ThS. Nguyễn Thị Tươi
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Tóm tắt
Nghiên cứu phân tích thực trạng phát triển doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tại tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2023, tập trung vào các chỉ tiêu: số lượng, lao động, nguồn vốn, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế. Trên cơ sở thực trạng phát triển DNTN của tỉnh Hưng Yên, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNTN tại địa phương.
Từ khóa: doanh nghiệp tư nhân, phát triển doanh nghiệp tư nhân, Hưng Yên
Summary
The study analyzes the current situation of private enterprise development in Hung Yen Province in 2020-2023, focusing on the following indicators: quantity, labor, capital, net revenue, and pre-tax profit. Based on the current situation of private enterprise development in Hung Yen Province, the study proposes some policy implications to promote the development of private enterprises in the locality.
Keywords: private enterprises, private enterprise development, Hung Yen
ĐẶT VẤN ĐỀ
Vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) đối với nền kinh tế ngày càng quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển KTTN là nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội, như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực… Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực KTTN đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Tuy nhiên, xem xét ở góc độ hiệu quả, thì KTTN chưa đáp ứng được vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, bởi trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh yếu; khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế; tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh… vẫn phổ biến.
Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm đồng bằng sông Hồng và đang phát triển trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; do đó, khu vực KTTN được định hướng phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Tỉnh với mục tiêu: phấn đấu đến hết năm 2025, toàn Tỉnh có 18.000 doanh nghiệp, năm 2030 có ít nhất 24.000 doanh nghiệp [5]. Trong khi đó, loại hình DNTN trong khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được cho là còn nhiều hạn chế nhất. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng phát triển DNTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là cần thiết, góp phần thúc đẩy DNTN tại địa phương phát triển cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.
VAI TRÒ CỦA DNTN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG
Quan niệm về DNTN
Hiểu ở cấp độ rộng, KTTN là khu vực kinh tế nằm ngoài khu vực kinh tế nhà nước, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó, tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Hiểu ở cấp độ hẹp, KTTN là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm: kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. KTTN tồn tại dưới các hình thức như: DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể. Như vậy, DNTN là một bộ phận của khu vực KTTN.
Trong nghiên cứu này, quan niệm về DNTN được căn cứ theo quy định tại Điều 188, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13: (a) DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; (b) DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; (c) Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN. Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh; (d) DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Vai trò của DNTN đối với sự phát triển
DNTN có đóng góp quan trọng vào sự phát triển không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, mà còn góp phần vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, mang lại lợi ích lớn cho xã hội, cụ thể:
Một là, DNTN đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. DNTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút phần lớn lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...
Hai là, DNTN đóng góp hiệu quả vào việc sử dụng nguồn lực địa phương, thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư để đầu tư vào sản xuất. Với quy mô chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, DNTN tận dụng lao động và nguyên liệu địa phương, đặc biệt là các sản phẩm phụ và phế liệu từ doanh nghiệp lớn, góp phần phát triển kinh tế ở nhiều địa phương.
Ba là, DNTN khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy cạnh tranh: Nhờ tính linh hoạt, DNTN dễ dàng áp dụng các ý tưởng mới, thử nghiệm mô hình kinh doanh, tạo cạnh tranh và phát triển trong ngành. Đồng thời, DNTN tạo sự đa dạng và cạnh tranh trên thị trường, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Bốn là, DNTN hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và phát triển bền vững: DNTN đầu tư vào cộng đồng và thương mại địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế tại chỗ. Nhiều DNTN quan tâm đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng.
