Màn hơn thua không hồi kết của Starbucks và Chagee tại Trung Quốc

Không chỉ so kè về thương hiệu, thức uống, Chagee (Bá Vương Trà Cơ) còn tìm cách "thâu tóm" nhân sự bên đối thủ.

2 cửa hàng đặt cạnh nhau tại một con phố ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Ngày 8/10, hình ảnh logo 2 thương hiệu đồ uống Starbucks và Chagee (hay còn gọi là Bá Vương Trà Cơ) được đặt cạnh nhau tại sân bay Quốc tế Hong Kong khơi lại cuộc đụng độ âm ỉ của cả hai ở thị trường Trung Quốc. Một bên đại diện cho nét truyền thống Trung Hoa, bên còn lại là sự du nhập từ văn hóa Mỹ.

Trước đó, 2 đơn vị trên "như hình với bóng", thường xuyên so kè về mặt bằng đắc địa, vị trí trung tâm hoặc địa điểm đông khách du lịch tại một số tỉnh, thành lớn ở đại lục.

Chagee tự phong mình là "Starbucks phương Đông". Người sáng lập doanh nghiệp Zhang Junjie tham vọng vượt qua Starbucks tại Trung Quốc về doanh số vào năm 2024, theo KrAsia.

Starbucks dung do Chagee anh 1

Logo 2 thương hiệu đồ uống đặt cạnh nhau tại sân bay Hong Kong. Ảnh: Dimsum Daily.

Trong khi đó, Jimmy Chiang, Phó Tổng Giám đốc Xúc tiến Đầu tư InvestHK nhận định Hong Hong là bàn đạp để doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế.

Được thành lập vào năm 2017, Bá Vương Trà Cơ đặt trụ sở tại Thượng Hải, nhanh chóng mở rộng ra khắp Đông Á và hiện vận hành hơn 5.000 cửa hàng trên toàn khu vực theo hình thức nhượng quyền. Phần lớn các cửa hàng quốc tế nằm ở Malaysia, nơi giúp đơn vị thực hiện bước đột phá đầu tiên ở nước ngoài vào năm 2019.

Starbucks dung do Chagee anh 2

Chagee và Starbucks thường cạnh tranh nhau về vị trí mặt bằng. Ảnh: cmovip.

Việc mở cửa hàng ở Hong Kong vào tháng 10 được cho là nước đi đầy tham vọng của đơn vị trên trong việc soán ngôi Starbucks. Lũy kế bán hàng quý I cho thấy, doanh thu chuỗi trà sữa đã vượt mốc 5,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 807 triệu USD). Trong khi đó, Starbucks chứng kiến mức doanh thu sụt giảm 11% trong quý III với 730 triệu USD.

Với thực đơn chủ yếu bao gồm trà sữa và trà trái cây cao cấp, cơ sở đồ uống tôn vinh văn hóa nghệ thuật kinh kịch (hí kịch) truyền thống Trung Quốc thông qua cách bài trí cửa hàng, bao bì cốc mang đi và một số đồ uống được đặt tên theo những bài thơ nước này.

Starbucks dung do Chagee anh 3

Bao bì hai thương hiệu trên. Ảnh: cmovip.

Còn Starbucks nhảy vào thị trường Trung Quốc với cửa hàng đầu tiên vào năm 1999 khi sự nghiệp của Luckin Coffee lao dốc. Thương hiệu đồ uống nổi tiếng của Mỹ giới thiệu văn hóa cà phê đến công chúng đại lục.

Tuy nhiên, khi trào lưu trà sữa bắt đầu rộ lên, chuỗi đồ uống buộc chuyển mình và ra mắt dòng sản phẩm từ trà Long Tỉnh, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của Starbucks khi mang trà sữa vào trong thực đơn.

Starbucks dung do Chagee anh 4

Chuỗi trà sữa Trung Quốc nổi tiếng với bao bì được thiết kế đẹp mắt tựa một nhãn hàng thời trang quốc tế. Ảnh: Chagee My 霸王茶姬.

Về mặt nhân sự, chuỗi trà Trung Quốc được cho là "săn" Li Tao, phó chủ tịch của Starbucks Trung Quốc, đưa vào hàng ngũ nhân viên trong nửa đầu năm 2024, 36Kr đưa tin. Tuy nhiên, Chagee đã từ chối trả lời về vấn đề này.

Li chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển cửa hàng và quản lý tài sản cho Starbucks tại Trung Quốc. Trước khi đầu quân cho chuỗi đồ uống của Mỹ, ông từng làm việc tại một số doanh nghiệp F&B lớn ở nước này.

Việc thương hiệu trà truyền thống tuyển dụng Li diễn ra vào thời điểm quan trọng khi công ty đặt mục tiêu thay thế Starbucks.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/man-hon-thua-khong-hoi-ket-cua-starbucks-va-chagee-tai-trung-quoc-a305295.html