Mỹ trong thời gian chờ tòa án xem xét đơn tị nạn. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, chính quyền Tổng thống Trump đã khiến hơn 65.000 người di cư không phải từ Mexico phải vật lộn để tìm nơi trú ẩn tạm thời ở miền bắc Mexico.

Nhiều khả năng, trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ tiến hành sửa đổi các hạn chế về tị nạn, thu hồi các biện pháp bảo vệ đối với người di cư được bảo vệ bởi các chương trình ân xá nhân đạo mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra cũng như hủy bỏ các ưu tiên thực thi của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE).

Sáu là, chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh: Ông Trump đã hứa sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp chấm dứt nguyên tắc Hiến pháp lâu đời rằng trẻ em sinh ra tại Mỹ sẽ được cấp quyền công dân trừ phi cha hoặc mẹ của em bé đó là thường trú nhân hợp pháp hoặc công dân Mỹ trước khi chúng có thể được cấp hộ chiếu hoặc số An sinh xã hội.

Các nhà lập pháp cho biết, bất kỳ hành động hành pháp nào mà ông Trump thực hiện nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với những người sinh ra tại Mỹ chắc chắn sẽ bị thách thức tại tòa và có khả năng sẽ bị đấu tranh cho đến Tòa án Tối cao.

Bảy là, khôi phục lệnh cấm người Hồi giáo: Một trong những hành động cứng rắn nhất trong chính quyền Trump đầu tiên là lệnh cấm đi lại đối với 7 quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Trong tuần đầu tiên nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm công dân nước ngoài từ bảy quốc gia nhập cảnh vào Mỹ trong thời hạn 90 ngày và đã có hiệu lực ngay lập tức. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Trump 2.0 ban hành lệnh cấm đi lại mới sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Bên cạnh đó, một sắc lệnh hành pháp khác đang được xem xét, trong đó bao gồm việc bắt buộc giam giữ và kêu gọi chấm dứt việc thả người di cư. Sắc lệnh này được cho là sẽ mở đường cho việc giam giữ và cuối cùng là trục xuất người di cư trên quy mô lớn. Những người thân cận với tổng thống và các trợ lý của ông đang đặt nền móng cho việc mở rộng các cơ sở giam giữ để thực hiện lời hứa trong chiến dịch trục xuất hàng loạt của ông, bao gồm cả việc xem xét các khu vực đô thị có đủ khả năng cung cấp nhà ở cho người di cư. Tuy nhiên, việc này được cho là có khả năng dẫn đến việc xem xét xây dựng các cơ sở giam giữ mới tại các khu vực đô thị lớn hơn. Các quan chức An ninh Nội địa Mỹ trước đây đã xác định nhiều thành phố để xây dựng năng lực giam giữ nhằm chuẩn bị cho đợt tăng cường ở biên giới sắp tới.

Các tác động tiềm tàng

Dự báo 7 kế hoạch lớn trong chính sách nhập cư của chính quyền Trump 2.0 - 2

Bức tường biên giới giữa Mexico và Mỹ (Ảnh: Reuters).

Dưới chính quyền Trump 2.0, luật nhập cư của Mỹ chắc chắn sẽ được định hình lại và tiềm ẩn nhiều tác động tiềm tàng:

Một là, đối với an ninh kinh tế: Theo số liệu từ Bộ An ninh và Nội địa Mỹ, hiện có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ. Những người lao động nhập cư hiện chiếm tới 1/5 tổng lực lượng lao động toàn nước Mỹ, một con số kỷ lục từ hai thập niên qua. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc trục xuất hàng loạt người nhập cư sẽ làm lộ rõ điểm yếu của một số ngành công nghiệp, nhất là các ngành ghi nhận việc sử dụng nhiều lao động nhập cư như nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ, khách sạn; tạo ra các tác động lớn tới nền kinh tế địa phương, dẫn đến sự bất ổn kinh tế và thậm chí có thể tái định hình lại bối cảnh kinh tế và nhân khẩu học của nước Mỹ.

Theo nghiên cứu chung của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Viện Brookings và Trung tâm Niskanen, nếu các kế hoạch liên quan đến người nhập cư được chính quyền ông Trump triển khai quyết liệt, tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm 0,4 điểm phần trăm vào năm 2025. Thậm chí, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson còn dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2028 sẽ thấp hơn tới 7,4% nếu tiến hành trục xuất toàn bộ 8,3 triệu lao động nhập cư không giấy tờ. Thậm chí, mức lạm phát của Mỹ còn được dự báo sẽ cao hơn 3,5 điểm phần trăm vào năm 2026 khi các nhà tuyển dụng phải tăng lương để thu hút lao động bản địa.

