
Cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine đã lên một cấp độ mới và đang có lợi cho Moscow (Ảnh minh họa: Skynews).
Từ "dòng lũ thép" đến xâm nhập
Thành phố Pokrovsk, nơi chỉ cách thủ phủ Donetsk 30km, đang trải qua sự chuyển đổi tấn công và phòng thủ dữ dội nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022.
Quân đội Nga (RFAF) đã thay đổi chiến thuật từ tấn công trực diện có vẻ hơi "vụng về" trước đây, sang thực hiện một đường vòng, đánh thọc sườn đối phương bằng lực lượng 50.000 binh sĩ, tương đương 27 đơn vị cấp lữ đoàn.
Tuyến phòng thủ Ukraine ở Pokrovsk được dày công xây dựng với 20.000 binh sĩ, đã bộc lộ những lỗ hổng chết người chỉ trong vòng 72 giờ. qua Nơi đây cũng chứng kiến sự chuyển đổi chiến thuật của quân đội Nga, từ "dòng lũ thép" trước kia, sang cách đột kích và xâm nhập.
Những bài học cay đắng của mùa đông năm ngoái, đã khiến RFAF phải xem xét lại toàn bộ chiến thuật của mình. Vào thời điểm đó, Cụm quân phía Đông RFAF chỉ tiến được chưa đến 500m mỗi ngày, nhưng phải trả giá bằng việc mất 3-4 xe bọc thép.
Dựa vào hệ thống công sự kiên cố bằng bê tông cốt thép bên ngoài thành phố, AFU đã kết hợp các bãi mìn dày đặc cộng với pháo binh và UAV loại FPV, tạo thành một mạng lưới hỏa lực kín kẽ, thậm chí họ còn biến một số công trình dân sự như trường học và bệnh viện thành những trận địa bí mật.
Báo cáo chiến đấu của Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 Nga cho thấy một trong những nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn của họ, khi tấn công làng Pishchane, đã chạm trán với một bãi mìn do AFU thiết lập khiến 14 xe chiến đấu bộ binh BMP bị phá hủy và hơn 40% quân số thương vong.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi chiến thuật bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái, khi Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga tái tổ chức lực lượng. Các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn ban đầu phân tán, đã được hợp nhất thành các nhóm tấn công cấp lữ đoàn.
Mỗi nhóm tấn công cấp lữ đoàn RFAF, được biên chế 1 tiểu đoàn xe tăng, 2 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 1 tiểu đoàn pháo tự hành và 1 đại đội UAV FPV, để tạo thành một mô-đun chiến đấu "tích hợp tấn công - phòng thủ".
Cùng với đó, quân đội Nga đã tích cực nâng cấp vũ khí: Xe tăng T-90M được trang bị đầy đủ giáp phản ứng nổ Relikt thế hệ thứ 3, có thể chống lại các cuộc tấn công của tên lửa Javelin ở khoảng cách 1.500m; xe chiến đấu bộ binh BMP-3 được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Arena, tỷ lệ đánh chặn thành công tăng lên 78%;
Họ cũng thay đổi kết cấu hỏa lực, khi kết hợp pháo tự hành 2S19 Msta-S và bệ phóng tên lửa Tornado-S, để đạt được khả năng tấn công bão hòa 3.000 viên đạn pháo trên 1km chiều rộng của mặt trận; vô hiệu hóa hoàn toàn radar trinh sát pháo binh của AFU.
Sự chuyển đổi này được thể hiện rõ nét trong trận đột phá ở phía tây nam thành phố. Các trắc thủ điều khiển UAV thuộc Cụm quân Trung tâm đã sử dụng UAV trinh sát tầm trung Orion, để theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của sở chỉ huy Lữ đoàn bộ binh cơ giới 110 AFU, sau đó chỉ thị mục tiêu cho tên lửa Iskander-M thực hiện đòn tấn công chính xác vào đầu não của đơn vị này.
Tiếp theo, cụm xe tăng T-80BVM của Lữ đoàn bộ binh cơ giới 36 RFAF tràn vào từ điểm đột phá và kiểm soát các nút trọng yếu của đường cao tốc M-30 chỉ trong 4 giờ.

Bản đồ chiến sự Nga - Ukraine tại Pokrvosk ngày 16/7. Trong đó, Moscow kiểm soát phần màu nâu, các khu vực màu đỏ là nơi họ mới giành được và đang tiếp tục tấn công theo những mũi tên đỏ (Ảnh: Rybar).
