Hiệu ứng kế toán nhận thức (mental accounting) trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin

Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge.

Hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức (mental accounting)

Hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức (mental accounting) là một khái niệm trong tài chính hành vi, mô tả cách con người phân loại và quản lý tiền bạc theo từng mục đích khác nhau trong tâm trí, thay vì xem xét nó như một tổng thể. Hiệu ứng này khiến chúng ta không đánh giá tiền bạc một cách lý trí và toàn diện, mà thường dựa trên cách chúng ta chia các khoản tiền thành những “accounts” (“tài khoản”) khác nhau trong tâm trí. Nghiên cứu “Mental Accounting Matters” của Richard H. Thaler là một trong những công trình quan trọng trong lĩnh vực tài chính hành vi, giới thiệu và giải thích khái niệm tâm lý kế toán nhận thức [1].

Hiệu ứng tâm lý này thường có các đặc điểm như sau:

Chia nhỏ và gán nhãn các khoản tiền: Các cá nhân có xu hướng phân tiền vào các khoản kế toán

“Chúng em nhẹ gánh, thảnh thơi lắm. Các bác bên kia suốt ngày cau có, chăm chăm giữ đám hạt chín”.

Trích “Nhẹ gánh, thảnh thơi”; Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024)

nhận thức được gán nhãn khác nhau trong tâm trí dựa trên nguồn gốc hoặc mục đích sử dụng (ví dụ: tiền lương, tiền thưởng, tiền tiết kiệm...).

Đánh giá các khoản tiền được chia nhỏ không đồng đều: Đối với mỗi khoản kế toán nhận thức khác nhau, các cá nhân sẽ có các đánh giá về giá trị và hành vi sử dụng khác nhau. Ví dụ, cá nhân có thể chi tiêu tiền dễ dàng hơn khi nó thuộc tài khoản “tiền thưởng” hoặc “tiền rủng rỉnh” so với khi tiền ở tài khoản “tiền tiết kiệm” mặc dù giá trị của chúng là như nhau.

Ra quyết định tài chính thiếu tối ưu: Các cá nhân có thể bỏ qua các cơ hội tối ưu hơn chỉ vì cách họ gán nhãn các khoản tiền. Ví dụ, một người có thể vay tiền với lãi suất cao để mua sắm, trong khi họ có sẵn tiền trong tài khoản tiết kiệm với lãi suất thấp hơn.

Tác động trong đầu tư

Trong đầu tư chứng khoán, hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách nhà đầu tư quản lý danh mục đầu tư của mình và ra quyết định. Nhà đầu tư thường chia các khoản đầu tư của họ thành các khoản kế toán nhận thức khác nhau, dựa trên mục đích hoặc nguồn gốc, thay vì xem toàn bộ danh mục đầu tư như một tổng thể duy nhất. Chẳng hạn như việc nhà đầu tư chia khoản tiền thành các nhóm, như tiền lương, tiền thưởng, tiền tiết kiệm, tiền vốn tiền lời... Từ đó họ sẽ có đánh giá và đối xử khác nhau với các khoản tiền được gán nhãn khác nhau. Theo nghiên cứu của Vuong và Phuc [2], số nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức chiếm 11% trong mẫu khảo sát.

Hiệu ứng này có thể dẫn đến các chiến lược đầu tư không đồng nhất giữa các khoản tiền. Ví dụ, mặc dù giá trị của “lợi nhuận” và “vốn gốc” là như nhau nhưng nhà đầu tư có thể có những quyết định đầu tư mạo hiểm hơn khi dùng khoản tiền tới từ lợi nhuận đầu tư, cho rằng đó là “tiền thắng” và có thể mất mà không ảnh hưởng lớn, trong khi vốn gốc được sử dụng một cách bảo thủ và chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, khi nhà đầu tư tách riêng những khoản tiền đầu tư, các tính toán rủi ro – lợi nhuận cụ thể cho những hoạt động sử dụng nguồn tiền được gán nhãn khác nhau cũng sẽ khác nhau. Điều này khiến cho nhà đầu tư có thể đánh giá rủi ro không toàn diện, bởi họ chỉ nhìn vào từng phần của danh mục đầu tư thay vì đánh giá rủi ro tổng thể. Đồng thời, trong một số tình huống, hiệu ứng tâm lý này có thể khiến nhà đầu tư bỏ qua cơ hội tốt hơn.

