Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 27/11, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy cáo buộc chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng tăng cường viện trợ cho Ukraine để tạo ra "sự hỗn loạn, cả ở Nga và với đội ngũ mới tại Nhà Trắng".
Ông Polyanskiy cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rất lo sợ về sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1 năm sau.
"Ngay cả khi chúng ta gạt sang một bên dự đoán rằng ông Donald Trump sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine, về cơ bản đối với quân đội Ukraine sẽ là một bản án tử hình, thì có một điều ngày càng rõ ràng đó là ông Trump và đội ngũ của ông ấy, trong mọi trường hợp, sẽ tiến hành kiểm toán viện trợ đã cung cấp cho Kiev", nhà ngoại giao Nga nói.
Theo hãng tin Reuters, ông Trump đang cân nhắc Keith Kellogg, một trung tướng đã nghỉ hưu, người đã trình bày cho ông một kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine, làm đặc phái viên về Ukraine.
Kế hoạch của ông Kellogg nhằm chấm dứt xung đột bao gồm việc đóng băng tiền tuyến hiện tại, đồng thời buộc Kiev và Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump liên tục chỉ trích viện trợ vô điều kiện của Washington dành cho Kiev và nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt xung đột Ukraine "trong vòng 24 giờ" nếu đắc cử. Để làm được điều này, ông có thể buộc Kiev phải đình chỉ tham vọng trở thành thành viên NATO và đóng băng các hoạt động giao tranh dọc chiến tuyến hiện tại.
Phó Đại sứ Polyanskiy cho biết Nga đã nhiều lần đề nghị đàm phán, nhưng Ukraine và phương Tây lại ủng hộ leo thang.
Ông cảnh báo, quyết định của chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh châu Âu về việc cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga đã "đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu".
"Mỗi làn sóng leo thang từ phương Tây sẽ bị đáp trả quyết liệt. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí của mình để tấn công các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí tấn công các cơ sở của chúng tôi", ông Polyanskiy cảnh báo.
Tuần trước, Nga cáo buộc Ukraine lần đầu tiên dùng các tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ gồm ATACMS của Mỹ, Storm Shadow của Anh để tấn công các tỉnh biên giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi tính chất của cuộc xung đột, khiến NATO trở thành bên trực tiếp tham chiến.
Phát biểu tại phiên họp của Liên hợp quốc hôm 27/11, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc Miroslav Jenca đã đề cập đến các cuộc tấn công tên lửa tầm xa gần đây của Nga vào Ukraine và gọi việc sử dụng tên lửa đạn đạo cũng như các mối đe dọa liên quan là "một diễn biến leo thang rất nguy hiểm".
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood phát biểu tại phiên họp rằng, Washington sẽ "tiếp tục tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine để củng cố năng lực của nước này, bao gồm cả phòng không, và đưa Ukraine vào vị thế tốt nhất có thể trên chiến trường".
Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ hôm 27/11 cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị một gói vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh tổng thống sắp mãn nhiệm tìm cách tăng cường hỗ trợ Kiev trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1.
Theo một quan chức quen thuộc với kế hoạch này, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch cung cấp nhiều loại vũ khí chống tăng từ kho vũ khí của Mỹ để ngăn chặn quân đội Nga tiến công, bao gồm mìn, máy bay không người lái, tên lửa Stinger và đạn dược cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Theo thông báo mà Reuters có được, gói vũ khí này cũng dự kiến sẽ bao gồm cả đạn chùm.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nga-canh-bao-an-tu-voi-quan-doi-ukraine-a306818.html