Thực trạng chi tiêu cho giáo dục từ bậc học trung học phổ thông trở lên của hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010-2020

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hộ gia đình sinh sống ở khu vực thành thị chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học trung học phổ thông trở lên cao hơn so với các hộ sinh sống tại khu vực nông thôn.

ThS. Trần Việt Long

Viện Xã hội học

Email: tranlong.ussh@gmail.com

Tóm tắt

Nghiên cứu phân tích thực trạng chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học trung học phổ thông (THPT) trở lên của hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bài viết sử dụng dữ liệu từ cuộc điều tra mức sống dân cư (VHLSS) của Tổng cục Thống kê qua các năm 2010, 2018 và 2020. Nghiên cứu phân tích các đặc điểm của hộ gia đình và chủ hộ gia đình trong việc chi tiêu cho giáo dục từ bậc THPT trở lên, bao gồm: Quy mô của hộ gia đình, địa bàn cư trú của hộ gia đình, nhóm thu nhập của hộ gia đình, giới tính của chủ hộ, trình độ học vấn của chủ hộ, tình trạng hôn nhân của chủ hộ, dân tộc của chủ hộ, nghề nghiệp của chủ hộ.

Từ khóa: chi tiêu cho giáo dục, trung học phổ thông trở lên, hộ gia đình, Đồng bằng sông Cửu Long.

Summary

The article analyzes the current state of education expenditure for household members currently attending school from high school onwards in the Mekong Delta region (ĐBSCL). The article uses data from the Vietnam Household Living Standard Survey (VHLSS) conducted by the General Statistics Office in 2010, 2018, and 2020. The research examines the characteristics of households and household heads in terms of education spending for members in secondary school and higher education levels, including household size, the residential area of the household, household income group, gender of the household head, education level of the household head, marital status of the household head, ethnicity of the household head, the occupation of the household head.

Keywords: education expenditure, high school and above, households, Mekong Delta

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, vùng ĐBSCL có 17,3 triệu người, chiếm 18% dân số cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên tốt nghiệp THPT và trên THPT của vùng ĐBSCL lại thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chiếm 21% dân số từ 15 tuổi trở lên (Tổng cục Thống kê, 2020).

Nhà nước đầu tư rất nhiều cho giáo dục thông qua nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng và thiết thực. Để nâng cao đầu tư giáo dục của hộ gia đình, rất cần hiểu rõ các nhân tố có ảnh hưởng đến việc đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình, để từ đó có cơ sở định hình và xây dựng những chính sách phù hợp, hiệu quả, nhằm nâng cao việc đầu tư giáo dục của hộ gia đình gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tạo tiền đề tốt cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường hội nhập, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Hộ gia đình

Hộ là một hoặc một nhóm người ăn chung, ở chung trong một chỗ từ 6 tháng trở lên trong thời kỳ khảo sát và có chung quỹ thu chi. Những người được coi là thành viên của hộ phải thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện sau: (i) Cùng ăn, ở chung trong hộ 6 tháng trở lên trong 12 tháng qua; và (ii) Có chung quỹ thu chi, nghĩa là mọi khoản thu nhập của thành viên đều được đóng góp vào ngân sách chung của hộ và mọi khoản chi tiêu của họ đều lấy từ ngân sách đó (Tổng cục Thống kê, 2015).

Đối với những hộ có từ 2 người trở lên, các thành viên (hay nhân khẩu) trong hộ có thể có hoặc không có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc hôn nhân, hoặc kết hợp cả hai. Nơi ở chung thường là tương đối cố định như một ngôi nhà hay căn hộ, nhưng cũng có thể là lưu động. Hộ gia đình là hộ mà trong đó có ít nhất một gia đình hạt nhân hoặc gia đình mở rộng, tức là không bao gồm “hộ độc thân” hay “hộ tập thể”, tuy nhiên do đa số hộ ở Việt Nam là hộ gia đình nên trong nhiều tài liệu, “hộ độc thân” cũng được gộp vào nhóm “hộ gia đình” (Nguyễn Đức Vinh, 2018).

Nghiên cứu này sẽ áp dụng khái niệm hộ gia đình dựa vào bộ số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) của Tổng cục Thống kê, đó là: “Hộ gia đình là những người ăn chung, ở chung trong một chỗ từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng qua tính từ thời điểm điều tra và có chung quỹ thu chi”.

