Chuyển đổi số và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các nền kinh tế ngày càng dịch chuyển gần nhau hơn. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), chuyển đổi số đã trở thành là một xu thế mới nhằm thu hút dòng vốn FDI. Mục tiêu của bài nghiên cứu nhằm làm rõ cơ sở lý thuyết...

Từ khóa: chuyển đổi số, công nghệ, vốn FDI

Summary

Foreign direct investment (FDI) capital plays a crucial role in the development of each country, especially developing countries. In the landscape of increasingly strong globalization, economies are moving closer and closer together. Along with the rapid development of technology under the impact of the Industrial Revolution 4.0 (Industry 4.0), digital transformation has become a new trend to attract FDI capital flows. The goal of this research is to clarify the theoretical basis, current status of digital transformation and the impact of digital transformation on attracting FDI capital flows, thereby proposing recommendations to take advantage of the potential of digital transformation in attracting this capital source in Vietnam.

Key words: digital transformation, technology, foreign direct investment

GIỚI THIỆU

Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu nền kinh tế thế giới và đang diễn ra nhanh, mạnh mẽ trong những năm gần đây, cùng với đó là quá trình tự do hóa và mở rộng dòng vốn FDI. Việc thu hút vốn FDI đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19 và một số diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị trên thế giới, dòng vốn FDI đã chịu những tác động rõ rệt.

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống và kinh tế - xã hội, đặc biệt là tác động đến FDI. Ngoài việc thay đổi căn bản cách thức vận hành và kinh doanh của doanh nghiệp, CMCN 4.0 cũng thay đổi cách các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn địa điểm và phương thức mở rộng kinh doanh (Dethine và cộng sự 2020). Trước đây, các nhà đầu tư FDI thường đưa ra quyết định về địa điểm đầu tư dựa trên thị trường đầu ra hoặc khả năng tiếp cận các nguồn lực (Damgaard và cộng sự 2018). Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, những yếu tố này không còn vai trò quan trọng như trước. Thay vào đó, quốc gia nào biết tận dụng các cơ hội và thành tựu của cuộc CMCN 4.0, quốc gia đó sẽ nắm trong tay chìa khóa thu hút vốn FDI hiệu quả trong giai đoạn tới.

TỔNG QUAN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Khái niệm chuyển đổi số

Đến nay, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau và chưa có một khái niệm thống nhất về chuyển đổi số. Dưới góc độ vi mô, chuyển đổi số có thể được hiểu là việc sử dụng công nghệ để cải thiện triệt để hiệu suất hoặc phạm vi của doanh nghiệp (Westerman và cộng sự, 2011). Cụ thể hơn, đây là quá trình tích hợp công nghệ số vào các hoạt động, giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và mang lại giá trị cho khách hàng. Như vậy, mục tiêu sau cùng của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp là nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh thông qua việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động và quy trình, cho phép thay đổi và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số là các công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển và áp dụng rộng rãi (ví dụ như: mạng viễn thông, công nghệ máy tính, công nghệ phần mềm…) nhằm tạo ra, xử lý, chia sẻ và truyền thông tin. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc thay đổi công nghệ, mà cốt lõi của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự thay đổi đáng kể về mặt chuyên môn kết hợp với tất cả các yếu tố khác có liên quan tới doanh nghiệp (Lê Duy Bình và Trần Thị Phương, 2020).

Dưới góc nhìn vĩ mô, chuyển đổi số là một mạng lưới nhất quán của tất cả các thành phần kinh tế và sự thích ứng của các chủ thể với các điều kiện mới của nền kinh tế số (Bondar và cộng sự, 2017). Nói cách khác, chuyển đổi số bao gồm những thay đổi liên quan đến việc ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt của xã hội. Dabrowska và cộng sự (2022) lập luận rằng, dù là tác động tốt hay xấu, chuyển đổi số sau cùng sẽ dẫn đến thay đổi kỹ thuật xã hội (Socialtechnical Change) và rộng hơn là thay đổi CNTT. Sự thay đổi này không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp, mà còn liên quan đến các cá nhân sử dụng, ứng dụng các công nghệ số, những người tham gia vào hệ sinh thái số và các khuôn khổ địa chính trị điều chỉnh các ngành mà các tổ chức và cá nhân trên tham gia. Do đó, có thể hiểu chuyển đổi số ở góc độ rộng là một sự thay đổi kinh tế - xã hội thông qua các cá nhân, doanh nghiệp, hệ sinh thái và xã hội, được hình thành bởi việc áp dụng và sử dụng các công nghệ số.

