Nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2022

Vốn đầu tư được xem là một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương. Bài viết nêu rõ thực trạng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2022. Kết quả cho thấy, kể từ năm 2010 đến năm 2022, vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố tăng đáng kể qua các năm; trong đó Thành phố tập trung vào vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn mua sắm tài sản cố định. Đối với ngành kinh tế, thì vốn đ...

Từ khóa: kinh tế - xã hội, phát triển, TP. Hồ Chí Minh, vốn đầu tư

Summary

Investment capital is considered one of the important resources for the socio-economic development process of the country and localities. The article clearly raises the current situation of investment capital for socio-economic development in Ho Chi Minh City in the period 2010-2022. The results show that, from 2010 to 2022, investment capital for the City's socio-economic development increased significantly; with the focus on capital construction invesment and purchasing fixed assets. By economic sectors, investment capital is concentrated on the service sector (accounting for 68.6%) and the industrial sector (31%). At the same time, there is a positive shift in investment capital structural towards higher proportion of non-state sector investment and foreign direct investment (FDI).

Keywords: socio-economic, development, Ho Chi Minh City, investment capital

GIỚI THIỆU

Vốn được xem là một nguồn lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư là số tiền vốn được huy động tập trung để sử dụng cho quá trình tái sản xuất và duy trì phát triển.

Cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh thực hiện đổi mới nền kinh tế vào năm 1986 và vốn đầu tư được xem là một trong những nhân tố quan trọng được Thành phố huy động từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã đề ra mục tiêu trung và dài hạn như “đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước…”. Để triển khai có hiệu quả những định hướng và đạt được mục tiêu nêu trên, Thành phố cần có nhiều giải pháp đột phá để phát triển thành phố trong bối cảnh mới, trong đó là giải pháp về nguồn vốn đầu tư được xác định đóng vài trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá thực trạng nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2022 để làm cơ sở đề xuất một số kiến nghị góp phần phát triển kinh - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2010-2022

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Với vị trí địa lý và những điều kiện thuận lợi nhất định cùng với những cơ chế chính sách có định hướng đúng đắn và thuận lợi từ Chính Phủ và Chính quyền Thành phố đã giúp cho Thành phố đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội kể từ sau khi Việt Nam thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế cho đến nay. Theo số liệu công bố Cục Thống kê Thành phố, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2010-2022 đạt 14,79%/năm. Riêng năm 2022, tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 11,76%; Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2.737.000 đồng/người/tháng vào năm 2010 đến 6.250.000 đồng vào năm 2022 (cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước vào năm 2010 là 1.387.000 đồng/người/tháng và năm 2022 là 4.673.000 đồng/người/tháng). Đạt được kết quả đó, Thành phố đã huy động mọi nguồn lực tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nguồn lực vốn đầu tư là một trong những nhân tố được Thành phố chú trọng. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố theo giá hiện hành giai đoạn 2010-2022 có sự gia tăng đáng kể. Năm 2010, vốn đầu tư thực hiện của Thành phố đạt 170.098 tỷ đồng, thì đến năm 2022 đạt 333.602 tỷ đồng; so với năm 2010, vốn đầu tư thực hiện của Thành phố đã tăng 163.504 tỷ đồng, tương ứng với mức với tăng 96,12% (Bảng 1).

Bảng 1: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố theo giá hiện hành giai đoạn 2010-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

