ThS. Mai Lâm Sơn
Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tóm tắt
Vấn đề quản lý nhà nước đối với nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên khoáng sản là đặc biệt quan trọng ở mỗi quốc gia. Việt Nam với cơ chế phân cấp trong quản lý đối với hoạt động khoáng sản, trong đó có hoạt động thăm dò, khai tháng khoáng sản đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác này. Bài viết này thông qua những dữ liệu thứ cấp phân tích những thành công trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, từ đó, có những kiến nghị nâng cao tính khả thi trong công tác này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: khoáng sản, khai thác, thăm dò, phân cấp, Việt Nam
Summary
State management of resources, including mineral resources, is critical in each country. Vietnam with a decentralized management mechanism for mineral activities, including mineral exploration and exploitation, has achieved certain results in this work. This article analyzes the successes in mineral exploration and exploitation through secondary data, thereby making recommendations to improve the feasibility of this work in Vietnam in the coming time.
Keywords: minerals, exploitation, exploration, decentralization, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thăm dò, khai thác khoáng sản là 2 hoạt động cơ bản nhất trong hoạt động khoáng sản. Ở Việt Nam, với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, cơ quan quản lý các cấp đặc biệt chú ý trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản ở Việt Nam được phân thành 2 cấp là cấp Trung ương và địa phương. Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, ở cấp Trung ương, hệ thống các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản bao gồm: Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang bộ khác liên quan, trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ có trách nhiệm về quản lý trong phạm vi cả nước; Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập và trình phê duyệt quy hoạch về khoáng sản theo phân công của Chính phủ… Ở cấp địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện chức năng quản lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ở địa phận hành chính thuộc quản lý.
Với sự phân cấp thống nhất trong cả nước về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho đến nay.
Tính đến hết năm 2023, trong 13 năm (tính từ khi thực hiện Luật Khoáng sản 2010) cả nước có khoảng gần 4.000 khu vực được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân đang khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại khoáng sản như đá, sét, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), than, đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, đá ốp lát… Trong đó, có gần 3.000 khu vực khoáng sản làm VLXDTT phần lớn ở quy mô nhỏ và khoảng 1.000 khu vực khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp đang hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo 9.164 Giấy phép (3.523 Giấy phép thăm dò và 5.641 Giấy phép khai thác khoáng sản) do cơ quan Trung ương và các địa phương cấp phép. Trong đó, số lượng giấy phép đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT là 810 giấy phép, gồm: 369 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 441 Giấy phép khai thác khoáng sản và số lượng giấy phép đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh là 8.354 giấy phép, gồm: 3.154 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 5.200 Giấy phép khai thác khoáng sản.
Nhìn chung, số lượng tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố phù hợp với phân bố khoáng sản chung của cả nước. Một số tỉnh có số lượng tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản tương đối nhiều như: Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Thọ,... Tuy nhiên, cũng có địa phương không có hoạt động khoáng sản như Bạc Liêu hoặc có số lượng doanh nghiệp tham gia ít như: Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh.
Việc đánh giá những kết quả đạt được trong phân cấp quản lý về hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản sẽ giúp Việt Nam có hướng giải quyết phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động này trong thời gian tới.
KẾT QUẢ THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN Ở VIỆT NAM THEO PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Kết quả thực hiện theo thẩm quyền quản lý, cấp phép của Trung ương
Về hoạt động thăm dò khoáng sản
Ở phân cấp Trung ương, các tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác theo thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường có tổng số 369 Giấy phép thăm dò khoáng sản (tính từ 2011 đến nay). Trong số đó, có 322 Giấy phép cấp mới, còn lại là các Giấy phép gia hạn/chuyển nhượng/điều chỉnh trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố để thăm dò trên 06 loại nhóm khoáng sản/50 loại khoáng sản khác nhau (gồm antimon; chì kẽm; apatít; nước khoáng; đá granite; puzolan; titan-zircon; kaolin-felspat; vonfram-thiếc; vàng; đá vôi; đồng; đôlômit; molybden; graphit; đá dăm ốp lát; đá dăm kết núi lửa làm ốp lát; thạch anh; than; đá vôi xi măng; đá gabro làm ốp lát; quặng sắt… (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2024).
