Vũ Thị Minh, Lý Thị Thùy An, Nguyễn Thị Lan Anh, Đàm Phương Lan
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên
Email: Vuminh@tueba.edu.vn
Tóm tắt
Việt Nam hiện nay đang bước vào quá trình hội nhập và phát triển. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng cũng là một thách thức rất lớn bởi sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh này, các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng như trong nước đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (DN) (Enterprise Resource Planning – ERP). Hiện nay, ứng dụng ERP được các DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tiếp cận và áp dụng nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, gia tăng hiệu suất, kiểm soát tốt chi phí và các nguồn lực cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Bài viết bàn về lợi ích của việc triển khai áp dụng ERP trong DNNVV tại Việt Nam và những lưu ý trong quá trình triển khai sử dụng phần mềm này.
Từ khóa: phần mềm ERP, chuyển đổi số trong kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa
Summary
Vietnam is currently entering the process of integration and development. It is a great opportunity to promote economic growth and a huge challenge because of increasingly fierce competition in the market. In this context, leading corporations worldwide and the country have been promoting the application of Enterprise Resource Planning (ERP). Currently, ERP applications are being approached and applied by Vietnamese small and medium-sized enterprises to optimize production and business processes, increase efficiency, control costs and resources, and increase competitiveness in the global market. The article discusses the benefits of implementing ERP in small and medium-sized enterprises in Vietnam and notes during implementing and using this software.
Keywords: ERP software, digital transformation in accounting, small and medium-sized enterprises
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các DNNVV tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì và phát triển năng lực cạnh tranh. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của DN là khả năng tối ưu hóa quy trình hoạt động và quản trị nguồn lực. ERP đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc hỗ trợ quản lý toàn diện, cải thiện hiệu suất, giảm chi phí và tăng cường khả năng kiểm soát các nguồn lực. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống ERP trong các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn tài chính, nhân lực, cũng như khả năng thích ứng với công nghệ mới. Điều này đòi hỏi các DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc lựa chọn giải pháp phần mềm phù hợp, đến xây dựng chiến lược triển khai bài bản.
KHÁI QUÁT VỀ ERP
Khái niệm
ERP là một hệ thống liên quan đến các hoạt động của DN, hệ thống này hoạt động dựa trên sự hỗ trợ của máy tính. Phần mềm ERP là một hệ thống tích hợp nhiều phần mềm đa hệ nhằm giúp DN có thể thực hiện các chức năng quản trị như: Hoạch định, thực hiện, kiểm soát và đưa ra các quyết định. Với ERP, mọi hoạt động từ quản trị con người, quản lý dây chuyền sản xuất, quản lý tài chính, việc bán hàng, quản lý vận hành… đều được đồng bộ và thực hiện trên một nền tảng duy nhất. ERP hiện được cho là một giải pháp quản trị DN tốt nhất (Nguyễn Thị Kim Anh (2021). Vì vậy, nếu DN triển khai ERP thành công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, tăng khả năng cạnh tranh và có thêm nhiều cơ hội phát triển.
Như vậy, ERP được hiểu đơn giản là một mô hình công nghệ tích hợp gồm nhiều công cụ, như: quản lý nhân sự, kế hoạch sản phẩm, chi phí, giao vận, bán hàng, quản lý kho, kế toán… hỗ trợ DN quản trị toàn diện mọi hoạt động trên 1 nền tảng duy nhất. Mục tiêu tổng quát của ERP là đảm bảo các nguồn lực thích hợp của DN, như: nhân lực, vật tư, máy móc và tài chính có sẵn với số lượng đủ khi cần, bằng cách sử dụng các công cụ hoạch định và lên kế hoạch.
Lợi ích khi sử dụng hệ thống ERP trong DN
ERP đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển bền vững của DN. Mục đích của phần mềm quản trị ERP được xây dựng lên là tạo ra một hệ thống dữ liệu tự động hợp nhất và xuyên suốt giữa các phòng ban, giữa các khâu hoạt động, như: quản lý tài chính, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý mua hàng, quản lý sản xuất, quản lý nhân sự…
Hệ thống ERP ngày càng được nhiều DN áp dụng vào quản trị, bởi nó có nhiều ưu điểm nổi bật mà các phần mềm khác không có được đó là: Tích hợp nhiều chức năng chỉ trong một hệ thống; Hỗ trợ việc điều chỉnh và đưa ra quyết đinh nhanh chóng; Quá trình nhập liệu hoặc chuyển tiếp thông tin giữa các phòng ban hạn chế gặp phải sai sót; Truy cập dữ liệu ở bất cứ đâu; Cung cấp cái nhìn tổng quan về DN; Bảo vệ dữ liệu an toàn; Đánh giá nhân viên một cách minh bạch và hiệu quả; Dễ dàng gắn kết các phòng ban; Tăng cường kinh doanh của DN.
