Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Nguyên

Bài viết phân tích thực trạng KSNB tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Thái Nguyên. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong các hoạt động của SHB Chi nhánh Thái Nguyên.

Hoàng Mai Phương, Bùi Như Hiển

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên

Email: maiphuong@tueba.edu.vn

Tóm tắt

Kiểm soát nội bộ (KSNB) là một thành phần không thể thiếu trong quản trị ngân hàng và là cơ sở đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn và vững mạnh. Hệ thống KSNB hữu hiệu có thể giúp đảm bảo cho ngân hàng đạt được các mục tiêu dài hạn, duy trì công tác báo cáo tài chính (BCTC) và báo cáo quản trị đáng tin cậy; giúp đảm bảo rằng ngân hàng sẽ tuân thủ luật pháp và các quy định nội bộ, giảm thiểu rủi ro và những vấn đề gây tổn hại đến lợi ích và uy tín của ngân hàng. Bài viết phân tích thực trạng KSNB tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Thái Nguyên. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong các hoạt động của SHB Chi nhánh Thái Nguyên.

Từ khóa: kiểm soát nội bộ, hệ thống ngân hàng, ngân hàng thương mại, SHB Chi nhánh Thái Nguyên

Summary

Internal control is an indispensable component of banking management and is the basis for ensuring safe and sound banking operations. An effective internal control system can help ensure that the bank achieves its long-term goals, maintains reliable financial reporting and management reporting; helps ensure that the bank complies with laws and internal regulations, and minimizes risks and issues that harm the interests and reputation of the bank. The article analyzes the current state of internal control at the Saigon - Hanoi Commercial Joint Stock Bank (SHB) Thai Nguyen Branch. From there, it proposes solutions to improve the internal control system and minimize risks in the operations of the SHB Thai Nguyen Branch.

Keywords: internal control, banking system, commercial bank, SHB Thai Nguyen Branch

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế hội nhập ngày càng mở rộng, việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế đang là xu thế tất yếu của hầu hết các nước trên thế giới. Trong thời điểm này, Việt Nam đã có những định hướng mang tính chiến lược sâu rộng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Quá trình hội nhập giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên cũng kèm theo nhiều thách thức hơn và đòi hỏi sự nỗ lực, hoàn thiện hệ thống quản trị nhằm đáp ứng chiến lược phát triển của ngân hàng.

Thực tế cho thấy, những tổn thất đáng kể phát sinh trong hoạt động của ngân hàng chủ yếu xuất phát từ việc không duy trì được hệ thống KSNB hữu hiệu. Hệ thống KSNB hữu hiệu là một phần quan trọng trong quản trị hoạt động của ngân hàng, là nền tảng cho hoạt động của ngân hàng diễn ra một cách an toàn và minh bạch. Hệ thống KSNB còn đảm bảo cho ngân hàng đạt được các mục tiêu dài hạn, duy trì công tác BCTC và báo cáo quản trị đáng tin cậy; đồng thời, bảo đảm rằng, ngân hàng sẽ tuân thủ pháp luật và các quy trình nội bộ, giảm thiểu rủi ro và những vấn đề gây tổn hại đến lợi ích và uy tín của ngân hàng nói chung. Do vậy, nhóm tác giả đã nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện hệ thống KSNB tại SHB Chi nhánh Thái Nguyên.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Theo COSO (2013), hệ thống KSNB đã đưa ra 17 nguyên tắc mở rộng theo mô hình kết cấu bởi 5 thành phần cấu thành KSNB của COSO (1992), đó là:

(i) Môi trường kiểm soát: Môi trường kiểm soát bao gồm các chức năng quản trị và quản lý, các quan điểm, nhận thức và hành động của Ban quản trị và Ban Giám đốc liên quan đến kiểm soát nội bộ và tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ đối với hoạt động của đơn vị và thiết lập 5 nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Đơn vị thể hiện được cam kết về tính chính trực và giá trị đạo đức.

Nguyên tắc 2: Hội đồng quản trị chứng minh được sự độc lập với nhà quản lý và thực thi việc giám sát sự phát triển và hoạt động của KSNB.