Kết quả thăm dò một số loại khoáng sản đã được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt trữ lượng trong 13 năm qua (từ năm 2011 đến năm 2023) là đáng kể, làm gia tăng trữ lượng cho hoạt động khai thác khoáng sản. Tổng trữ lượng cho trên 20 loại khoáng sản cụ thể như: Đá vôi xi măng 2.939.017 ngàn tấn, Đá ốp lát 195.911 ngàn m3, Than 542.763 ngàn tấn, Chì kẽm 1.427.362 tấn, Vàng gốc 31.961 kg, Thiếc 15.757 tấn, Đồng 524.712 tấn, Nicken 257.195 tấn, Man gan 1.535 ngàn tấn quặng, Đất hiếm 762.564 tấn TR2O3… (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2024).
Các Đề án thăm dò khoáng sản đều được thi công bởi các tổ chức đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản theo quy định; được các đơn vị chuyên ngành thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây) và nay là Cục Địa chất Việt Nam giám sát về kỹ thuật theo Đề án thăm dò đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Về hoạt động khai thác khoáng sản
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho hơn 400 doanh nghiệp trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2011-2023, khai thác đối với gần 50 loại khoáng sản khác nhau gồm: than; chì - kẽm; nước khoáng; niken; puzolan; titan-zircon- ilmelit; sắt; serpentin; kaolin - felspat; talc; barit; antimon; thiếc, thiếc sa khoáng, vonfram; đất hiếm; đá vôi, đá vôi xi măng, đá vôi công nghiệp, xây dựng; đá silic; bauxit; apatít; bazan; bentonit; cát kết; cát silíc; cát thạch anh; cát thủy tinh; cromít; đá ba zan; đá hoa trắng; đá ốp lát; đá phiến lợp; đá quý; đá sét làm xi măng; đồng; điatomit; đôlômít; felspat; fluorit; grafit; laterit; mangan; nickel-đồng-coban; pyrophylit; quazit; sericit; sét chịu lửa; sét trắng; vàng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2024). Một số dự án khai thác khoáng sản lớn tầm cỡ quy mô trung bình và lớn đã hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2013 như: dự án khai thác quặng wonfram - đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên); dự án khai thác quặng bauxit khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng); dự án khai thác quặng Nikel Bản Phúc (Sơn La) v.v… Tuy nhiên, cũng có dự án quy mô lớn chưa thể triển khai vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có dự án khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) (Cục Khoáng sản, 2022).
Sản lượng khoáng sản đã khai thác giai đoạn từ năm 2013 đến 2015 chủ yếu là apatit, than , đá vôi, một số loại quặng, cát khác… Một số loại khoáng sản (như than, quặng titan, chì - kẽm, quặng vàng...) có xu hướng giảm nhưng sản lượng một số loại khoáng sản khác như đá vôi, đá sét nguyên liệu xi măng… khá ổn định. Sản lượng than nguyên khai của cả nước năm 2014 khoảng 40 triệu tấn (giảm khoảng 2,5 triệu tấn so với năm 2013), quặng sắt 3.079.036,1 tấn, quặng apatit 4.420.237 tấn. Sản lượng giảm mạnh nhất là quặng titan (giảm khoảng 80% so với năm 2013) do hoạt động thua lỗ của các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng titan; sản lượng quặng vàng gốc cũng giảm mạnh do 02 công ty khai thác vàng gốc lớn nhất đang tạm dừng khai thác. Trong năm 2015, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động với các lý do như: (i) khó khăn về thủ tục thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không giải phóng được mặt bằng; (ii) khó khăn về khả năng tài chính, phải đóng nhiều khoản tiền (thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền hoàn trả chi phí điều tra, thăm dò do nhà nước đầu tư…), chiếm 30-40% tổng doanh thu hoạt động khai thác khoáng sản; (iii) giá khoáng sản trên thị trường toàn cầu liên tục giảm, doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, nhất là các khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì, kẽm, thiếc, vàng…). Sản lượng khai thác đối với một số loại khoáng sản (như quặng titan, chì - kẽm, quặng vàng...) giảm so với năm 2014 và những năm trước đó (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2014, 2015, 2016).