Năm là, DNTN đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản nộp thuế, giúp tài trợ cho các dịch vụ công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Yêu cầu đối với phát triển DNTN
Trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam, đòi hỏi hệ thống DNTN phát huy tính sáng tạo và đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm một cách hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung cho người dân. Nghị quyết số 45/NQ-CP, ngày 31/3/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đề ra mục tiêu: (i) Phát triển DNTN về số lượng và quy mô với việc hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; (ii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP; (iii) Tăng năng suất lao động khoảng 5%/năm và số lượng DNTN có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh; tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Như vậy, phát triển DNTN ở địa phương cấp tỉnh chính là quá trình tăng trưởng về số lượng, quy mô (lao động, vốn, doanh thu) và nâng cao hiệu quả chất lượng (lợi nhuận trên doanh thu, lợi nhuận trên lao động và vốn cao hơn theo thời gian). Quá trình này còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu DNTN theo vùng, thành phần kinh tế và ngành sản xuất, thông qua các chính sách vĩ mô và vi mô để xây dựng thị trường, tạo môi trường đầu tư và hỗ trợ kinh doanh, nhằm thúc đẩy DNTN phát triển bền vững.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DNTN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
Tỉnh Hưng Yên đang trong giai đoạn phát triển nhanh, đi cùng với đó có sự hiện diện của DNTN tham gia vào các quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, thương mại, dịch vụ, xây dựng... Sự phát triển DNTN được thể hiện ở các tiêu chí như sau:
Số lượng DNTN
Số lượng DNTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp khu vực KTTN toàn Tỉnh. Trong giai đoạn 2020-2023, số lượng DNTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có xu hướng giảm qua từng năm, cụ thể: năm 2020 toàn Tỉnh có 244 doanh nghiệp, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 237 doanh nghiệp, giảm 7 doanh nghiệp so với năm trước; năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhất khi số lượng doanh nghiệp giảm 47, xuống còn 190 doanh nghiệp; Số DNTN tiếp tục giảm chỉ còn 184 doanh nghiệp vào năm 2023. Tính chung cả giai đoạn 2020-2023, số lượng DNTN đã giảm 60 doanh nghiệp, tương ứng mức giảm 24,59% (Bảng 1). Sự suy giảm này chủ yếu tập trung ở nhóm DNTN quy mô siêu nhỏ. Năm 2021, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ giảm 4 doanh nghiệp; đến năm 2022, số doanh nghiệp siêu nhỏ đóng cửa tăng vọt lên 55 doanh nghiệp; tiếp tục có thêm 4 doanh nghiệp siêu nhỏ ngừng hoạt động vào năm 2023. Tổng cộng trong giai đoạn 2020-2023, số lượng DNTN siêu nhỏ đã giảm 63 doanh nghiệp, tương đương mức giảm 30,14%.
Bảng 1: Số lượng DNTN tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2023
Số lượng DNTN | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 |
Siêu nhỏ | 209 | 205 | 150 | 146 |
Nhỏ | 31 | 29 | 36 | 33 |
Vừa | 3 | 2 | 3 | 5 |
Lớn | 1 | 1 | 1 | - |
Tổng | 244 | 237 | 190 | 184 |
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các DNTN, đặc biệt là nhóm DNTN siêu nhỏ, gặp hạn chế về nguồn vốn và khó tiếp cận các khoản vay trên thị trường tài chính. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19. Đại dịch Covid-19 không chỉ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, mà còn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Mặc dù có sự giảm mạnh về số lượng qua từng năm nhưng DNTN có quy mô siêu nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số DNTN của địa phương. Năm 2020 DNTN siêu nhỏ chiếm 85,66%, năm 2023 tỷ lệ DNTN siêu nhỏ là 79,35%. Ngoài DNTN siêu nhỏ, thì DNTN nhỏ cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, dao động từ 12,24% đến 18,95% (Hình 1).
Hình 1: Tỷ trọng DNTN tỉnh Hưng Yên theo quy mô giai đoạn 2020-2023
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu điều tra doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2023 |
Lao động trong các DNTN
