Nhu cầu đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng trong các trường đại học ở Việt Nam*

Tại Việt Nam, tăng năng suất chất lượng trong điều kiện ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế nhằm mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Để đạt mục tiêu này, việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng nói riêng về kiến thức năng suất chất lượng là cần thiết. Bài viết trình bày sự c...

Từ khóa: năng suất chất lượng, đào tạo kiến thức năng suất chất lượng, sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng

Summary

In Vietnam, increasing productivity and quality in the landscape of applying science and technology, innovating production organization, and shifting economic structure is an urgent requirement for businesses and organizations to maintain high and sustainable economic growth. To achieve this goal, training productivity and quality knowledge for the human resources in general and human resources in the field of Finance and Banking in particular is necessary. The article presents the need to provide training on productivity and quality knowledge for students majoring in Finance and Banking. Based on the results research results, the article proposes some implications for productivity and quality training for students majoring in Finance and Banking in the universities in Vietnam.

Keywords: productivity and quality, productivity and quality knowledge training, students majoring in Finance and Banking

GIỚI THIỆU

Trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, tăng năng suất chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các thành phần kinh tế, qua đó nhằm đạt được mục tiêu của chính phủ trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quyền con người, dân chủ và bình đẳng. Nhận thức được tầm quan trọng của nâng cao năng suất chất lượng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chính phủ đã triển khai chương trình năng suất và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thành công của các chương trình năng suất được quyết định bởi sự quyết tâm trong việc hình thành tư duy năng suất và triển khai phong trào năng suất đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trong đó, hoạt động đào tạo luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng tạo nên thành công của các chương trình năng suất. Đây là lý do nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu về nhu cầu đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính - ngân hàng - ngành kinh tế đóng một vai trò quan trọng được coi là huyết mạch của nền kinh tế ở trong các trường đại học ở Việt Nam.

SỰ CẦN THIẾT ĐÀO TẠO KIẾN THỨC NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CHO SINH VIÊN NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, năng suất lao động đã được cải thiện đang kể. Về giá trị tuyệt đối (tính theo giá so sánh năm 2010), năng suất lao động toàn nền kinh tế đã tăng từ 18,29 triệu đồng/lao động năm 1990 lên mức 68,40 triệu đồng/lao động năm 2019 (tăng 3,74 lần). Trung bình hàng năm, tăng trưởng đạt 4,65% trong giai đoạn 1991-2019 (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021). Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp. Trong điều kiện nguồn lực tự nhiên hạn chế, tăng năng suất chất lượng trong điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp và tổ chức trong nền kinh tế nhằm mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững ở Việt Nam.

Chính vì vậy, trong Quyết định số 1322/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu: "Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế". Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030 cũng nêu ra, 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục tiêu nêu trên. Theo đó, đối với giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, thì tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên năng suất chất lượng và mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề là một giải pháp quan trọng.

Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, các tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng và liên tục cải tiến năng suất nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về năng suất chất lượng là cần thiết. Đến nay, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các hoạt động đào tạo cho các đối tượng là đội ngũ lãnh đạo, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn năng suất chất lượng. Tuy nhiên, những khóa đào tạo này bị giới hạn về mặt phạm vi, số lượng nên việc đào tạo để có nguồn nhân lực với số lượng lớn, đảm bảo kiến thức căn bản, có hệ thống về năng suất chất lượng rất khó và đòi hỏi chi phí lớn.

Vì vậy, đưa kiến thức năng suất chất lượng đào tạo rộng rãi cho sinh viên các trường đại học là một giải pháp hữu hiệu nhằm tạo ra nguồn nhân lực số lượng lớn, được trang bị những kiến thức toàn diện về năng suất chất lượng nhằm đáp ứng tốt đòi hỏi của các tổ chức và doanh nghiệp sử dụng lao động; giúp tiết kiệm chi phí đào tạo tại doanh nghiệp; giúp các tổ chức, doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng qua đó phát triển phong trào năng suất chất lượng nhằm thực hiện thành công mục tiêu nâng cao năng suất quốc gia.

Ngành Tài chính - Ngân hàng đóng một vai trò quan trọng được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, đồng thời họ đảm nhiệm các hoạt động từ nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách, quản lý các chương trình, dự án nghiên cứu triển khai, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản lý tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Vì vậy, nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng có kiến thức về năng suất sẽ thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất chất lượng cũng như đo lường, đánh giá được các hoạt động cải tiến năng suất chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đào tạo năng suất và chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng còn rất hạn chế, chủ yếu lồng ghép trong một số nội dung của các môn học có liên quan, như: quản trị khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tài chính doanh nghiệp, tài chính công… dưới dạng lý thuyết. Việc vận dụng các công cụ, các chỉ tiêu thực tiễn để tăng năng suất còn rất hạn chế. Do vậy, việc xây dựng một học phần về năng suất chất lượng gắn lý luận với thực tiễn cho sinh viên khối ngành Tài chính - Ngân hàng là hết sức cần thiết. Các sinh viên sẽ được đào tạo hệ thống, bài bản và sâu hơn các vấn đề về năng suất, chất lượng cả về kiến thức và thực hành trong toàn bộ quá trình học tập tại trường.