Giáo dục

Theo Khoản 1, Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019, giáo dục chính quy là giáo dục theo khóa học trong cơ sở giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được thiết lập theo mục tiêu của các cấp học, trình độ đào tạo và được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Áp dụng với nghiên cứu này, giáo dục được hiểu là giáo dục chính quy áp dụng theo Luật Giáo dục năm 2019, đối với bậc học THPT trở lên (cụ thể là các bậc học: THPT, sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ).

Chi tiêu giáo dục của hộ gia đình

Chi tiêu hộ gia đình là tổng số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ đã chi cho tiêu dùng trong một thời gian nhất định, bao gồm cả tự sản, tự tiêu về lương thực, thực phẩm, phi lương thực và các chi tiêu khác (biếu, đóng góp…). Các khoản chi tiêu hộ gia đình không bao gồm: chi phí sản xuất, thuế sản xuất, gửi tiết kiệm, cho vay, trả nợ và các khoản chi tương tự (Tổng cục Thống kê, 2015). Do đó, chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình là tổng số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ đã chi cho giáo dục, đào tạo trong một khoảng thời gian nhất định (Châu Thị Lệ Duyên và cộng sự, 2023).

Nghiên cứu sử dụng khái niệm chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình dựa vào bộ số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) của Tổng cục Thống kê, đó là số tiền mà hộ gia đình đã chi cho các khoản chi cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học chương trình giáo chính quy, cụ thể là từ bậc học THPT trở lên trong 12 tháng qua, tính từ thời điểm điều tra tại vùng ĐBSCL, bao gồm những khoản chi, như: học phí; trái tuyến; đóng góp cho trường lớp (quỹ xây dựng…); quỹ phụ huynh học sinh, quỹ lớp; quần áo đồng phục và trang phục theo quy định; sách giáo khoa, sách tham khảo; dụng cụ học tập khác (giấy, bút, cặp, vở…); học thêm cho môn học thuộc chương trình quy định; chi phí giáo dục khác (lệ phí thi, đi lại, trọ, bảo hiểm thân thể học sinh, sinh viên…).

Các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình

Có nhiều yếu tố liên quan đến đặc điểm của hộ và chủ hộ có ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình.

Quy mô hộ gia đình. Nghiên cứu của Aslam và Kingdon (2008) cho rằng, quy mô hộ gia đình có tác động đến ngân sách chi giáo dục của hộ gia đình và có thể lý giải khi hộ gia đình có quy mô lớn thì khả năng có nhiều con trong độ tuổi đi học sẽ cao hơn nên hộ gia đình giành phần ngân sách lớn hơn cho chi tiêu giáo dục so với hộ gia đình có quy mô nhỏ.

Địa bàn cư trú. Nghiên cứu của Nguyễn Minh Thuấn (2014) cho rằng, hộ gia đình sinh sống ở khu vực thành thị chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn so với hộ gia đình sống ở khu vực nông thôn, vì ở thành thị thành viên đi học của hộ có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ giáo dục phong phú đa dạng hơn và giá dịch vụ cũng cao hơn vùng nông thôn.

Thu nhập của hộ gia đình. Theo Khổng Tiến Dũng và Phạm Lê Thông (2014), tổng thu nhập của hộ gia đình là yếu tố quan trọng tác động đến mức chi tiêu cho giáo dục. Thu nhập của hộ càng cao thì chi tiêu cho giáo dục càng lớn.

Giới tính của chủ hộ. Nghiên cứu của Lê Văn Tòng (2015) cho rằng, chủ hộ là nam chi tiêu cho giáo dục sẽ nhiều hơn chủ hộ là nữ, vì Việt Nam là một quốc gia theo truyền thống văn hóa phương Đông, quan niệm người đàn ông thường xem trọng sự nghiệp, mong muốn được nắm giữ những vị trí quan trọng, họ nhận thức được rằng học tập sẽ giúp họ đạt được những gì kỳ vọng. Giữ vai trò chủ hộ, nam giới cũng sẽ có những hành động khuyến khích các thành viên học tập nhiều hơn so với nữ giới là chủ hộ.