Nguyên tắc 3: Nhà quản lý dưới sự giám sát của hội đồng quản trị cần thiết lập cơ cấu tổ chức, quy trình báo cáo, phân định trách nhiệm và quyền hạn nhằm đạt được mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 4: Đơn vị phải thể hiện sự cam kết về việc sử dụng nhân viên có năng lực thông qua tuyển dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 5: Đơn vị cần yêu cầu các cá nhân chịu trách nhiệm báo cáo về trách nhiệm của họ trong việc đáp ứng các mục tiêu của tổ chức.

(ii) Đánh giá rủi ro: là việc đánh giá về tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp có đủ khả năng ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các gian lận, sai sót trọng yếu xảy ra trong doanh nghiệp một cách đáng tin cậy hay không và thiết lập các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 6: Đơn vị phải thiết lập mục tiêu rõ ràng và đầy đủ để xác định và đánh giá các rủi ro phát sinh trong việc đạt được mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 7: Đơn vị phải nhận diện rủi ro trong việc đạt được mục tiêu của đơn vị, tiến hành phân tích rủi ro để xác định rủi ro cần được quản lý như thế nào.

Nguyên tắc 8: Đơn vị cần xem xét các loại gian lận tiềm tàng khi đánh giá rủi ro đối với việc đạt mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 9: Đơn vị cần xác định và đánh giá những thay đổi của môi trường ảnh hưởng đến KSNB.

(iii) Hoạt động kiểm soát: bao gồm các hoạt động để ngăn ngừa rủi ro liên quan đến mọi mục tiêu. Các hoạt động kiểm soát này bao gồm tất cả các biện pháp mà nhân viên phải tuân thủ và thiết lập các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 10: Đơn vị phải lựa chọn và phát triển các hoạt động kiểm soát để góp phần hạn chế các rủi ro giúp đạt mục tiêu trong giới hạn chấp nhận được.

Nguyên tắc 11: Đơn vị lựa chọn và phát triển các hoạt động kiểm soát chung với công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu.

Nguyên tắc 12: Đơn vị tổ chức triển khai hoạt động kiểm soát thông qua nội dung các chính sách đã được thiết lập và triển khai chính sách thành các hành động cụ thể.

(iv) Thông tin và truyền thông: là Hệ thống thông tin liên lạc của công ty đảm bảo rằng nhân viên ở tất cả các cấp có thể hiểu và nắm vững các quy tắc và tiêu chuẩn của tổ chức, đồng thời đảm bảo rằng thông tin được cung cấp cho các cấp liên quan và các cơ quan chức năng một cách kịp thời và chính xác và thiết lập các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 13: Đơn vị thu thập, truyền đạt và sử dụng thông tin thích hợp, có chất lượng để hỗ trợ những bộ phận khác của KSNB.

Nguyên tắc 14: Đơn vị cần truyền đạt trong nội bộ những thông tin cần thiết, bao gồm cả mục tiêu và trách nhiệm đối với KSNB, nhằm hỗ trợ cho chức năng kiểm soát.

Nguyên tắc 15: Đơn vị cần truyền đạt cho các đối tượng bên ngoài đơn vị về các vấn đề ảnh hưởng đến KSNB.

(iv) Hoạt động giám sát: là quá trình đánh giá chất lượng của hệ thống Kiểm soát nội bộ theo thời gian và thiết lập các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 16: Đơn vị phải lựa chọn, triển khai và thực hiện việc đánh giá liên tục hoặc định kỳ để biết chắc rằng liệu những thành phần nào của KSNB có hiện hữu và đang hoạt động.

Nguyên tắc 17: Đơn vị phải đánh giá và thông báo những yếu kém của KSNB một cách kịp thời cho các đối tượng có trách nhiệm bao gồm nhà quản lý và hội đồng quản trị để có những biện pháp khắc phục.

