Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh

Cũng lấy rừng làm vốn nhưng những thanh niên này khác thế hệ cha anh, họ dùng những phương tiện hiện đại để kiếm được bạc tỉ từ rừng.

Ngồi trên ghe nhỏ, chị Võ Ngọc Giang (một nhân viên văn phòng tại TP.HCM) theo chân các thợ rừng chèo sâu vô con lạch nhỏ dưới tán rừng tràm xanh um, xem họ gỡ cá từ các cần câu nhỏ xíu cắm hai bên lạch.

Nhóm thợ rừng thăm đến cần câu thứ 10, Giang bắt đầu phân biệt được cần câu với những cọng cỏ, lau mọc từ nước.

Học hỏi các thợ rừng tinh mắt, tới giữa buổi thăm rừng, Giang đoán được cần câu đang bị giật nhẹ nhẹ là có cá cắn câu, cần câu bị kéo chìm xuống nước, bất động thì có thể con cá đã sẩy hoặc đã chết.

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 1.

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 2.

Đây là lần đầu chị Giang, anh Vĩnh được đi rừng bắt ong, bắt cá, thăm lờ, thăm lưới nhờ thợ rừng kiêm hướng dẫn viên du lịch tay ngang Phạm Duy Khanh.

Ông Phạm Duy Khanh (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chưa từng trải qua một ngày học về du lịch, nhưng có thể vanh vách hướng dẫn các đoàn khách tham quan bằng kinh nghiệm và hiểu biết về rừng.

Tuổi thơ của ông, như bao người con của thợ rừng khác, biết lội rừng là quần quật bên mớ lờ, lọp, lưới, kèo với cha. Lớn lên, ông Khanh mới ý thức được nghề rừng cơ cực khi những thanh niên rời bỏ rừng lên TP.HCM, Bình Dương làm công nhân trở về với áo quần tươm tất, tay chân sạch sẽ.

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 3.

Ông Khanh lúc đó 30 tuổi, không đi làm công nhân mà nghĩ cách tìm tiền trong rừng.

Tham khảo, tìm tòi một thời gian, ông Khanh ưng ý với ý tưởng phát triển du lịch sinh thái. Ông Khanh phân phần rừng của gia đình thành những khu vực khác nhau.

Khu trồng rừng sản xuất trồng cây dày là của để dành. Khu rừng dành cho khách du lịch tham quan hệ sinh thái rừng, trải nghiệm đời sống thợ rừng thì trồng cây thưa hơn, có bờ bao giữ nước, giữ cá đồng, có lạch nước dẫn sâu vô rừng đi được bằng ghe nhỏ, có đường mòn để đi gác kèo và ăn ong.

Mùa mưa, ông dẫn khách đi đặt lờ, giăng lưới, đặt trúm lươn, mùa nắng thì luồn rừng ăn ong, tát đìa bắt cá…

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 4.

Ông Khanh cho biết không phải ai cũng có thể vào rừng ăn ong vì ong tự nhiên rất dữ. Người dày dạn kinh nghiệm ăn ong mới biết nơi chúng thích ở để gác kèo.

Kèo ong có thể được làm từ cây cau chẻ đôi, cây dừa xẻ dọc hay cây tre, cây tràm, thậm chí có thể gác kèo bằng nhánh cây bình bát.

Người có kinh nghiệm gác 10 kèo thì ong tới ở 8 kèo, người non tay gác 10 kèo chỉ 1-2 kèo có kết quả. Khi ăn ong, người thợ rừng phải quấn miếng xơ dừa thật chặt để tàn lửa không rớt ra ngoài gây cháy rừng.

Mỗi lần ăn ong chỉ lấy 2/3 bánh mật, chừa lại 1/3 bánh mật và phần bánh sáp có nhộng để đàn ong tiếp tục phát triển mà không bỏ đi nơi khác.

Cứ như vậy, những câu chuyện chất phác của ông về kinh nghiệm sống ở rừng, sống giữa thiên nhiên đan xen với trải nghiệm thực tế thu hút du khách đô thị.

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 5.

