Quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới tại huyện Củ Chi TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng công tác quản lý nhà nước trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời, chỉ ra những tồn tại trong thực tiễn triển khai thực hiện, như: việc quy hoạch còn chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định, một số dự án cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân… Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tại địa phươn...

Từ khóa: quản lý nhà nước, xây dựng nông thôn mới, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh

Summary

This research analyzes the state management of new rural construction in Cu Chi district, Ho Chi Minh city, at the same time, pointed out shortcomings in practical implementation, such as: planning is unsynchronous and unstable, some infrastructure projects do not meet people's living needs... On that basis, the authors proposed a number of solutions to improve the effectiveness of state management in this field locally in the coming time.

Keywords: state management, new rural construction, Cu Chi district, Ho Chi Minh city

GIỚI THIỆU

Qua 10 năm triển khai Chương trình XDNTM, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) được công nhận 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn nâng cao (2016-2020). Tính đến năm 2023, mặc dù đã có 18/20 xã của Huyện được TP. Hồ Chí Minh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, song trong quá trình thực hiện, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc quy hoạch còn thiếu đồng bộ, đồ án quy hoạch tính khả thi chưa cao; công tác quản lý xây dựng gặp nhiều lúng túng làm chậm tiến độ (UBND huyện Củ Chi, 2023). Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả, chưa đảm bảo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Để khắc phục những điểm nghẽn tồn tại này, cần mạnh dạn có các giải pháp phù hợp, góp phần hoàn thiện quy hoạch tổng thể và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý trong XDNTM của địa phương.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Theo Vũ Đình Thắng (2013), quản lý nhà nước về kinh tế trong nông nghiệp là sự quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nông nghiệp thông qua các công cụ kế hoạch, pháp luật và các chính sách để tạo điều kiện và tiền đề, môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, hướng tới mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp; xử lý những việc ngoài khả năng tự giải quyết của đơn vị kinh tế trong quá trình hoạt động kinh tế trên tất cả các lĩnh vực: sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp; điều tiết lợi ích giữa các vùng, ngành, sản phẩm, giữa nông nghiệp với toàn bộ nền kinh tế, làm ổn định và lành mạnh hóa mọi quan hệ kinh tế và xã hội.

Hồ Xuân Hùng (2010) cho rằng, quản lý nhà nước về XDNTM một dạng của hoạt động quản lý nhà nước, đối tượng là hoạt động XDNTM, chủ thể thực thi là hệ thống các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức được trao quyền tác động quản lý thông qua các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia XDNTM theo quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, để cuối cùng là đạt được mục tiêu của Chương trình XDNTM đề ra.

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XDNTM TẠI HUYỆN CỦ CHI, TP. HỒ CHÍ MINH

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch XDNTM

Dựa trên mục tiêu XDNTM của TP. Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch XDNTM trên cơ sở chủ trương tại các văn bản pháp lý đã ban hành trong giai đoạn 2016-2022, như: Quyết định số 2645/QĐ-UBND, ngày 23/5/2012 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Quyết định số 7803/QĐ-UBND của UBND huyện Củ Chi, ngày 27/9/2010, về quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND của UBND huyện Củ Chi, ngày 06/10/2011 về việc ban hành quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn Huyện... Tính đến năm 2022, số lượng tổng thể các quy hoạch được huyện Củ Chi phê duyệt là 163 quy hoạch, bao gồm: 1 quy hoạch chung của Huyện và 20 đồ án quy hoạch chung về XDNTM của 20 xã; 142 đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và các điểm dân cư nông thôn, với tổng diện tích được phê duyệt quy hoạch là 20.382,31 hecta, chiếm 46,9% tổng diện tích toàn huyện (UBND huyện Củ Chi, 2023).

Nhìn chung, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch XDNTM đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố. Đồ án XDNTM các xã và quy định quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, làm cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia XDNTM và thực hiện các nhiệm vụ XDNTM trên địa bàn huyện. Trong quá trình lập quy hoạch hay các kế hoạch xây dựng cũng được thực hiện dựa trên các kết quả đóng góp ý kiến của người dân.

Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quản lý nhà nước và chính sách về XDNTM

Kể từ khi có quy hoạch xây dựng huyện Củ Chi từ năm 2012 theo Quyết định số 2645/QĐ-UBND, Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi đã ban hành nhiều các văn bản, chủ trương chính sách thực hiện việc XDNTM theo kế hoạch. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2022, hơn 285 văn bản đã được ban hành với các nội dung chú trọng về: Phê duyệt phương án hỗ trợ lãi vay cho các hộ vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập; Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang hỗ trợ phương tiện sản xuất cho hộ nghèo để tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; Hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn, kết hợp giải quyết việc làm; Triển khai thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay, hỗ trợ vốn và một phần kinh phí xây dựng hầm Bioga trong chăn nuôi (UBND huyện Củ Chi, 2023). Các chủ trương, văn bản chính sách do UBND Huyện ban hành đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo không có đủ nguồn lực về máy móc, vật chất kỹ thuật và vay vốn cho sản xuất. Bên cạnh đó, các chủ trương chính sách và hướng dẫn tổ chức thực hiện kịp thời của Huyện đã hỗ trợ người dân có cơ hội nâng cao kiến thức, biết thêm nhiều về các hoạt động sản xuất, nhằm áp dụng vào thực tiễn phát triển mô hình sản xuất của gia đình.