Ví dụ, nếu một phần danh mục đang thua lỗ, nhưng phần khác đang có lãi, họ có thể tiếp tục chấp nhận rủi ro quá mức thay vì xem xét tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Hiệu ứng kế toán nhận thức (mental accounting) trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin
Ảnh minh họa

Góc nhìn xử lý thông tin về tâm lý kế toán nhận thức

Lý thuyết mindsponge, được phát triển bởi GS. Vương Quân Hoàng, cung cấp một khung lý thuyết giúp giải thích quá trình con người tiếp nhận và xử lý thông tin [3]. Gần đây, dựa trên thế giới quan và đặc tính của vật lý lượng tử và lý thuyết thông tin của Shannon [4-6], lý thuyết mindsponge đã được phát triển thành lý thuyết tư duy tương tác hạt (granular interactions thinking theory) [7,8]. Lý thuyết mới này giúp giải thích được nhiều hiện tượng tâm lý xã hội thông qua quá trình tương tác thông tin trong tâm trí con người và xã hội [9-12], vì thế lý thuyết này có thể được sử dụng để giải thích hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức trong đầu tư chứng khoán và đưa ra các khuyến nghị phù hợp.

Sự hình thành các “khoản kế toán nhận thức”

Theo lý thuyết tư duy tương tác hạt [8], tâm trí con người hoạt động như một hệ thống xử lý và lưu trữ thông tin, phải liên tục tương tác và trao đổi thông tin với môi trường bên ngoài. Khi lượng thông tin được tiếp nhận và xử lý tăng lên, sự hỗn loạn (entropy) của thông tin trong tâm trí cũng tăng theo, khiến cho tâm trí phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để xử lý và lưu trữ thông tin. Tuy nhiên, tâm trí của con người xuất phát từ các quá trình tương tác vật lý của bộ não, theo góc nhìn vật lý lượng tử, là một hệ thống vật lý, nên có giới hạn về năng lượng. Vì thế, nó chỉ có khả năng xử lý và lưu trữ một lượng thông tin hữu hạn.

Để tăng cường khả năng xử lý và lưu trữ thông tin, sự hỗn loạn trong tâm trí phải được giảm xuống. Theo Lý thuyết thông tin của Shannon [6], để đạt được điều này thì phải có sự phân biệt (differentiation) và ưu tiên (prioritization) giữa các đơn vị thông tin. Theo góc nhìn này thì sự hình thành các “khoản kế toán” được hình thành thông qua quá trình tương tác thông tin trong tâm trí và tạo ra các nhóm thông tin quan trọng để tiến hành tối ưu hóa, từ đấy giảm bớt sự hỗn loạn và năng lượng cần thiết cho quá trình đánh giá tiếp theo [8].

Xử lý thông tin dựa trên các khoản kế toán nhận thức

Khi các “khoản kế toán” đã được hình thành, quá trình tiếp nhận, đánh giá, lọc và xử lý thông tin tiếp theo sẽ thường được dựa trên các “khoản kế toán nhận thức” đã được hình thành trong tâm trí. Khi nhà đầu tư tiếp nhận thông tin tài chính mới, họ không còn đánh giá nó một cách khách quan mà thay vào đó, thông tin được đánh giá dựa trên niềm tin và giá trị liên quan với các khoản kế toán nhận thức. Nói cách khác, nhà đầu tư gán nhãn các khoản tiền thành từng “tài khoản” trong tâm trí, từ đấy đánh giá giá trị của các “tài khoản” đấy dựa trên các thông tin đang tương tác với các “tài khoản” đấy trong tâm trí, chứ không còn dựa trên giá trị của lượng tiền được đại diện bởi các “tài khoản” đấy.

Ví dụ: Tiền lãi từ việc đầu tư có thể được coi là một khoản “phụ” và nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn với khoản này, bởi trong tâm trí, nhà đầu tư cho rằng khi mất hết khoản tiền đấy thì họ vẫn không “lỗ.”

Bảo vệ niềm tin hiện tại và lựa chọn thông tin có chọn lọc

Vận hành dựa trên cơ chế xử lý thông tin của lý thuyết mindsponge, nên một trong những khía cạnh quan trọng của lý thuyết tư duy tương tác hạt là sự bảo vệ các giá trị và niềm tin đã xây dựng từ trước trong tâm trí. Cụ thể, nhà đầu tư thường có xu hướng đánh giá cao và lựa chọn giữ lại những thông tin có vẻ tương tự và củng cố cách nhìn nhận đã tồn tại trong tâm trí về các khoản tâm lý kế toán trong tâm trí. Điều này dẫn đến quá trình tư duy của nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi một cấu trúc tâm lý đã định hình từ trước, ngay cả khi thông tin mới cho thấy cần thay đổi chiến lược.