Giai đoạn từ 2016-2019, do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu khoáng chưa phục hồi, ổn định nên sản lượng khai thác bị tác động mạnh. Các khoáng sản có sản lượng giảm gồm: than, chì-kẽm, đồng, nikel, mangan, apatit, kaolin - felspat, đá hoa trắng... (than: 38,57 triệu tấn, giảm 8,63 triệu tấn; apatit: 3,819 triệu tấn, giảm khoảng 200 nghìn tấn; kaolin - felspat: 1,37 triệu tấn, giảm khoảng 100 nghìn tấn...);các khoáng sản có sản lượng khá ổn định gồm đá vôi, đá sét nguyên liệu xi măng (do sử dụng cho các dự án trong nước);các khoáng sản có sản lượng tăng gồm sắt, thiếc-vonfram, bauxit, mangan, antimon, titan, chì - kẽm, vàng...(sắt: 3.207,7 nghìn tấn tăng 803 nghìn tấn; thiếc - vonfram: 5.605 nghìn tấntăng 2.350 nghìn tấn; vàng: 195.604 tấn quặngtăng 184.718 tấn quặng; titan 283,7 nghìn tấn tăng 228,2 nghìn tấn).
Trong năm 2020 và các năm 2021, 2022: do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thị trường chưa phục hồi nên nhìn chung hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản bị tác động mạnh dẫn đến sản lượng khai thác giảm nhiều so với các năm trước đây (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2024).
Có nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, gồm: (1) doanh nghiệp nhà nước bao gồm Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty, cụ thể như: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn hóa chất, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc hoặc một số Công ty TNHH một thành viên; (2) doanh nghiệp tư nhân phổ biến là loại hình Công ty cổ phần khoảng 265 doanh nghiệp và Công ty TNHH (Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty TNHH hai thành viên trở lên) khoảng 110 doanh nghiệp, còn lại là các loại hình doanh nghiệp khác. Mặc dù doanh nghiệp nhà nước có số lượng ít hơn so với doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo đối với các loại khoáng sản được khai thác.
Kết quả thực hiện theo thẩm quyền quản lý, cấp phép của địa phương
Đối với hoạt động thăm dò khoáng sản
Quản lý nhà nước về thăm dò khoáng sản của cấp địa phương được thực hiện theo đúng quy định về pháp luật và trên cơ sở quy hoạch khoáng sản của từng địa phương. Tổng số Giấy phép thăm dò khoáng sản đã cấp từ năm 2013 đến 2023 khoảng 3.154 giấy phép/2500 tổ chức, cụ thể hàng năm như sau: năm 2013 là 389 giấy phép, năm 2014 là 432 giấy phép, năm 2015 là 480 giấy phép, năm 2016 là 377 giấy phép, năm 2017 là 319 giấy phép, năm 2018 là 297 giấy phép, năm 2019 là 258 giấy phép, năm 2020 là 245 giấy phép, năm 2021 là 137 giấy phép, năm 2022 là 108 giấy phép, năm 2023 là 74 giấy phép với gần 40 loại hình khoáng sản đã được thăm dò khác nhau. Trữ lượng gia tăng so với trước khi có Luật Khoáng sản, một số khoáng sản có trữ lượng lớn như: đá xây dựng, sét gạch ngói... (Chính phủ, 2024).
Nhìn chung, hoạt động thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thời gian qua đã khắc phục được tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản mà không có trữ lượng được phê duyệt, góp phần gia tăng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản trên địa bàn các địa phương và khu vực; phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Thông qua việc thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tại nhiều tỉnh đã khắc phục được tình trạng khai thác khoáng sản không có cơ sở trữ lượng khoáng sản được phê duyệt như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Nam...
