Từ vụ người phụ nữ ở Hà Nội mất 4 tỷ đồng: Cái bẫy của những "bố đơn thân", "kỹ sư IT" như thế nào?

Lừa đảo qua mạng, dù là chiêu trò cũ nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân mới.

"Bố đơn thân" và chiêu "đi công tác" như thật!

Mới đây, vào ngày 16/11, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận một vụ lừa đảo nghiêm trọng. Nạn nhân là chị T. (trú tại Hà Nội), người đã mất 4 tỷ đồng chỉ vì tin lời một người đàn ông tự xưng là "bố đơn thân" qua mạng xã hội.

Chị T. cho biết, sau khi nhận được tin nhắn làm quen trên mạng, người đàn ông này đã giới thiệu mình là một "bố đơn thân" và bắt đầu trò chuyện. Qua thời gian tiếp xúc, hai người dần chia sẻ với nhau nhiều hơn và phát sinh tình cảm. Sau một thời gian, người này thông báo đi công tác và gửi cho chị T. các giấy tờ như quyết định công tác của công ty, vé máy bay, và video khi đến sân bay, khi nhận phòng khách sạn, làm chị T. hoàn toàn tin tưởng.

Từ vụ người phụ nữ ở Hà Nội mất 4 tỷ đồng: Cái bẫy của những "bố đơn thân", "kỹ sư IT" như thế nào?- Ảnh 1.

Một vài ngày sau, "bố đơn thân" này gửi cho chị T. một đường link và yêu cầu giúp thao tác. Lúc đầu, người này nạp 100 triệu đồng và nhờ chị T. rút ra số tiền 115 triệu đồng. Sau đó, người này bảo chị lập tài khoản mới và tiếp tục chờ cơ hội lãi cao hơn. Chị T. đã thực hiện tổng cộng 14 giao dịch trong vòng 6 ngày, chuyển gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi chị định rút số tiền đã đầu tư, hệ thống báo lỗi và yêu cầu chị nạp thêm 900 triệu đồng mới có thể rút tiền. Nghi ngờ bị lừa, chị T. đã đến cơ quan công an trình báo.

Tin lời "kỹ sư IT" trên mạng, mất gần 15 tỷ

Hồi cuối tháng 3/2024, một phụ nữ tại Quảng Ninh đã trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa đảo số tiền lên đến 14,7 tỷ đồng.

Cụ thể, nạn nhân quen trên Facebook một người tự giới thiệu là kỹ sư IT có tên Nam, sống tại TP HCM và đang được mời sang Singapore sửa chữa hệ thống sòng bạc casino. Kẻ này nói phát hiện lỗ hổng trên một trang chuyên về trò chơi có thưởng và có thể lợi dụng để kiếm tiền. Lấy lý do đang ở nước ngoài nên không truy cập được tài khoản, Nam nhờ người phụ nữ đăng nhập giúp, thậm chí chuyển tiền trước để người này nạp.

Một thời gian sau, người phụ nữ được Nam hướng dẫn tham gia trò chơi trên trang web và kết quả luôn thắng vào những thời điểm mà người này chỉ dẫn. Nam sau đó rủ nạp tiền chung vào tài khoản để cùng chơi rồi ăn chia số tiền thu được.

Theo lời trình báo, do thấy thắng một cách dễ dàng, người phụ nữ đã vay mượn người thân, bạn bè để chơi và thắng ở giai đoạn đầu. Sau đó, Nam nói lỗ hổng "chỉ vài ngày nữa sẽ hết" nên động viên nạn nhân nạp nhiều tiền. Tuy nhiên, sau khi nạp 14,7 tỷ đồng, tài khoản Facebook của Nam bị xóa, không liên lạc được. Người phụ nữ đã vào TP HCM để tìm dựa trên thông tin đã có trước đây, nhưng không thành và biết mình đã bị lừa.

Cú lừa của "bạn gái Quỳnh Châu"

Gần đây, Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra và phá một vụ lừa đảo tiền tỷ liên quan đến một nhóm đối tượng người Việt Nam cấu kết với tội phạm quốc tế. Các đối tượng lừa đảo đã lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư vào một sàn giao dịch tiền ảo giả mạo.

Quá trình đấu tranh, cơ quan công an xác định Vi Văn Linh (SN 2003) và Kha Văn Úc (SN 2002, cùng trú huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) là 2 đối tượng trực tiếp tham gia vào đường dây lừa đảo nói trên. 