Lỗ hổng chết người trên tuyến phòng thủ Ukraine
Việc triển khai phòng thủ của AFU tại thành phố Pokrovsk, có thể được gọi là phiên bản hiện đại hóa của "Phòng tuyến Maginot":
Thứ nhất, mật độ quân Ukraine: 7 lữ đoàn chủ lực, bao gồm 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 3 lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ, 1 lữ đoàn thiết giáp và 1 lữ đoàn pháo binh, được triển khai trên mặt trận dài 12km, với trung bình 1.600 tay súng phòng ngự trên 1km.
Thứ hai, sức mạnh của hệ thống công sự trận địa: Xây dựng hệ thống phòng thủ 3 lớp gồm trên mặt đất là chiến hào chống tăng, hàng răng rồng bê tông , dây thép gai kết hợp với bãi mìn; dưới ngầm là mạng lưới đường hầm sâu tới 15m và lớp trên không được triển khai hệ thống phòng không Buk-M1.
Thứ ba, cấu hình hỏa lực: 6 súng cối và pháo có cỡ nòng từ 120mm trở lên, 4 xe bọc thép Hummer được trang bị tên lửa TOW và 2 thiết bị thông tin liên lạc đầu cuối Starlink được triển khai trên mỗi km vị trí.
Tuy nhiên, tuyến "phòng thủ tĩnh" này có 3 nhược điểm nghiêm trọng:
Hai bên sườn yếu: AFU tập trung 70% lực lượng ở hướng phòng ngự chủ yếu, nhưng bảo vệ bên sườn chỉ có một tiểu đoàn thiếu của Lữ đoàn bộ binh cơ giới 110 được triển khai ở phía tây nam, và độ dày của tuyến phòng thủ chưa đến 3km;
Không có chiều sâu: Tuyến phòng thủ thứ hai chỉ cách tuyến phòng thủ trung tâm 5km. Nếu RFAF đột phá thành công, họ có thể đe dọa trực tiếp đến trung tâm tiếp tế phía sau;
Nhược điểm trên không: AFU không thể triển khai máy bay chiến đấu trên khu vực, trong khi các máy bay tiêm kích Su-35S và hệ thống tên lửa S-400 của Nga có thể đạt được ưu thế trên không liên tục 24/24h.
RFAF đã lợi dụng những kẽ hở này và phát động cuộc tấn công "3 mũi nhọn":
UAV dẫn đường: UAV tự sát Geran-2 đã phá hủy các nút liên kết quân sự của Ukraine cả ngày lẫn đêm và cho phá hủy 8 thiết bị đầu cuối Starlink trong vòng 72 giờ. Đáng chú ý là UAV Geran-2 của Nga cải tiến để có thể điều khiển như UAV FPV, thay vì chỉ tấn công theo tọa độ như trước kia.
Chế áp tác chiến điện tử: Hệ thống tác chiến điện tử chiến thuật Krasukha-4 đã can thiệp hoàn toàn vào khả năng điều khiển UAV FPV bên phía Ukraine, khiến hiệu quả trinh sát của chúng giảm 65%;
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-S thực hiện "rải thảm hỏa lực" vào khu vực tập kết quân của đối phương. Mỗi loạt đạn có thể bao phủ một khu vực rộng 2km2; kết hợp với bom lượn có điều khiển UMPK thả từ máy bay tiêm kích bom Su-34, tấn công các mục tiêu kiên cố theo kiểu “phẫu thuật”.

Ukraine đang gấp rút xây dựng các tuyến phòng thủ mới, bao gồm cả hàng răng rồng (Ảnh: AFP).
Ukraine đối mặt hậu quả nghiêm trọng
Có thể khẳng định, việc AFU để mất thành phố Pokrovsk, sẽ gây ra "hiệu ứng domino" ở khu vực phía đông sông Dnieper. Hiện nay, giá trị chiến lược của thành phố đã vượt xa phạm vi quân sự:
Về kinh tế: Kiểm soát Pokrovsk, có nghĩa là lực lượng Moscow cắt đứt tuyến đường sắt mà Ukraine sử dụng để vận chuyển than từ tỉnh Donetsk đến tỉnh Zaporizhia, ảnh hưởng trực tiếp đến 30% nguồn cung cấp điện của Ukraine;
Về tâm lý: Đây vốn là một "thành phố kiểu mẫu" được AFU giành lại từ lực lượng nổi dậy thân Nga vào năm 2014, việc mất thành phố này, sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hình ảnh của lực lượng vũ trang và chính quyền Ukraine.
