Đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh(*)

Kết quả nghiên cứu xác định 4 nhóm nhân tố chính ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh gồm: Nhu cầu du lịch, Sự tham gia của cộng đồng, Hạ tầng du lịch, Chất lượng dịch vụ; giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

NCS. Nguyễn Huỳnh Phương Thảo

Trường Đại học Thủy Lợi

Email: nhpthao.vosco@gmail.com

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đề xuất xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh. Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong nghiên cứu để phỏng vấn sâu với 12 chuyên gia có chuyên môn sâu trong lĩnh vực du lịch, qua đó giúp xác nhận tính hợp lý và phù hợp của mô hình nghiên cứu. Kết quả xác định 4 nhóm nhân tố chính ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh gồm: Nhu cầu du lịch, Sự tham gia của cộng đồng, Hạ tầng du lịch, Chất lượng dịch vụ. Kết quả nghiên cứu cung cấp mô hình có tính ứng dụng cao, hỗ trợ nghiên cứu tiếp theo và giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

Từ khoá: Phát triển du lịch bền vững, nhu cầu du lịch, sự tham gia của cộng đồng, hạ tầng du lịch, chất lượng dịch vụ, Tây Ninh

Summary

This study aims to propose and develop a model of factors influencing sustainable tourism development in Tay Ninh Province. A qualitative research method was employed through in-depth interviews with 12 experts specialized in the tourism sector, thereby validating the relevance and suitability of the proposed research model. The findings identify four key factor groups affecting sustainable tourism development in Tay Ninh, including tourism demand, community participation, tourism infrastructure, service quality, and sustainable tourism development. The study provides a highly applicable model that can support future research and assist local policymakers in formulating strategies for sustainable tourism development.

Keywords: Sustainable tourism development, tourism demand, community participation, tourism infrastructure, service quality, Tay Ninh

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thời gian qua, phát triển du lịch bền vững đã trở thành một đề tài nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm. Kết quả nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhu cầu du lịch là động lực chính thúc đẩy đầu tư và nâng cấp hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của người dân địa phương đóng vai trò quyết định trong việc phát triển và duy trì hạ tầng du lịch bền vững. Cộng đồng không chỉ tham gia xây dựng mà còn góp phần quản lý và bảo tồn hạ tầng, tạo sự liên kết giữa các bên liên quan và nâng cao hiệu quả dự án, góp phần mang lại lợi ích bền vững từ dịch vụ du lịch. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch cũng là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ tài nguyên, nâng cao ý thức và duy trì giá trị văn hóa - sinh thái lâu dài…

Tại Việt Nam, dù đề tài về phát triển du lịch bền vững cũng được quan tâm nghiên cứu, nhưng vẫn tồn tại 2 khoảng trống đáng chú ý. Thứ nhất, đó là sự thiếu vắng các nghiên cứu chuyên sâu, dẫn đến khoảng trống trong việc đề xuất giải pháp phù hợp với địa phương. Thứ hai, các nghiên cứu hiện tại chủ yếu sử dụng mô hình tuyến tính đơn giản, chưa xem xét đầy đủ tính phức hợp và mối quan hệ đa chiều giữa các yếu tố.

Trong bối cảnh tỉnh Tây Ninh tìm cách đa dạng hóa kinh tế và giảm phụ thuộc vào nông nghiệp, phát triển du lịch bền vững nổi lên như một giải pháp chiến lược. Với những tiềm năng đặc thù từ hệ sinh thái ven sông Vàm Cỏ Đông, các di sản văn hóa - lịch sử độc đáo và nền tảng nông nghiệp vững mạnh…, Tây Ninh có cơ hội tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp hấp dẫn (Bnews, 2023). Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các tiềm năng này, cần có những hiểu biết sâu sắc dựa trên dữ liệu về các yếu tố thúc đẩy sự phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu này, đồng thời khắc phục những hạn chế của các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu tập trung vào 5 biến số cốt lõi: Nhu cầu du lịch, Sự tham gia của cộng đồng, Hạ tầng du lịch, Chất lượng dịch vụ và Phát triển du lịch bền vững. Thông qua việc đề xuất một mô hình tổng thể thay vì xem xét các yếu tố riêng lẻ, kết quả nghiên cứu không chỉ là nền tảng vững chắc cho các phân tích định lượng sâu hơn về mối quan hệ nhân quả giữa các biến số, mà còn là cơ sở khoa học giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chiến lược phát triển du lịch phù hợp, hiệu quả và thực sự bền vững cho Tây Ninh.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Các khái niệm

Phát triển được hiểu là một quá trình biến đổi liên tục, có hệ thống và hướng đến sự hoàn thiện, không chỉ bao hàm sự tăng trưởng về mặt số lượng mà còn là sự thay đổi về chất (Phạm Văn Bảy, 2013).

Bền vững là khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến tài nguyên môi trường, xã hội và văn hóa của các thế hệ tương lai, đảm bảo hệ sinh thái - xã hội có thể phục hồi và duy trì ổn định lâu dài (Meadows et al., 1972).

