Trong một cuộc phỏng vấn mở rộng với truyền thông Ấn Độ hôm 19/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã được hỏi lý do các cuộc giao tranh đã kéo dài 1.000 ngày và vẫn đang tiếp diễn, và liệu ông có thể dự đoán khi nào chúng có thể kết thúc hay không.
"Khi tất cả những điều này bắt đầu, cuộc chiến nổ ra để chống lại Kiev. Nhưng bây giờ nó đang tiếp tục diễn ra như một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Đó là lý do cuộc chiến mất nhiều thời gian hơn một chút và sẽ kéo dài hơn một chút", người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết.
"Cuộc chiến sẽ kết thúc ngay khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình", ông Peskov nhấn mạnh.
Ông Peskov khẳng định Nga muốn đạt được mục tiêu của mình thông qua đàm phán, nhưng Ukraine đã cấm mọi cuộc đàm phán với Moscow.
"Đó là lý do chúng tôi tiếp tục chiến dịch quân sự, bởi vì khả năng đàm phán hòa bình đang bị cả Kiev và Washington từ chối", quan chức Điện Kremlin nói thêm.
Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine từ tháng 2/2022 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Sau hơn 2 năm, cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết rõ ràng mặc dù Moscow đang chiếm ưu thế hơn trong bối cảnh Ukraine cạn kiệt nguồn lực quân sự giữa lúc nguồn viện trợ từ phương Tây chậm lại.
Ukraine nhiều lần tuyên bố sớm muộn sẽ đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga, giành lại lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát.
Moscow nhiều lần tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán hòa bình, nhưng nhấn mạnh Kiev cần chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea và 4 vùng mới sáp nhập năm 2022 gồm Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Vào mùa thu năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm Kiev tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với giới lãnh đạo hiện tại của Nga.
Ông Zelensky cũng đưa ra kế hoạch hòa bình, yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể được tiến hành.
Moscow coi kế hoạch này là vô lý và đổ lỗi cho Kiev cũng như những nước ủng hộ Ukraine ở phương Tây đã từ chối bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào.
Mỹ và các đồng minh đã chuyển gần 200 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ năm 2022, bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị chiến đấu như pháo binh, xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa, trong khi nhấn mạnh rằng điều này không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Vào sáng 19/11, Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công vùng Bryansk của Nga.
Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo rằng bước đi như vậy sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột và biến NATO thành một bên tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh.
Ông Putin cũng ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, cho phép đáp trả hạt nhân trong trường hợp Nga bị tấn công.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nga-neu-thoi-diem-xung-dot-ukraine-co-the-ket-thuc-a305910.html