Tóm lại, chuyển đổi số là một quá trình nhằm cải thiện một chủ thể bằng cách kích hoạt các thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của chủ thể đó thông qua sự kết hợp của các công nghệ thông tin (CNTT), máy tính, kết nối và truyền thông. Quá trình chuyển đổi số có thể được khái quát trong Hình 1.

Tác động của chuyển đổi số tới nền kinh tế và FDI

Các nghiên cứu trước đây đã khẳng định, chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng quyết định dòng vốn FDI. Chuyển đổi số có thể có những tác động tích cực đến dòng vốn FDI dưới nhiều khía cạnh khác nhau:

(i) Chuyển đổi số cho phép cấu trúc dòng vốn FDI thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các công ty đa quốc gia thông qua chuyển đổi số có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của họ. Hệ thống thông tin kỹ thuật số cho phép các doanh nghiệp này mở rộng phạm vi tiếp cận sang các thị trường mới (Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2021). Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến có thể giúp các doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định đầu tư vốn vào khu vực nào, quốc gia và vùng lãnh thổ nào để đạt hiệu quả cao nhất.

(ii) Chuyển đổi số giúp giảm thiểu các chi phí bao gồm: chi phí tài chính, chi phí nhân công và chi phí cho các sản phẩm trung gian. Nhờ có chuyển đổi số, tài chính xuyên biên giới trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn so với các loại hình khác. Các rào cản đối với thương mại quốc tế cũng dần biến mất thông qua quá trình chuyển số, do đó mang đến những cơ hội đầu tư mới (Damgaard và cộng sự, 2018).

(iii) Nhờ tận dụng các thành tựu của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và giảm thiểu sử dụng công nghệ truyền thống, công nghệ cũ, việc số hóa khu vực FDI có thể hỗ trợ các nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững. Hơn nữa, chuyển đổi số có thể hỗ trợ các chính phủ chủ động và có nhiều phương án quảng bá để thu hút thêm vốn FDI (Yadav và Iqbal, 2021).

Mặt khác, chuyển đổi số cũng có thể có những tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI, đó là:

Một là, vấn đề về an ninh, an toàn bảo mật. Các công ty có thể gặp khó khăn trong việc quản lý máy chủ tại các quốc gia khác nhau và có thể gặp rủi ro về lỗi hệ thống hoặc mất dữ liệu (Radanliev và cộng sự, 2020). Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI có khả năng phải đối mặt với các vấn đề về tuân thủ môi trường nếu hệ thống của họ thải ra quá nhiều carbon (Yadav và Iqbal, 2021).

Hai là, do quá trình chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào tài sản vô hình, việc định giá các khoản đầu tư tại các quốc gia khác nhau trở nên thiếu chính xác. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn.

Ba là, dòng vốn FDI cũng có thể suy giảm do chuyển đổi số có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường. Việc ứng dụng một số công nghệ mới tạo ra chất thải nguy hại, khí thải nhà kính và chất thải điện khác mà nếu như không được xử lý, sẽ huỷ hoại môi trường và biến đổi khí hậu (Yadav và Iqbal, 2021).

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ FDI TẠI VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Việt Nam đã trải qua gần 40 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và đã đạt được nhiều thành tự quan trọng đối với kinh tế số. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (Lê Duy Bình và Trần Thị Phương, 2020). Theo báo cáo từ Google (2022), nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt tốc độc tăng trưởng 31% và trị giá khoảng 49 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam đang nằm trong số 3 quốc gia thu hút nhiều cơ hội kinh doanh về chuyển đổi số nhất trong khu vực, bên cạnh Singapore và Indonesia. Đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD vào năm 2021, gấp 30 lần so với con số 48 triệu USD vào năm 2017 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022). Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề, trong đó công nghệ tài chính, viễn thông, dịch vụ CNTT và truyền thông, sản xuất linh kiện điện tử và máy tính là những lĩnh vực mũi nhọn, làm nền móng cho sự bùng nổ của nền kinh tế số của Việt Nam (Cameron và cộng sự, 2019). Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hay thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí của người dân.

Bên cạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngành nghề, chuyển đổi số trong điều hành của các cơ quan quản lý, phát triển chính phủ điện tử và cải cách hành chính được Việt Nam đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Chỉ số về Phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt cả về giá trị và thứ hạng (Hình 1). Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, chỉ số EDGI của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình (nhóm H3). Năm 2022, chỉ số EDGI của Việt Nam ở mức 0,6787, xếp hạng 86 thế giới và hạng 6 khu vực Đông Nam Á. Số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (2022) cũng cho thấy Việt Nam chỉ đứng thứ 63 trên 113 quốc gia về chỉ số phản ánh môi trường số và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp.