THỰC TRẠNG VÀ NHU CẦU ĐÀO TẠO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CHO SINH VIÊN NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học khối ngành Tài chính - Ngân hàng ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu được thực hiện thông qua phương pháp phỏng vấn chuyên sâu đối với các chuyên gia về năng suất thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), các nhà quản lý của các trường đại học và nhà quản lý trong các doanh nghiệp về thực trạng và nhu cầu đào tạo kiến thức năng suất chất lượng. Thông qua nội dung phỏng vấn, nhóm nghiên cứu thực hiện phương pháp điều tra khảo sát bằng bảng hỏi. Phương pháp điều tra khảo sát trên diện rộng thực hiện trên mẫu gồm 1.158 người tham gia trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2022 bằng hình thức kết hợp online và offline. Đối tượng khảo sát được chia thành 3 nhóm đối tượng: (1) Nhà quản lý và giảng viên các trường đại học; (2) Nhà quản lý tại các tổ chức, doanh nghiệp; (3) Sinh viên và cựu sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng của các trường đại học. Nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi các trường đại học ở Việt Nam có khối ngành đào tạo là Tài chính - Ngân hàng tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trường đại học được lựa chọn khảo sát tập trung chủ yếu ở các trường có uy tín trong lĩnh vực đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng, như: Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), Trường Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh…

Về thực trạng đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số các trường đại học được khảo sát hầu hết các trường đã triển khai đào tạo các môn học liên quan đến năng suất chất lượng (82,4%). Tuy nhiên, các môn học liên quan đến năng suất chất lượng chủ yếu được đào tạo cho ngành quản trị kinh doanh, như: môn học Quản lý sản xuất, Quản trị chất lượng, Quản lý công nghiệp, Cải tiến năng suất (tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Trường Đại học Ngoại thương…). Việc đào tạo kiến thức năng suất chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng cũng đã được đề cập đến trong một số nội dung của các môn học, như: Quản trị tài chính, Quản trị rủi ro... song chưa có một học phần chuyên biệt đào tạo tổng thể kiến thức về năng suất áp dụng cho lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.

Kiến thức năng suất chất lượng được đào tạo trong các trường đại học chủ yếu tập trung vào các nội dung: (1) Các tiêu chuẩn đo lường năng suất như các tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000; ISO 14000; ISO 31000, hệ thống quản lý chất lượng TQM); (2) Các phương pháp gia tăng năng suất chất lượng gồm các công cụ thống kê truyền thống trong kiểm soát chất lượng và các phương pháp phổ biến trong gia tăng năng suất (Lean, 6 Sigma, Kaizen, 5S, MFCA). Các kiến thức về đo lường, đánh giá, phân tích năng suất phù hợp với vai trò của nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng chưa được đưa vào đào tạo.

Về nhu cầu đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng

Kết quả khảo sát liên quan đến nhận thức của đội ngũ nhà quản lý và giảng viên trong các trường đại học về năng suất chất lượng cho thấy, đa số ý kiến cho rằng, các cán bộ giảng viên trong nhà trường nhận biết rõ vai trò của năng suất chất lượng (42% ý kiến đánh giá ở mức cần thiết và 21% ý kiến đánh giá ở mức rất cần thiết). Phần nhiều các ý kiến cho rằng, còn có hạn chế trong hiểu biết về kiến thức năng suất chất lượng (26% ý kiến đánh giá ở mức hiểu biết trung bình và 14% ở mức thấp hơn trung bình). Đối với đối tượng nhà quản lý doanh nghiệp, số lượng các nhà quản lý hiểu về kiến thức năng suất còn chưa nhiều (52%). Đặc biệt, trong bộ phận quản lý tài chính của doanh nghiệp, hiểu biết về năng suất chất lượng còn thấp. Một số lượng không nhỏ các nhà quản lý đặc biệt trong bộ phận quản lý tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế trong hiểu biết về năng suất chất lượng (chiếm 58%), nguyên nhân do họ không được đào tạo kiến thức năng suất chất lượng trong trường đại học. Sau khi tốt nghiệp, các cán bộ trong bộ phận quản lý tài chính được trang bị kiến thức năng suất chất lượng tại các tổ chức, doanh nghiệp có thể gặp phải một số khó khăn ban đầu do chưa quen với các công cụ năng suất đang được triển khai áp dụng tại doanh nghiệp.