Phát triển bền vững là quá trình hướng tới sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, thông qua quản lý tài nguyên hợp lý và sự tham gia của cộng đồng để đảm bảo lợi ích cho cả hiện tại và tương lai (Bùi Quang Bình và Đỗ Thị Ngân, 2022).

Du lịch được định nghĩa là các hoạt động di chuyển và lưu trú tạm thời của cá nhân bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm khám phá, trải nghiệm và tận hưởng các giá trị đặc trưng về văn hóa, thiên nhiên và đời sống của điểm đến (Nguyễn Minh Tuệ, 2010).

Phát triển du lịch bền vững là hình thức đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và cộng đồng mà không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, đảm bảo cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội - văn hóa và bảo vệ môi trường, với sự tham gia của cộng đồng địa phương (Butler, 2019).

Lý thuyết nền

Lý thuyết phát triển bền vững

Lý thuyết phát triển bền vững là nền tảng trong quản lý môi trường, kinh tế và xã hội, nhấn mạnh sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Lý thuyết này đã định hình nhiều chính sách và nghiên cứu toàn cầu, thúc đẩy hành động có trách nhiệm vì tương lai bền vững. Trong nghiên cứu này, lý thuyết cung cấp khung đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch bền vững (tài nguyên, hạ tầng, cộng đồng, chính sách, loại hình và định hướng phát triển) nhằm duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.

Lý thuyết quản lý du lịch bền vững

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO, 2013), lý thuyết quản lý du lịch bền vững tập trung vào việc điều hành hoạt động du lịch theo các nguyên tắc phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội trong khi bảo vệ môi trường và tài nguyên. Lý thuyết này cung cấp khung hướng dẫn cho chính sách và thực tiễn du lịch có trách nhiệm. Trong nghiên cứu này, lý thuyết quản lý du lịch bền vững được áp dụng để phân tích các yếu tố tài nguyên - môi trường và đề xuất tiêu chí đánh giá hiệu quả phát triển du lịch bền vững.

Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng

Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng trong du lịch nhấn mạnh vai trò chủ động của cộng đồng địa phương trong việc ra quyết định, lập kế hoạch và quản lý hoạt động du lịch, nhằm đảm bảo lợi ích được chia sẻ công bằng và cộng đồng có quyền kiểm soát các tác động đến môi trường sống. Trong quản lý du lịch bền vững, lý thuyết này định hướng xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sự tham gia toàn diện của cộng đồng, qua đó bảo vệ các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường một cách bền vững.

Lý thuyết nhu cầu du lịch

Lý thuyết này tập trung vào việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định du lịch của cá nhân, bao gồm lựa chọn điểm đến, thời gian và hoạt động tham gia (Kozak, 2016). Nhu cầu du lịch chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, tâm lý và đặc điểm điểm đến. Lý thuyết cung cấp cơ sở để dự đoán xu hướng, xây dựng chiến lược marketing và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường mục tiêu.

PHÁT TRIỂN GIẢ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Mối quan hệ giữa nhu cầu du lịch và phát triển du lịch bền vững

Nhu cầu du lịch, đặc biệt là xu hướng tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa, sinh thái và giải trí, được xem là động lực khởi nguồn cho sự phát triển của hệ thống du lịch. Tại Tây Ninh, nhu cầu du lịch ngày càng tăng không chỉ tạo cơ hội kinh tế, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn cảnh quan và giá trị văn hóa tại các điểm đến như rừng tràm Tân Lập, khu đất ngập nước Láng Sen… Nhu cầu này thúc đẩy sự đa dạng hóa các loại hình du lịch (du lịch nông nghiệp, cộng đồng); đồng thời đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng vào cơ sở hạ tầng (đường sá, cơ sở lưu trú) để đáp ứng kỳ vọng của du khách (Lim và cộng sự, 2019). Do đó, các giả thuyết sau được đề xuất:

H1: Nhu cầu du lịch có tác động tích cực đến sự phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh.

H2: Nhu cầu du lịch có tác động tích cực đến sự phát triển hạ tầng du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh.

Mối quan hệ giữa sự tham gia cộng đồng và hạ tầng du lịch, chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch bền vững

Sự tham gia của cộng đồng địa phương là nhân tố nền tảng, ảnh hưởng sâu sắc đến tính bền vững của các hoạt động du lịch. Khi cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch và quản lý, họ sẽ góp phần phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả, phù hợp với giá trị bản địa (Giampiccoli và Saayman, 2017). Sự tham gia này còn là chìa khóa để nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại những trải nghiệm chân thực và tạo dựng giá trị lâu dài cho du khách (Chan và cộng sự, 2021). Quan trọng hơn, việc trao quyền cho cộng đồng trong hoạt động du lịch giúp bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích được chia sẻ công bằng - cốt lõi của phát triển bền vững. Do đó, các giả thuyết sau được đề xuất:

H3: Sự tham gia của cộng đồng có tác động tích cực đến sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh.

H4: Sự tham gia của cộng đồng có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh.

H5: Sự tham gia của cộng đồng có tác động tích cực đến chất lượng dịch vụ du lịch tại tỉnh Tây Ninh.

