Kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh và bài học cho Việt Nam

Việc học tập kinh nghiệm của các mô hình thành công là một hướng đi hiệu quả giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu của phát triển du lịch thông minh trong tương lai.

TS. Nguyễn Tư Lương

Trường Đại học Thủy lợi

Email: tuluongtc@tlu.edu.vn

Tóm tắt

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã mở ra kỷ nguyên mới với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số. Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin và truyền thông vào ngành du lịch (DL) là vấn đề ngày càng phổ biến và trở thành một xu thế tất yếu. Để phát triển du lịch thông minh (DLTM) trước hết đòi hỏi cần phải có đội ngũ nhân lực có thể làm chủ các công nghệ thông minh. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực (NNL) của một số quốc gia thành công trong việc phát triển DLTM, bài viết đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong đào tạo NNL DL.

Từ khóa: Đào tạo nhân lực du lịch; du lịch thông minh; phát triển du lịch thông minh.

Abstract

The Fourth Industrial Revolution has opened a new era with the explosive development of digital technology. The application of information and communication technology achievements to the tourism industry is increasingly popular and has become an inevitable trend. To develop smart tourism, first, it is necessary to have a team of human resources who can master smart technologies. Based on the research on the experience of training tourism human resources of successful countries in developing smart tourism, the article draws lessons for Vietnam in training tourism human resources. Learning from the experience of successful models is an effective direction to help Vietnam train human resources to meet the requirements of developing smart tourism in the future.

Keywords: tourism human resources training; smart tourism; smart tourism development

ĐẶT VẤN ĐỀ

DLTM được nhận định là định hướng quan trọng, giúp ngành DL đi theo xu hướng tất yếu trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với sự đầu tư xây dựng hạ tầng số và các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) truyền thông, DL Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong DL vẫn còn nhiều hạn chế, NNL DL chưa đảm bảo do vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ năng và năng lực để tham gia phát triển DLTM một cách hiệu quả.

Việc phân tích bối cảnh, học tập kinh nghiệm của những quốc gia thành công trong phát triển DLTM để làm cơ sở cho đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác ĐT NNL cho phát triển DLTM tại Việt Nam là một nhiệm vụ cấp thiết, có tính thời sự và có tính khả thi cao. Trên cơ sở nghiên cứu mô hình thành công trong ĐT nhân lực cho phát triển DLTM của Hàn Quốc, Singapore, bài viết đã rút ra những bài học kinh nghiệm và cách tiếp cận phù hợp nhằm ĐT NNL cho phát triển DLTM tại Việt Nam.

DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu: báo cáo, sách, bài báo khoa học, cơ sở dữ liệu trực tuyến… đã được sử dụng để thu thập dữ liệu và phân tích.

Bên cạnh đó, bài viết cũng đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống của một số mẫu điển hình về đầu tư NNL cho phát triển DLTM là Hàn Quốc, Singapore để nghiên cứu. Ngoài ra, bài viết cũng sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp logic... Tác giả đã kết hợp phân tích, tổng hợp các tư liệu thứ cấp, từ đó hình thành kết quả và đề xuất các ý tưởng KH cho chủ đề nghiên cứu của bài viết.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC DU LỊCH CHO PHÁT TRIỂN DLTM

Khái niệm về du lịch thông minh (smart tourism): DLTM được ra đời dưới sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghệ 4.0, sự phát triển CNTT và truyền thông đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực DL. Đến nay, quá trình hình thành và phát triển của DLTM đã trải qua hai giai đoạn phát triển cơ bản:

- Giai đoạn thứ nhất: Phát triển DLTM dựa trên các CNTT và viễn thông, như: internet, điện thoại di động, máy tính bảng, GPS và các ứng dụng DL. Các ứng dụng DL giúp du khách tra cứu thông tin, đặt dịch vụ, dẫn đường, giao dịch trực tuyến, lên kế hoạch và quản lý chuyến đi của mình nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

- Giai đoạn thứ hai: Phát triển DLTM dựa trên các CN hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Internet of Things (IoT), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), Big Data và phân tích dữ liệu, hệ thống định vị toàn cầu (GPS)… và các ứng dụng di động đã được áp dụng trong lĩnh vực DL để cải thiện trải nghiệm DL của du khách và giúp các nhà quản lý tối ưu hóa quản lý DL, hướng tới phát triển bền vững (PTBV) DL.