Trình độ học vấn của chủ hộ. Nghiên cứu của Trần Thanh Sơn (2012) cho thấy rằng, trình độ học vấn của chủ hộ càng cao, thì chi tiêu cho giáo dục càng nhiều, vì chủ hộ có trình độ học vấn cao, khả năng thu nhập cũng sẽ cao hơn và sẽ dành nhiều sự ưu tiên cho chi tiêu giáo dục đối với các thành viên trong hộ gia đình. Ngược lại, khi chủ hộ có trình độ học vấn thấp, thì nhiều khả năng họ có mức thu nhập thấp, từ đó chi phối đến các quyết định phân bố ngân sách cho hoạt động giáo dục.

Tình trạng hôn nhân của chủ hộ. Nghiên cứu của Lê Văn Tòng (2015) cho rằng, hộ gia đình với chủ hộ có vợ/chồng sẽ chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn hộ gia đình với chủ hộ đơn thân, vì chủ hộ đơn thân chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất; trong khi hộ gia đình có đầy đủ vợ/chồng có thêm sự hỗ trợ thu nhập từ người vợ/chồng còn lại.

Đặc điểm dân tộc của chủ hộ. Nghiên cứu của Hoàng Thanh Nghị (2018) cho rằng, chủ hộ là người dân tộc Kinh sẽ chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn so với chủ hộ là dân tộc khác, vì dân tộc Kinh chiếm tỷ trọng cao nhất cả nước; đồng thời, nhóm dân tộc này có trình độ dân trí cao hơn so với các dân tộc khác, vì vậy mức đầu tư cho giáo dục sẽ nhiều hơn so với các dân tộc khác.

Nghề nghiệp của chủ hộ. Nghiên cứu của Qian và Smyth (2010) cho rằng, nghề nghiệp chủ hộ thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, quản lý, thì chi tiêu cho giáo dục của hộ sẽ cao hơn chi tiêu giáo dục của hộ có chủ hộ làm nghề khác. Dựa trên đặc điểm của bộ số liệu và trên cơ sở tổng quan tài liệu, tác giả sử dụng mô hình nghiên cứu của Nguyễn Lưu Trung (2017) làm nền tảng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên tại vùng ĐBSCL. Trong bài viết này, tác giả cũng kỳ vọng các biến đặc điểm của hộ gia đình (như: quy mô hộ gia đình, địa bàn cư trú, nhóm thu nhập) và đặc điểm của chủ hộ (như: giới tính, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, dân tộc, nghề nghiệp) có mối liên hệ đến chi tiêu cho giáo dục.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp phân tích các nguồn tài liệu có sẵn: các công trình nghiên cứu, các bài viết trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề nghiên cứu sẽ được biên soạn lại, hay nói cách khác sẽ được xem xét các thông tin có sẵn để rút ra các thông tin cần thiết, có liên quan đến mục tiêu của bài viết.

Phương pháp phân tích số liệu thứ cấp: từ năm 2002 đến nay, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra khảo sát mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS) 2 năm một lần vào những năm chẵn trên phạm vi toàn quốc bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp chủ hộ. Nội dung của VHLSS bao gồm các lĩnh vực, như: giáo dục, y tế, việc làm, chi tiêu, đồ dùng bền lâu, nhà ở, tham gia các chương trình trợ giúp. Trước khi tiến hành phân tích số liệu, tác giả sử dụng các kỹ thuật để lọc dữ liệu từ bộ số liệu gốc và chỉ chọn những hộ gia đình vùng ĐBSCL có thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên trong 12 tháng qua tính từ thời điểm điều tra.

Phương pháp phân tích so sánh: dựa vào bộ số liệu VHLSS năm 2010, năm 2018 và năm 2020 để phân tích so sánh và cho thấy được xu hướng trong việc chi tiêu cho giáo dục từ bậc học THPT trở lên của hộ gia đình vùng ĐBSCL.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Số liệu điều tra VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020 cho thấy, số hộ có thành viên hiện đang đi học từ bậc học THPT trở lên tại vùng ĐBSCL khoảng 1.754.696 hộ, chiếm 18,6% trong tổng số khoảng 5.531.358 hộ (năm 2010); khoảng 252.199 hộ, chiếm 16,7% trong tổng số khoảng 1.508.374 hộ (năm 2018) và khoảng 687.037 hộ, chiếm 14,9% trong tổng số khoảng 4.603.433 hộ (năm 2020).

Một số đặc điểm của các hộ có người đang đi học bậc học THPT trở lên tại vùng ĐBSCL được mô tả như trong Bảng 1.