Phương pháp nghiên cứu

Nhằm nghiên cứu và đánh giá KSNB tại SHB Chi nhánh Thái Nguyên, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát cán bộ nhân viên hiện đang làm việc tại SHB Chi nhánh Thái Nguyên với tổng số phiếu phát ra và thu về là 68 phiếu, thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp về KSNB tại SHB Chi nhánh Thái Nguyên kết hợp với phân tích so sánh các chỉ tiêu trên số liệu báo cáo liên quan đến đề tài nghiên cứu (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

THỰC TRẠNG KSNB TẠI SHB CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN

Môi trường kiểm soát

Các yếu tố môi trường kiểm soát đều được đánh giá là tốt, phù hợp với đặc điểm của ngân hàng SHB hiện nay. Phong cách điều hành (58/68 cán bộ chiếm 85.3% phiếu đồng ý ở mức tốt) và triết lý quản lý (54/68 cán bộ chiếm 79.4% phiếu đồng ý ở mức tốt), chính sách nhân sự (66/68 cán bộ chiếm 97.1% phiếu đồng ý ở mức tốt), cơ cấu tổ chức (53/68 cán bộ chiếm 77.9% phiếu đồng ý ở mức tốt), cam kết năng lực, truyền đạt thông tin và yêu cầu thực thi tính chính trực và các giá trị đạo đức trong Ngân hàng đang ở mức tương đối hợp lý. Nội dung về phong cách điều hành và triết lý quản lý của chi nhánh Ngân hàng được đánh giá ở mức cao nhất, thể hiện sự phù hợp đối với thực tế hoạt động quản lý chuyên nghiệp tại Ngân hàng, có sự định hướng rõ ràng đầy đủ từ Hội sở đến các chi nhánh và được thực hiện quyết liệt. Như vậy, môi trường kiểm soát ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các thủ tục kiểm soát. Môi trường kiểm soát tốt, thuận lợi sẽ làm nền tảng cho hoạt động của KSNB hữu hiệu. Hoạt động tín dụng đã góp phần thu hút thêm nhiều nguồn vốn cho đầu tư, tạo thêm động lực phát triển cho một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kết quả phỏng vấn sâu còn cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chi nhánh khá chặt chẽ đảm bảo được sự độc lập cũng như tạo mối quan hệ giữa các phòng, sắp xếp tương đối hợp lý cán bộ, bố trí vào vị trí hợp lý phù hợp với trình độ chuyên môn, công việc đảm nhiệm, hạn chế được sự chồng chéo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra kiểm soát lẫn nhau.

Chính sách nhân sự và cam kết về năng lực: Thực hiện nghiêm túc quy chế trả lương kinh doanh, chế độ nâng lương theo đúng quy định của Nhà nước. Thực hiện kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của cơ quan liên quan.

Đánh giá rủi ro

Sự phù hợp trong quy trình đánh giá rủi ro, cập nhật các hoạt động quản lý rủi ro, thường xuyên nhận dạng và phân tích rủi ro, sự linh hoạt của chính sách để ứng phó với rủi ro trong Ngân hàng đều được đánh giá ở mức rất tốt. Nội dung xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro được cán bộ, công nhân viên trong Chi nhánh đánh giá ở mức tốt (60/68 cán bộ chiếm 88.2% phiếu đồng ý ở mức tốt), cho thấy một số mảng hoạt động các tiêu chí đánh giá rủi ro rõ ràng và chi tiết như hoạt động quản lý nhân sự, đào tạo… Nội dung về sự linh hoạt của chính sách để ứng phó với rủi ro của Chi nhánh Ngân hàng được đánh giá ở mức cao nhất (60/68 cán bộ chiếm 88.2% phiếu đồng ý ở mức rất tốt), thể hiện quy trình đánh giá rủi ro tại chi nhánh đang được vận dụng hiệu quả, phù hợp với tình hình hoạt động tại SHB Chi nhánh Thái Nguyên.

Như vậy, nhìn chung, Chi nhánh đã nhận diện được các rủi ro chủ yếu mà có thể gặp phải: rủi ro tín dụng, rủi ro tỷ giá, rủi ro thanh toán, rủi ro hoại động và rủi ro pháp lý, rủi ro ngoại hối, rủi ro lãi suất.