- Công nghệ (CN) thông minh tạo sự tương tác nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả giữa nhà quản lý, DNDL và du khách, tạo ra những trải nghiệm, giá trị và lợi ích tốt nhất. DLTM đã nhanh chóng trở thành một xu thế dẫn dắt sự phát triển của thị trường DL thế giới.

Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization - UNWTO) đã đề cập đến khái niệm DLTM để chỉ việc thông qua việc sử dụng CN một cách thông minh để tạo ra giá trị bền vững cho ngành DL và: Tăng cường trải nghiệm DL; Kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng; Quản lý rủi ro và an ninh; Quản lý bền vững.

Như vậy, có thể hiểu rằng, DLTM là loại hình DL được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực CNTT và truyền thông để tạo ra các sản phẩm dịch vụ hướng tới tăng cường trải nghiệm của du khách và tối ưu hóa quá trình quản lý, kinh doanh và khai thác DL, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Các điều kiện cơ bản cho phát triển du lịch thông minh

Phát triển DLTM đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

- Nguồn lực tài chính: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và tiếp thị;

- Cơ sở hạ tầng (CSHT): CSHT DL, hệ thống giao thông và các dịch vụ thông minh; CSHT công nghệ: Ứng dụng di động và phần mềm; Hệ thống thông tin DL; Hệ thống đặt chỗ trực tuyến; IoT (Internet of Things); Hệ thống thanh toán điện tử và blockchain; VR/AR; AI và Phân tích dữ liệu; mạng internet tốc độ cao…

- CNTT và truyền thông: Các hệ thống đặt chỗ trực tuyến, ứng dụng di động...

- NNL: Đòi hỏi NNL DL phải làm chủ được các công nghệ thông minh để cung cấp dịch vụ DL chất lượng cao và tạo ra trải nghiệm tích cực cho du khách.

- Sự hợp tác với cộng đồng địa phương.

- Chính sách và quy định: Phải hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển bền vũng của DLTM.

Đào tạo nhân lực cho phát triển DLTM

ĐT nhân lực cho phát triển DLTM là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và năng lực cho các cá nhân hoạt động trong ngành DL, nhằm thúc đẩy sự PTBVcủa ngành DLTM. Ngoài những kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ DL theo yêu cầu của vị trí việc làm, để phát triển DLTM còn các yêu cầu như:

- Về công nghệ: Các công nghệ mới: IoT, AI, blockchain, VR/AR; các ứng dụng;

- Năng lực về IoT: Sử dụng được các thiết bị để thu thập, chia sẻ dữ liệu, quản lý hiệu quả tài nguyên, cung cấp thông tin và tạo ra các trải nghiệm mới cho du khách;

- Năng lực về AI: Để tạo ra các hệ thống dự đoán và cá nhân hóa trải nghiệm DL, cung cấp thông tin cho du khách, tối ưu hóa các quy trình vận hành trong ngành DL;

- Năng lực về Blockchain: Sử dụng Blockchain để cung cấp tính minh bạch và an toàn cho giao dịch trong ngành DL, giảm thiểu rủi ro và chi phí liên quan;

- Hiểu biết về VR và AR: Giúp tạo ra các trải nghiệm DL ảo hoặc tăng cường cho du khách trước khi họ thực sự đến địa điểm DL;

- Nắm vững kỹ năng phân tích dữ liệu và hiểu biết về Big Data: Để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định thông minh và cải thiện trải nghiệm DL;

- Hiểu biết về an ninh thông tin và các biện pháp bảo mật có thể giúp bảo vệ thông tin cá nhân của du khách và đảm bảo tính bảo mật cho các hệ thống thông tin DL;

Ngoài ra, ĐT nhân lực cho DLTM còn yêu cầu khác, như: năng lực phân tích và dự báo, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng sáng tạo và tư duy linh hoạt..., để có khả năng nắm bắt và áp dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả, giúp tạo ra các trải nghiệm DLTM và tiên tiến, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành DL.