Đối với hoạt động khai thác khoáng sản
Hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép do UBND tỉnh cấp phép tiếp tục duy trì đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với khoảng trên 3.000 khu vực dải khắp trên địa bàn các tỉnh, thành phố cả nước. Hàng năm có hàng ngàn tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp theo thẩm quyền đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ .., chiếm đến trên 90% tổng số khu vực khai thác đang hoạt động (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2024))
Về sản lượng khai thác:
Năm 2015, sản lượng khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đá làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn duy trì như những năm trước với trên 73 triệu m3. Các tỉnh duy trì sản lượng khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường tương đối khá như: Đồng Nai (trên 14,5 triệu m3); Bình Dương (trên 10 triệu m3); Hà Nam (gần 9 triệu m3), các tỉnh khác như: Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Bình, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Phúc đều có số lượng các tổ chức, cá nhân khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường tương đối nhiều và sản lượng khai thác của năm 2015 đạt từ 01 triệu đến trên 4 triệu m3 . Năm 2016, một số khoáng sản làm VLXDTT có sản lượng tăng so với năm 2015 là đá VLXDTT: 77,9 triệu m3 (tăng 243 nghìn m3), vật liệu san lấp: 535 triệu m3 (tăng 460 triệu m3); trong khi đó sản lượng một vài loại khoáng sản giảm mạnh như sét gạch ngói: 3,21 triệu m3 (giảm 115 nghìn m3), cát sỏi: 90,969 triệu m3 (giảm tới 5,5 triệu m3). Các tỉnh có sản lượng khai thác lớn như: Đồng Nai (gần 14 triệu m3), Bình Dương (trên 10 triệu m3), Hà Nam (trên 10 triệu m3); các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Dương, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Lâm Đồng, Ninh Bình, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Phúc có sản lượng từ 01 triệu đến trên 4 triệu m3 (Chính phủ, 2024).
Giai đoạn từ năm 2017 đến 2020: Sản lượng một số khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tiếp tục có xu hướng tăng hàng năm, như so với năm 2016: đá đạt 86,1 triệu m3 (tăng 8,1 triệu m3), sét gạch ngói đạt 4,16 triệu m3 (tăng 952 nghìn m3), năm 2018, một số khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sản lượng tăng so với năm 2017 là cát, sỏi: 19,5 triệu m3 (tăng 9 triệu m3) và sét gạch ngói: 4,6 triệu m3 (tăng 0,4 triệu m3). Một số khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sản lượng giảm là đá: 77,5 triệu m3 (giảm 8,5 triệu m3), vật liệu san lấp: 20,7triệu m3 (giảm 4,9 triệu m3); năm 2019, một số khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sản lượng tăng so với năm 2018 là sét gạch ngói: 4,7 triệu m3 (tăng 0,14 triệu m3); đá xây dựng: 96,4 triệu m3 (tăng 18,4 triệu m3), vật liệu san lấp: 25,3 triệu m3 (tăng 4,6 triệu m3). Năm 2020, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sản lượng tăng so với năm 2019 là sét gạch ngói: 6,3 triệu m3 (tăng 1,6 triệu m3); đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 172,5 triệu m3 (tăng 76,2 triệu m3), vật liệu san lấp: 31,6 triệu m3 (tăng 6,3 triệu m3), cát sỏi: 18,9 triệu m3 (tăng 4 triệu m3) (Chính phủ, 2024).
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn nhằm cung ứng kịp thời nguồn vật liệu khi triển khai các công trình, dự án quan trọng của quốc gia, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023 sản lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tăng đột biến để cung ứng nguồn vật liệu cho các công trình trọng điểm nêu trên.
MỘT SỐ HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP
Thứ nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành đối với hoạt động thăm dò, khai thác còn một số hạn chế nên khó khăn nhất định khi cấp phép; việc triển khai lập, phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh liên quan đến lĩnh vực khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch chưa thực hiện được, khó khăn cho công tác quản lý, khai thác.Vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của lực lượng bảo vệ pháp luật của địa phương còn hạn chế dẫn đến không kịp thời trong phát hiện, đấu tranh xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác tại các khu vực mỏ.