Nhờ có ERP, DN có thể tối ưu hóa các quy trình hoạt động, phối hợp giữa các phòng ban để cùng hướng đến mục tiêu chung và gia tăng năng suất một cách hiệu quả. Theo Nguyễn Thị Bích Liên (2012), một số lợi ích điển hình của phần mềm ERP đối với quản trị DN:
Một là, quản trị tài chính – kế toán
Để nắm được những thông tin tài chính của cả DN, người quản lý sẽ phải tổng hợp báo cáo, số liệu từ nhiều phòng ban, bộ phận khác nhau nên tốc độ xử lý thường chậm, việc sai sót, chênh lệch điều không thể tránh khỏi. Tài chính – Kế toán là phân hệ quan trọng của ERP
Với phần mềm quản trị ERP thì mọi dữ liệu liên quan đến tài chính của DN sẽ được kết nối xuyên suốt giữa các phòng ban, bộ phận hay chi nhánh và quản lý tập trung, tự động tổng hợp dưới dạng các báo cáo đa chiều. Khi có bất kì một sự thay đổi nào từ các phòng ban, tất cả thông tin liên quan đều được tự động tính toán và cập nhật, giúp hạn chế những sai sót. Khi áp dụng phần mềm quản lý ERP, chủ DN không cần phải chờ đến cuối tháng, cuối quý để có thể tổng hợp được các số liệu, báo cáo. Thay vì thế, bất cứ lúc nào muốn xem thì người lãnh đạo đều có thể theo dõi và bám sát tình hình tài chính của công ty. Từ đó, kịp thời có những phân tích, đánh giá, sửa đổi để có những hướng đi phù hợp cho DN.
Hai là, quản lý quan hệ khách hàng
Trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, khách hàng không chỉ là thượng đế mà còn là nguồn tài sản vô hình, là yếu tố cạnh tranh của DN. Bởi vậy mà các hoạt động chăm sóc khách hàng cần phải được coi trọng để họ tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ và trung thành với thương hiệu.
ERP sẽ giúp cho DN thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này bằng cách lưu trữ thông tin khách hàng, như: họ tên, tuổi, địa chỉ, sử dụng những sản phẩm gì, đang gặp những vướng mắc gì… để có thể chăm sóc và phục vụ khách hàng một cách tối ưu nhất, nâng cao sự hài lòng. Điều này giúp DN giải bài toán quản lý các tương tác với khách hàng của mình nhằm cải thiện mối quan hệ kinh doanh, giữ chân khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng doanh số. Trên phần mềm ERP DN không chỉ lưu trữ dữ liệu khách hàng mà còn có thể phân tích dữ liệu đó hay dựa vào các báo cáo để đưa ra các chiến dịch tiếp thị, chuyển đổi, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Ngoài ra dữ liệu khách hàng lưu trữ trên phần mềm ERP còn đáp ứng tính bảo mật cao hạn chế tình trạng thất thoát.
Ba là, quản trị nguồn nhân lực
Để quản lý nhân sự không phải là điều dễ dàng, nhất là với những DN có nhiều chi nhánh, địa điểm làm việc, số lượng nhân sự đông. Việc theo dõi sát sao từng nhân sự, như: giờ làm việc, khối lượng công việc, mức độ hoàn thành công việc… là điều bất khả thi. Nhưng với phần mềm quản lý ERP, công tác quản lý này sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Người quản lý hoàn toàn có thể nắm được khung giờ làm việc, khối lượng và chất lượng công việc của nhân viên để có thể đưa ra mức lương và chính sách đãi ngộ sao cho phù hợp nhất.
Mọi công tác liên quan đến quản lý nhân sự như: quản lý hồ sơ nhân viên, quản lý hợp đồng lao động, chấm công, lương, thưởng, bảo hiểm xã hội,…. cũng đều được cập nhật tự động hóa, giúp cho việc tra cứu, kiểm soát và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sự trở nên dễ dàng. Không những thế, phần mềm quản trị ERP còn cho phép chủ DN giao tiếp với nhân viên thông qua mạng xã hội nội bộ để luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên cũng như kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của nhân viên.