MỘT SỐ MÔ HÌNH ĐIỂN HÌNH VỀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHO PHÁT TRIỂN DLTM

Hàn Quốc và Singapore được đánh giá là những quốc gia thành công trong hoạt động đào tạo nhân lực cho phát triển DLTM và thực hiện thành công chuyển đổi số ngành DL.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có ngành DL phát triển mạnh mẽ và số hóa thành công. Những thành tựu cơ bản trong đào tạo nhân lực cho phát triển DLTM bao gồm:

Thứ nhất, chính sách thúc đẩy đào tạo nhân lực cho ngành DLTM

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện thành công nhiều chính sách hỗ trợ ĐT NNL DL: Chính sách đầu tư công: Đầu tư phát triển các chương trình đào tạo (CTĐT) mới và cải thiện cơ sở vật chất (CSVC) cho các cơ sở đào tạo (CSĐT); Chính sách khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp qua hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế...; Chính phủ cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên (SV) và học viên tham gia vào các CTĐT liên quan đến DLTM; Hợp tác giữa ngành DL và giáo dục để thực hiện các CTĐT đáp ứng nhu cầu thực tế; Chính phủ đã đầu tư nghiên cứu phát triển ứng dụng di động, AI và big data… giúp hoàn thiện CSHT CN cho ngành DLTM.

Thứ hai, phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu

Hàn Quốc đã phát triển các CTĐT chuyên sâu để trang bị cho người học đồng thời về ngành DL và các CN thông minh trong 4 lĩnh vực: quản lý DL sử dụng công nghệ; phân tích dữ liệu DL; tiếp thị kỹ thuật số và quản lý trải nghiệm khách hàng. Các CTĐT trên được tổ chức theo nhiều hình thức: CTĐT Thạc sĩ có tính ứng dụng cao; Khóa học ngắn hạn và hội thảo về các chủ đề/kỹ năng/năng lực cụ thể; Hợp tác giữa CSĐT và doanh nghiệp để học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, các dự án; CTĐT doanh nhân và startup: Phát triển các giải pháp công nghệ mới và khởi nghiệp; Hội thảo và sự kiện về phân tích dữ liệu DL.

Các CTĐT chuyên sâu có sự tham gia của các CSĐT, các doanh nghiệp (DL, công nghệ), các chuyên gia…; gắn với các bài giảng thực tế, các dự án thực hành, thực tập tại DN và nghiên cứu độc lập nên có tính ứng dụng rất cao.

Thứ ba, hợp tác hiệu quả giữa các CSĐT và doanh nghiệp

Các CSĐT đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để đảm bảo cho người học nhận được những kiến thức và kỹ năng mà thị trường lao động thực sự cần qua các phương thức: Thiết kế CTĐT chuyên sâu trên cơ sở yêu cầu từ các doanh nghiệp DL; Giảng viên và giáo án từ doanh nghiệp; Cơ hội thực tập và học thực tế tại các doanh nghiệp DL; Nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ các dự án nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực DLTM.

Thứ tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực DLTM

Hàn Quốc thường xuyên hợp tác quốc tế để học hỏi và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc đào tạo nhân lực cho phát triển DLTM qua các hoạt động sau:

- Xây dựng mạng lưới hợp tác đa phương: Tham gia các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực DLTM, như: Hiệp hội Du lịch Thế giới (WTO), Tổ chức Du lịch và Phát triển Kinh doanh (OECD)… để xây dựng một mạng lưới hợp tác đa phương trên phạm vi toàn cầu.

- Tham gia các hội thảo và hội nghị quốc tế: Để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và kiến thức, tạo cơ hội hợp tác và phát triển ngành DLTM toàn cầu qua nhiều sự kiện quan trọng: Global Smart Tourism Conference (GSTC); Korea Smart Tourism Conference (KSTC) và Asia-Pacific Tourism Association (APTA) Conference; International Conference on Smart Tourism, Smart Cities and Enabling Technologies (ICST).

- Chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo: Cho phép sinh viên và giảng viên từ Hàn Quốc tham gia vào các chương trình trao đổi tại các CSĐT ở nước ngoài, và ngược lại như: Chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên; Chương trình học bổng do Chính phủ Hàn Quốc, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp tài trợ về DLTM tại Hàn Quốc; Chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển, chia sẻ giáo án và tài nguyên giảng dạy, phát triển các giải pháp DLTM mới, phát triển các dự án, chia sẻ dữ liệu và kỹ thuật; CTĐT chuyên gia và nhân viên ngành DL; Chương trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp để tổ chức các CTĐT chuyên sâu hoặc đặc thù, giúp đáp ứng nhu cầu đào tạo cụ thể của từng doanh nghiệp.

Những hoạt động này giúp Hàn Quốc mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực DLTM, tạo ra cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành DL toàn cầu.

Singapore

Là một trong những trung tâm hàng đầu của thế giới về DLTM, Singapore đã thành công trong việc tích hợp công nghiệp và các chiến lược DLTM để tạo ra một môi trường DL hiện đại, tiện lợi và an toàn cho du khách. Dưới đây là một số điểm nổi bật về ĐT nhân lực DL trong phát triển DLTM tại Singapore:

Thực thi các chính sách hỗ trợ lĩnh vực đào tạo nhân lực cho DLTM

Chính phủ Singapore tập trung vào việc khuyến khích sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và Chính phủ; đồng thời, cung cấp hỗ trợ tài chính và pháp lý thúc đẩy đào tạo nhân lực cho DLTM qua một số chính sách quan trọng: Chính phủ hỗ trợ tài chính phát triển CTĐT và dự án nghiên cứu, cấp học bổng trong lĩnh vực DLTM; Hợp tác giữa các CSĐT và DN trong việc phát triển các CTĐT và dự án trong lĩnh vực DLTM; Khuyến khích sự sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực DLTM qua các chính sách thuế, CSHT và hỗ trợ tài chính...; Chính phủ đầu tư vào việc đào tạo và phát triển NNL cho DLTM thông qua các chương trình học bổng, đào tạo chuyên môn; Khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ thông qua các chương trình tài trợ và hợp tác quốc tế, qua chính sách tài chính và thuế để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, các CSĐT tham gia đào tạo nhân lực lĩnh vực DLTM.

Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

- Cung cấp nguồn lực và hỗ trợ: Doanh nghiệp cung cấp tài chính và chuyên môn để hỗ trợ nhà trường phát triển các CTĐT nhân lực cho DLTM có chất lượng và tính ứng dụng cao;

- Hợp tác xây dựng CTĐT: Trong việc phát triển các CTĐT giúp đảm bảo sinh viên nhận được kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp cụ thể;

- Các dự án liên doanh và nghiên cứu: Để phát triển các giải pháp mới;

- Chương trình thực tập và thực hành: Là cơ hội để người học áp dụng kiến thức được học vào thực tế và tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay từ khi còn đi học;

- Chương trình giao lưu hướng nghiệp: Để kết nối sinh viên với các doanh nghiệp giúp người học hiểu rõ hơn về ngành nghề và tạo cơ hội cho việc tìm kiếm việc làm.

Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao

Singapore là cái nôi đào tạo nhân lực lĩnh vực IT chất lượng cao với nhiều trường đại học danh tiếng. Singapore đã chủ trương về đào tạo và phát triển NNL DLTM theo các định hướng: CTĐT đa ngành, kết hợp giữa kiến thức về DL và CNTT, áp dụng các công nghiệp vào ngành DL để cải thiện trải nghiệm DL và tăng cường năng lực quản lý nguồn lực; CTĐT theo hướng liên ngành, các khóa học và dự án liên ngành, giúp sinh viên hiểu biết rộng hơn về các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, kỹ thuật và quản lý dữ liệu; Phát triển CTĐT về công nghệ và sáng tạo: Sigapore đã xây dựng các CTĐT cho sinh viên tham gia vào các dự án thực tế và sáng tạo trong lĩnh vực DLTM.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực cho DLTM

Hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới: Nhằm phát triển các CTĐT và nghiên cứu về DLTM; đồng thời, thực hiện chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên để tiếp cận các kiến thức và CN mới nhất; Hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo và chứng nhận: Trong việc phát triển các CTĐT và cấp chứng chỉ, công nhận lẫn nhau về DLTM, giúp tạo ra các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế cho ngành DLTM; Hợp tác trong dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ: Giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có thể tăng cường trải nghiệm DL và tạo ra giá trị kinh tế; Tham gia vào các hội nghị, hội thảo quốc tế về DLTM để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Cơ hội và thách thức cho DLTM tại Việt Nam

Quá trình phát triển DLTM gắn với thực tế về sự phát triển của ngành DL và quá trình tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4 của Việt Nam với nhiều cơ hội thuận lợi, nhất là xu thế phát triển của DL trực tuyến trên phạm vi toàn cầu… Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều thách thức đặt ra: Sự thống nhất về tư duy, nhận thức và lợi ích giữa các bên liên quan; Sự nhất quán về chủ trương, chính sách về phát triển DLTM; Hệ thống dữ liệu DL chưa hoàn thiện; Hạn chế về nguồn lực của chính phủ lẫn các doanh nghiệp; Đội ngũ nhân lực về DLTM còn chưa được ĐT chuyên nghiệp; Những quy định về phát triển kinh tế số và DLTM còn bộc lộ nhiều khoảng trống, không theo kịp thực tế phát triển của DLTM…

Kinh nghiệm đào tạo nhân lực cho phát triển DLTM tại Việt Nam

Học tập Hàn Quốc và Singapore không chỉ mang lại kinh nghiệm, mà còn là nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác trong việc phát triển ngành DLTM của mình. Căn cứ vào bối cảnh và xu thế phát triển DLTM, tác giả đề xuất một số gợi ý về công tác ĐT nhân lực cho phát triển DLTM tại Việt Nam ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ lĩnh vực ĐT NNL cho DLTM. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những chủ trương, định hướng về phát triển DLTM. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có những chính sách, quy định cụ thể về lĩnh vực đào tọa NNL cho DLTM để tạo lập môi trường thuận lợi và tạo nên đột phá cho hoạt động này:

- Xây dựng Đề án phát triển NNL DL quốc gia: Tiến hành điều tra, nghiên cứu để xác định nhu cầu NNL DL; xác định lộ trình đào tạo, kinh phí… Trên cơ sở đó, Chính phủ cân đối từ Quỹ hỗ trợ phát triển DL để thực hiện các dự án đào tạo NNLDL.

- Thực hiện các chính sách: Chính sách tài chính và thuế, về quỹ đất, về CSHT… để hỗ trợ, khuyến khích lĩnh vực ĐT NNLDL; Cấp học bổng và hỗ trợ tài chính; Đãi ngộ để thu hút lao động DLTM; Quy định về mã ngành ĐT DLTM; Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ: Chính phủ đầu tư phát triển giúp hoàn thiện CSHT công nghệ. Qua đó, thúc đẩy DLTM phát triển, nhu cầu về nhân lực sẽ tăng cao và thị trường đào tạo nhân lực DL sẽ tự dịch chuyển, nhu cầu của người học về lĩnh vực DLTM sẽ tăng tương ứng.

Thứ hai, phát triển các CTĐT có chất lượng cao

Chính phủ xây dựng cơ chế hợp tác giữa ngành DL, ngành CNTT và truyền thông, các CSĐT, các doanh nghiệp để phối hợp phát triển CTĐT về DLTM; Tập trung nguồn lực để phát triển các CTĐT chuyên sâu để trang bị cho người học đồng thời về ngành DL và các công nghệ thông minh theo định hướng ứng dụng; Phát triển đa dạng các CTĐT theo các hình thức, cấp độ đào tạo từ cao học, đại học về DLTM đến tập huấn ngắn hạn; Tăng cường khả năng sáng tạo, tính độc lập cho người học qua các dự án, thực hành, thực tập tại DN; Theo dõi, đánh giá, điều chỉnh các CTĐT trên nhằm thích nghi với những xu thế thay đổi mới.

Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp

- Xây dựng cơ chế hợp tác giữa ngành DL, ngành CNTT và truyền thông, các CSĐT, các doanh nghiệp có đủ tiềm lực và uy tín, dưới sự điều phối chung của Chính phủ về đào tạo DLTM nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và đảm bảo sự thống nhất giữa các bên liên quan. Đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và nhà tuyển dụng, cho phép người học có thể làm chủ công nghệ, có đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực mà DNDL cần ngay sau khi tốt nghiệp. Tránh lãng phí do DNDL phải đào tạo lại nhân sự mới tuyển dụng.

- Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực: Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường từ thống nhất từ nội dung CTĐT, trang thiết bị và công nghệ, phương pháp giảng dạy… đến đánh giá người học. Chuyên gia từ doanh nghiệp làm giảng viên thỉnh giảng của nhà trường; doanh nghiệp gửi lao động đến đào tạo ngắn hạn tại nhà trường; sinh viên được học ngay tại môi trường doanh nghiệp... Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là cơ hội chia sẻ những nguồn tài nguyên chung: Kiến thức, kỹ năng, cơ sở vật chất, chuyên gia, tài liệu, tài chính, cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp cho người lao động…

Thứ tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực cho DLTM

- Hợp tác với các CSĐT hàng đầu thế giới: Nhằm phát triển các CTĐT và nghiên cứu; thực hiện chương trình trao đổi SV và giảng viên; giúp lao động Việt Nam có cơ hội được tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến, được cấp bằng cấp danh giá; Hợp tác với các tổ chức quốc tế để: Phát triển các CTĐT, công nhận lẫn nhau về bằng cấp, giúp tạo ra các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về lao động cho ngành DLTM.

- Các hình thức khác: Tham gia vào các hội nghị, hội thảo và các diễn đàn quốc tế về đào tạo nhân lực cho DLTM; Tìm kiếm các cơ hội học bổng từ các chính phủ, tổ chức… cho sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam; Hợp tác với các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, doanh nghiệp DL nước ngoài để được chia sẻ nội dung CTĐT, chuyên gia, kinh nghiệm, nguồn hỗ trợ tài chính…

Thứ năm, xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược về đào tạo nhân lực cho DLTM

Các bên có trách nhiệm và lợi ích liên quan trong đào tạo nhân lực cho DLTM, bao gồm: ngành du lịch; ngành CNTT; các địa phương đang phát triển DLTM; các doanh nghiệp DL và doanh nghiệp CN; các CSĐT; các tổ chức nghề nghiệp (hiệp hội) liên quan đến lĩnh vực đào tạo nhân lực DL… và các tổ chức quốc tế (Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, CSĐT…). Mạng lưới này cho phép lựa chọn những nhân tố có đầy đủ nguồn lực, trách nhiệm và uy tín để phát huy sức mạnh tổng hợp để tạo ra NNL DL chất lượng cao.

KẾT LUẬN

Phát triển DLTM là một xu thế tất yếu, đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các nhà quản lý DL và các nhà phát triển công nghệ, các doanh nghiệp DL... Để phát triển DLTM thành công, chúng ta cần có lộ trình khoa học, áp dụng các kinh nghiệm trên một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và bối cảnh cụ thể của trong mỗi giai đoạn phát triển, nhất là trước những xu thế mới trong phát triển công nghệ của thị trường DL quốc tế. Để sự nghiệp đào tạo NNL cho phát triển DLTM thành công, còn cần sự chung tay và quyết tâm của Chính phủ, của các ngành, các cấp với các địa phương, các doanh nghiệp DL; trong đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành DL với lĩnh vực CNTT và truyền thông./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022), Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL, ngày 21/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

2. Dimitrios Buhalis, (2021), Smart Tourism: A Critical Review of the Literature, Annals of Tourism Research, 36(1), 26-39.

3. Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z., and Koo, C. (2015), Smart tourism: Foundations and developments, Electronic Markets, 25(3), 179-188.

4. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày nhận bài: 28/10/2024; Ngày phản biện: 8/11/2024; Ngày duyệt đăng: 12/11/2024

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-phat-trien-du-lich-thong-minh-va-bai-hoc-cho-viet-nam-a305834.html