Do số lượng DNTN giảm qua các năm, số lượng lao động cũng giảm tương ứng. Năm 2023, tổng số lao động tại các DNTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 1.089 người, giảm 97 người so với năm 2020, tương ứng mức giảm 8,18%. Theo đó, lao động trong các DNTN siêu nhỏ giảm mạnh nhất, từ 560 người năm 2020 xuống còn 330 người năm 2023, giảm 230 người, tương ứng mức giảm 41,07%. Ngược lại, trong các DNTN quy mô nhỏ và vừa, sau khi số lao động giảm nhẹ vào năm 2021, tổng số lao động đã gia tăng đáng kể vào các năm 2022 và 2023, đặc biệt ở các DNTN quy mô nhỏ. Năm 2023, lao động tại các DNTN quy mô nhỏ tăng 106 người, tương đương mức tăng 25,12% và các DNTN quy mô vừa cũng ghi nhận mức tăng 31 người, tương ứng 15,5%. Điều này cho thấy, các DNTN quy mô nhỏ và vừa đã thể hiện sự linh hoạt, vượt qua khó khăn và tìm ra hướng đi đúng đắn để phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Bảng 2: Tổng số lao động và nữ lao động trong các DNTN tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2023
Năm | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 |
Tổng số lao động (người) | ||||
DN siêu nhỏ | 560 | 486 | 374 | 330 |
DN nhỏ | 422 | 430 | 462 | 528 |
DN vừa | 200 | 115 | 251 | 231 |
DN lớn | 4 | 4 | 4 | - |
Tổng số | 1.186 | 1.035 | 1.091 | 1.089 |
Số lao động nữ (người) | ||||
DN siêu nhỏ | 235 | 207 | 157 | 137 |
DN nhỏ | 133 | 182 | 244 | 290 |
DN vừa | 29 | 29 | 126 | 84 |
DN lớn | 1 | 1 | 1 | - |
Tổng số | 398 | 419 | 528 | 511 |
Số liệu tổng hợp từ Bảng 2 cho thấy, các DNTN trên địa bàn Tỉnh ngày càng sử dụng hiệu quả lực lượng lao động nữ. Theo đó, các DNTN quy mô siêu nhỏ có hiện tượng giảm lao động nữ ít hơn so với lao động nam. Năm 2023, số lao động nữ giảm 102 người, trong tổng số 230 lao động giảm. Ở các DNTN quy mô vừa và nhỏ, đã có sự tái cơ cấu lao động với việc giảm số lao động nam và tăng số lao động nữ. Do đó, đến năm 2023, số lao động nữ trong các DNTN quy mô nhỏ và vừa lần lượt tăng 157 và 55 người. Tỷ lệ lao động nữ trên tổng số lao động tại các DNTN nhỏ và vừa đã tăng từ 31,52% và 14,5% vào năm 2020 lên 54,92% và 36,36% vào năm 2023 (Hình 2).
Hình 2: Tỷ trọng lao động nữ trong các DNTN qua các năm
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu điều tra doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2023 |
Cơ cấu nguồn vốn trong các DNTN
Tổng nguồn vốn: Trong giai đoạn 2020-2023, tổng nguồn vốn của các DNTN có sự biến động tăng giảm qua các năm. Năm 2021 và 2022, tổng nguồn vốn có sự gia tăng so với năm 2020, nhưng đến năm 2023 lại giảm mạnh. Tính chung cả giai đoạn, tổng nguồn vốn đã giảm từ 2.236.262,8 triệu đồng năm 2020 xuống còn 1.996.317,49 triệu đồng năm 2023, tức giảm 239.945,31 triệu đồng, tương ứng mức giảm 10,73%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do việc giải thể của một doanh nghiệp lớn vào năm 2023 (Bảng 3).
Xét theo quy mô, DNTN siêu nhỏ có sự gia tăng rõ rệt về tổng nguồn vốn, dù số lượng doanh nghiệp loại này giảm mạnh qua các năm. Đến năm 2023, tổng nguồn vốn của DNTN siêu nhỏ đã tăng thêm 353.329,49 triệu đồng so với năm 2020, tương ứng mức tăng 73%. Điều này cho thấy, DNTN siêu nhỏ có khả năng huy động nguồn vốn nhanh chóng để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp này ít chịu tác động từ đại dịch Covid-19 do thị trường tiêu thụ chủ yếu là thị trường tại chỗ. Với quy mô nhỏ gọn, các DNTN siêu nhỏ cũng dễ dàng chuyển hướng kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Vốn chủ sở hữu (CSH): Giai đoạn 2020-2023, vốn CSH có sự sụt giảm nhẹ, từ 498.979,30 triệu đồng năm 2020 xuống còn 463.296,49 triệu đồng năm 2023, tức giảm 35.682,81 triệu đồng, tương ứng mức giảm 7,15%. Vốn CSH của các DNTN siêu nhỏ và DNTN lớn giảm qua các năm, trong khi các DNTN quy mô vừa và nhỏ lại có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn CSH so với tổng nguồn vốn của DNTN vẫn ở mức thấp. Năm 2023, tỷ lệ này chỉ đạt 23,21%, trong đó DNTN quy mô vừa có cơ cấu vốn CSH tốt nhất với 36,13%, trong khi DNTN quy mô nhỏ có cơ cấu thấp nhất, chỉ đạt 17,88% (Bảng 3). Điều này phản ánh năng lực tài chính hạn chế của các DNTN, khiến họ dễ gặp khó khăn lớn khi nền kinh tế đối mặt với những biến động bất lợi.