Bốn là, nâng cao năng suất làm việc
Trong khi vận hành và sản xuất, DN càng lớn thì khối lượng công việc càng nhiều, các khâu, các công đoạn làm việc sẽ càng trở nên phức tạp. Lúc này, phần mềm quản lý DN ERP sẽ là một công cụ tự động hóa một phần hoặc tất cả quy trình sản xuất, từ việc chuẩn bị nguyên vật liệu cho đến ra thành phẩm, quản lý đầu ra đầu vào, đóng gói và nhiều công đoạn khác. Sử dụng hệ thống máy tính duy nhất nên DN hoàn toàn có thể tiết kiệm được khối lượng thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất và giảm lượng nhân sự cần thiết trong công ty.
Năm là, ERP giúp DN quản lý hàng tồn kho hiệu quả
Việc kiểm soát hàng tồn kho, nguyên vật liệu…. sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và nhân lực nếu thực hiện kiểm kê thủ công. Tuy nhiên, với phần mềm quản lý ERP, việc quản lý sẽ được thực hiện tự động hóa mà không hề tốn thời gian hay công sức. Hệ thống ERP trong DN giúp kiểm soát xem trong kho hiện tại đang còn bao nhiêu hàng, hàng hóa nằm ở đâu, nguyên vật liệu còn nhiều ít ra làm sao. Từ đó, chủ DN hoàn toàn có thể nắm được tình hình hàng hóa trong kho và điều chỉnh lượng hàng nhập vào sao cho phù hợp để tránh sự lãng phí, thất thoát. Tương tự các phần mềm quản lý kho khác, ERP hỗ trợ DN quản lý hàng hóa theo mã quy cách, đơn vị tính khác nhau, thời gian nhập kho, thời hạn sử dụng…
Sáu là, ứng dụng ERP giúp giao tiếp, phối hợp công việc giữa các bộ phận hiệu quả
Phần mềm quản trị ERP sẽ giúp cho việc giao tiếp, liên lạc và tương tác giữa các phòng ban trong công ty trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đồng thời, hệ thống cũng giúp cho việc xung đột quyền lợi giữa các bộ phận giảm thiểu đi rất nhiều. Không những thế, phần mềm quản lý ERP còn được kỳ vọng thay thế toàn bộ các phần mềm quản lý rời rạc khác nhằm tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc cho DN. ERP còn là công cụ hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng, bắt đầu bằng việc chuẩn hóa số liệu, thống nhất quy trình làm việc và số hóa thông tin. Phần mềm quản trị ERP mang lại nhiều lợi ích cho DN ở mọi mặt khác nhau khi vận hành.
Các loại phần mềm ERP
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, ERP được chia thành 2 loại chính là: ERP trong nước và ERP nước ngoài.
Phần mềm ERP trong nước
Thị trường ERP trong nước hiện nay khá sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp mới. Nhà cung cấp cũng ngày càng phát triển và nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu của DN Việt. Phần mềm ERP trong nước có ưu và nhược điểm như sau:
- Ưu điểm: Chi phí hợp lý, hệ thống báo cáo theo chuẩn mực tại Việt Nam, phù hợp với thực trạng quản trị của DN Việt Nam, dễ dàng tùy tiến và đáp ứng được nhu cầu tổng thể theo ngành nghề…
- Nhược điểm: So với các phần mềm nước ngoài, thì tính chuẩn hóa và vận hành chưa cao.
Phần mềm ERP nước ngoài
Một số thương hiệu phần mềm ERP nước ngoài có thể nhắc đến, như: SAP, Oracle, Sage… hầu hết đều có chi phí rất cao so với các DN quy mô vừa ở Việt Nam.
- Ưu điểm: Áp dụng nhiều thành tựu công nghệ cao, vận hành theo một quy trình chuẩn hóa, nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm.
- Nhược điểm: Chi phí cao, thời gian triển khai lâu, cần nhiều nguồn lực, ngôn ngữ tiếng Anh gây khó khăn cho người sử dụng, kém tương thích với các tiêu chuẩn ở Việt Nam.
Nhìn chung, thị trường ERP Việt Nam có sự tham gia của các công ty cung cấp khác nhau. Lợi thế mà phần mềm trong nước đem lại đó là sở hữu quy trình xử lý tài chính - kế toán theo đúng quy định, chuẩn mực của kế toán Việt Nam đang lưu hành. Đồng thời, phần mềm quản lý ERP của nhà cung cấp trong nước sẽ nhanh chóng cập nhật kịp thời những thay đổi từ các quyết định, thông tư… của chính phủ, phù hợp với các DN Việt Nam.
TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG ERP TẠI VIỆT NAM
Các tổ chức trên toàn cầu đã áp dụng rộng rãi các ứng dụng ERP. Hệ thống ERP giúp quản lý nhiều lĩnh vực trong DN, như: tài chính, nhân sự, chuỗi cung ứng, sản xuất và quan hệ khách hàng. ERP không ngừng phát triển để đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu của DN. Giải pháp ERP dựa trên đám mây đã trở nên thịnh hành, mang lại lợi ích, như: khả năng mở rộng, dễ truy cập và tiết kiệm chi phí hạ tầng. Nhiều tổ chức đang chuyển từ các hệ thống ERP truyền thống sang các giải pháp đám mây. Gần đây, có xu hướng tập trung vào việc kết hợp các công nghệ mới với ứng dụng ERP. Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) đã được tích hợp vào các hệ thống ERP để cải thiện khả năng tự động hóa, đưa ra quyết định và hiệu suất. Thêm vào đó, các ứng dụng ERP di động ngày càng phổ biến, cho phép người dùng quản lý và truy cập các chức năng của ERP thông qua thiết bị di động. Điều này giúp người dùng tiếp cận dữ liệu theo thời gian thực và linh hoạt, từ đó hỗ trợ họ trong việc đưa ra quyết định đúng đắn ngay cả khi đang di chuyển.
Nhiều công ty ở Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết của việc áp dụng hệ thống ERP để tối ưu hóa công việc, cải thiện hiệu quả và giành lợi thế cạnh tranh. Việc áp dụng các ứng dụng ERP tại Việt Nam đang trên đà phát triển nhờ vào nhiều lý do, như: sự tăng trưởng của nền kinh tế, xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ và nhu cầu đối với những giải pháp quản lý DN tinh vi hơn.
Tình hình ứng dụng ERP tại Việt Nam hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp phát triển và nâng cao sản phẩm của mình. Một số tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực ERP bao gồm: SAP, Oracle, Microsoft Dynamics, Misa và ERPViet. Những nhà cung cấp này mang đến nhiều ứng dụng ERP phù hợp với nhu cầu cụ thể của DN ở Việt Nam. Cũng cần lưu ý rằng, các giải pháp ERP dựa trên đám mây đã nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Cloud ERP không chỉ mang lại lợi ích về tính linh hoạt, mà còn có khả năng mở rộng và tiết kiệm chi phí hạ tầng, điều này đặc biệt hấp dẫn đối với các DN vừa và nhỏ.
Báo cáo khảo sát từ Panorama chỉ ra rằng, trong năm 2022, ngành sản xuất dẫn đầu về việc sử dụng phần mềm ERP tại Việt Nam, chiếm tới 32%. Điều này hoàn toàn hợp lý do quy trình sản xuất khá phức tạp. Nếu không có phần mềm ERP, việc kiểm soát nguyên vật liệu, tiến độ sản xuất và thành phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo sau ngành sản xuất là các lĩnh vực dịch vụ - công nghệ thông tin đạt 17,1%, y tế 13,6% và xây dựng 11,4% (Phi Long, 2024).
Nhìn chung, việc triển khai ERP không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ, mà đây là quá trình áp dụng những kiến thức đã tích lũy và kinh nghiệm quản lý, tác nghiệp. Tại Việt Nam đã nhiều DN triển khai ERP, bỏ ra nhiều chi phí lớn, nhưng lợi ích mang lại chưa tương xứng.
MỘT SỐ HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI PHẦN MỀM ERP CHO DN ĐẠT HIỆU QUẢ CAO
Để triển khai được hiệu quả khi ứng dụng ERP, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị và cân nhắc trước khi triển khai ERP
Để đi đến quyết định triển khai ERP, DN sẽ cần cân nhắc rất nhiều yếu tố và có sự chuẩn bị kỹ càng.
- Xác định rõ nhu cầu và khả năng tài chính của DN: Đây là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tất cả quyết định cũng như hiệu quả của việc sử dụng phần mềm ERP. Điều này cũng giúp DN hình dung ra được phần mềm như thế nào sẽ phù hợp với mình.
- Lựa chọn nhà cung cấp: Dựa trên nhu cầu, DN sẽ lựa chọn được nhà cung cấp phù hợp. Một trong những điểm mà DN cần tìm hiểu nhà cung cấp đó là năng lực và một số dự án mà họ đã triển khai thành công.