Mối quan hệ giữa hạ tầng du lịch và phát triển du lịch bền vững

Hạ tầng du lịch bao gồm cả hạ tầng vật chất và công nghệ số, đóng vai trò hỗ trợ thiết yếu. Một hệ thống hạ tầng được quy hoạch tốt sẽ tăng khả năng tiếp cận, nâng cao trải nghiệm của du khách và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó tạo điều kiện cho sự tăng trưởng bền vững (Trương Trí Thông, 2020). Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H6: Hạ tầng du lịch có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh.

Mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ và phát triển du lịch bền vững

Chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định sự hài lòng và lòng trung thành của du khách. Dịch vụ chất lượng cao không chỉ nâng cao danh tiếng điểm đến mà còn thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm (giảm rác thải, sử dụng sản phẩm địa phương), góp phần vào sự bền vững về kinh tế và môi trường (Alsiehemy, 2023). Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H7: Chất lượng dịch vụ có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh.

Từ các giả thuyết trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu

Đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh(*)

Nguồn: Tác giả đề xuất, 2025

KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu này đã xây dựng một mô hình nghiên cứu toàn diện về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở lý thuyết, mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 5 nhóm nhân tố chính: Nhu cầu du lịch, Sự tham gia của cộng đồng, Hạ tầng du lịch, Chất lượng dịch vụ và Phát triển du lịch bền vững.

Những phát hiện từ nghiên cứu này mang lại 2 đóng góp chính. Thứ nhất, nghiên cứu cung cấp một mô hình phát triển du lịch bên vững có tính thực tiễn và đáng tin cậy đã được kiểm định bởi 12 chuyên gia có chuyên môn sâu trong lĩnh vực du lịch, phù hợp để áp dụng tại Tây Ninh cũng như các địa phương có đặc điểm tương tự như Tây Ninh. Thứ hai, mô hình nghiên cứu có thể được sử dụng làm nền tảng cho các nghiên cứu định lượng tiếp theo, đặc biệt là phân tích mối quan hệ nhân quả bằng các kỹ thuật phân tích nâng cao như SEM.

Tóm lại, nghiên cứu này không chỉ góp phần làm rõ các yếu tố then chốt trong phát triển du lịch bền vững tại Tây Ninh, mà còn mở ra hướng đi cụ thể cho việc đánh giá, theo dõi và cải thiện chất lượng du lịch địa phương trong dài hạn.

(*) Nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15.

Tài liệu tham khảo:

1. Adnyana, I. B. P., Anwar, N., Soemitro, R. A. A., & Utomo, C. (2015). Critical success factors of public-private-community partnership in Bali tourism infrastructure development. Journal of Sustainable Development, 6(8), 208-214.

2. Ali, A. and J. Frew, A. (2014). ICT and sustainable tourism development: an innovative perspective. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 5(1), 2-16. https://doi.org/10.1108/jhtt-12-2012-0034

3. Alsiehemy, A. (2023). Events-based service quality and tourism sustainability: The mediating and moderating role of value-based tourist behavior. Sustainability, 15(21), Article 15303. https://doi.org/10.3390/su152115303

4. Bảy, P.V. (2013). Quy luật và biến đổi trong xã hội. Nxb Lao Động.

5. Bình, B.Q., & Ngân, Đ.T. N. (2022). Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động kép của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Tạp chí Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, 292(12), 20-33.

6. Bnews (2023). Đầu năm, khách du lịch đến Long An tăng 60%. https://bnews.vn/dau-nam-khach-du-lich-den-long-an-tang-60/276098.html

7. Butler, R. (2019). Tourism, environment, and sustainability: Conceptual and practical perspectives. Annals of Tourism Research, 77, 30-42. https://doi.org/10.1016/j.annals.2019.05.005

8. Chan, J.K.L., Marzuki, K.M., & Mohtar, T.M. (2021). Local Community Participation and Responsible Tourism Practices in Ecotourism Destination: A Case of Lower Kinabatangan, Sabah. Sustainability, 13(13302). https://doi.org/10.3390/su132313302

9. Giampiccoli, A., & Saayman, M. (2017). Community-based tourism, responsible tourism, and infrastructure development and poverty. African Journal of Hospitality, Tourism and Leisure, 6(1), 1-17.

10. Kozak, M. (2016). Tourism demand: A metasearch analysis. Journal of Travel Research, 55(5), 593-607. https://doi.org/10.1177/0047287515592856

11. Lim, C., Zhu, L., & Koo, T. T. (2019). Urban redevelopment and tourism growth: Relationship between tourism infrastructure and international visitor flows. International Journal of Tourism Research, 21(2), 187-196. https://doi.org/10.1002/jtr.2256

12. Meadows, D. H., Meadows, D. L., Randers, J., & Behrens, W. W. III. (1972). The limits to growth. Universe Books.

13. Tuệ, N.M. (2010). Tổng quan du lịch. Nxb Giáo dục.

14. Trương Trí Thông (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 56(3C): 184-193.

15. World Tourism Organization (UNWTO) (2013). Sustainable tourism for development guidebook. https://doi.org/10.18111/9789284415496

Ngày nhận bài: 5/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 17/7/2025; Ngày duyệt đăng: 18/7/2025