Thứ hai, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản nhằm thu hồi tối đa, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác, nhất là đối với các loại khoáng sản quy mô trung bình và nhỏ (chì - kẽm, thiếc, đá hoa trắng …); các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ khai thác, chế biến chưa có tính ứng dụng thực tiễn cao; còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu đến môi trường. Chưa có đánh giá chi tiết về tác động của các hoạt động nạo vét, khai thác khoáng sản cát sỏi, vật liệu đến hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, hồ, đập,....
Thứ ba, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ nên đã giảm cả về số lượng địa phương có hoạt động khai thác trái phép cũng như số lượng các khoáng sản bị khai thác trái phép nhưng khai thác trái phép, nhất là cát, sỏi lòng sông vẫn còn phức tạp, nguy cơ tái diễn, ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, thủy điện, đất đai canh tác của nhân dân,...
Thứ tư, Một số quy định liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác còn chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn cần điều chỉnh, bổ sung: Chưa rõ cơ sở lý luận của quy định tổ chức cá nhân được cấp giấy phép thăm dò phải thực hiện tối thiểu 50% khối lượng của đề án mới được chuyển nhượng; Đối với đơn vị tham gia đấu giá, quy định phải có văn bản xác nhận trúng đấu giá. Tuy nhiên, đối với khu vực không đấu giá chưa quy định văn bản xác nhận lựa chọn tổ chức, cá nhân lập hồ sơ cấp phép ở khu vực này; Quy định phải có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công cần xem xét điều chỉnh vì trong thực tế, các tổ chức có thể thuê ngoài các thiết bị để thi công công tác thăm dò; Liên quan đến lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Luật chưa quy định về hình thức, văn bản kết quả lựa chọn; Liên quan đến quy định hồ sơ gia hạn Giấy phép thăm dò phải trả lại 30% diện tích là chưa hợp lý. Đối với diện tích nhỏ, việc trả lại 30% diện tích ảnh hưởng đến kết quả lập dự án đầu tư, mặt khác phần diện tích trả lại nhiều khi đã có kết quả thăm dò khả quan, nhưng chưa kết thúc thi công, trong khi thời gian quy định của Luật có thể gia hạn đến 48 tháng. Để tránh tình trạng “giữ đất”, có thể lập lại quy định về phí độc quyền thăm dò; Liên quan đến quy định về nguyên tắc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản: “không chia cắt mỏ có thể đầu tư quy mô lớn hiệu quả để cấp cho nhiều tổ chức cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ” là chưa hợp lý. Thực tế, không thể định lượng quy mô “lớn”, “nhỏ” đối với các loại khoáng sản để đối chiếu, thực hiện.
Ngoài ra, Quy định thời gian của Giấy phép không quá 30 năm được gia hạn nhiều lần nhưng không quá 20 năm cần xem xét lại. Theo quy định pháp luật về đầu tư, Dự án khai thác khoáng sản có thể lập đến 50 năm để đảm bảo hoạt động lâu dài và phù hợp với Luật đầu tư; Một số nội dung cần chỉnh sửa cho phù hợp với luật chuyên ngành như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Bản cam kết bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đầu tư; Luật Khoáng sản chưa có khái niệm phân biệt giữa khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng “thông thường”; Đối với hồ sơ trả lại Giấy phép khai thác hoặc trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản quy định phải có Đề án đóng cửa mỏ cần nghiên cứu bổ sung về phê duyệt cũng như kết quả thực hiện. Đối với phần diện tích trả lại cần yêu cầu về phục hồi môi trường để bàn giao đất cho địa phương.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Hoạt động khoáng sản, trong đó có thăm dò và khai thác ở Việt Nam do Nhà nước quản lý theo 2 phân cấp, cấp Trung ương và cấp địa phương với sự thống nhất chung quản lý là Chính phủ. Nhờ sự phân câp rõ ràng với chức năng và nhiệm vụ theo thẩm quyền, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Mặc dù, có lúc giảm sản lượng một số loại khoáng sản do những nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung đều đạt được kết quả như mục tiêu đặt ra. Đó là kết quả của sự thành công nhất định về hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thăm dò, khai thác khoáng sản trên thực tiễn, vẫn thể hiện những bất cập, tồn tại cần điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền Trung ương và địa phương đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ở Việt Nam thời gian tới, tác giả có một số kiến nghị như sau:
- Xem xét quy định trong quá trình lập, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để quyết định việc lựa chọn vị trí hoặc thực hiện khai thác thu hồi khoáng sản. Đối với dự án trọng điểm, dự án quy mô lớn (sử dụng đất có thể mức > 5 km2) ngoài lấy ý kiến của cơ quan quản lý phải có kết quả khảo sát, đánh giá tài nguyên khoáng sản phân bố trong diện tích dự án để quyết định việc khai thác thu hồi khoáng sản hay không. Bổ sung quy định về hình thức khai thác thu hồi khoáng sản và các nội dung, thủ tục, văn bản thuộc hồ sơ cho phép thực hiện khai thác trên nguyên tắc hoàn trả mặt bằng trước khi triển khai dự án.
