"Hiện giờ, họ có thể sử dụng ATACMS để tự vệ khi cần thiết. Chúng tôi đã thay đổi hướng dẫn và cho phép họ sử dụng chúng để tấn công các loại mục tiêu cụ thể này. Điều đó đang diễn ra trong và xung quanh tỉnh Kursk của Nga", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận với báo giới ngày 25/11.
Ông Kirby cho biết thêm, Mỹ sẽ "để Ukraine nói về việc họ sử dụng ATACMS cũng như các quy trình nhắm mục tiêu, mục đích sử dụng và hiệu quả của việc đó".
Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai xác nhận đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tuần trước, Nga cáo buộc Ukraine lần đầu tiên dùng các tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ gồm ATACMS của Mỹ, Storm Shadow của Anh để tấn công hai tỉnh biên giới gồm Kursk và Bryansk. Khi đó, cả Kiev và Washington đều không phủ nhận hay xác nhận.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp các hệ thống vũ khí ngày càng mạnh cho Kiev kể từ khi xung đột Ukraine - Nga nổ ra đầu năm 2022, song khẳng định điều đó không khiến họ trở thành một bên trong cuộc chiến.
Tuy nhiên, hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi tính chất của cuộc xung đột, khiến NATO trở thành bên trực tiếp tham chiến. Ông lập luận, Ukraine không thể triển khai các loại vũ khí như ATACMS hay Storm Shadow nếu không có sự tham gia của quân nhân NATO.
Mặt khác, giới chức Nga khẳng định vũ khí tầm xa của phương Tây không thể giúp Ukraine xoay chuyển tình thế. Một số chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm trên, chỉ ra rằng nguồn cung vũ khí tầm xa dành cho Kiev tương đối hạn chế và Moscow cũng đã di chuyển các khí tài quân sự vào sâu trong lãnh thổ, ra ngoài tầm bắn của ATACMS hay Storm Shadow.
Trong khi đó, đáp lại việc phương Tây "cởi trói" vũ khí cho Ukraine, đầu tuần trước, Tổng thống Putin đã thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi theo hướng hạ ngưỡng sử dụng các biện pháp răn đe hạt nhân.
Ngoài ra, Nga cũng sử dụng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik để tấn công một tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro. Ông Putin gọi đây là cuộc thử nghiệm vũ khí mới trong điều kiện thực chiến và những cuộc thử nghiệm như vậy sẽ tiếp tục trong tương lai.
Theo lời chủ nhân Điện Kremlin, Oreshnik có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và không thể bị bắn hạ.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm qua nhấn mạnh, diễn biến chiến dịch quân sự đặc biệt cho thấy sự xuất hiện của các loại vũ khí mới đã làm thay đổi quy mô, chiến thuật và chiến lược tác chiến.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/my-lan-dau-xac-nhan-cho-phep-ukraine-tan-cong-sau-vao-nga-a306559.html