Năm

2010

2015

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng số

170.098

284.210

422.490

446.538

407.812

302.008

333.602

Phân theo cấp quản lý

Trung ương

21.624

31.835

24.086

24.158

25.140

28.441

28.636

Địa phương

148.474

252.375

398.404

422.380

382.672

273.567

304.966

Phân theo khoản mục đầu tư

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản

94.224

146.284

226.383

242.422

237.171

181.500

201.838

Vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định

54.316

101.341

150.100

155.986

130.381

84.202

94.605

Vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định

2.674

13.452

14.805

15.641

15.426

20.274

18.213

Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động

16.543

20.452

26.100

27.248

20.308

13.011

15.564

Vốn đầu tư khác

2.341

2.681

5.102

5.241

4.526

3.021

3.382

Phân theo nguồn vốn

Vốn khu vực nhà nước

52.406

56.533

54.940

59.392

75.911

59.661

70.048

Vốn khu vực ngoài nhà nước

85.287

185.099

303.744

317.021

289.321

212.757

230.524

Vốn khu vực FDI

32.405

42.578

63.806

70.125

42.580

29.590

33.030

Nguồn: Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh

Về cơ cấu vốn đầu tư. Số liệu (Bảng 2) cho thấy, về phân theo cấp quản lý, thì vốn địa phương chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng vốn đầu tư của Thành phố, với tỷ lệ 87,3% với tổng giá trị nguồn vốn đạt 148.474 tỷ đồng vào năm 2010 và có chiều hướng gia tăng qua các năm. Đến năm 2022, vốn đầu tư của địa phương tăng lên và đạt 304.966 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 91,4% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố; Vốn trung ương có xu hướng giảm xuống qua các năm, từ mức tỷ lệ 12,7% trong tổng vốn đầu tư giảm xuống còn 8,6% vào năm 2022. Nguyên nhân là do trong những năm gần đây, Thành phố còn chậm giải ngân vốn đầu công do các rào cản, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông đô thị.

Phân theo khoản mục đầu tư, thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng vốn đầu tư của Thành phố, với mức dao động từ 51,5%-60,4%. Năm 2010, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố đạt 94.224 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 55,4% trong tổng vốn đầu tư, thì đến năm 2022 vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng lên và đạt 201.838 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 60,4% trong tổng vốn đầu tư của toàn Thành phố. Theo kế hoạch phát triển của TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố định hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị thông minh; trong đó tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Để đạt được kế hoạch này, Thành phố đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế mà trong Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 12/8/2017 về thực hiện đề án "Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chú trọng nguồn vốn đầu tư vào mua sắm tài sản cố định và nguồn vốn này chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư. Năm 2010, vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định đạt 54.316 tỷ đồng, chiếm 31,9% trong tổng vốn đầu tư, thì đến năm 2022 nguồn vốn này tăng lên và đạt 94.605 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,4% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố.

Phân theo nguồn vốn. Vốn của khu vực nhà nước có xu hướng giảm dần qua các năm, từ mức 30,8% trong tổng nguồn vốn vào năm 2010 giảm xuống còn 21% vào năm 2022. Trong tổng nguồn vốn đầu tư, thì vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao, có xu hướng gia tăng và dao động ở mức 50,1%-71,9% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố. Theo Niên giám Thống kê Thành phố, năm 2010, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đạt 85.287 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,1% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố, đến năm 2022 vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên và đạt 230.524 tỷ đồng, chiểm tỷ trọng 69,1% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố. Đây là nguồn vốn của tổ chức doanh nghiệp trong nước và của dân cư, trong đó nguồn vốn đầu tư của các tổ chức doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 55,4% trong tổng nguồn vốn đầu tư của thành phố, đây là nguồn vốn có sự phát triển và đổi thay khá mạnh khi nền kinh tế có sự chuyển biến. Các doanh nghiệp luôn là lực lượng đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ dân cư chiếm vị trí quan trọng trong, nhờ có lượng vốn này mà đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn trong các doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vốn của các tổ chức doanh nghiệp trong nước và của dân cư, thì Thành phố còn huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn vốn quan trọng đóng góp cho vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Năm 2010, Thành phố huy động được 32.405 tỷ đồng vốn FDI, chiếm tỷ trọng 19,1% trong tổng vốn đầu tư, thì đến năm 2022 nguồn vốn này tăng lên và đạt 33.030 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,9% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố (Bảng 1, 2).

Bảng 2: Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố theo giá hiện hành giai đoạn 2010-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

Năm

2010

2015

2018

2019

2020

2021

2022

Phân theo cấp quản lý

100

100

100

100

100

100

100

Trung ương

12,7

11,2

5,7

5,4

6,2

9,4

8,6

Địa phương

87,3

88,8

94,3

94,6

93,8

90,6

91,4

Phân theo khoản mục đầu tư

100

100

100

100

100

100

100

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản

55,4

51,5

53,6

54,3

58,1

60,1

60,4

Vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định

31,9

35,7

35,5

34,9

32

27,9

28,4

Vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định

1,6

4,7

3,5

3,5

3,8

6,7

5,5

Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động

9,7

7,2

6,2

6,1

5

4,3

4,7

Vốn đầu tư khác

1,4

0,9

1,2

1,2

1,1

1,0

1,0

Phân theo nguồn vốn

100

100

100

100

100

100

100

Vốn khu vực nhà nước

30,8

19,9

13

13,3

18,7

19,8

21

Vốn khu vực ngoài nhà nước

50,1

65,1

71,9

71

70,9

70,4

69,1

Vốn khu vực FDI

19,1

15,0

15,1

15,7

10,4

9,8

9,9

Nguồn: Tác giả tính toán từ Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh

Phân bổ nguồn vốn đầu tư theo ngành kinh tế. Trong những năm qua, Thành phố tập trung đầu tư phát triển chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ. Năm 2010, vốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đạt 114.864 tỷ đồng, chiếm 67,54% trong tổng vốn đầu tư; đến năm 2022, vốn đầu tư vào dịch vụ tăng lên và đạt 229.220 tỷ đồng, chiếm 68,6% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố; Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp. Theo đó, năm 2010, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đạt 54.120 tỷ đồng, chiếm 31,81% trong tổng vốn đầu tư, đến năm 2022 vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tăng lên và đạt 103.219 tỷ đồng, chiếm 31% trong tổng vốn đầu tư của Thành phố. Trong lĩnh vực công nghiệp, Thành phố chú trọng tập trung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Bởi đây là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Quy mô, tốc độ phát triển của ngành chế biến, chế tạo ảnh hưởng tới quy mô, chiều hướng và tốc độ phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế. Năm 2010, vốn đầu tư tập trung cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Thành phố đạt 38.866 tỷ đồng, chiếm 22,85% trong tổng vốn đầu tư, thì đến năm 2022 vốn đầu tư cho lĩnh vực này tăng lên và đạt 70.057 tỷ đồng, chiếm 21% trong tổng vốn đầu tư. Còn lại, vốn đầu tư được Thành phố đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp với tỷ trọng dao động từ 0,3-0,65% tổng vốn đầu tư của Thành phố (Bảng 3).

Bảng 3: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố theo giá hiện hành phân theo ngành kinh tế giai đoạn 2010-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

Năm

2010

2015

2018

2019

2020

2021

2022

I. Tổng số

170.098

284.210

422.490

446.538

407.812

302.008

333.602

1. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

1.114

963

1.511

1.542

1.459

1.024

1.163

2. Công nghiệp, xây dựng

54.120

81.951

108.594

114.835

113.706

94.263

103.219

- Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo

38.866

49.108

75.699

78.452

76.479

64.571

70.057

3. Dịch vụ

114.864

201.296

312.385

330.161

292.647

206.721

229.220

II. Cơ cấu (%)

100

100

100

100

100

100

100

1. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

0,65

0,34

0,4

0,3

0,4

0,3

0,4

2. Công nghiệp, xây dựng

31,81

28,83

25,6

25,7

28

31,3

31

- Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo

22,85

17,28

17,9

17,6

18,8

21,4

21

3. Dịch vụ

67,54

70,83

74,00

74,00

71,60

68,40

68,60

Nguồn: Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Với mục tiêu trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2045, TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện huy động mọi nguồn vốn đầu tư để phục vụ phát triển các ngành nghề, các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư của Thành phố được huy động rất đa dạng, kể cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước những biến động lớn của tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, thì vốn đầu tư của Thành phố cần tiếp tục dịch chuyển theo hướng phát triển dịch vụ và công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị góp phần gia tăng nguồn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố như sau:

Một là, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho thành phố thông qua các hoạt động đầu tư công, đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng trọng điểm nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung.

Hai là, Thành phố tiếp tục gia tăng nguồn vốn ngoài nhà nước và nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư này cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, Thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường huy động tối đa các nguồn lực như vốn từ tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng để gia tăng nguồn vốn cho đầu tư.

Bốn là, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư và chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cũng như chính sách phục vụ hoạt động đầu tư. Đồng thời, chú trọng xúc tiến các hoạt động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Thành phố./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2011-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2010 đến năm 2022, Nxb Thống kê.

3. UBND TP. Hồ Chí Minh (2017), Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 12/8/2017 về thực hiện đề án “chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực.

Lê Thị Mai Hương

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nguon-von-dau-tu-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tp-ho-chi-minh-giai-doan-2010-2022-a305256.html