Chi nhánh cũng đã thực hiện công tác đánh giá rủi ro tương đối tốt đối. Từ việc chi nhánh xác định được mục tiêu cho hoạt động kinh doanh hiệu quả đồng thời phải đảm bảo khả năng thanh toán. Chi nhánh đã xác định được những nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh toán. Trên cơ sở phân tích được các nguyên nhân đó và tác hại mà rủi ro thanh toán ảnh hưởng đến, từ đó Giám đốc Chi nhánh đã có biện pháp phù hợp để cân bằng được nguồn vốn phòng ngừa rủi ro thanh toán.

Hoạt động kiểm soát

Hhoạt động kiểm soát tại SHB Chi nhánh Thái Nguyên được đánh giá mức rất tốt cho thấy, sự phù hợp trong quá trình xây dựng chính sách kiểm soát (những nguyên tắc cần làm), xây dựng các thủ tục kiểm soát (những quy định cụ thể để thực thi chính sách kiểm soát, đánh giá tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát, Ngân hàng có những giải pháp điều chỉnh thích hợp khi hoạt động kiểm soát không hiệu quả, chính sách kiểm soát và các thủ tục kiểm soát có được xây dựng đặc thù cho những bộ phận khác nhau trong Ngân hàng.

Nội dung về xây dựng chính sách kiểm soát (những nguyên tắc cần làm) của Chi nhánh được đánh giá ở mức cao nhất (48/68 cán bộ chiếm 70.6% phiếu đồng ý ở mức rất tốt), thể hiện việc Ban Giám đốc đã tuân thủ theo quy định của SHB, thiết lập một hệ thống kiểm soát các hoạt động nhằm ngăn ngừa rủi ro liên quan đến mọi mục tiêu. Các hoạt động kiểm soát này gồm tất cá các biện pháp mà nhân viên phải tuân thủ. Hoạt động kiểm soát được thiết lập thông qua chính sách, quy trình giúp giảm nhẹ rủi ro đối với việc đạt được mục tiêu của ban quản lý.

Nhìn chung, các thủ tục kiểm soát đã được thiết kế và tổ chức thực hiện ngay trong quy trình nghiệp vụ tại tất cả các phòng ban nhằm ngăn ngừa được một số hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Tất cả các hoạt động của Chi nhánh đều được thực hiện kiểm soát, kiểm tra tính xác thực và đầy đủ của nghiệp vụ. Kiểm tra việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ. Kiểm tra việc chấp hành đúng quy trình hạch toán, kiểm soát. Kiểm tra việc chấp hành đúng chế độ chứng từ, sổ sách và việc phê duyệt đúng theo quy định.

Thông tin và truyền thông

Thông tin và truyền thông tại Ngân hàng được đánh giá mức rất tốt, việc trao đổi thông tin giữa các cấp được thực hiện qua mạng nội bộ, Ngân hàng thực hiện cách thức để tiếp nhận ý kiến khách hàng về vi phạm, sai sót của cán bộ, nhân viên. Các quy định, chính sách tuyển dụng nội bộ được thông tin, truyền thông đến nhân viên bằng văn bản kịp thời, rõ ràng, cụ thể: Nội dung về hệ thống báo cáo của Chi nhánh được đánh giá ở mức cao nhất (65/68 cán bộ chiếm 95.59% phiếu đồng ý ở mức rất tốt), thể hiện tốt trong việc đơn vị có được, tạo và sử dụng những thông tin liên quan, có chất lượng để hỗ trợ chức năng KSNB. Đơn vị truyền đạt thông tin nội bộ, bao gồm mục tiêu và trách nhiệm KSNB cần thiết để hỗ trợ chức năng KSNB. Đơn vị thông báo với đối tác bên ngoài về những vấn để ảnh hưởng đển chức năng KSNB.

Nhìn chung, việc sử dụng mạng nội bộ để truyền đạt thông tin giúp cho cán bộ tại Chi nhánh đều nắm được và tiếp nhận đầy đủ, chính xác các chỉ thị từ cấp trên, đồng thời hiểu rõ mối quan hệ và phối hợp công việc với các thành viên khác. Việc thành lập đường dây nóng qua số điện thoại của Ban Giám đốc, lắp đặt hòm thư góp ý ở tất cả các phòng đã giúp Ban Giám đốc tiếp nhận được thông tin đánh giá từ phía khách hàng, nhân viên.

Hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát tại Ngân hàng được đánh giá mức rất tốt, các yếu tố đánh giá về thông tin truyền thông được đánh giá là rất tốt, cho thấy sự phù hợp trong thực hiện giám sát các hoạt động, chất lượng các cảnh báo rủi ro của Kiểm toán nội bộ, kiểm tra nội bộ sau mỗi đợt kiểm toán, các công cụ giám sát của Ngân hàng, tính kịp thời của cảnh báo rủi ro trong Ngân hàng, cập nhật và điều chỉnh hoạt động giám sát cho phù hợp tại đơn vị. Nội dung về thực hiện giám sát các hoạt động của Chi nhánh được đánh giá ở mức cao nhất (53/68 cán bộ chiếm 76.9% phiếu đồng ý ở mức rất tốt), thể hiện tốt trong quá trình theo đuổi và đánh giá chất lượng của việc thực hiện kiểm soát để đảm bảo công việc được triển khai, được điều chỉnh khi môi trường thay đổi được cải thiện khi có khiếm khuyết.

Nhìn chung, hoạt động giám sát thường xuyên được thực hiện tại Chi nhánh thông qua các lãnh đạo, trưởng phòng của các phòng ban đảm bảo sao cho mọi hoạt động của Chi nhánh diễn ra đều có sự giám sát, tuân thủ đúng quy định. Tại Chi nhánh đã có Phòng kiểm tra KSNB phụ trách kiểm tra giám sát tất cả các nghiệp vụ tuân thủ các chuẩn mực, giám sát kiểm tra công tác tổ chức lao động, giám sát kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy trình từng nghiệp vụ.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Môi trường kiểm soát

Ban Giám đốc nhận thức chưa đầy đủ và hoàn thiện việc xây dựng các quy định, các quy chế chưa thực sự được đồng bộ. Bên cạnh đó, khi giải quyết một số công việc liên quan đến một vài bộ phận với nhau, thì việc phối hợp công việc giữa các bộ phận, cá nhân chưa thực sự khoa học. Ngoài ra, Chi nhánh đã quan tâm tới thực hiện chính sách cho cán bộ xong chưa thực sự hiệu quả. Việc khen thưởng chỉ dừng lại ở mức động viên, chưa thực sự làm phát huy sự nỗ lực hết mình của cán bộ. Trong khi đó, công tác kế hoạch còn tồn tại một vài hạn chế, vẫn còn mang tính hình thức. Mức giao chỉ tiêu kế hoạch chưa thực sự phù hợp với khả năng thực tế mà Chi nhánh có thể đạt được cao hơn nhằm có kết quả báo cáo kết quả kinh doanh hoàn thành kế hoạch được giao. Các chỉ tiêu trong lập kế hoạch chưa thực sự chi tiết.

Đánh giá rủi ro

Chi nhánh chưa đánh giá phân tích đầy đủ chất lượng các khoản nợ không nắm chắc thông tin về các khoản nợ xấu, kể cả các khoản nợ đang ở nhóm 1, nhưng đang tiềm ẩn rủi ro, chưa xây dựng phương án xử lý hợp lý đến từng khoản nợ để bám sát chỉ đạo thực hiện quyết liệt để thu hồi nợ.

Hoạt động kiểm soát

Các nguyên tắc phân công phân nhiệm, nguyên tắc uỷ quyền phê chuẩn, nguyên tắc bất kiêm nhiệm trong hoạt động kiểm soát chưa thực sự được sử dụng triệt để. Phần lớn chỉ có Ban Giám đốc áp dụng các nguyên tắc này để quản lý điều hành và để kiểm soát các hoạt động của Chi nhánh, ở một số phòng/ban chưa thực sự chú trọng vận dụng triệt để các nguyên tắc này trong hoạt động kiểm soát.

Trong quá trình thực hiện công việc đôi khi Ban Giám đốc cũng như các phòng/ban không thực sự lưu tâm vận dụng các nguyên tắc hoạt động kiểm soát. Chưa có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp cán bộ mắc sai sót phát hiện qua kiểm tra nên tính răn đe, phòng ngừa còn hạn chế; nhiều trường hợp sai sót lặp đi lặp lại.