Bảng 1: Một số đặc điểm của hộ có người đang đi học từ bậc học THPT trở lên tại vùng ĐBSCL

Đơn vị: %

Năm

2010

2018

2020

Đặc điểm của hộ gia đình

Quy mô hộ gia đình

Từ 4 người trở xuống

63,1

61,2

68,9

Từ 5 người trở lên

36,9

38,8

31,1

Địa bàn cư trú

Thành thi

30,7

19,6

29,4

Nông thôn

69,3

80,4

70,6

Nhóm thu nhập

Nhóm 1 (Nghèo)

19,9

19,7

19,7

Nhóm 2 (Cận nghèo)

20,0

21,0

20,1

Nhóm 3 (Trung bình)

19,9

20,0

19,8

Nhóm 4 (Khá giả)

20,2

19,4

20,1

Nhóm 5 (Giàu)

20,0

20,8

20,3

Đặc điểm của chủ hộ

Giới tính

Nam

75,6

82,2

70,3

Nữ

24,4

17,8

29,7

Trình độ học vấn

Tiểu học trở xuống

54,0

56,7

40,7

THCS

22,5

25,3

27,9

THPT trở lên

23.4

18,1

31,4

Tình trạng hôn nhân

Đang có vợ/chồng

88,1

89,8

86,0

Khác

11,9

10,2

14,0

Dân tộc

Kinh

95,6

97,0

98,1

Khác

4,4

3,0

1,9

Nghề nghiệp

Làm nhận lương, tiền công

31,3

32,1

49,2

Tự làm nông, lâm, thủy sản

44,7

46,1

28,2

Tự sản xuất kinh doanh/dịch vụ

24,0

21,8

22,6

Tổng

100,0

100,0

100,0

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Chi tiêu cho giáo dục theo đặc điểm của hộ gia đình

Quy mô hộ gia đình. Hộ gia đình từ 5 người trở lên tại vùng ĐBSCL chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên cao hơn so với hộ gia đình có từ 4 người trở xuống trong giai đoạn 2010-2020 (Bảng 2).

Cụ thể, trong năm 2010, mức chi tiêu của hộ gia đình có 4 người trở xuống tại vùng ĐBSCL cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên trung bình là 4.420.473 đồng/người/năm và hộ gia đình có 5 người trở lên chi trung bình là 4.933.009 đồng/người/năm. Mức chi này tương ứng năm 2020 là 14.598.188 đồng/người/năm và 16.366.135 đồng vào năm 2020/người/năm.

Bảng 2: Chi tiêu cho giáo dục theo quy mô hộ gia đình đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

4 người trở xuống

4.420.473

10.668.463

14.598.188

5 người trở lên

4.933.009

13.196.808

16.366.135

Chung

4.611.008

12.315.008

15.132.976

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Khu vực sinh sống của hộ gia đình. Trong giai đoạn 2010-2020, các hộ gia đình ở khu vực thành thị tại vùng ĐBSCL chi tiêu cho giáo dục đối với thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên cao hơn so với khu vực nông thôn (Bảng 3).

Cụ thể: trong năm 2010, hộ gia đình ở thành thị tại vùng ĐBSCL chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đi học từ bậc học THPT trở lên trung bình là 4.721.250 đồng/người/năm và hộ gia đình ở nông thôn chi trung bình là 4.368.174 đồng/người/năm. Mức chi này tương ứng là 15.454.087 đồng/người/năm và 14.404.877 đồng/người/năm trong năm 2020.

Bảng 3: Chi tiêu cho giáo dục theo khu vực sinh sống của hộ gia đình đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Thành thị

4.721.250

14.239.149

15.454.087

Nông thôn

4.368.174

11.725.325

14.404.877

Chung

4.611.008

12.315.008

15.132.976

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Thu nhập trung bình của hộ. Các hộ gia đình tại vùng ĐBSCL có mức thu nhập thuộc nhóm 5 (khá giả) có mức chi tiêu cho giáo dục cao nhất và nhóm 1 (nghèo) có mức chi tiêu cho giáo dục thấp nhất đối với thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên trong giai đoạn 2010-2020 (Bảng 4).