Tổ chức bộ máy quản lý Chương trình XDNTM

Việc tổ chức bộ máy quản lý, điều hành thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn huyện Củ Chi (bao gồm cấp huyện, cấp xã) đã được thành lập hoàn chỉnh, được quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ở cấp huyện, các ban chỉ đạo chương trình XDNTM thực hiện đúng theo nghĩa vụ, chỉ đạo toàn diện hệ thống chính trị toàn Huyện triển khai thực hiện Chương trình, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ liên quan đến XDNTM được Ban chỉ đạo Thành uỷ phân công. Tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo được sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, để huy động tổng lực cùng hành động, chung tay thực hiện Chương trình XDNTM. Bên cạnh đó, đồng thực hiện thanh kiểm tra giám sát để đảm bảo việc thực hiện đúng tiến độ đã đề ra. Mỗi cơ quan khi được điều phối thực hiện cũng phải thực hiện tổng hợp, báo cáo định kỳ hay báo cáo đột xuất, để đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Ở cấp xã, Đảng uỷ UBND xã chỉ đạo chung, toàn diện đến từng Chủ tịch UBND xã, Phó trưởng ban, Ban quản lý XDNTM từng xã để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, cán bộ triển khai thực hiện; đồng thời, thường xuyên kiện toàn các thành viên trong Ban quản lý XDNTM cấp xã khi có sự thay đổi nhân sự tại xã, nhằm đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình XDNTM được xuyên suốt, hiệu quả.

Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung XDNTM

Trong suốt những năm qua khi triển khai thực hiện, lãnh đạo huyện Củ Chi đã xác định Chương trình XDNTM là mục tiêu chương trình trọng điểm của Huyện, nên đã tập trung chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt với các nội dung trọng tâm, như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn; Quản lý các vấn đề xã hội, an ninh và trật tự khu vực nông thôn; Tập trung huy động các nguồn lực xã hội, trọng tâm là nguồn lực từ nhân dân cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững gắn với nguồn lực từ các đơn vị hỗ trợ XDNTM. Tuy nhiên, nguồn lực huy động trong dân để XDNTM trong giai đoạn 2016-2022 còn thấp (chỉ chiếm 1,8% tổng nguồn lực), do đa số người dân huyện Củ Chi còn nghèo, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn (UBND huyện Củ Chi, 2021, 2023)

Bảng 1: Kết quả huy động nguồn vốn đầu tư XDNTM giai đoạn 2016–2022 trên địa bàn huyện Củ Chi

STT

Nguồn vốn

Số tiền (tỷ đồng)

Tỷ lệ (%)

1

Ngân sách phân bổ

756

8,07

2

Huy động từ doanh nghiệp

8.446

90,13

3

Huy động từ người dân

168

1,80

Tổng cộng

9.370

100

Nguồn: Tổng hợp Báo cáo của UBND huyện Củ Chi (2021, 2023)

Nguồn lực của Nhà nước đầu tư trực tiếp cho Chương trình còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương, trong khi vốn huy động trong dân và doanh nghiệp chưa đáng kể và chưa hiệu quả. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ Trung ương do phân bổ theo quy định, nên vốn dàn trải, khó đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện và sự chuyển biến đạt được.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động tham gia XDNTM

Các cấp, các ngành trên địa bàn Huyện triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền XDNTM bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là người dân. Các cơ quan thông tin truyền thông huyện, xã đã mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến các hoạt động XDNTM, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện XDNTM thông qua việc lồng ghép các phong trào do đơn vị phát động. Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Ban Dân vận Huyện uỷ, trung tâm bồi dưỡng chính trị Huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền XDNTM, tổ chức tập huấn cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên về XDNTM, thông tin về tình hình triển khai chương trình XDNTM ở các xã, đặc biệt là các xã điểm. Hàng năm, tổ chức triển khai các mô hình, như: Tuyến đường xanh - sạch - đẹp và an toàn giao thông, mô hình “Nhà đại đoàn kết”… ở các xã NTM. Thông qua các mô hình, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống nhân dân ở các xã NTM. Bên cạnh đó, các đài phát thanh của Thành phố, Huyện cũng thực hiện các chương trình thời sự của địa phương và lồng ghép các nội dung khác nhau của chương trình hàng ngày với kết quả tuyên truyền về Chương trình XDNTM trong 2 năm 2021-2023, tổng cộng đã thực hiện tuyên truyền được 2.150 tin, 350 bài viết, với tổng thời lượng phát thanh là 580 giờ (UBND huyện Củ Chi, 2023).

