Giải mã sự im lặng của ông Trump trước tin Mỹ "xé rào" tên lửa cho Ukraine

() - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa lên tiếng sau khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden được cho đã đồng ý để Ukraine dùng tên lửa viện trợ tấn công lãnh thổ Nga.

Giải mã sự im lặng của ông Trump trước tin Mỹ xé rào tên lửa cho Ukraine - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Khi ông Joe Biden và ông Donald Trump trao đổi với nhau ở Nhà Trắng vào tuần trước, vị tổng thống sắp mãn nhiệm đã nói rõ rằng việc ủng hộ Ukraine là vì lợi ích của Mỹ.

Ông Biden cảnh báo, nếu Mỹ để Nga thành công trên chiến trường Ukraine, thì sẽ có nguy cơ Washington bị kéo vào cuộc chiến quy mô lớn hơn ở châu Âu.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump dường như có quan điểm khác Tổng thống Biden, khi ông ủng hộ giải pháp đàm phán hòa bình và tuyên bố sẽ khiến xung đột khép lại trong 24 giờ.

Gần một tuần sau cuộc trò chuyện ở Nhà Trắng, truyền thông Mỹ đưa tin rằng ông Biden dường như đã cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm tấn công 300km bắn vào lãnh thổ Nga, diễn biến mà Moscow cảnh báo sẽ làm leo thang căng thẳng.

Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin nói trên trong khi một quan chức cấp cao của EU đã xác nhận nó.

Rất nhiều đồng minh của ông Trump, bao gồm cả con trai ông, đã bày tỏ sự phản đối với thông tin nói trên, cho rằng nếu đó là sự thật, thì ông Biden đang kéo Mỹ tới gần Thế chiến III.

Tuy nhiên, hầu hết những nhân vật thân cận trong vòng tròn quyền lực của ông Trump, bao gồm ứng viên bộ trưởng quốc phòng, ứng viên ngoại trưởng và ngay cả Tổng thống đắc cử vẫn chưa lên tiếng về điều này.

Mike Waltz, người được ông Trump lựa chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, mô tả quyết định của ông Biden là "sự leo thang", nhưng thay vì chỉ trích động thái này, ông lại nói rằng đó là một lựa chọn "chiến thuật" của Nhà Trắng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Fox News, ông Waltz tiếp tục nói rằng ông Trump đang để mắt đến một "chiến lược lớn" để chấm dứt cuộc chiến.

Theo Telegraph, các cố vấn chính sách trước đây của ông Trump dường như từng đề xuất một kế hoạch là trang bị cho Ukraine đủ hỏa lực để buộc Nga phải vào bàn đàm phán. Ngoài ra, cũng có một kế hoạch là Mỹ dưới thời ông Trump sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán. 

Đây có thể là lý do ông Trump quyết định im lặng để xem xét tình hình và phản ứng của Nga trước động thái của chính quyền ông Biden.

Ông Trump luôn tự xem mình là người hiểu biết về nghệ thuật đàm phán. Ông hiểu rằng để đạt được kết quả có lợi thì bên đàm phán cần có vị thế đủ mạnh mẽ. Nếu Ukraine ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai gần, họ cũng cần có vị thế đủ mạnh. 

Rõ ràng là Nga đang có ưu thế hơn hẳn khi có liên tiếp đạt được đà tiến trên chiến trường. Theo Telegraph, những thông tin về việc Triều Tiên cử quân hỗ trợ Nga trong cuộc chiến khiến chính quyền ông Biden dường như lo ngại rằng lợi thế của Nga sẽ chỉ gia tăng trong thời gian tới. Nga và Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ thông tin nói trên.  

John Hardie, chuyên gia từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ, cho biết việc ông Biden dỡ bỏ lệnh hạn chế vào lúc này sẽ giúp Ukraine có lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán tương lai. 

"Bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm để tăng đòn bẩy của Ukraine trong các cuộc đàm phán đó đều sẽ hữu ích. Hiện tại, ông Putin nghĩ rằng ông ấy nắm giữ các quân bài vì Ukraine gặp khó trên chiến trường. Nga đã thấy sự mệt mỏi của phương Tây trong cuộc chiến".

Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu RUSI (Anh), cho biết tên lửa ATACMS có thể sẽ giúp lực lượng Ukraine giữ vững Kursk, một lá bài đàm phán quan trọng khác. Nó cũng phục vụ cho mục đích chính trị.

"Người Ukraine cần thuyết phục chính quyền tương lai của Mỹ rằng họ vẫn đáng được ủng hộ, hay nói theo quan điểm giao dịch của ông Trump, thì đây vẫn là một khoản đầu tư tốt", ông Savill cho biết.

Đây có thể là lý do ông Trump vẫn đang quan sát mọi thứ để tính đường đi nước bước cho chiến lược Ukraine dưới thời ông, nên ông vẫn chưa lên tiếng. Ông dường như vẫn cân nhắc thiệt hơn trong quyết định của Tổng thống Biden. 

Theo giới quan sát, ông Trump dường như muốn kết thúc cuộc chiến ở Ukraine sớm để tập trung cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Ông Trump cũng không ít lần lo ngại về việc Nga và Trung Quốc đang sát lại gần nhau. Hồi đầu tháng, ông từng cam kết sẽ tìm cách chia rẽ 2 nước này nếu thắng cử.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/giai-ma-su-im-lang-cua-ong-trump-truoc-tin-my-xe-rao-ten-lua-cho-ukraine-a305809.html