Bảng 4: Chi tiêu cho giáo dục theo mức thu nhập của hộ gia đình đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Nhóm 1 (Nghèo)

3.052.345

7.818.304

10.841.473

Nhóm 2 (Cận nghèo)

4.066.267

9.159.889

11.690.607

Nhóm 3 (Trung bình)

4.369.333

11.407.153

15.978.061

Nhóm 4 (Khá giả)

4.787.211

13.375.869

17.242.312

Nhóm 5 (Giàu)

6.779.614

19.744.646

19.897.339

Chung

4.611.008

12.315.008

15.132.976

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Chi tiêu cho giáo dục theo đặc điểm của chủ hộ

Giới tính của chủ hộ. Tại vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2010-2020, chủ hộ là nam giới đã chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên cao hơn so với chủ hộ là nữ giới. Cụ thể, năm 2010, nam giới là là chủ hộ đã chi tiêu 4.914.505/người/năm cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên trung bình; trong khi đó, nữ giới là chủ hộ đã chi cho giáo dục trung bình là 3.693.619 đồng/người/năm. Mức chi tiêu này tăng lên lần lượt là 15.446.963 đồng/người/năm với chủ hộ là nam và 15.001.356 đồng/người/năm với chủ hộ là nữ trong năm 2020 (Bảng 5).

Bảng 5: Chi tiêu cho giáo dục theo giới tính của chủ hộ đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Nam

4.914.505

12.494.175

15.446.963

Nữ

3.693.619

11.510.276

15.001.356

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Trình độ học vấn của chủ hộ. Tại vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2010-2020, chủ hộ có trình độ THPT trở lên chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên, tiếp đến là chủ hộ có trình độ THCS và thấp nhất là chủ hộ có trình độ tiểu học trở xuống (Bảng 6).

Bảng 6: Chi tiêu cho giáo dục theo trình độ học vấn của chủ hộ đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Tiểu học trở xuống

4.016.619

8.299.464

11.894.052

THCS

4.703.463

16.891.387

13.346.837

THPT trở lên

5.985.174

17.454.803

20.820.392

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Tình trạng hôn nhân của chủ hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chủ hộ hiện đang có vợ chồng đã chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên cao hơn so với chủ hộ có tình trạng hôn nhân khác (chưa có vợ/chồng; góa; ly hôn/ly thân) tại vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2010-2020 (Bảng 7).

Bảng 7: Chi tiêu cho giáo dục theo tình trạng hôn nhân của chủ hộ đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Đang có vợ/chồng

4.757.462

12.897.553

15.622.249

Khác

3.551.764

7.178.025

12.185.112

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Dân tộc của chủ hộ. Chủ hộ là dân tộc Kinh đã chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên cao hơn so với chủ hộ là dân tộc khác tại vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2010-2020 (Bảng 8).

Bảng 8: Chi tiêu cho giáo dục theo dân tộc của chủ hộ đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Dân tộc Kinh

4.758.440

12.477.147

17.979.623

Dân tộc Khác

1.660.058

9.386.980

12.161.666

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

Nghề nghiệp của chủ hộ. Chủ hộ làm nghề nghiệp tự sản xuất kinh doanh/dịch vụ đã chi tiêu cho giáo dục cao nhất đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên, tiếp đến là chủ hộ tự làm nông/lâm/thủy sản và thấp nhất là chủ hộ đi làm nhận tiền lương/tiền công tại vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2010-2020 (Bảng 9).

Bảng 9: Chi tiêu cho giáo dục theo nghề nghiệp của chủ hộ đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên

Đơn vị: Đồng

2010

2018

2020

Đi làm nhận tiền lương/tiền công

4.646.304

9.621.497

12.770.307

Tự làm nông/lâm/thủy sản

4.680.235

10.533.074

14.166.728

Tự sản xuất kinh doanh/dịch vụ

6.158.003

17.320.056

14.928.447

Nguồn: Tính toán từ bộ số liệu VHLSS các năm 2010, 2018 và 2020

KẾT LUẬN

Qua tổng quan tài liệu và phân tích số liệu VHLSS, có thể thấy, có sự khác biệt đáng kể về chi tiêu giáo dục từ bậc THPT trở lên giữa các hộ gia đình, chủ yếu dựa trên: (i) Đặc điểm của hộ gia đình về: quy mô hộ gia đình, địa bàn cư trú của hộ, nhóm thu nhập của hộ; (ii) Đặc điểm của chủ hộ về: giới tính, trình độ học vấn, tình trạng hộ nhân, dân tộc, nghề nghiệp.