Hình 1: Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam 2003-2022

Chuyển đổi số và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Hình 2: Các chỉ số thành phần của chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam 2003-2022

Chuyển đổi số và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Nguồn: United Nations E-Government Knowledgebase

Các chỉ số thành phần của EDGI bao gồm: Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI), Chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông (TII) và Chỉ số vốn con người (HCI). Trong đó, có thể thấy sự cải thiện đáng kể trong chỉ số phản ánh sự phát triển dịch vụ trực tuyến và cơ sở hạ tầng viễn thông (Hình 2). Điều này cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển hạ tầng kỹ thuật. Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, đặt mục tiêu cải thiện chỉ số EDGI nằm trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, phổ cập dịch vụ 5G và Internet băng thông rộng và dịch vụ 5G; 80% dân số sử dụng thanh toán điện tử.

Về vốn FDI, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển. Khu vực FDI đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE, 2022).

Hình 3: Thu hút FDI của Việt Nam, 2019-2023

Chuyển đổi số và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, dòng vốn FDI vào Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19 và tình hình diễn biến phức tạp của kinh tế - chính trị trên thế giới trong giai đoạn vừa qua. Số lượng dự án FDI có xu hướng giảm kể từ sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 (Hình 3).

Bên cạnh đó, tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao trong các doanh nghiệp FDI vẫn còn thấp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), chỉ 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 15% là sử dụng công nghệ thấp. Số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng vào Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ. Như vậy, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mới chỉ ở những bước đi đầu tiên, chuyển đổi số vẫn tương đối xa lạ với đa phần các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn tới, quá trình chuyển đổi số để thu hút vốn FDI tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, hệ thống khuôn khổ pháp lý ở một số lĩnh vực chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chính sách đẩy mạnh, khuyến khích chuyển đổi số, như: Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 36a/NQCP, ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Chỉ thị số 01/CT-TTg, 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam; và một số văn bản pháp lý có liên quan, như: Luật An ninh mạng 2018, nhưng nhìn chung hệ thống khung pháp lý vẫn chưa bao quát được hết các khía cạnh, rủi ro tiềm tàng trong một số lĩnh vực mới, như: trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử, tiền ảo, công nghệ tài chính…

Thứ hai, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao trong chuyển đổi số và thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam có lợi thế về lao động trẻ, có khả năng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng số. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn còn một số hạn chế về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc và khả năng thích ứng trong các điều kiện mới cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực CNTT và truyền thông (Phạm Ngọc Hòa, 2023). Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, muốn thu hút vốn FDI cho các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, cần đầu tư cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số chưa theo kịp với tốc độ đổi mới công nghệ. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, có tốc độ đổi mới công nghệ cao trong một số lĩnh vực, như: thông tin truyền thông, thương mại điện tử… cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số đáp ứng nhu cầu trong các lĩnh vực này, nhưng ở một số lĩnh vực khác, kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo và bắt kịp với tốc độ đổi mới công nghệ, dẫn tới những rào cản trong ứng dụng công nghệ và thu hút vốn FDI. Các nền tảng, như: dịch vụ số, dữ liệu mở, dữ liệu lớn, chính sách để toàn dân và doanh nghiệp tham gia bồi đắp sử dụng dịch vụ số còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nền kinh tế số cũng yêu cầu phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông như đường truyền internet, mạng di động và mạng viễn thông. Những yếu tố này đòi hỏi thời gian và vốn đầu tư lớn, đặc biệt là với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thứ tư, mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển chính phủ điện tử, nhưng hệ thống thủ tục hành chính nói chung vẫn còn tương đối rườm rà, vẫn còn quá nhiều loại hình giấy phép khác nhau, bộ máy quản lý nhà nước chưa thực sự tinh gọn phần nào ảnh hưởng tới quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của VCCI (2022) về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục xuất nhập khẩu giai đoạn 2020-2022, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, trong đó phần nhiều là doanh nghiệp FDI. Báo cáo của VAFIE (2022) cũng chỉ ra rằng, thủ tục hành chính là một trong ba vấn đề chính, bên cạnh tham nhũng và chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, mà Việt Nam cần khắc phục để thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, tốc độ phát triển của công nghệ ngày càng nhanh chóng đòi hỏi sự thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư đối với khía cạnh công nghệ, đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở mọi cấp độ. Nếu biết cách tận dụng được tiềm năng về chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số và tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại sẽ là chìa khóa để thu hút vốn FDI trong thời gian tới. Để làm tốt được điều này, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Một là, về khuôn khổ pháp lý. Cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định pháp luật phù hợp với nhu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực, theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực có tốc độ đổi mới về công nghệ nhanh và rủi ro cao như tài chính - ngân hàng, tiền điện tử, tiền ảo, CNTT và truyền thông. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh an toàn bảo mật trên không gian mạng cần được chú trọng, thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả và phòng chống các loại tội phạm công nghệ cao.