Đến nay, ông thợ rừng 45 tuổi này có được hơn 100ha rừng làm khu du lịch sinh thái, mỗi năm đón hàng ngàn lượt du khách, lợi nhuận từ làm du lịch và bán mật ong hơn 1 tỉ đồng/năm.

Ông Trần Hiếu Hùng - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau - cho biết ông Phạm Duy Khanh (Khu du lịch 10 Ngọt) đã thổi luồng gió mới cho phát triển rừng ở Cà Mau bằng cách kể câu chuyện về du lịch sinh thái rừng độc đáo.

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 6.

Ba thanh niên đang ngâm nửa thân dưới bùn, khom người tìm cá trong đám chà.

Một người móc từ trong bùn một xác cá thác lác cỡ ba ngón tay bị cắn mất một nửa đưa ra trước mặt rồi nhận xét: ao này có cá lóc bông khủng đây.

Anh giải thích: cá thác lác cỡ này mà bị cắn ngọt nửa thân thì con cá cắn phải rất to.

Đó là một trong những hình ảnh giản dị, không trau chuốt của một video trên kênh YouTube "Săn bắt rừng tràm" của thợ rừng Huỳnh Duy Thái. Cái mộc mạc, chân thật của kênh YouTube này thu hút hàng trăm ngàn người xem mỗi video.

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 7.

Khi tìm thông tin về rừng trên mạng, Thái xem nhiều video về rừng và nghĩ chuyện mình biết còn hay hơn. Anh bắt đầu đem điện thoại di động đi rừng để tập quay, dựng phim, lập kênh YouTube "Săn bắt rừng tràm".

Mỗi ngày đi rừng ăn ong, bắt cá anh đều quay lại và đăng lên mạng.

Ban đầu chỉ làm phim cho vui nhưng kênh của anh ngày càng nhiều người xem. Khi kiếm được tiền từ quảng cáo trên kênh YouTube, Thái đầu tư máy móc để quay phim sắc nét hơn.

Việc khán giả xem video rồi hỏi mua mật ong và các sản vật rừng mở ra cho Thái một hướng mới để khai thác rừng. Thái lấy ong và cắt nguyên mứt mật (đoạn có cả mật và sáp ong) đóng gói bán cho khách hàng (1,4kg mứt mật vắt được 1 lít mật ong bán với giá 500.000 đồng).

Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 8.

Tiếng lành đồn xa, càng ngày sản phẩm của Thái được nhiều người biết đến và đặt mua.

Hiện tại kênh của Duy Thái có hơn 150.000 người đăng ký, doanh thu quảng cáo từ kênh của anh mỗi tháng hơn 30 triệu đồng.

Số này cộng với tiền bán mật ong là đủ sống và có chi phí chăm sóc rừng. 60ha rừng tràm trị giá vài tỉ đồng là của để dành sau mỗi đợt thu hoạch.

Không chỉ khai thác cho riêng mình, Thái còn hướng dẫn các bạn rừng cách chăm sóc, khai thác rừng và giúp họ bán các sản vật rừng nguyên chất.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, một thợ rừng ở xã Khánh Thuận, cũng được Thái giúp đỡ bán các sản phẩm từ rừng. Ông Nam kể nhờ được Thái giúp đỡ mà công cuộc lấy ngắn nuôi dài từ rừng của ông và những người dân khác ở xã Khánh Thuận dễ dàng hơn rất nhiều.

Ông Trần Công Mười, chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, cho biết dù trẻ tuổi nhưng Thái có tâm với sự phát triển của quê hương. Hằng năm, vào các dịp lễ Tết, Thái đều hỗ trợ địa phương giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Thái còn liên kết với các thợ rừng để bán các sản vật dưới tán rừng để giúp quảng bá hình ảnh mật ong chất lượng ở Những người thợ rừng hiện đại ở rừng U Minh - Ảnh 9.

Nội dung:
THANH HUYỀN
Thiết kế :
VÕ TÂN

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nhung-nguoi-tho-rung-hien-dai-o-rung-u-minh-a305168.html