Điều chỉnh một số quy định liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác cho phù hợp với thực tiễn và hoạt động có hiệu quả hơn như: Điều chỉnh quy định về diện tích thăm dò đối với khoáng sản kim loại, đá quý lên 50 km2, còn khoáng sản khác (trừ VLXD thông thường, than bùn) không quá 20 km2; Xem xét quy định mẫu Giấy phép có nội dung đơn giản hơn; Xem xét bổ sung quy định về phí độc quyền thăm dò theo lũy tiến cho năm sau để hạn chế tình trạng giữ đất; không quy định phải loại bỏ 30% diện tích khi gia hạn Giấy phép thăm dò.
- Xem xét hiệu quả của quy định giám sát thăm dò. Nếu cần thiết, yêu cầu có quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giám sát. Cơ quan quản lý chỉ xác nhận đơn vị, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn giám sát, còn lựa chọn tổ chức nào do đơn vị được cấp Giấy phép thăm dò lựa chọn.
- Điều chỉnh quy định dừng thăm dò trong quá trình giải quyết hồ sơ gia hạn Giấy phép. Việc dừng thăm dò chỉ áp dụng trong trường hợp, tổ chức, cá nhân không hoàn thiện, chỉnh sửa theo yêu cầu cơ quan quản lý.
- Xem xét lại một số quy định trong hoạt động khait thác như: Bỏ quy định về điều kiện cấp phép khai thác phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% vốn đầu tư dự án và quy định về thành phần hồ sơ; Xem xét quy định về nội dung, hình thức của Giấy phép khai thác, trên cơ sở gắn gọn. Giấy phép có thể duy trì suốt đời mỏ, trường hợp gia hạn hay chuyển nhượng, thay đổi vẫn giữ số ban đầu, tương tự như mô hình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Xem xét bổ sung quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác khoáng sản có phát hiện mới về khoáng sản; Bổ sung quy định trường hợp khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích công trình xây dựng, nếu không sử dụng hết được bán ra ngoài. Đồng thời quy định thời gian khai thác không vượt quá thời gian xây dựng công trình.
- Điều chỉnh quy định dừng khai thác trong quá trình giải quyết hồ sơ gia hạn Giấy phép. Việc dừng khai thác chỉ áp dụng trong trường hợp, tổ chức, cá nhân không hoàn thiện, chỉnh sửa theo yêu cầu cơ quan quản lý./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), Tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản, Hà Nội.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019, 2020, 2021, 2022, 2023, 2024), Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, Hà Nội.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2024), Báo cáo về rà soát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội.
4. Cục Khoáng sản (2022). Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Hà Nội.
5. Chính phủ (2024), Báo cáo 13 năm thực hiện Luật khoáng sản 2010, Hà Nội.
6. Nguyễn Quang Luật (2006), Giáo trình “Khoáng sản đại cương”, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
7. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2021), Luật Khoáng sản, số 60/2010/QH 12, ngày 17/11/2010.
8. Phạm Văn Toàn (2024). Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản, truy cập từ https://lsvn.vn/hoan-thien-phap-luat-nham-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-hoat-dong-khoang-san-1718469248.html truy cập ngày 22/9/2024.
Ngày nhận bài: 05/11/2024; Ngày phản biện: 11/11/2024; Ngày duyệt đăng: 19/11/2024 |