Thông tin và truyền thông

Hệ thống báo cáo của Chi nhánh về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý và KSNB của Ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Hoạt động giám sát

Công tác kiểm tra, kiểm soát tại Chi nhánh của Phòng Kiểm tra KSNB của Chi nhánh chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Nguồn lực nhân sự của Phòng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB đối với SHB Chi nhánh Thái Nguyên, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về Môi trường kiểm soát

- Đặc thù quản lý: Cần nâng cao nhận thức của Ban Giám đốc về vai trò quan trọng của KSNB cũng như yếu tố cấu thành nên KSNB. Cụ thể: Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức và tìm hiểu tầm quan trọng của hệ thống KSNB đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh, tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo, hội nghị, thành lập diễn đàn.

- Cơ cấu tổ chức: Cần phân công cán bộ một cách khoa học, hợp lý hơn. Giữa các cá nhân trong phòng phân chia công việc đồng đều để các cá nhân vừa đảm bảo chất lượng công việc, vừa có thời gian để nghiên cứu, học hỏi thêm nghiệp vụ; các phòng ban, cá nhân có điều kiện và thời gian hỗ trợ nhau giải quyết công việc nhanh gọn.

Về Đánh giá rủi ro

Phổ biến rộng rãi đến từng cán bộ để họ có thể căn cứ vào đó mà thực hiện tốt công việc được giao. Lãnh đạo các cấp cần thường xuyên hoặc định kỳ tổ chức các buổi thảo luận với các cán bộ trong các phòng ban, bộ phận, để qua đó có thể trao đổi nắm bắt thông tin giúp cho lãnh đạo có thể phân tích đánh giá và đưa ra các giải pháp, kế hoạch, quy trình hành động cụ thể để có thể hạn chế kịp thời những rủi ro xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của SHB nói chung và Chi nhánh nói riêng.

Về Hoạt động kiểm soát

Các nguyên tắc phân công phân nhiệm, nguyên tắc ủy quyền phê chuẩn, nguyên tắc bất kiêm nhiệm trong hoạt động kiểm soát cần được sử dụng triệt để và thực hiện nghiêm túc từ Ban Giám đốc đến các phòng ban. Các bước của thủ tục kiểm soát trong quá trình kiểm tra tất cả các hoạt động nghiệp vụ phải được thực thi nghiêm túc, đầy đủ. Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ trong hoạt động cũng như trong quá trình kiểm soát.

Về Thông tin và truyền thông

SHB cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin đang áp dụng hiện nay, việc tìm kiếm đối tác thích hợp tiến hành xây dựng hệ thống phần mềm lõi phục vụ kịp thời yêu cầu nâng cấp hệ thống tin học của NH. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị và cá nhân sử dụng bắt buộc và có hiệu quả hệ thống mail nội bộ mail để phục vụ cho công việc.

Về Hoạt động giám sát

Xây dựng và hoàn thiện chính sách kiểm toán nội bộ: Cùng với quy định về tổ chức và hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ cần nghiên cứu xây dựng và ban hành: Sổ tay hoặc cẩm nang kiểm toán nội bộ, Quy chế phối hợp giữa bộ phận Kiểm toán nội bộ với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong hệ thống SHB./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Abor J. (2005). Managing foreign exchange risk among Ghanaian firms, Journal of Risk Finance, 6(4).

2. Bộ Tài chính (2002), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, Quyển 1, Nxb Tài chính.

3. COSO (1992), Summary of Changes to the COSO Internal Control - Integrated Framework, retrieved from http://www.coso.org.

4. COSO (2013), Internal Control – Integrated Framework, retrieved from http://www.coso.org.

5. COSO (1992), Summary of Changes to the COSO Internal Control – Integrated Framework.

6. Nguyễn Minh Kiều (2020), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nxb Thống kê.

7. SHB Chi nhánh Thái Nguyên (2024), Các tài liệu về kiểm soát nội bộ trong đơn vị.

Ngày nhận bài: 28/10/2024; Ngày phản biện: 1/11/2024; Ngày duyệt đăng: 14/11/2024

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/hoan-thien-he-thong-kiem-soat-noi-bo-tai-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-sai-gon-ha-noi-chi-nhanh-thai-nguyen-a306215.html