Hai là, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ở các cấp độ. Cụ thể, ngành giáo dục cần có chính sách khuyến khích, có quy hoạch và lộ trình nhằm khuyến khích các trường đưa vào chương trình giảng dạy các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ số, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học, nhằm đào tạo nguồn lực sử dụng được công nghệ 4.0 trong tương lai. Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp cần xác định và thiết lập chiến lược chuyển đổi số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, tư duy chuyển đổi số cho người lao động.

Ba là, cần đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Cụ thể, cần chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông bao gồm: hạ tầng băng rộng cố định, di động. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tích cực triển khai mạng di động 5G, thúc đẩy thị trường bán buôn truy cập dịch vụ Internet băng rộng, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu về hạ tầng viễn thông từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh áp dụng mô hình điện toán đám mây. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số, thống nhất và đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia.

Bốn là, cần đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và từng bước số hóa bộ máy quản trị quốc gia. Cụ thể, tập trung xây dựng nền hành chính công vụ gọn nhẹ, thông minh, kiến tạo, kỷ luật. Đẩy nhanh quá trình số hóa bộ máy quản lý nhà nước và thực hiện thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành.

Năm là, đẩy mạnh thu hút vốn FDI 4.0 (FDI có hàm lượng công nghệ cao). Cụ thể, cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như CNTT, điện tử, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, vật liệu mới. Bên cạnh đó, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn, các tập đoàn hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, phải xây dựng quy hoạch thu hút và sử dụng FDI trên từng vùng, địa phương gắn với điều kiện thực tiễn, thế mạnh của từng vùng, địa phương và gắn với quy hoạch tổng thể phát triển CNTT trong giai đoạn tới, trên nền tảng của cuộc CMCN 4.0./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019-2023), Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam các năm, từ năm 2019 đến 2023.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam.

3. Bondar S., Hsu J. C., Pfouga A. và Stjepandić J. (2017), Agile digital transformation of system-of-systems architecture models using Zachman framework, Journal of Industrial Information Integration, 7, 33–43.

4. Cameron A., Pham T. H., Atherton J., Nguyen D.H., Nguyen T.P., Tran S.T., Nguyen T.N., Trinh H.Y., and Hajkowicz S. (2019), Vietnam’s future digital economy – Towards 2030 and 2045, CSIRO, Brisbane.

5.Dabrowska, J., A. Almpanopoulou, A. Brem, H. Chesbrough, V. Cucino, A. Di Minin, F. Giones (2022), Digital Transformation, for Better or Worse: A Critical Multi-Level Research Agenda, R&D Management, 52(5), 930-954. doi:10.1111/radm.12531.

6. Damgaard J., Elkjaer T., and Johannesen N. (2018), Piercing the Veil, Finance & Development.

7. Dethine B., Eljoras M., Monticolo D. (2020), Digitalization and SMEs’ Export Management: Impacts on Resources and Capabilities, Technology Innovation Management Review,10(4), 18-34.

8. WEF (2021), The global risk report 2021, Digital transformation, for better or worse: a critical multi-level research agenda.

9. Google (2022), e-economy SEA 2022: Through the waves, toward the sea of opportunity.

10. VAFIE (2022), Báo cáo thường niên về vốn FDI tại Việt Nam năm 2021.

11. Lê Duy Bình và Trần Thị Phương (2020), Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam, Tài liệu chuẩn bị cho Chuỗi Hội nghị bàn tròn về EVFTA, EVIPA và Hồi phục kinh tế sau Covid-19 tại Việt Nam.

12. Phạm Ngọc Hòa (2023), Phát triển kinh tế số tại Việt Nam: Kết quả và những vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Ngân hàng, 1.

13. VCCI (2022), Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế Một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022.

14. Radanliev P., David C.D.R., and Max V.K. (2020), Digitalization of COVID-19 Pandemic Management and Cyber Risk from Connected Systems, Social Science Research Network, doi:10.2139/ssrn.3604825.

15. Westerman, G., Calméjane, C., Bonnet, D., Ferraris, P., and McAfee, A. (2011), Digital transformation: A roadmap for billion-dollar organizations, MIT Center for Digital Business and Capgemini Consulting, 1, 1-68.

16. Yadav, A. and Iqbal, B.A. (2021), Socio-economic scenario of South Asia: An overview of impacts of COVID-19, South Asian Survey, 28(1), 20-37.

Mai Hương Giang

Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chuyen-doi-so-va-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-a305750.html