Giải pháp từ lý thuyết mindsponge

Để vượt qua hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức, nhà đầu tư cần thường xuyên thực hiện quá trình “tái cấu trúc” lại hệ thống phân biệt và ưu tiên trong tâm trí đã được hình thành từ trước, cụ thể là:

Nhận thức về sự không nhất quán trong việc đánh giá giá trị tiền bạc: Nhận diện các sai lệch trong việc phân chia các khoản tiền trong tâm trí và cố gắng nhìn nhận giá trị của chúng một cách toàn diện hơn.

Đón nhận thông tin từ nhiều nguồn: Thay vì chỉ tập trung vào thông tin củng cố niềm tin sẵn có, nhà đầu tư cần mở rộng khả năng tiếp nhận thông tin từ các góc nhìn khác nhau, để có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình đầu tư và sự phù hơp của việc “gán nhãn” cho các khoản tiền hiện tại.

Linh hoạt trong quản lý tài chính: Nhà đầu tư không nên quá cứng nhắc trong việc phân loại các khoản tiền theo mục đích, nguồn gốc, hay một hệ thống phân loại cụ thể nào đấy, mà thay vào đó, cần điều chỉnh chiến lược tài chính phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, cũng như sự thay đổi trong ưu tiên và phương pháp quản lý và đầu tư tài chính của bản thân.

Giữ kỷ luật liên tục đánh giá lại suy nghĩ của bản thân: Một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự hình thành các khoản kế toán nhận thức là để tiết kiệm năng lượng. Vì thế, nhà đầu tư cần giữ được kỷ luật sẵn sàng đầu tư năng lượng và thời gian vào việc đánh giá lại các khoản kế toán nhận thức của bản thân, đặc biệt là trong các giai đoạn thị trường biến động hoặc có sự thay đổi lớn trong ưu tiên và phương pháp quản lý và đầu tư tài chính của bản thân.

Nhìn chung, hiệu ứng tâm lý kế toán nhận thức (mental accounting) có thể được lý giải thông qua lý thuyết mindsponge, hay chính xác hơn là lý thuyết tư duy tương tác hạt, từ đó giúp hiểu rõ hơn về cách nhà đầu tư ra quyết định và quản lý danh mục đầu tư của mình./.

Tài liệu tham khảo

[1] Richard h. Thaler (1999). Mental accounting matters. Journal of Behavioral Decision Making, 12, 183-206. https://doi.org/10.1002/(SICI)1099-0771(199909)12:33.0.CO;2-F

[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675

[3] Vuong QH. (2023). Mindsponge theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3

[4] Rovelli C. (2018). Reality is not what it seems: The journey to quantum gravity. Penguin. https://www.amazon.com/dp/0735213933

[5] Hertog T. (2023). On the origin of time: Stephen Hawking’s final theory. Random House. https://www.amazon.com/dp/0593128443

[6] Shannon CE. (1948). A mathematical theory of communication. The Bell System Technical Journal, 27(3), 379-423. https://doi.org/10.1002/j.1538-7305.1948.tb01338.x

[7] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better economics for the Earth: A lesson from quantum

and information theories. AISDL. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44/

[8] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461

[9] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Exploring the role of rejection in scholarly knowledge production: insights from granular interaction thinking and information theory. Learned Publishing. https://doi.org/10.1002/leap.1636

[10] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Artificial intelligence and retracted science. AI & Society. https://doi.org/10.1007/s00146-024-02090-z

[11] Vuong QH, La VP, Nguyen MH. (2024). Weaponization of climate and environment crises: Risks, realities, and consequences. Environmental Science & Policy, 162, 103928. https://doi.org/10.1016/j.envsci.2024.103928

[12] La VP, Nguyen MH, Vuong QH. (2024). Climate change denial theories, skeptical arguments, and the role of science communication. SN Social Science, 4, 175. https://doi.org/10.1007/s43545-024-00978-7

[13] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6

Nguyễn Phương Tri

Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Minh Hoàng

Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/hieu-ung-ke-toan-nhan-thuc-mental-accounting-trong-dau-tu-chung-khoan-qua-goc-nhin-xu-ly-thong-tin-a306665.html