Tài sản dài hạn: Giá trị tài sản dài hạn của các DNTN có xu hướng tăng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Năm 2023, giá trị tài sản dài hạn đạt 820.439,13 triệu đồng, tăng 46.179,33 triệu đồng, tương ứng mức tăng 6%. Tỷ lệ tài sản dài hạn so với tổng tài sản cũng tăng, từ 34,62% năm 2020 lên 41,1% năm 2023 (Bảng 3). Trong đó, tài sản dài hạn của DNTN siêu nhỏ, nhỏ và vừa đều có sự gia tăng tương tự như xu hướng chung của các DNTN. Tuy nhiên, ở nhóm DNTN quy mô lớn, cả giá trị và tỷ lệ tài sản dài hạn đều giảm. Đến năm 2023, không còn doanh nghiệp quy mô lớn nào hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Bảng 3: Cơ cấu nguồn vốn phân theo quy mô của các DNTN tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-20223
Đơn vị: Triệu đồng
Loại hình | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 |
Tổng nguồn vốn (triệu đồng) | ||||
DN siêu nhỏ | 481.870,40 | 1.416.190,90 | 1.059.807,10 | 835.199,89 |
DN nhỏ | 1.335.424,50 | 474.180,20 | 920.016,10 | 890.060,40 |
DN vừa | 122.417,90 | 147.167,6 | 111.895,80 | 271.057,20 |
DN lớn | 296.550,00 | 224.135,50 | 392.493,90 | - |
Tổng cộng | 2.236.262,80 | 2.261.674,20 | 2.484.212,90 | 1.996.317,49 |
Vốn CSH (triệu đồng) | ||||
DN siêu nhỏ | 263.495,60 | 288.271,40 | 205.278,30 | 206.231,48 |
DN nhỏ | 146.714,90 | 156.145,00 | 232.016,30 | 159.130,76 |
DN vừa | 55.402,70 | 51.926 | 9.153,60 | 97.934,25 |
DN lớn | 33.366,10 | 34.834,60 | 35.581,70 | - |
Tổng cộng | 498.979,30 | 531.177,00 | 482.029,90 | 463.296,49 |
Tài sản dài hạn (triệu đồng) | ||||
DN siêu nhỏ | 99.764,90 | 672.487,90 | 658.991,40 | 253.273,47 |
DN nhỏ | 648.953,60 | 128.329,90 | 143.499,00 | 488.976,69 |
DN vừa | 9.089,60 | 8.675,1 | 16.856,50 | 78.188,97 |
DN lớn | 16.451,70 | 14.157,80 | 11.045,40 | - |
Tổng cộng | 774.259,80 | 823.650,70 | 830.392,30 | 820.439,13 |
Kết quả kinh doanh của các DNTN
Doanh thu thuần: Năm 2023, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) giảm so với năm 2020 là 180.895,30 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do một DNTN quy mô lớn đã dừng hoạt động, cùng với sự sụt giảm doanh thu ở các DNTN siêu nhỏ và nhỏ. Tuy nhiên, các DNTN quy mô vừa vẫn duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, với doanh thu thuần năm 2023 tăng 980.507,23 triệu đồng so với năm 2020, tương đương gấp 5,22 lần (Bảng 4).
Lợi nhuận trước thuế: Do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, một số DNTN thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm mạnh. Các năm 2022 và 2023, lợi nhuận trước thuế của các DNTN đều ở mức âm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của DNTN siêu nhỏ âm trong cả giai đoạn 2020-2023, nhưng có sự cải thiện dần qua các năm. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của DNTN nhỏ đạt 547,57 triệu đồng, đánh dấu sự chuyển biến tích cực sau giai đoạn lợi nhuận âm từ năm 2020-2022. Ngược lại, DNTN quy mô vừa và lớn trước đây có lợi nhuận dương trong giai đoạn 2020-2022, nhưng đến năm 2023, DNTN lớn dừng hoạt động, còn DNTN vừa ghi nhận lợi nhuận âm (Bảng 4).
Thực hiện nghĩa vụ thuế: Mặc dù doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế giảm qua các năm, các DNTN vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế và các khoản phải nộp. Năm 2023, thuế và các khoản phải nộp tăng 4.787,56 triệu đồng, tương ứng mức tăng 55,99%. Theo đó, DNTN quy mô nhỏ và siêu nhỏ đóng góp phần lớn vào ngân sách năm 2023, với tỷ lệ lần lượt là 62,4% và 23,1% (Bảng 4). Điều này cho thấy, vai trò quan trọng của các DNTN nhỏ và siêu nhỏ trong việc duy trì nguồn thu ngân sách địa phương.