Các hộ gia đình ở khu vực thành thị tại vùng ĐBSCL chi tiêu cho giáo dục cao hơn so với các hộ sinh sống tại khu vực nông thôn, vì ở khu vực thành thị có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ giáo dục phong phú, đa dạng hơn và giá dịch vụ cũng cao hơn so với nông thôn. Do vậy, chính quyền các tỉnh thành thuộc vùng ĐBSCL nên quan tâm hơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ giáo dục ở vùng nông thôn thông qua các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đa dạng các loại hình đào tạo để giảm bớt chênh lệch về hạ tầng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đồng thời giúp cho người dân nông thôn có thêm nhiều sự lựa chọn trong công việc học tập.

Các hộ gia đình có thu nhập cao hơn có xu hướng chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn. Do đó, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nên phân nguồn ngân sách ưu tiên cho trợ cấp giáo dục, nhằm giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn có thêm điều kiện học tập tốt hơn.

Các chủ hộ có trình độ THPT trở lên chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên. Việc lựa chọn thành viên nào trong gia đình là chủ hộ là quyền tự do của riêng mỗi gia đình, đôi khi người được chọn lại trình độ học vấn không cao. Có thể nói, đây là một nhân tố khách quan khó điều chỉnh đối với công tác hoạch định chính sách. Mặc dù vậy, cần khuyến khích chủ hộ có trình độ học vấn thấp vùng ĐBSCL tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức để từ đó nâng cao ý thức của họ về tầm quan trọng của việc đầu tư cho giáo dục cho các thành viên trong gia đình.

Chủ hộ là dân tộc Kinh đã chi tiêu cho giáo dục đối với các thành viên đang đi học từ bậc học THPT trở lên cao hơn so với chủ hộ là dân tộc khác. Bởi vì, dân tộc Kinh chiếm tỷ trọng cao nhất cả nước, đồng thời nhóm dân tộc này có trình độ dân trí cao hơn so với các dân tộc khác, vì vậy, mức đầu tư cho giáo dục sẽ nhiều hơn so với các dân tộc khác. Do đó, để giảm sự cách biệt đáng kể trong hoạt động giáo dục giữa dân tộc Kinh và những dân tộc khác, cần có thêm những cơ chế, chính sách để huy động thêm nguồn lực và có những đổi mới đáng kể hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đối với nhóm dân tộc thiểu số./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Aslam, M., and Kingdon, G. (2008), Gender and household education expenditure in Pakistan, Applied Economics, 40 (20), 2573-2591.

2. Châu Thị Lệ Duyên và cộng sự (2023), Các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình ở TP. Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 6, 25-28.

3. Hoàng Thanh Nghị (2018), Mô hình phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình Việt Nam, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, 112, 54-72.

4. Khổng Tiến Dũng, Phạm Lê Thông (2014), Các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 31, 81-90.

5. Lê Văn Tòng (2015), Đánh giá tác động của đặc điểm hộ gia đình đến chi tiêu cho giáo dục hộ gia đình các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Đức Vinh (2018), Yếu tố nhân khẩu liên quan đến quy mô hộ gia đình ở Việt Nam, Tạp chí Xã hội học, 4 (144), 9-19.

7. Nguyễn Lưu Trung (2017), Phân tích các nhân tố tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

8. Nguyễn Minh Thuấn (2014), Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục của thành thị - nông thôn Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại Học kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

9. Qian, J., and Smyth, R. (2010), Education expenditure in urban China: Income effects, family characteristics and the demand for domestic and overseas education, Applied Economics, 43, 3379-3394.

10. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019.

11. Tổng cục Thống kê (2015), Niên giám Thống kê 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội.

12. Tổng cục Thống kê (2020a), Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội.

13. Tổng cục Thống kê (2020b), Số liệu điều tra Mức sống hộ gia đình (VHLSS) các năm 2010, 2018 và 2020.

14. Trần Thanh Sơn (2012), Các nhân tố ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục: Nghiên cứu ở vùng Đông Nam Bộ, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Ngày nhận bài: 21/10/2024; Ngày phản biện: 5/11/2024; Ngày duyệt đăng: 12/11/2024

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/thuc-trang-chi-tieu-cho-giao-duc-tu-bac-hoc-trung-hoc-pho-thong-tro-len-cua-ho-gia-dinh-vung-dong-bang-song-cuu-long-giai-doan-2010-2020-a304932.html