NHỮNG TỒN TẠI HẠN CHẾ

Bên cạnh các kết quả đạt được nói trên, công tác quản lý nhà nước trong thực hiện Chương trình XDNTM của huyện Củ Chi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể như sau:

Một là, quy hoạch tổng thể phát triển đô thị của Huyện còn hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu ổn định để phát triển lâu dài: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới... chưa đảm bảo liên kết, thống nhất, đồng bộ. Chưa có quy hoạch mang tính chất liên kết vùng, khu vực. Công tác quy hoạch còn chậm so với tiến độ, nhiều đồ án quy hoạch chậm triển khai thực hiện, gây bức xúc trong nhân dân. Việc công khai quy hoạch đôi lúc chưa tốt, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai còn nhiều bất cập. Huyện Củ Chi có diện tích tự nhiên lớn, tuy nhiên có nhiều quỹ đất trống thể hiện ở tình trạng đất nông nghiệp sản xuất không hiệu quả. Đến nay, một số quy hoạch chưa được triển khai thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân đang sinh sống trong khu vực quy hoạch như việc tách thửa, chuyến mục đích, xây dựng, tạo lập nhà ở cho con ra riêng, thế chấp vay vốn ngân hàng của người dân đều không thực hiện được.

Hai là, việc ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Huyện và Ban quản lý xã còn chậm, không được ban hành ngay khi thành lập, nên gây ra sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, khó khăn trong hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong giai đoạn đầu thực hiện XDNTM. Thành viên của các ban thường xuyên có sự thay đổi do luân chuyển, điều động công tác hoặc nghỉ việc.

Ba là, công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa thật sự chủ động và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên. Mỗi thành viên đều thực hiện chế độ kiêm nhiệm, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác được giao, chỉ phối hợp thực hiện khi có sự phân công, chỉ đạo.

Bốn là, công tác tuyên truyền, vận động còn mang xu hướng cung cấp thông tin một chiều thông qua các phương tiện truyền thông, các lớp tuyên truyền, tập huấn về XDNTM ở các cấp, các ngành, các đoàn thể, các hội và hiệp hội. Tại địa phương, cũng chưa có kênh chính thống để thu thập các thông tin ý kiến phản hồi, đóng góp của người dân, trong khi chính họ là chủ thể của quá trình XDNTM. Trong khi đó, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, vận động của một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa làm cho người dân hiểu rõ về mục tiêu Chương trình, về vai trò trách nhiệm của cá nhân để họ có ý thức đóng góp cho XDNTM.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT

Hoàn thiện việc lập quy hoạch, kế hoạch XDNTM

Việc lập quy hoạch, kế hoạch XDNTM cần phải phù hợp tình hình hiện tại, đảm bảo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Huyện đến năm 2025, tầm nhìn 2045 theo Quyết định số 321/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ XDNTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định được các điểm, khu vực phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, để có cơ chế, chính sách cho phép các điểm, khu vực làm du lịch gắn với XDNTM được phép đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ du lịch, cũng như có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, thu hút khách du lịch đến với địa phương nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng công tác ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về XDNTM

Luôn rà soát các văn bản quản lý nhà nước về XDNTM của Huyện để kịp thời bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của văn bản. Việc ban hành văn bản quản lý nhà nước, các cơ chế, chính sách về XDNTM phải mang tính khả thi cao, tránh tình trạng chung chung, thiếu đồng bộ và phải có sự khảo sát chặt chẽ, lấy ý kiến, bàn bạc trước khi tiến hành ra quyết định ban hành nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất khi triển khai thực hiện.

Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý

Thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện, xã, bố trí đủ số lượng cán bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả tham mưu, điều phối của Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Bố trí cán bộ chuyên trách cho văn phòng nông thôn mới cấp xã. Hàng năm, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp huyện, xã và ấp để hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của Chương trình; tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về Chương trình; Tổ chức học tập kinh nghiệm về Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương khác.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động tham gia

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động tham gia XDNTM với nhiều hình thức, như: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí, panel, tờ rơi, cẩm nang... giúp người dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ phụ trách công tác XDNTM, nâng cao hơn nữa nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong XDNTM./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Xuân Hùng (2010), Những vấn đề quan tâm khi xây dựng nông thôn mới, Bản tin ISG, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Vụ hợp tác quốc tế.

2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 321/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

3. UBND huyện Củ Chi (2010), Quyết định số 7803/QĐ-UBND, ngày 27/9/2010, về quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2025.

4. UBND huyện Củ Chi (2011), Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND, ngày 06/10/2011 về việc ban hành quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi.

5. UBND huyện Củ Chi (2021, 2023), Báo cáo kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, 2021-2022.

6. UBND TP. Hồ Chí Minh (2012), Quyết định số 2645/QĐ-UBND, ngày 23/05/2012 về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

7. Vũ Đình Thắng (2013), Giáo trình kinh tế nông nghiệp, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phạm Xuân Thu, Nguyễn Thái Hưng,Lê Văn Thương, Trịnh Minh Quan

Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

TS. Vòng Thình Nam

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-xay-dung-nong-thon-moi-tai-huyen-cu-chi-tp-ho-chi-minh-a306666.html