Thỏa thuận lịch sử giữa Anh và Mauritius về chủ quyền quần đảo Chagos

() - Anh và Mauritius hồi đầu tháng này đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc London trao trả chủ quyền quần đảo Chagos sau nhiều thập niên tranh chấp.

Thỏa thuận lịch sử giữa Anh và Mauritius về chủ quyền quần đảo Chagos - 1

Diego Garcia, đảo lớn nhất quần đảo Chagos (Ảnh: Reuters/Hải quân Mỹ).

15 năm trước, đối với người Mauritius - một quốc đảo nhỏ giữa Ấn Độ Dương - việc giành lại quần đảo Chagos còn tương đối xa vời.

Chagos là một phần của Mauritius khi quốc gia này còn là thuộc địa của Anh. Tới năm 1968, ngay trước khi trao trả độc lập cho Mauritius, Anh đã tách riêng quần đảo này và vẫn giữ quyền kiểm soát.

Nỗ lực của Mauritius càng thêm phức tạp khi Diego Garcia - đảo lớn nhất tại Chagos - đã là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và Anh từ những năm 70 của thế kỷ trước. Vị trí địa chiến lược án ngữ Ấn Độ Dương khiến London càng khó từ bỏ quần đảo này.

Tuy vậy, nhờ luật pháp quốc tế, Mauritius đã từng bước khiến Anh phải nhượng bộ và trao trả quần đảo Chagos. 

Bước đi của Mauritius 

Cuộc đối đầu giữa Mauritius và Anh bắt đầu từ năm 2010, khi Anh thiết lập một khu bảo tồn biển ở khu vực xung quanh quần đảo Chagos. Nhìn bề ngoài, dường như đây là nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Tuy nhiên, Anh có mục đích khác: Theo một bức điện được WikiLeaks công bố, một quan chức chính phủ Anh nói với phía Mỹ rằng đề xuất khu bảo tồn biển sẽ "chấm dứt yêu sách đòi quay trở lại sinh sống của các cư dân từng sống tại quần đảo", vốn trước đó đã bị Anh trục xuất.

Mauritius nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Navin Ramgoolam, Mauritius khởi kiện Anh ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tính hợp pháp của khu bảo tồn biển do Anh thiết lập.

Năm 2015, Tòa ra phán quyết nhận định khu bảo tồn biển không phù hợp với các quy định của UNCLOS do Anh chưa tham vấn và hạn chế quyền đánh cá của Mauritius. Dù vậy, tòa cho biết không có thẩm quyền đánh giá về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Chagos.

Được khích lệ bởi kết quả phiên tòa, Mauritius lựa chọn cơ chế tài phán khác để khẳng định yêu sách với quần đảo Chagos. Lần này, họ hướng tới Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Thỏa thuận lịch sử giữa Anh và Mauritius về chủ quyền quần đảo Chagos - 2

Vị trí quần đảo Chagos (Ảnh: DW).

Năm 2017, Mauritius vận động thành công Đại hội đồng Liên hợp quốc đề nghị ICJ ra ý kiến tư vấn về tranh chấp tại Chagos. Tới năm 2019, ICJ công bố ý kiến tư vấn theo hướng có lợi cho Mauritius. Theo tòa, Anh có nghĩa vụ chấm dứt quản lý quần đảo Chagos "sớm nhất có thể".

Ngay sau phán quyết, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết ủng hộ ý kiến của ICJ, cũng như yêu cầu Anh rút khỏi quần đảo trong vòng 6 tháng. Anh không tuân thủ nghị quyết này. Dù vậy, trên bản đồ thế giới chính thức của Liên hợp quốc, Chagos đã được đánh dấu là lãnh thổ của Mauritius.

Để tăng cường áp lực lên Anh, Mauritius tiếp tục đưa vụ việc ra Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS) khi cùng Maldives đề nghị ITLOS phân định ranh giới biển. ITLOS một lần nữa nhận định Anh không có chủ quyền với Chagos, dựa trên phán quyết trước đó của ICJ.

Anh lập luận họ không có nghĩa vụ tuân thủ ý kiến tư vấn và các phán quyết.  Tới năm 2022, chính phủ đảng Bảo thủ Anh tuyên bố chấp thuận đàm phán với Mauritius về việc trao trả quần đảo Chagos trong tương lai. Cuối năm 2023, đã có lúc tưởng như chính phủ Anh từ bỏ thỏa hiệp. Dù vậy, chưa đầy một năm sau, hai bên đã đi tới thỏa thuận cuối cùng.

Mauritius quá nhỏ trước Anh, một trong năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Xét về dân số, Mauritius chỉ có hơn 1,2 triệu dân, chưa bằng 1/50 so với Anh. Xét về quy mô nền kinh tế, tỷ lệ này chưa đầy 1/200. Mauritius thậm chí không có quân đội mà chỉ có lực lượng cảnh sát đảm bảo trị an. Dù vậy, cách mà Mauritius áp dụng luật pháp quốc tế. Để đi tới kết quả cuối cùng, Mauritius đã vận dụng các công cụ pháp lý theo luật pháp quốc tế, từng bước để khiến Anh phải thỏa hiệp.

Mauritius cũng phải có những nhân nhượng nhất định. Theo thỏa thuận giữa Mauritius và Anh, Mauritius sẽ để Anh đại diện nước này thực thi quyền chủ quyền tại đảo Diego Garcia trong 99 năm "để đảm bảo hoạt động lâu dài, an toàn và hiệu quả của căn cứ hiện có". Thổ dân Chagos cũng không được quay lại sinh sống ở đảo Diego Garcia như các đảo khác.

Ngoài luật pháp quốc tế, kết quả của Mauritius còn đến cả từ sự ủng hộ về ngoại giao và chính trị của các nước châu Phi.

Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, Argentina - nước cũng có tranh chấp lãnh thổ với Anh - gọi đây là hình mẫu để hai nước tiếp tục xử lý tranh chấp tại quần đảo Falkland/Malvinas.

"Argentina coi thỏa thuận là hình mẫu đáng khích lệ để chúng tôi tiếp tục hướng tới đối thoại nghiêm túc và có tính xây dựng với Anh, nhằm mục tiêu thiết lập lòng tin cần thiết để nối lại đàm phán", chính phủ Argentina tuyên bố hôm 4/10.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/thoa-thuan-lich-su-giua-anh-va-mauritius-ve-chu-quyen-quan-dao-chagos-a301974.html