Chuyên gia khởi nghiệp cũng tuyên bố đóng cửa quán cà phê nổi tiếng

Là chuyên gia về khởi nghiệp, trong đó có mảng quán cà phê, Tùng BT bất ngờ thông báo đóng quán cuối cùng tại TP HCM sau 10 năm

Tùng BT (Trần Thanh Tùng) là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) với khoảng 800.000 lượt theo dõi trên các nền tảng.

Ngày 18-11, Tùng BT bất ngờ thông báo "đóng quán Monkey in Black" trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10,. TP HCM. Monkey in Black là thương hiệu quán cà phê gắn với tên tuổi Tùng BT hơn 10 năm qua, thu hút rất đông sự quan tâm của cộng đồng mạng. 

Ngày 19-11, Tùng BT lên tiếng về quyết định này trên trang cá nhân Facebook. Chỉ sau 24 giờ, dòng trạng thái này đã thu hút khoảng 7.200 lượt thả biểu tượng, gần 400 bình luận và gần 700 lượt chia sẻ, chưa kể các tài khoản Facebook liên quan.

Trên kênh TikTok Tùng BT, clip "lời chào tạm biệt chính thức của Monkey in Black" thu hút hơn 100.000 lượt xem chỉ sau 17 giờ đăng tải.

Chuyên gia khởi nghiệp cũng tuyên bố đóng cửa quán cà phê nổi tiếng- Ảnh 1.

Tùng BT thông báo đóng cửa quán cà phê gắn với tên tuổi của mình, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 20-11, Trần Thanh Tùng cho biết đây là quán cuối cùng của chuỗi cà phê Monkey in Black. Lúc cao điểm, thương hiệu này có 4 chi nhánh tại TP HCM.

Theo Tùng BT, ở mảng cà phê, anh có 2 thương hiệu (đồng sở hữu) là Monkey in Black và Windmills Đà Lạt (Lâm Đồng). Windmills Đà Lạt từng có 15 điểm bán và giờ chỉ còn 1.

Ngoài ra, trong 13 năm qua, Tùng đã tham gia với các vai trò như cố vấn, huấn luyện viên cho khoảng 30 thương hiệu về dịch vụ ăn uống (F&B) và hiện đã rút toàn bộ. "F&B nói chung và ngành cà phê nói riêng khó thật" – chuyên gia khởi nghiệp này nhận xét.

Chuyên gia khởi nghiệp cũng tuyên bố đóng cửa quán cà phê nổi tiếng- Ảnh 2.

Một góc quán cà phê Monkey in Black

Tùng BT từng có seri "1.000 lý do không mở quán cà phê", cho rằng mô hình này lợi nhuận mỏng, đòi hỏi người chủ phải có mặt thường xuyên, vốn đầu tư không hề nhỏ với mức 1,2-1,5 tỉ đồng/quán tầm trung. 

"Nếu làm tốt, lợi nhuận chỉ từ 12-15%/năm, còn ngược lại thì không biết bao giờ mới hoàn vốn. Làm cà phê tuy khó "chết" nhưng cũng khó giúp người chủ giàu lên hoặc mở rộng quy mô" – Tùng BT thừa nhận.

Tùng BT cũng cho hay sau khi thông báo việc đóng cửa và ý định sang quán, khoảng 30 người đã hỏi thông tin. Anh dự định sẽ sang quán cho người phù hợp với giá hơn 100 triệu đồng - mức giá mà theo anh là "gần như cho không".

"Âm thầm đóng cửa thì buồn quá"!

Trước giờ, quán cà phê thường "tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa". Vì sao lần này Tùng BT có vẻ "ồn ào"?

Tùng BT bày tỏ: "Âm thầm đóng cửa thì buồn quá. Tôi muốn người thân, nhân viên cũ, bạn bè, đối tác biết đến để minh bạch hơn trong quá trình kinh doanh". Theo anh, "ồn ào" cũng là một cách marketing để thu hút sự chú ý, thực hiện đúng bản chất của kinh doanh là bắt đầu ý tưởng, hiện thực hóa, tăng quy mô, bão hòa và đi xuống. Người ta nói "lên voi, xuống chó" - trước khi "xuống chó" thì người khởi nghiệp phải bắt đầu gì đó mới rồi...


Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chuyen-gia-khoi-nghiep-cung-tuyen-bo-dong-cua-quan-ca-phe-noi-tieng-a305915.html