Tháng 9-2023, Vi Văn Linh sang Lào và tham gia vào nhóm tội phạm trên để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình làm việc đến tháng 2-2024, Linh đã sử dụng tài khoản Zalo "Phương Quỳnh", tài khoản Facebook "Phạm Quỳnh Châu" nhắn tin, làm quen và tạo mối quan hệ tình cảm yêu đương với một người đàn ông trú tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 

Với thủ đoạn lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo, Linh đã nhiều lần dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào "Biconomynft" rồi lừa đảo nạn nhân với tổng số tiền hơn 17,6 tỉ đồng. Cũng với "chiêu bài tương tự", Kha Văn Úc đã tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỉ đồng của người đàn ông này.

Từ vụ người phụ nữ ở Hà Nội mất 4 tỷ đồng: Cái bẫy của những "bố đơn thân", "kỹ sư IT" như thế nào?- Ảnh 2.

Các đối tượng liên quan tại cơ quan công an. Ảnh: NLĐ

Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Kha Văn Úc và Vi Văn Linh về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Mở rộng chuyên án, cơ quan công an bắt giữ thêm 3 đối tượng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", gồm: Lộc Văn Tào (SN 2001); Lương Văn Hiền (SN 2001), cùng trú tại huyện Tương Dương và Vi Thị Lệ (SN 2002), trú tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Người đàn ông 62 tuổi mất hơn 3,4 tỷ đồng với chiêu tương tự

Mới đây vào ngày 7/10, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05 - Công an tỉnh Tây Ninh) tiếp nhận đơn trình báo của ông T. (62 tuổi, ngụ TP. Tây Ninh), người đã bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vào tiền điện tử.

Từ vụ người phụ nữ ở Hà Nội mất 4 tỷ đồng: Cái bẫy của những "bố đơn thân", "kỹ sư IT" như thế nào?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo trình bày của ông T., trong một lần lên mạng xã hội, ông kết bạn với một tài khoản xưng là phụ nữ tên "QN", và họ đã trò chuyện qua lại nhiều lần. Sau một thời gian, "QN" đã dụ ông T. tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử UTSpeed, với lãi suất từ 3-4% mỗi ngày.

Ông T. đã tin tưởng và chuyển tiền nhiều lần, tổng cộng lên tới hơn 3,4 tỷ đồng, nhưng khi không thể rút tiền, ông liên lạc với "bạn gái", thì nhận được thông báo tài khoản không tồn tại.

Vờ làm "cô gái có hoàn cảnh éo le" để lừa tiền

Một vụ lừa đảo khác cũng gây xôn xao dư luận là trường hợp của anh Dư Hồng Cư (44 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu). Vào tháng 5-2021, anh Cư quen một phụ nữ qua ứng dụng hẹn hò của mạng xã hội Facebook, với nickname "Vy Lê". Cô gái này đã tạo dựng một hoàn cảnh éo le và dụ dỗ anh Cư chuyển tiền giúp đỡ. Sau nhiều lần yêu cầu anh Cư chuyển tiền cho mình với các lý do như mẹ mất, sửa chữa nhà cửa, chữa bệnh cho mẹ, anh Cư đã mất gần 2 tỷ đồng mà không hay biết mình đang bị lừa.

Mới đầu, "Vy Lê" gửi cho anh Cư những hình ảnh về mẹ mình mất vì Covid-19, rồi đến những tình huống giả mạo khác như nhà cửa bị dột nát, hoặc bị rắn cắn phải cấp cứu. Tất cả những câu chuyện này đều là dối trá, được bịa ra để lừa đảo tiền từ anh Cư. Khi anh Cư đến Cần Thơ để thăm người tình, anh mới phát hiện ra rằng "Vy Lê" thực chất là Bùi Thị Hồng Ngọc, một phụ nữ đã có gia đình và đang sống ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh).

Công an Hà Nội cho biết hiện việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến và không tránh khỏi bị các đối tượng lợi dụng vào mục đích lừa đảo. Các đối tượng gia tăng ứng dụng AI kết hợp sử dụng các công nghệ DeepFake, DeepVoice... để làm giả thông tin, tạo kịch bản dễ dàng tiếp cận với người dùng mạng xã hội để lừa đảo.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online và lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online. Cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, trang web đầu tư tài chính online quảng cáo lợi nhuận cao vì rất có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và bất kỳ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

 

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/tu-vu-nguoi-phu-nu-o-ha-noi-mat-4-ty-dong-cai-bay-cua-nhung-bo-don-than-ky-su-it-nhu-the-nao-a305583.html