- Triển khai dự án: Khi triển khai dự án cần sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và nhà cung cấp.
Thứ hai, các bước triển khai ERP
Để triển khai ERP, các DN có thể kết hợp với mô hình thác nước Waterfall hoặc mô hình Agile. DN có thể tham khảo quy trình triển khai ERP như sau:
Bước 1: Khảo sát thực tế: DN cần làm việc trực tiếp với các bộ phận để hiểu được quy trình và nhu cầu từ đó xác định được yêu cầu của các bộ phận đối với hệ thống.
Bước 2: Phân tích thiết kế hệ thống ERP: Với những khảo sát ở bước 1, thì đội ngũ dự án sẽ tổng hợp thành tài liệu mô tả yêu cầu của người dùng. Tài liệu này sẽ được đội dự án ký thống nhất trước khi đưa sang đơn vị thi công ERP.
Bước 3: Lập trình hệ thống: Dựa vào tài liệu yêu cầu của DN, nhà cung cấp sẽ tiến hành lập trình để thiết kế các chức năng theo yêu cầu. Thời gian thiết kế phụ thuộc vào mức độ phức tạp và các chức năng cần có trong phần mềm dựa theo nhu cầu của DN.
Bước 4: Test hệ thống ERP: Sau khi đội lập trình của nhà cung cấp đã hoàn thiện các chức năng của phần mềm thì đội ngũ kiểm thử (Tester) sẽ tiến hành kiểm tra, tìm kiếm các lỗi. Đến khi phần mềm hoàn hảo nhất thì sẽ được chuyển giao cho DN để tiến hành kiểm thủ.
Bước 5: Vận hành thử (Go-Live): Sau khi nhà cung cấp bàn giao phần mềm thì DN sẽ đưa nhân sự chủ chốt ở các bộ phận vào để đào tạo và sử dụng thử. Mặc dù phần mềm đã được kiểm thử nhưng trong quá trình hoạt động thực tế thì sẽ giúp cả hai bên sẽ có có được những đánh giá thực tế nhất để điều chỉnh kịp thời.
Để triển khai thành công, các nhà quản lý cần phải giám sát liên tục, kiểm tra kỹ lưỡng cũng như đo lường hiệu quả khi áp dụng giải pháp này vào thực tế. Từ đó, đội ngũ có thể đưa ra những điều chỉnh thích hợp với nhu cầu hoạt động của DN.
Bước 6: Nghiệm thu hệ thống ERP: Sau khi vận hành thử, nếu không gặp khó khăn gì thì đơn vị cung cấp và DN tiến hành tổng kết và nghiệm thu kết thúc dự án. Nếu phát sinh trục trặc thì sẽ tiến hành chỉnh sửa và quay lại bước sử dụng thử./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lang Thị Minh Thảo, Cao Thị Cẩm Vân (2020), Những nhân tố tác động đến kế toán trong thời đại kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 46, 46-61.
2. Nguyễn Thị Kim Anh (2021), Hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán hướng tới ứng dụng ERP tại các VNPT tỉnh, thành phố thuộc tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính.
3. Nguyễn Thị Bích Liên (2012), Xác định và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng chất lượng thông tin kế tón trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực DN ERP tại các DN Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
4. Ninh Thị Thúy Ngân (2022), Trao đổi về ngành kế toán trong thời đại chuyển đổi số, Tạp chí Tài chính, số 4/2022.
5. Phi Long (2024), ERP - giải pháp giúp doanh nghiệp khai phá tiềm năng mới trong thời đại số, truy cập từ https://phonhadat.net/ban-nha-biet-thu-lien-ke-duong-179-1-xa-nghia-tru/ban-lien-ke-vinhomes-ocean-park-2-hung-yen-cat-lo-pr16524905.htm.
6. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg, ngày 23/05/2022 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.
7. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg, ngày 23/05/2022 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.
8. Trần Thị Quyên (2022), Giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam, Tạp chí Công thương, 22.
9. Vũ Thị Thanh Bình (2020), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các DNNVV trên địa bàn Hà Nội, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.
Ngày nhận bài: 16/10/2024; Ngày phản biện: 08/11/2024; Ngày duyệt đăng: 14/11/2024 |
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học, Mã số đề tài ĐH2023-TN08-04, theo Hợp đồng số 04/ĐH2023-TN08-04, ngày 08/8/2023, Chủ nhiệm đề tài: Vũ Thị Minh |
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ung-dung-erp-giai-phap-chuyen-doi-so-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-a305198.html