Hai là, những tác động về pháp lý và đạo đức: Những người ủng hộ cho rằng cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề nhập cư là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trong khi những người chỉ trích coi đây là một tiền lệ nguy hiểm làm suy yếu quyền tự do dân sự và có thể dẫn đến sử dụng vũ lực quá mức đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Kế hoạch này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cách tiếp cận của chính phủ liên bang đối với những người nhập cư không có giấy tờ, làm dấy lên những lo ngại về pháp lý và đạo đức liên quan đến vai trò của quân đội trong việc thực thi pháp luật trong nước.

Mặc dù chưa rõ chi tiết về kế hoạch của ông Trump sẽ như thế nào, nhưng kế hoạch này dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20 triệu gia đình đang sinh sống tại Mỹ và sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Ba là, thách thức là không nhỏ: Để thực hiện kế hoạch trục xuất quy mô lớn, ông Trump sẽ phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật tại các  bang, tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng hợp tác với chính quyền tương lai của ông Trump. Theo Trung tâm Tài nguyên Pháp lý cho Người nhập cư phi lợi nhuận, hiện 11 bang ở Mỹ đã thực hiện các bước đi, ở các mức độ khác nhau, để giảm hợp tác với cơ quan thực thi luật nhập cư của liên bang.

Ngày 19/11 vừa qua, Hội đồng thành phố Los Angeles, bang California đã thông qua Sắc lệnh "thành phố trú ẩn" để bảo vệ người nhập cư, trong đó cấm sử dụng các nguồn lực và nhân sự của thành phố để thực hiện việc thực thi luật nhập cư của liên bang. Los Angeles là thành phố đông dân thứ hai tại Mỹ (sau New York) với 1,3 triệu người nhập cư.

Bên cạnh đó, kế hoạch trục xuất lớn của ông Trump sẽ gặp khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý, hậu cần và đòi hỏi chi phí cùng cơ sở hạ tầng khổng lồ. Để triển khai được kế hoạch lớn như thế này, cần phải huy động nguồn tài chính khổng lồ, thậm chí có thể tới hơn 300 tỷ USD. Mặc dù trong một cuộc phỏng vấn với NBC ông Trump đã nói rằng "không quan tâm đến số tiền này" nhưng thực tế rõ ràng đây vẫn là vấn đề nan giải.

Bốn là, tác động lớn đến nhiều quốc gia: Các quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng thị thực Mỹ được cấp lớn cũng dễ bị tổn thương bởi chính sách nhập cư sắp tới, nhất là các quốc gia ở khu vực châu Mỹ Latinh. Hồi tháng 8, tạp chí Economist công bố nghiên cứu cho thấy, các nước phụ thuộc nhiều vào kiều hối ở Mỹ như  El Salvador, Cộng hòa Dominica, Honduras, Mexico và Guatemala nhiều khả năng nằm trong top đầu chịu ảnh hưởng bởi thay đổi chính sách nhập cư sắp tới của Mỹ.

Hơn nữa, chính sách nhập cư siết chặt của chính quyền Trump 2.0 sẽ có tác động lớn đến các sinh viên quốc tế.  Nhiều trường đại học tại Mỹ đã ra khuyến cáo về việc đi lại, ra và vào nước Mỹ trước ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức (20/1/2025) do lo ngại chính quyền Tổng thống mới có thể ban bố một số lệnh cấm hoặc hạn chế ra vào Mỹ đối với công dân quốc tế trong ngày đầu Tổng thống đắc cử Trump quay lại Nhà Trắng. Trong khi đó, cơ hội làm việc tại Mỹ dưới thời chính quyền Trump 2.0 đối với sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp dường như đang khá "hẹp cửa".

Kế hoạch hạn chế nhập cư của ông Trump không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn tác động đến sự ổn định ở nhiều ngành và cả tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thị trường lao động cạnh tranh, việc thu hẹp nguồn lao động nhập cư có thể làm suy yếu vị thế kinh tế của Mỹ trên trường quốc tế.

Việc trục xuất hàng loạt người nhập cư ra khỏi nước Mỹ có thể tác động tới việc đảm bảo an ninh quốc gia cũng như quyền lợi của người dân Mỹ, do đó chính quyền Trump 2.0 chắc chắn phải tính toán chính sách cân bằng và toàn diện để vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa duy trì lực lượng lao động cần thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Những quyết sách quá cứng rắn có thể sẽ khiến Mỹ chịu tác động, không chỉ về mặt kinh tế mà còn là uy tín trong cộng đồng quốc tế.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/du-bao-7-ke-hoach-lon-trong-chinh-sach-nhap-cu-cua-chinh-quyen-trump-20-a306838.html