Về chiến thuật: Sau khi chiếm được Pokrovsk, RFAF có thể sử dụngthành phố này làm bàn đạp cực kỳ thuận lợi để tiến về phía tây bắc, hợp lực với nhóm lực lượng ở mặt trận phía nam, cùng tấn công Zaporizhia.
Các tuyến tiếp tế bị phá vỡ: Vũ khí có điều khiển của Nga đã phá hủy 3 cây cầu quan trọng dẫn đến thành phố, và lực lượng Kiev tại Pokrovsk - Mirnograd phải dựa vào việc thả hàng tiếp tế bằng đường không (UAV) khi màn đêm buông xuống hoặc qua các con đường mới mở đi xuyên các cánh đồng ở phía bắc thành phố;
Suy giảm quân số: Lữ đoàn bộ binh cơ giới 47 tổng cộng 3.200 binh sĩ khi thành lập đầu năm 2023 nhưng hiện chỉ còn lại 1.800 binh sĩ, trong đó 60% là tân binh;
Thiếu hụt vũ khí: Trong số 18 xe tăng Leopard 2A6 mà Đức hứa cung cấp, chỉ có 5 chiếc đến tiền tuyến, trong khi số còn lại bị tên lửa Iskander của Nga phá hủy trong quá trình vận chuyển.
Điều nghiêm trọng hơn là Nga đang thực hành đúng chiến thuật mà họ đã thành công khi đánh sập Mariupol. Họ bao vây 3 mặt và cố tình để lại một khoảng trống ở phía tây bắc, để dụ binh sĩ Ukraine lao vào bãi mìn và “bẫy hỏa lực” khi rút lui.
Bên cạnh đó, chiến tranh tâm lý được nâng cấp. Theo đó, tờ rơi được thả bằng UAV, cảnh báo những binh sĩ Kiev đang tử thủ rằng "đầu hàng sẽ được đối xử như tù binh chiến tranh, còn nếu sự kháng cự sẽ bị xóa sổ hoàn toàn".
Ngoài ta, Nga cũng tiến hành phong tỏa thông tin bằng cách sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN để chặn mọi băng tần liên lạc của AFU, nhốt họ vào một "hoang đảo thông tin".
Đêm trước trận chiến quyết định
Cuộc tấn công và phòng thủ tại thành phố Pokrovsk đã bộc lộ 3 xu hướng chính trong chiến tranh hiện đại:
Chiến tranh bất đối xứng của bên được coi là mạnh hơn: RFAF đã sử dụng UAV Geran-2, trị giá 20.000 USD để phá hủy pháo lựu M777 trị giá 2 triệu USD của AFU;
Đối đầu có hệ thống: Chu kỳ "trinh sát - tấn công - đánh giá kết quả" của RFAF đã được rút ngắn xuống còn 8 phút, trong khi AFU vẫn cần 2 giờ để tính toán tọa độ mục tiêu;
Trận chiến trên mặt trận tư tưởng: RFAF phát sóng trực tiếp chiến trường thông qua mạng xã hội TikTok, với lượng phát lại trung bình hàng ngày hơn 100 triệu lần, làm suy yếu nghiêm trọng tinh thần của binh lính Ukraine.
Theo tin tức từ tiền tuyến, RFAF đã xây dựng kế hoạch tác chiến "3 giai đoạn":
Giai đoạn 1 (tháng 7): Kiểm soát tất cả các điểm cao có giá trị chiến thuật bên ngoài thành phố Pokrovsk và cắt đứt các tuyến tiếp tế cho AFU ở thành phố;
Giai đoạn 2 (tháng 8): Chiếm khu công nghiệp phía tây thành phố và thiết lập chốt kiểm soát hỏa lực;
Giai đoạn 3 (tháng 9): Quân Ukraine phòng thủ còn lại sẽ rơi vào bẫy và toàn bộ thành phố sẽ được kiểm soát hoàn toàn.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine đang cân nhắc một "biện pháp quyết liệt", nếu không thể bảo vệ được Pokrovsk, toàn bộ cơ sở hạ tầng trong thành phố sẽ bị phá hủy và AFU phải rút lui về tuyến phòng thủ thứ hai cách đó 20-25km về phía tây bắc.