C.P Việt Nam tài trợ 1 triệu USD để bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Đồng Tháp: Ban đầu là người nuôi sếu, sau này sếu sẽ nuôi người

Công ty C.P. Việt Nam cam kết thực hiện các hoạt động bảo tồn không chỉ tập trung vào Sếu đầu đỏ mà còn mở rộng ra các dự án hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Ngày 2/11/2024, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành trong Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm cần được bảo tồn trong sách Đỏ Việt Nam và trên thế giới, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu hành trình “Đưa đàn Sếu trở về” và chia sẻ chi tiết về Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 – 2032. Đề án nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ thông qua các biện pháp nuôi và thả tự nhiên, đảm bảo đàn Sếu có thể tự sinh sản và tồn tại bền vững trong môi trường tự nhiên.

Trong chương trình, Công ty C.P. Việt Nam đã công bố quyết định tài trợ 1 triệu USD cho dự án bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Đồng Tháp trong 5 năm.

Đại diện công ty, chị Lê Nhật Thùy, Phó Tổng giám đốc cấp cao phát biểu: "Tỉnh Buriram, Thái Lan là nơi điển hình về bảo tồn sếu và đã nuôi thả sếu thành công, có thể nói "ban đầu là người nuôi sếu, sau này sếu sẽ nuôi người". Tôi mong rằng không chỉ C.P. mà sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành với đề án này. Để trong tương lai chúng ta có thể nhìn thấy loài chim quý này trên quê hương Việt Nam của chúng ta.”

C.P Việt Nam tài trợ 1 triệu USD để bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Đồng Tháp: Ban đầu là người nuôi sếu, sau này sếu sẽ nuôi người- Ảnh 1.

Chị Lê Nhật Thùy - Phó Tổng giám đốc cấp cao phát biểu tại sự kiện (Ảnh: C.P Việt Nam)

Công ty C.P. Việt Nam cam kết thực hiện các hoạt động bảo tồn không chỉ tập trung vào Sếu đầu đỏ mà còn mở rộng ra các dự án hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Theo đề án chính thức được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, trong vòng 10 năm (2022 - 2032) nuôi thả 100 con sếu, tối thiểu 50 con sống sót. Đàn sếu có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án gần 185 tỉ đồng. Trong đó gần 56 tỉ đồng dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu; cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống gần 25 tỉ đồng; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững 36 tỉ đồng; thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền 17 tỉ đồng; đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng gần 52 tỉ đồng.

Được biết, C.P. Việt Nam là công ty thành viên của Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P. Group, thành lập năm 1921 tại Bangkok, Thái Lan), hoạt động kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Sau chính sách mở cửa của Việt Nam, năm 1988 C.P. Group mở văn phòng đại diện tại Tp.HCM. Đến năm 1993, Tập đoàn thành lập Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng thời là trụ sở chính của Công ty cho tới ngày nay.

Dữ liệu từ Vietdata cho thấy doanh thu của C.P. Việt Nam vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành, ổn định ở mức trên 80.700 tỷ đồng trong 2 năm 2020 và 2021 và tăng mạnh vào năm 2022, đạt gần 84.400 tỷ, tăng 4,5 % so với doanh thu 2 năm trước.

Mức doanh thu 84.400 tỷ của C.P. Việt Nam trong năm 2022 bỏ xa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi xếp thứ 2 và thứ ba như Cargill Việt Nam (gần 28,5 nghìn tỷ đồng) hay De Heus (gần 25 nghìn tỷ đồng)…

Tuy nhiên, trái với xu hướng tăng của doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu giảm 40- 55% mỗi năm, chỉ đặt gần 5.000 tỷ đồng năm 2022.

C.P. Việt Nam có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm (Hà Nội, Hải Dương, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bàu Xéo, Bình Phước) với tổng công suất hơn 5,3 triệu tấn/năm, 1 nhà máy sơ chế bắp tại Đắk Lắk và có 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản (Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ) với tổng công suất 550.000 tấn/năm. Ngoài ra, C.P. Việt Nam có 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Tp. Huế và tỉnh Bến Tre và 4 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh.

Hàng năm C.P. Việt Nam cung cấp heo thịt cho thị trường với số lượng hơn 6.8 triệu con, trứng gà hơn 750 triệu quả, gà thịt hơn 66 triệu con và xuất khẩu thực phẩm chế biến thủy sản trên 20.000 tấn sang thị trường các nước như, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu.

Năm 2020, C.P. Việt Nam đã khánh thành và đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy chế gà xuất khẩu hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 1.000.000 con/ tuần, tương đương 50 triệu con/ năm.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/cp-viet-nam-tai-tro-1-trieu-usd-de-bao-ton-seu-dau-do-tai-dong-thap-ban-dau-la-nguoi-nuoi-seu-sau-nay-seu-se-nuoi-nguoi-a305042.html