Phản ứng của Mỹ sau khi Nga sửa học thuyết hạt nhân

() - Mỹ chưa có ý định thay đổi trạng thái hạt nhân sau khi Nga thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Phản ứng của Mỹ sau khi Nga sửa học thuyết hạt nhân - 1

Tổ hợp tên lửa Nga trong một cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ (Ảnh: EPA).

"Như chúng tôi đã nói hồi đầu tháng này, chúng tôi không ngạc nhiên trước thông báo của Nga rằng họ sẽ sửa đổi học thuyết hạt nhân; Nga đã báo hiệu ý định cập nhật học thuyết suốt vài tuần", Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng ngày 19/11 cho biết.

Thông cáo nhấn mạnh: "Nhận thấy không có sự thay đổi nào trong quan điểm hạt nhân của Nga, chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh quan điểm hoặc học thuyết hạt nhân của mình để đáp lại những tuyên bố của Nga ngày hôm nay".

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11 đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt các cuộc tấn công thông thường.

Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào "một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm".

Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.

Học thuyết sửa đổi nêu rõ, bất kỳ cuộc tấn công nào của một cường quốc phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ bị coi là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một thành viên trong khối quân sự cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công của toàn bộ liên minh.

Theo học thuyết, Tổng thống Nga là người có thẩm quyền tối cao về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc sửa đổi học thuyết là cần thiết để phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại. Ông Peskov cũng lưu ý, các nhà lãnh đạo nước ngoài nên nghiên cứu kỹ học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga.

"Học thuyết này cực kỳ quan trọng và chắc chắn sẽ là chủ đề được phân tích rất sâu sắc cả ở trong nước và nước ngoài", ông nói.

Nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovki cho biết, học thuyết hạt nhân cập nhật có một số điều khoản đáng chú ý chưa có trong các phiên bản trước đó.

"Đầu tiên, ấn bản năm 2020 của học thuyết không đề cập đến Belarus, nơi chúng ta triển khai vũ khí hạt nhân và nước mà chúng ta đặt dưới chiếc ô hạt nhân của mình. Thứ hai, phiên bản trước của học thuyết không đề cập đến việc Nga được phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bởi một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn", ông Litovki chỉ ra.

Theo ông, đó là cách Nga gửi cảnh báo trực tiếp tới Mỹ và NATO, những nước cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

"Đây là một cảnh báo nghiêm trọng rằng, nếu họ đi quá xa và Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhắm vào lãnh thổ Nga với sự hỗ trợ của các chuyên viên quân sự NATO, chúng ta sẽ có quyền tấn công những địa điểm phóng tên lửa đó", ông nói.

Ông Dmitry Stefanovich, chuyên gia tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga có trụ sở tại Moscow, cũng chỉ ra phiên bản mới của học thuyết hạt nhân nêu rõ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa đối với "toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền", chứ không phải trong trường hợp có mối đe dọa đối với "sự tồn tại của đất nước" như trước.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/phan-ung-cua-my-sau-khi-nga-sua-hoc-thuyet-hat-nhan-a305862.html