82,4% cán bộ, giảng viên trong nhà trường đều đánh giá việc đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng đem lại các lợi ích trên cả 3 khía cạnh: (1) Hiểu được tầm quan trọng của gia tăng năng suất chất lượng đối với các đơn vị/doanh nghiệp; (2) Nắm được kỹ thuật phân tích đánh giá năng suất chất lượng; (3) Áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong đơn vị công tác sau khi tốt nghiệp.

Về nội dung đào tạo kiến thức năng suất chất lượng, phần lớn các ý kiến của các chuyên gia cũng như đối tượng là nhà quản lý và giảng viên (82%) cho rằng, đào tạo kiến thức năng suất chất lượng cho sinh viên chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng cần tập trung vào 2 nội dung chính: (1) Trang bị cho sinh viên kỹ năng phân tích và đánh giá về năng suất chất lượng trong các tổ chức, doanh nghiệp và nền kinh tế; (2) Trang bị cho sinh viên các công cụ cải tiến năng suất phù hợp với lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. Kết quả trên cho thấy, việc đào tạo năng suất cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng cần phù hợp để phát huy kỹ năng và vai trò sẵn có của đối tượng sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng. Với các thế mạnh của đối tượng sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng là thông qua các công cụ tài chính, chỉ tiêu tài chính có thể đánh giá và phân tích năng suất chất lượng của các tổ chức, doanh nghiệp, nền kinh tế, việc phân tích đánh giá năng suất chất lượng giúp các tổ chức, doanh nghiệp có thể nhận diện những thành tựu và hạn chế trong việc cải tiến năng suất chất lượng. Qua đó, có thể đề xuất các biện pháp và các công cụ phù hợp nhằm cải tiến năng suất chất lượng trong các tổ chức, doanh nghiệp.

Ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và giảng viên các trường đại học cũng như nhà quản lý tại các doanh nghiệp cũng đồng thuận trong việc nên đào tạo các công cụ phù hợp trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng nhằm gia tăng năng suất tại các tổ chức, doanh nghiệp và nền kinh tế. Các công cụ cải tiến năng suất đảm bảo chất lượng được gợi ý bao gồm: Phương pháp 5S; Kaizen; LEAN (Quản lý tinh gọn, loại trừ các lãng phí); Phương pháp quản lý chi phí dòng nguyên liệu (MFCA).

MỘT SỐ HÀM Ý

Nghiên cứu khảo sát thực trạng đào tạo và nhu cầu đào tạo năng suất chất lượng cho đối tượng sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng ở Việt Nam cho thấy, sự cần thiết cũng như nhu cầu đào tạo kiến thức năng suất chất lượng cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng là có cơ sở. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng nhằm xây dựng các học phần đào tạo năng suất chất lượng trong chương trình đào tạo cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng tại các trường đại học ở Việt Nam trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu cũng gợi mở định hướng về phát triển đào tạo cũng như vai trò của các bên gồm: các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học cũng như sinh viên trong hoạt động đào tạo năng suất chất lượng.

Theo đó, học phần đào tạo năng suất chất lượng cần trang bị đầy đủ những kiến thức căn bản, có hệ thống về năng suất chất lượng và quản lý năng suất chất lượng. Đồng thời, kiến thức về năng suất chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành Tài chính -Ngân hàng cần phù hợp với đặc thù của chuyên ngành đào tạo, nhằm phát huy kỹ năng đo lường, phân tích và đánh giá năng suất chất lượng. Ngoài ra, cần lựa chọn các công cụ cải tiến và nâng cao năng suất cũng như tiêu chuẩn quản lý chất lượng phù hợp có thể vận dụng trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng./.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Tài chính (2022), Báo cáo kết quả khảo sát thuộc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia năm 2022:“Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và triển khai đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học khối ngành Tài chính - Ngân hàng của Việt Nam”, Mã số 02.3/NSCL-2022.

2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 1322/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

3. Viện Năng suất Việt Nam (2022), Báo cáo năng suất Việt Nam 2022.

4. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) (2021), Báo cáo “Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990-2020: Phân tích và gợi ý chính sách”, ngày 28/4/2021.

PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh, TS. Đặng Phương Mai

Học viện Tài chính

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)


*Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và triển khai đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học khối ngành Tài chính - Ngân hàng của Việt Nam”, Mã số 02.3/NSCL-2022.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nhu-cau-dao-tao-nang-suat-chat-luong-cho-sinh-vien-nganh-tai-chinh-ngan-hang-trong-cac-truong-dai-hoc-o-viet-nam-a302414.html