Bảng 4: Doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế, thuế và các khoản đã nộp của DNTN tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2023
Đơn vị: Triệu đồng
Năm | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 |
Doanh thu thuần | ||||
DN siêu nhỏ | 403.102,80 | 355.415,00 | 385.206,70 | 311.932,90 |
DN nhỏ | 815.515,90 | 503.129,00 | 810.173,30 | 708.855,27 |
DN vừa | 232.591,50 | 232.045,5 | 171.781,90 | 1.213.098,73 |
DN lớn | 963.572,00 | 1.293.079,30 | 807.675,00 | - |
Tổng cộng | 2.414.782,20 | 2.383.668,80 | 2.174.836,90 | 2.233.886,90 |
Lợi nhuận trước thuế | ||||
DN siêu nhỏ | -12.052.0 | -1.056,60 | -9.011,00 | - 5.762,19 |
DN nhỏ | -3.579,50 | -4.286,90 | -1.071,50 | 547,57 |
DN vừa | 6.879,50 | 7.789,8 | 1.035,60 | - 21.431,00 |
DN lớn | 3.459,30 | 1.835,50 | 934,30 | - |
Tổng cộng | 6759,30 | 4281,80 | -8112,60 | - 26.645,62 |
Thuế và các khoản đã nộp | ||||
DN siêu nhỏ |
| 3.047,35 | 2.471,87 | 3.081,19 |
DN nhỏ |
| 4.908,59 | 8.670,92 | 8.323,60 |
DN vừa |
| 578,71 | 451,29 | 1.933,83 |
DN lớn |
| 16,41 | 0,00 | - |
Tổng cộng |
| 8.551,06 | 11.594,08 | 13.338,62 |
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DNTN TỈNH HƯNG YÊN
Để phát triển DNTN cả về số lượng và chất lượng, trở thành một lực lượng quan trọng trong khu vực KTTN đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn 2025-2030, đòi hỏi các bên liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Về phía doanh nghiệp tư nhân
Thứ nhất, nâng cao quản lý và tối ưu hoạt động. DNTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cần xây dựng chiến lược rõ ràng, tăng cường kỹ năng quản lý và ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá hoạt động. Cải tiến chất lượng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm/ dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần thực hiện quản lý tài chính hiệu quả bằng cách kiểm soát chi phí, tìm kiếm nguồn vốn và lập kế hoạch tài chính dài hạn.
Thứ hai, tăng cường marketing và mở rộng thị trường. DNTN tận dụng các kênh marketing số, như: mạng xã hội, Google Ads và email marketing để tiếp cận khách hàng. Tổ chức sự kiện, khuyến mãi và hợp tác với các đối tác sẽ mở rộng thị trường nhanh chóng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần khảo sát thị trường mới, phát triển xuất khẩu hoặc mở rộng chi nhánh để nâng cao độ phủ sóng.
Thứ ba, phát triển nhân lực và ứng dụng công nghệ tiên tiến. DNTN cần tập trung đầu tư đào tạo nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách phúc lợi nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Đồng thời, DNTN cần thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa và khai thác Big data để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Về phía chính quyền địa phương
Một là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và hỗ trợ tài chính. Tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, minh bạch hóa chính sách và giảm chi phí pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN. Tăng cường hỗ trợ DNTN tiếp cận vốn thông qua quỹ hỗ trợ, tín dụng ưu đãi. Đề xuất các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính đặc biệt cho DNTN địa phương.
Hai là, hỗ trợ DNTN phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cơ quan quản lý địa phương phối hợp với các trường đại học tập trung đào tạo kỹ năng quản trị cho nhà quản lý, đào tạo tay nghề cho người lao động tại các DNTN. Khuyến khích DNTN ứng dụng công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.
Ba là, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh và mở rộng thị trường. Chính quyền và cơ quan ban ngành địa phương tạo diễn đàn kết nối doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Hỗ trợ DNTN hội nhập quốc tế thông qua các FTA và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi chính sách hỗ trợ, lắng nghe phản hồi từ DNTN để điều chỉnh kịp thời./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, Nxb Thống kê.
2. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2024), Niên giám thống kê Hưng Yên năm 2023, Nxb Thống kê.
3. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2020-2023), Báo cáo thống kê tình hình hoạt động doanh nghiệp các năm, từ năm 2020 đến năm 2023.
4. Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp, số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014.
5. UBND tỉnh Hưng Yên (2023), Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/6/2023 về thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
*Nghiên cứu là một phần trong đề tài mã số UTEHY.L.2024.24 được tài trợ bởi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên |
Ngày nhận bài: 28/10/2024; Ngày phản biện: 25/11/2024; Ngày duyệt đăng: 29/11/2024 |