Trận chiến đấu phòng không ác liệt tại thành phố cảng Odessa
Vào lúc nửa đêm ngày 14/11, lực lượng phòng không Ukraine đã đánh trả mạnh mẽ, chống lại cuộc tập kích bằng UAV tự sát quy mô lớn của Nga, biến bầu trời Odessa thành chiến trường trên không ác liệt.
Các cảnh quay cho thấy các loạt đạn vạch đường bay vút lên không trong đêm - gợi lên cảnh tượng giống như một trận chiến trong phim khoa học viễn tưởng - nhằm vô hiệu hóa những chiếc UAV tự sát mang đầy thuốc nổ của Nga, đang lao vào các mục tiêu trong thành phố.
Theo lực lượng vũ trang Ukraine, tổng cộng 53 UAV của Nga bị bắn hạ trong đêm, trong khi 30 chiếc khác được cho là đã lọt qua hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những con số này có liên quan cụ thể đến cuộc tấn công tại Odessa hay trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, các nguồn tin Nga, bao gồm cả kênh Rybar, xác nhận rằng Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV tự sát trên diện rộng, vào hàng loạt mục tiêu của Ukraine.
Ngoài UAV Geran-2, các nguồn tin Ukraine khẳng định rằng có cả các loại UAV "không xác định" cũng tham gia vụ tấn công. Các thông tin của Ukraine cũng cho biết, khu vực Kharkov cũng bị tập kích bởi tên lửa đất đối không S-300 đã hoán cải để tấn công mục tiêu mặt đất.
Cuộc tấn công của Nga, nhấn mạnh sự leo thang rộng hơn trong các cuộc giao tranh ở miền Nam Ukraine, nơi các lực lượng Moscow đã tăng cường nỗ lực tấn công các trung tâm hậu cần quan trọng, bao gồm cả khu vực cảng biển Odessa, điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các hoạt động quân sự của Ukraine.
Các nguồn tin của Nga cũng cho biết, vũ khí tấn công tầm xa của họ đã tấn công các bến tàu số 22, 25 và 37, trong khu vực cảng biển thương mại Odessa, nhắm vào các container được cho là chứa đạn dược, phụ tùng thay thế của vũ khí do phương Tây cung cấp.
Các cuộc tấn công đã phá hủy một phần hoặc hoàn toàn các kho đạn 155mm và 105mm dành cho các loại lựu pháo của Ukraine như M777 hay L119, cũng như linh kiện cho xe bọc thép mà phương Tây viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra còn nhiều vũ khí hiện đại khác cũng bị phá hủy, bao gồm cả UAV lảng vảng Switchblade.
Các cuộc tấn công của Nga, không chỉ phá hủy số vũ khí, trang bị của phương Tây viện trợ, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quan trọng, để có thể tiếp nhận các chuyến hàng tiếp theo.
Một đòn giáng đáng kể khác là sự phá hủy các thiết bị liên quan đến việc bảo dưỡng máy bay chiến đấu của phương Tây. Các nguồn tin của Nga cho biết, thiết bị được sử dụng để bảo dưỡng máy bay chiến đấu Mirage-2000-5F cũng như các máy bay khác được cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy.
Những tuyên bố của Nga nhấn mạnh, việc họ tập kích các căn cứ hậu cần, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phá hủy chuỗi cung ứng thời chiến của Ukraine, làm tê liệt một số hoạt động ở tiền tuyến.
Trong số những tổn thất đáng chú ý, các nguồn tin của Nga đã trích dẫn việc phá hủy một trận địa pháo phòng không tự hành Gepard do Đức cung cấp, được bố trí để bảo vệ cảng. Mặc dù có hiệu quả chống lại các mục tiêu bay thấp, nhưng Gepard được cho là "bất lực" với số lượng đông đảo UAV tham gia tấn công cùng lúc.
Vũ khí phòng không chủ lực tầm thấp của Ukraine
Mặc dù khó có thể xác định được loại pháo phòng không nào, đã được sử dụng trên bầu trời Odessa được thể hiện trong video nhưng có thể nhận thấy, hỏa lực phòng không chống UAV, là loại pháo phòng không Gepard do Đức cung cấp.
Gepard là loại pháo phòng không tự hành tầm thấp, sử dụng pháo tự động 2 nòng 35mm, hoạt động theo nguyên lý bắn nhanh, có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu bay thấp như UAV, máy bay có cánh hoặc tên lửa hành trình.
Với tốc độ bắn cực nhanh và có thể bắn nhiều loại đạn, mỗi loại được thiết kế để tối đa hóa sát thương các mục tiêu trên không, biến Gepard trở thành một vũ khí phòng không tương đối hiệu quả trong lưới lửa đa tầng.
Đạn pháo 35mm mà Gepard sử dụng, được thiết kế để có thể phá hủy mục tiêu với hiệu năng cao nhất khi va chạm. Với vận tốc đầu nòng khoảng 1.000 mét/giây, cho đạn pháo khả năng xuyên giáp tốt, biến nó thành vũ khí bảo vệ hiệu quả trước các mối đe dọa như UAV hay chiến đấu cơ bay thấp.
Sức mạnh thực sự của pháo phòng không Gepard nằm ở tốc độ bắn, khi nó có tốc độ bắn lý thuyết lên tới 1.000 viên đạn mỗi phút cho mỗi nòng pháo. Tuy nhiên tốc độ bắn chiến đấu được duy trì ở mức khoảng 500 viên mỗi phút cho mỗi nòng. Tốc độ đáng nể này, đảm bảo tăng mật độ hỏa lực trên không, nâng cao xác suất bắn trúng mục tiêu.
Hệ thống điều khiển hỏa lực, bao gồm nạp đạn, ngắm bắn tự động, giảm thiểu thời gian giữa các lần bắn, cho phép Gepard tấn công nhiều mục tiêu liên tiếp.
Với tốc độ bắn nhanh như vậy, tiếng nổ đầu nòng của pháo phòng không Gepard có những đặc trưng không thể nhầm lẫn trong chiến đấu, giúp phân biệt nó với các loại vũ khí phòng không trên cùng một khu vực trận địa.
Trong chiến đấu, pháo phòng không Gepard có thể bắn liên tiếp nhiều loạt đạn chỉ với thời gian dừng ngắn để hệ thống ngắm bắn tự động điều chỉnh. Khả năng bắn liên tục này cho phép hệ thống theo dõi, đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh. Khả năng thích ứng với quỹ đạo mục tiêu thay đổi theo thời gian thực của Gepard, đảm bảo rằng nó vẫn là vũ khí phòng không hiệu quả, chống lại các mục tiêu có tính cơ động cao.
Gepard, mặc dù là loại vũ khí được phát triển từ thời chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn phát huy được vai trò trong chiến tranh hiện đại, khi có thể kết hợp giữa tốc độ bắn, độ chính xác và hỏa lực mạnh, để đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa trên không.
Đặc biệt là tốc độ bắn và khả năng xuyên phá mục tiêu cao của đạn pháo, biến nó thành vũ khí phòng không quan trọng trong hệ thống phòng không đa tầng, đảm bảo tiêu diệt có hiệu quả những mục tiêu bay thấp với độ trễ tối thiểu.
Khi cả hai bên tăng cường sử dụng UAV tầm xa để tấn công lẫn nhau, thì bầu trời của Ukraine và Nga ngày càng trở nên căng thẳng, với hậu quả nặng nề cho cả hai bên.